2.2. THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH
2.2.5. Đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại chi nhánh
2.2.5.3. Nguyên nhân gây rủi ro tín dụng tại DongA Bank Chi nhánh Vũng Tàu
Trong hệ thống ngân hàng việc quản trị rủi ro tín dụng là điều tất yếu và quan trọng hàng đầu trong mục tiêu quản trị của bất kỳ ngân hàng nào, bởi nếu không quản trị tốt rủi ro nó sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tạo ra lợi nhuận và duy trì hoạt động ngân hàng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến rủi ro tín dụng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nguyên nhân sau:
a) Nguyên nhân thuộc về khách hàng
Sử dụng vốn sai mục đích: Khách hàng khi vay vốn thường cung cấp cho ngân hàng hợp đồng mua bán của mình với đối tác, trong hợp đồng có quy định rõ về điều kiện giao hàng và xuất hóa đơn. Đây là căn cứ để ngân hàng tiến hành giải ngân, tuy nhiên sau khi khách hàng nhận được tiền thì họ không còn nhớ đến việc phải bổ sung hóa đơn cho ngân hàng, đến khi ngân hàng yêu cầu bổ sung hóa đơn thì họ lấy lý do hàng kém chất lượng nên chưa thực hiện được hợp đồng. Đây là hành vi cố tình gian lận, sử dụng tiền vay vào mục đích khác đưa ra nhiều lý do để đối phó, lúc này ngân hàng muốn yêu cầu khách hàng thanh lý khoản vay trước hạn cũng không thể vì khách hàng không có tiền đến lúc đáo hạn khách hàng không đủ khả năng trả nợ, ngân hàng buộc phải khởi kiện khách hàng. Một số khách hàng doanh nghiệp thì dùng phương án kinh doanh để vay vốn sau đó dùng tiền vay phục vụ cho mục đích cá nhân là mua bất động sản đến khi ngân hàng phát hiện ra thì đã muộn vì đã giải ngân hết cho khách hàng.
Để thực hiện được những hành vi trên đều nhờ vào sự giúp sức của đối tác làm ăn lâu năm, họ lập hợp đồng mua bán giả để ngân hàng chuyển tiền cho đối tác sau đó
61
đối tác rút tiền mặt và trả lại cho khách hàng. Hậu quả của việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích là làm cho hoạt động kinh doanh khi cần tiền lại thiếu vốn, dẫn đến thua lỗ và không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Năng lực quản lý doanh nghiệp yếu kém: Phần lớn các lãnh đạo điều hành doanh nghiệp đều trưởng thành và đi lên từ thực tiễn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các lãnh đạo điều hành này thường đi từ kinh nghiệm hoạt động kinh doanh thực tiễn của mình mà chưa được đào tạo qua trường lớp, nên không nắm bắt được nguyên lý hoạt động của ngành nghề kinh tế đặc thù mà doanh nghiệp đang hoạt động và họ cũng không biết cách quản lý dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền không hiệu quả, đầu tư dàn trải dẫn đến hoạt động kinh doanh thua lỗ không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Năng lực tài chính không đủ mạnh: Hầu hết các doanh nghiệp vay vốn tại chi nhánh Vũng Tàu đều là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn yếu nhưng do trước đây nhân viên tín dụng còn yếu về nghiệp vụ khả năng thẩm định và đánh giá khách hàng kém trong khi đó báo cáo tài chính không minh bạch dẫn đến những thiếu sót trong khâu thẩm định. Có doanh nghiệp vay vốn xong là phá sản luôn không trả cho ngân hàng một khoản lãi nào từ khi giải ngân cho đến nay.
Cố ý gian lận ngân hàng: Một số khoản nợ trước đây do một nhóm khách hàng đứng tên vay nhưng thực chất là vay cho một khách hàng. Khách hàng lập phương án kinh doanh giả, khi cán bộ thẩm định thẩm định phương án kinh doanh thì khách hàng vẫn chuẩn bị mọi thứ theo kế hoạch cho dự án nhưng thực chất làm như vậy để che mắt ngân hàng. Đến khi ngân hàng cho vay để thực hiện tiếp dự án thì khách hàng đã lộ rõ bản chất là không dùng tiền đó cho mục đích kinh doanh như ban đầu, bằng chứng là khách hàng không thực hiện dự án theo kế hoạch. Về tài sản dùng để bảo đảm cho khoản vay này chủ yếu là sử dụng hợp đồng ủy quyền cho người thứ ba, cụ thể: Người có tài sản muốn vay vốn nhưng họ không chứng minh được nguồn trả nợ, nên đã nhờ người khác đứng ra vay dùm bằng hình thức sử dụng hợp đồng ủy quyền tài sản cho người đứng ra vay vốn, tuy nhiên người này dùng tài sản ủy quyền để vay với số tiền lớn hơn số tiền theo thỏa thuận với người có tài sản nên khi xẩy ra nợ quá hạn ngân hàng đưa ra tòa khởi kiện và phát mãi tài sản để bán thì lại gặp khó khăn.
