“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Thân phận người phụ nữ thời phong kiến đã tội nghiệp như vậy đấy. Vậy mà, dưới ách áp bức của Pháp, Nhật trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, thân phận của họ còn đáng thương hơn nữa.
Câu chuyện khởi đầu từ nhân vật Tràng, nhưng thị lại là người tạo ra bước đột phá.
Lai lịch, xuất thân
Kim Lân không hề nói về lai lịch, xuất thân của người đàn bà. Chẳng ai biết gốc tích của chị ta ở đâu? Cha mẹ là ai? Anh em thế nào? Tất cả đều không. Chỉ biết ngày ngày, chị ta ngồi lẫn vào đám đàn bà con gái tụ tập trước cửa kho thóc để nhặt nhạnh hạt rơi hạt vãi hay chờ có ai thuê mướn việc gì thì làm để kiếm sống.
Thương thay cho người phụ nữ của Kim Lân, đến cái tên để gọi cũng không có.
Xấu xí đến như thị Nở còn có một cái tên, dù cái tên ấy cũng chẳng đẹp đẽ gì.
Thế nhưng người đàn bà không có nổi một cái tên, mà chỉ được gọi bằng những danh từ phiếm chỉ như “thị”, “người đàn bà”. Nếu cái tên là minh chứng cho sự hiện diện của con người trên cõi đời, là thứ tài sảntối thiểu của mỗi con người, thì dường như thị đã đánh mất tất cả, cả tài sản cũng như sự sống của mình.
Vả lại, không phải là Kim Lân hẹp hòi mà vì người đàn bà ấy đã được Tràng
"nhặt" được. Mà của nhặt được thì hoặc người ta chẳng biết tên, hoặc cũng chẳng ai quan tâm đến cái tên của nó làm gì.
Hơn nữa, ai mà tính được, biết được từng con người cụ thể trong số hơn hai triệu người chết trong năm đói Ất Dậu? Kể ra cái đói, bỏ xứ tha phương cầu thực, biết đâu ngày mai không còng queo cái xác bên đường, thì tên tuổi làm gì.
Vậy thì có ai phải băn khoăn truy tìm nguồn gốc hay cái tên của một hạt cát, một chiếc lá quay cuồng trong cơn lốc hay không? Để tình trạng vô danh cho nhân vật như thế, có khi, thêm một sức nặng tố cáo và khái quát.
Nhưng cái vô danh ấy đâu phải là vô nghĩa. Không ngờ ẩn trong cái chữ thảm thê “vợ nhặt” ấy lại là một sức mạnh truyền thống có độ dày hàng nghìn năm.
“Nhặt” thì không ra gì, nhưng “vợ” thì vinh dự. Chữ “an” trong Hán tự có chữ
“nữ”, nghĩa là đàn bà vào nhà thì yên lành, hạnh phúc. Cho nên cái danh xưng
“vợ” ấy không phải dễ dàng hiện ra ngay: úp mở bằng nói lái của trẻ con, ước đoán ở hàng xóm, rồi năm rè, bảy rụt mượn chai dầu làm cớ, Tràng mới dám đọc nó ra: “vợ mới vợ miếc”. Và sau này, cũng chính chữ “vợ” ấy đã để cho thị hiện ra với tất cả phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Chân dung, ngoại hình
Nhân vật người vợ nhặt chính là nạn nhân rõ nét nhất bị cái đói làm thay đổi cả hình hài lẫn tính cách. Kim Lân miêu tả thị với những nét hiện thực tàn nhẫn nhất. Lần đầu khi gặp Tràng đang kéo xe bò, thị hồn nhiên cười giỡn với anh.
Nhưng đến lần gặp thứ hai, thị làm Tràng phải ngạc nhiên vì “hôm nay thị rách quá,áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”, “hai con mắt trũng hoáy”, “cái ngực gầy lép”.
Thị Nở trong tác phẩm của Nam Cao được miêu tả là xấu đến ma chê quỷ hờn, thế nhưng dưới ánh trăng, trong vườn chuối, ít nhất thị Nở còn khiến cho Chí Phèo rung động. Còn ở đây, thị trơ ra với cái đói, chẳng có trăng, chỉ còn trơ lại với những nét tàn nhẫn nhất.
Có lẽ Kim Lân đã phát huy một cách hiệu quả sức mạnh nghệ thuật của bút pháp “tả chân” - một yếu tố nghệ thuật mang dấu ấn thi pháp của khuynh hướng hiện thực để nhấn sâu, tô đậm chân dung thê thảm của một người phụ nữ là nạn nhân của nạn đói.
