"Vợ nhặt" có xen cả những tiếng cười. Ngoài dòng nước mắt thương con, tủi phận của bà cụ Tứ, tiếng hờ khóc tỉ tê, câu chuyện dường như tươi sáng hơn nhờ những tiếng cười. Đó là tiếng "reo cười" của bọn trẻ con, "cười hềnh hệch"
của Tràng, nhưng cũng đủ làm "cái xóm ngụ cư ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một lúc". Chi tiết này làm chúng ta nhớ đến cái xôn xao của phố huyện mỗi lần chuyên tàu đêm chạy qua trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" (Thạch Lam).
Tiếng cười "rung rúc" của người dân xóm chợ, tiếng "cười khanh khách" của Tràng, cái cười "đon đả" của mẹ Tràng... Tất cả những chi tiết Kim Lân miêu tả tiếng cười trong truyện làm cho không khí của "Vợ nhặt" đỡ u ám hơn.
Sức sống của một tác phẩm văn học phải được nảy mầm từ cội rễ của những giá trị nhân văn sâu sắc, và nở hoa cùng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Vợ nhặt của Kim Lân là tác phẩm như thế.
Nét riêng của Kim Lân là một ngòi bút sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người. Nghệ thuật
“biện chứng tâm hồn” đã thể hiện nhuần nhị trong từng biến thái tinh tế, phong phú của tâm lý nhân vật. Tác giả phải có sự thấu hiểu, trân trọng đặc biệt, phải có vốn sống phong phú đến mức độ nào mới có thể diễn tả một cách chân thực, tài tình đến vậy.
Kim Lân đã sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để khắc họa tâm lí nhân vật. Có lúc nhà văn diễn tả tâm lí qua những biểu biện bề ngoài (cử chỉ, lời nói, nét mặt), lúc thì nhà văn mô tả trực tiếp những ý nghĩ sâu kín trong nội tâm nhân vật.
Kim Lân làm cho những tâm trạng kín đáo nhất phải hiện lên qua những chi tiết, cử chỉ đã trở thành “hạt bụi vàng của tác phẩm” (chữ của Paustovsky), mà chỉ cần thiếu đi một chút tinh tế, người ta sẽ bỏ qua: một tiếng gắt vô duyên vô cớ, một tiếng khẽ ho, những bước chân bước vội ra sân, thái độ điềm nhiên và miếng cám vào trong miệng…
Bởi vậy, đến với nhân vật của Nam Cao, nhiều lúc ta có cảm giác như họ “thật hơn cả con người bằng máu thịt” (Charlotte Delbo), như bước từ đời thực mà vào trang sách chứ không hề do dụng công xây dựng của tác giả.
Đọc đoạn văn Kim Lân, ta bắt gặp thứ ngôn ngữ như vắt ra từ cuộc sống bình dị. Kim Lân quả rất tài trong việc xây dựng những lời thoại thật ít chữ, văn xuôi hết sức – vì không một từ nào có thể coi là đã được gọt giũa đi cho thơ mộng – thế mà tình cảm chứa đọng trong đó lại rất nhiều.
Cái tài của tác giả là cứ nhẹ nhàng như không mà luồn lách ngòi bút động đến nơi sâu thẳm của hồn người, bắt người ta phải cười, phải khóc, phải sống cùng với nhân vật của mình.
“Vợ nhặt” tạc nên bức tranh hiện thực là nạn đói thảm khốc năm 1945, cái nạn đói mà trong “Đôi mắt” của Nam Cao, nhân vật Độ đã hồi tưởng “Cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cái chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”.
Song, ngòi bút Kim Lân đào sâu hơn về giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn đã để trái tim mình đập cùng một nhịp đập với các nhân vật, để đồng cảm, thấu hiểu thân phận nghiệt ngã của họ, đồng thời làm nên bản cáo trạng tố cáo bọn thực dân phát xít tàn bạo đã gây nên nạn đói tàn phá con người. Không có một dòng nào hình ảnh của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật xuất hiện, nhưng tội ác của chúng vẫn hiện lên một cách rõ nét. Nhà văn hướng ngòi bút vào bóng tối nhưng để phát hiện ra ánh sáng tâm hồn của con người. Mặc dù bị xô dẩy đến bước đường cùng, mấp mé bên cái chết, nhưng những người nông dân vẫn cưu mang, giúp đỡ nhau, chia sẻ cho nhau miếng cơm manh áo. Họ vẫn có niềm tin vào tương lai, vẫn mang khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Đó chính là cái đẹp của chủ nghĩa nhân văn, triết lí tình thương vượt lên đau khổ mà Kim Lân hướng tới: “Khi viết về nạn đói, người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói, người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý nghĩa khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng tin tưởng ở tương lai.
Họ vẫn muốn sống, sống cho ra người”.
Hiện thực mà chỉ bằng tố cáo phê phán thì còn khiếm khuyết, nhân đạo mà chỉ có yêu và ghét thì chưa phải là nhân đạo. Nhà văn cần phải hiểu nhân vật và tìm ra con đường tất yếu mà nhân vật phải đi.
Đó cũng chính là một khía cạnh mới của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám: nhà văn không chỉ giải thích hiện thực mà còn góp phần cải tạo hiện thực, chỉ ra con đường giải phóng cho nhân loại cần lao:
con đường cách mạng.
Cái đọng lại cuối cùng vẫn là cách nhìn đời, nhìn người đầy xa xót và thương yêu của nhà văn, là niềm tin mà dường như ông muốn trao gửi đến tất cả chúng ta qua thiên truyện ngắn. Rằng dù cuộc sống có bi thảm đến đâu thì cái cội nguồn nhân bản lưu giữ trong nhân dân vẫn là bất diệt, rằng con người không có khao khát chính đáng nào hơn là khao khát được sống như một con người, được nên người. Và nếu có ai ngờ vực niềm tin ấy, nếu có ai cho rằng cuộc đời độc ác đắng cay không dành một chỗ nào cho niềm hi vọng hiền lương, thì Kim Lân có thể mượn hai câu thơ của Louis Aragon để đáp lời:
“Các anh tin hay không lời tôi nói Tôi đã khổ đau nên có đủ quyền.
Dẫu mặt trời có xa khi người bước tới.
Dẫu cổ con người dành cho tay đao phủ.
Dẫu cánh tay giang cho đóng đinh treo lên.
Hạnh phúc con người vẫn có và tôi tin”.