Trước khi về nhà Tràng
Trong một bận kéo xe thóc lên Liên đoàn tỉnh, qua cửa nhà kho, Tràng thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra đấy, bèn “hò một câu chơi cho đỡ nhọc”:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”.
Không ngờ câu hò vu vơ của Tràng khiến mấy cô nàng xôn xao. Mà xôn xao thật vì trong lúc bụng đói cồn cào mà lại nghe thấy tiếng hò có cả cơm ngon lẫn thịt. Các cô vẫn thừa hiểu câu nói chỉ là vu vơ thì nhưng trong khi các cô còn đùn đầy thì "thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng".
Cái câu hò mà có người gọi là “hò hỏi vợ” của Tràng, với bản thân anh ta thì đúng là để cho đỡ nhọc và cũng chẳng có ý chòng ghẹo tán tỉnh cô nào. Nhưng tại sao cô ả này lại chạy ra rồi cong cớn, rồi gọi “nhà tôi ơi”, rồi cười tít mắt khiến cho Tràng thích chí lắm và thấy rằng “từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế”. Có lẽ bởi thị vẫn muốn níu giữ hi vọng rất đỗi mỏng manh về miếng ăn hấp dẫn trong câu hò của Tràng. Ấy còn là vì, chính người đàn bà ấy đã nhìn thấy cái vẻ đẹp của một tâm hồn khỏe khoắn, hồn nhiên giữa những tai họa. Có bao người xạm mặt vì lo âu, đói khát?
Tràng thì, do bản tính mộc mạc, cứ hò hát vô tư thế thôi.
Những lần gặp gỡ giữa thị và Tràng cũng chỉ như bèo nước gặp nhau, đâu cần chào hỏi, đâu cần biết đối phương là ai. Cái đói đã hai lần đẩy người đàn bà này lại với Tràng. Nhưng giữa hai lần đói, thị đã biến đổi ghê gớm: từ cô gái khỏe mạnh “liếc mắt, cười tít”, “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”, qua ít hôm đã trở nên “rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt” khiến Tràng không nhận ra được.
Cái đói đã biến hình xác thị thành hẳn một con người khác, và cũng biết luôn thị thành người phụ nữ chua ngoa, đanh đá tự bao giờ. Nếu như ở lần gặp thứ nhất, thị sang sái chạy ra đẩy xe bò, đáp lại lời hò của Tràng, thì ở lần gặp thứ hai, chị ta cong cớn chạy ra, “chao chát chỏng lỏn” mắng mỏ Tràng, đưa đẩy, vòi vĩnh để được ăn. Hơn một lần, Kim Lân miêu tả vẻ “cong cớn” của người đàn bà.
Lần đầu gặp Tràng, thị “cong cớn”: “Có khối cơm trắng mấy giò đấy!”, để tỏ ra mình là một người khôn ngoan, không bị mắc lỡ một câu hò. Nhưng chính trong cách thị cố tỏ ra khôn ngoan, người đọc lại cảm thấy dường như thị đang kiếm tìm một hi vọng thảm hại về miếng ăn. Và ở lần gặp thứ hai, thị “cong cớn” gạt phăng miếng trầu xã giao lễ nghĩa: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”, để kiếm bốn bát bánh đúc, mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Thị bất chấp lí trí. Cái đói đã xui khiến thị hi vọng về miếng ăn có thật ở một người đàn ông xa lạ.
Kim Lân rất chú trọng đặc tả dáng chạy của người đàn bà. Ở lần đầu gặp, thị
“vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Nhưng đến lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy đến … đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu!”. Dáng chạy của người đàn bà mang vẻ tức tối vì không được bữa ăn như trong câu hò của Tràng. Song, sâu xa hơn cái giận là sự hối hả, gấp gáp vì thị nhìn thấy ở Tràng cơ hội vòi vĩnh để được mời ăn.
Khi được Tràng mời ăn, “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên”. Anh Tràng chỉ mời một cách vu vơ cho phải phép, còn thị thì ăn thật. Kim Lân đã miêu tả rất sắc cách ăn của thị, chỉ qua một câu ngắn gọn mà hành động của thị
như hiện hình trước mắt: “Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Cách ăn ấy đã bộc lộ một cách thảm hại nhất, chua xót nhất, chát chúa nhất tình cảnh của người đàn bà. Cái đói đã thôi thúc thị, đối với thị lúc này, miếng ăn là tất cả. Sự đói khát đã hủy hoại nhân cách của thị, buộc thị phải vứt bỏ ý thức, phép tắc, sĩ diện, xấu hổ. Miếng ăn làm cho con người ta trở nên chao chát, chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao!
Miêu tả cách ăn không mấy đẹp đẽ của thị đã đành, Kim Lân càng đẩy cao sự trơ trẽn lên qua một hành động của thị: “ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở: Hà, ngon!”. Một chữ “thở” mà nói lên bao điều: vừa mệt lại vừa sung sướng. Đây là hành động của một con người đã đói khát lâu ngày, giờ đây được no nê. Qua hành động không còn một chút gì ý tứ, duyên dáng này, sự thê thảm của thân phận người đàn bà đã lên đến tột cùng.
Cái đói thật có sức tàn phá kinh hoàng. Chỉ qua mấy hôm mà nó đã biến một người đàn bà biết thương yêu thành người có thể chỉ vì miếng ăn mà quên đi tất cả sĩ diện của mình. Ranh giới sự sống – cái chết đã không cho thị quyền chọn lựa, thị trở thành hiện thân của con người bản năng. Một chi tiết nhỏ của Kim Lân, vậy mà có ý nghĩa thật đa chiều. Vừa gợi sự thảm hại của con người, lại vừa tố cáo cái tội ác dã man của Nhật - Pháp thông qua "cái đói".
Nhưng cái hành động trên không phải là bản chất của thị. Thế nên ngay sau khi
"ấm bụng", thị đã nói một câu tế nhị và sâu sắc lắm: "Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố". Rồi, với câu nói “tưởng là nói đùa” của Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, “thị về thật” mà không một điều kiện ràng buộc nào. Thế là cái cớ của câu chuyện đã được gợi ra. Thị về làm dâu nhà Tràng chỉ đơn giản như thế.
Thị lấy chồng không một quả cau, không một lá trầu, chẳng có một chút gì lễ nghi thủ tục như những đám cưới truyền thống của người Việt:
“Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”.
Lấy chồng là chuyện thiêng liêng phó thác cả đời mình cho người đàn ông mà mình yêu kính, nhưng cô vợ của Tràng hoàn toàn đi theo tiếng gọi của cái ăn, tiếng gọi của sự sống. Thị trở thành “vợ nhặt” đúng theo cái nghĩa của nó, người vợ được “nhặt” về như cỏ rác. Giá trị và nhân cách của con người bị hạ thấp một cách thê thảm, khi chỉ cần một câu hò bâng quơ, bốn bát bánh đúc cùng một câu nói tầm phơ tầm phào cơ hồ đã thành cả nghi lễ dạm hỏi.
Ta bỗng nhớ đến đám cưới của Tràng trong “Một đám cưới” của Nam Cao.
Nam Cao cũng lấy bối cảnh của cái đói nghèo, nhà văn viết "Một đám cưới"
năm 1944, khi mà cái đói mon men tới gần, len lách vào từng ngõ nhỏ cuộc đời những người dân lao động. Đám cưới của Dần dẫu sao cũng có vẻ "sang" hơn đám cưới của Tràng. Cô bé ấy được cưới xin cẩn thận, có cả cau cả chè. Còn Tràng, chỉ vài câu bông đùa, mấy bát bánh đúc thế mà tự nhiên có vợ.
Giữa lúc mà “Người chết như ngả rạ” thì người đàn bà này đã bị đẩy đến chỗ cùng đường liều lĩnh rồi. Cứ nhìn cái cách thị ăn đủ hiểu. Ai biết được chẳng bao lâu nữa thị cũng sẽ là một giữa bao nhiêu cái xác “nằm còng queo bên đường”? Cái đói như con ác thú mà bọn Pháp, Nhật nuôi tạo đã ngốn lấy thị, hút đi bao nhiêu là sinh khí, phẩm giá, lòng tự trọng, để rồi nhả ra là con người bé mọn, dường như vô nghĩa mang tên “vợ nhặt”. Thị như đứa con hoang mà chính sách bóc lột tàn bạo của những kẻ thống trị đã sản sinh rồi vứt ra đầu đường xó chợ trong cuộc sống tha phương cầu thực, mặc kệ sự sống chết. Có bao giờ con người bị “mất giá” như thế này chăng? Những tưởng thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến xưa đã là tột cùng của thiệt thòi và bất hạnh:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”,
nhưng “tấm lụa đào phất phơ giữa chợ” ít ra còn đổi được vài đồng, còn đằng này, thị theo không Tràng…
Còn gì chua chát hơn sau lúc “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”, lại sẵn sàng theo không kẻ cho ăn về làm vợ, chi tiết ấy khiến người đọc thương hại thay cho chị. Nhân phẩm đã mất, dường như thị đã biến thành nô lệ của miếng ăn, bởi sau bữa ăn vội vàng thô tục ấy thị còn tiếp tục cùng Tràng “Ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê. Ấy vậy mà tuyệt nhiên nhà văn không để bộc lộ một mảy may thái độ phản ứng nào của Tràng trước những việc làm đáng khinh của thị, nên đọng lại trong ta một cái nhìn đầy thương hại cho thị mà thôi.
Nhìn thị lúc này có vẻ như rất trơ trẽn, thị đã chối bỏ liêm sỉ, đánh rơi lòng tự trọng. Kẻ hời hợt thì nhìn thị bằng cặp mắt khinh bỉ, người sâu sắc thì ngậm ngùi cám cảnh rưng rưng nước mắt mà cảm thông xót xa cho thị. Cái gì đã làm cho thị đánh rơi mất lòng tự trọng? Cái gì đã làm cho thị trở nên trơ trẽn? Đó là cái đói, cái chết.Những lời nói và hành động của người đàn bà ấy đều xuất phát từ một bản năng ham sống và một ý chí quyết phải sống. Tình thế đã đặt thị phải đứng trước một sự lựa chọn. Hoặc là chết đói mà bảo toàn danh dự, sĩ diện, hoặc là phải tạm quên sĩ diện danh dự để mà sống. Tất nhiên, chị đã chọn cách thứ hai.
Vì sống cho nên thị phải ăn, bởi sống mới là nhân văn nhân bản. Đã có bao triết lý ném ra giữa đời để bênh vực những người như thị, ví như ngạn ngữ Hi Lạp cho rằng: "Có ai chết hai lần để học bài học kinh nghiệm về cái chết bao giờ đâu" hay Nguyễn Khải đã có lúc khẳng định "Muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống cho dù phải sống táo bạo, sống ghen tị với mọi người và hờn giận với chính bản thân mình". Thật vậy, hãy một lần ta đặt mình vào hoàn cảnh của thị ta sẽ thấu hiểu được nỗi tủi hờn và nhục nhã trong thị. Và như vậy thị thật đáng thương, đáng chia sẻ hơn là đáng trách.
Bốn bát bánh đúc trong những tháng ngày đói kém, chúng đủ phép màu để làm hai con mắt trũng hoáy của người phụ nữ đói rách sáng lên. Có xót xa không, khi tác giả buộc ta phải nghĩ: cái đói quay đói quắt nọ, té ra nó cũng có thể xe duyên cho một mối tình!
Tính huống trên và những chi tiết như trên, có thể nói, sẽ là chất liệu ngàn vàng cho những cây bút muốn đi tìm thú vui độc địa trong việc chế nhạo những cái bất thành người ở những con người. Nhưng Kim Lân lại không thuộc vào số đó.
Kim Lân – như ông đã hơn một lần tự nói ra – không hề cảm thấy có sự cách biệt giữa mình với những người dân chất phác, nghèo khổ mà ông thường thể hiện. Trong họ, ông luôn thấy có ông. Cũng như họ, ông đã từng long đong lận đận để kiếm miếng ăn, và “ăn cháo cám thì tôi với nhà tôi cũng đã từng”, ông kể thế. Bởi vậy, đọc “Vợ nhặt”, ngay trong những chỗ có vẻ buồn cười nhất thì bao giờ bên dưới tiếng cười cũng lắng lại rất nhiều nỗi buồn và niềm thương cảm.
Những trang viết về mấy con người “dưới đáy” thế này không làm ta thấy khinh ghét con người, mà chỉ thấy xót thương cho họ, buồn cho họ vì nỗi đã không có được đầy đủ điều kiện để sống cho ra người trong một xã hội dẫu sao cũng mang danh là xã hội của con người.
Tràng nhặt được vợ một cách dễ dàng giữa năm nói khủng khiếp. Sự việc này không biết là nên vui hay nên buồn? Mừng hay lo? May hay rủi? Dại hay khôn?
Chỉ biết rằng Tràng thật liều – cái liều của Tràng là ở thời buổi này nuôi than mình còn chưa nổi lại còn đèo bòng. Thị cũng thật liều – Thị liều nhắm mắt đưa than, theo không một chàng trai xa lạ về làm vợ.
“Cũng liều nhắm mắt đưa chân.
Mà xem con Tạo xoay vần ra sao”.
Biết đâu hai cái liều hợp lại sẽ thành một tổ ấm.
Câu chuyện ái tình của họ được Kim Lân miêu tả bằng một giọng văn tưng tửng, như bỡn cợt, đùa vui, song hoàn toàn không phải là bèo bọt trăng gió vu