62
Báo cáo tài chính không phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp: Hầu hết các báo cáo tài chính của khách hàng đều không chính xác các số liệu đưa vào báo cáo tài chính đều bị điều chỉnh, một doanh nghiệp có nhiều báo cáo tài chính khác nhau:
một nộp cho cơ quan thuế, một nộp cho ngân hàng, một dùng trong nội bộ, ba bản báo cáo đều có con số không giống nhau vì vậy rất khó để đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do khách hàng sử dụng vốn vay không hiệu quả: Một số khách hàng sử dụng vốn vay không hiệu quả do khả năng quản lý dòng tiền không tốt, việc phân bổ và đầu tư nguồn tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh không hợp lý dẫn đến thua lỗ, phá sản.
Thái độ thiếu thiện chí và bất hợp tác trong việc trả nợ: Một số khách hàng có tiền nhưng cố tình không trả nợ, khi ngân hàng làm động tác mạnh như lập biên bản, gửi công văn đến nơi làm việc thì họ mới có động thái trả nợ, một số khách hàng cá nhân thì trả nợ ì ạch, lại không có thái độ hợp tác với ngân hàng, khi ngân hàng gọi điện nhắc nợ thì không nghe máy hoặc thay đổi số điện thoại. Đây là một trong những nguyên nhân điển hình gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
b) Nguyên nhân thuộc về ngân hàng
Năng lực quản trị rủi ro tín dụng của Lãnh đạo ngân hàng yếu kém: Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là năng lực quản trị rủi ro tín dụng của Lãnh đạo chi nhánh từ khâu cho vay đến khâu thu hồi nợ chưa thực sự được quan tâm sâu sát, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý còn lỏng lẻo. Việc phân công công việc chưa khoa học và hợp lý, các khoản nợ phân cho cán bộ tín dụng quản lý trực tiếp thu hồi nợ, Giám đốc là người phụ trách chính nhưng không có biện pháp theo dõi; kiểm tra làm cho tình trạng nợ quá hạn ngày một tăng lên, lại không có biện pháp xử lý kịp thời nên việc khắc phục sai sót; tồn tại còn chậm.
CBCNV chưa có ý thức tự quản trị rủi ro tín dụng: Hầu hết CBCNV có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng chưa có ý thức trách nhiệm trong việc hạn chế rủi ro tín dụng mà chỉ làm việc một cách máy móc theo quy trình, quy định mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của quản trị rủi ro tín dụng.
Phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng ngày càng xuống cấp: Thực trạng cán bộ tín dụng nhận tiền của khách hàng rồi bỏ qua một số điều kiện cần thiết của khoản
63
vay là nguyên nhân gây nên rủi ro, bởi chỉ những khách hàng không có khả năng về tài chính thì mới mốc nối ăn chia hoa hồng với nhân viên ngân hàng để đạt được mục đích mong muốn, đây là một ví dụ điển hình tại chi nhánh, nhân viên tín dụng thẩm định qua loa khách hàng che dấu sự yếu kém về năng lực tài chính, tự lập phương án kinh doanh cho khách hàng để đảm bảo tính khả thi nhằm qua mặt lãnh đạo, thiếu trung thực trong quá trình thẩm định hồ sơ, cung cấp thông tin sai sự thật cho lãnh đạo nhằm giúp khách hàng vay tiền. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngân hàng và gây nên tình trạng nợ quá hạn cho chi nhánh.
Phân bổ và sắp xếp nhân sự chưa hợp lý: Tín dụng là bộ phận quan trọng nhất về nghiệp vụ ngân hàng, nợ xấu phát sinh có một phần nguyên nhân do sự phân bổ và sắp xếp nhân sự chưa hợp lý. Theo mô hình trước đây cán bộ tín dụng thực hiện hết các công việc từ phát triển khách hàng đến khi giải ngân và đòi nợ, áp lực này đè nặng lên vai cán bộ tín dụng trong khi tại chi nhánh chỉ có 3 nhân viên phụ trách tín dụng, lượng công việc quá tải, khó tránh khỏi những sai sót về nghiệp vụ và kiểm soát nợ không được chặt chẽ.
Xếp hạng tín dụng nội bộ chưa thực hiện nghiêm túc: Xếp hạng tín dụng nội bộ là nhiệm vụ mà nhân viên PTKD chi nhánh phải thực hiện, muốn xếp hạng khách hàng chính xác cần thu thập đầy đủ thông tin của khách hàng, đồng thời nhân viên thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ phải có kỹ năng xử lý thông tin, phân tích đánh giá báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trình độ nhận thức của bộ phận PTKD còn thấp chưa hiểu rõ tầm quan trọng khi xếp hạng khách hàng dẫn đến kết quả xếp hạng không đúng với thực tế làm ảnh hưởng đến khả năng nhận diện rủi ro tín dụng.
Thu thập thông tin về khách hàng chưa đầy đủ và chính xác: Thông tin khách hàng được thu thập thông qua tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, thông qua báo chí, phỏng vấn khách hàng… nhưng những thông tin này chưa đủ độ tin cậy. Trung tâm tra cứu thông tin tín dụng (CIC) là một kênh tra cứu thông tin rất phổ biến và hữu ích đối với ngân hàng hiện nay, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng tối đa thông tin khách hàng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa thu thập được hết số lượng khách hàng hiện nay. Ngân hàng không có đủ thông tin về các số liệu thống kê, chỉ tiêu để phân tích và đánh giá khách hàng… dẫn đến việc xác định sai
64
hiệu quả của phương án xin vay hoặc xác định thời hạn cho vay và trả nợ không phù hợp với phương án kinh doanh của khách hàng.
Không thực hiện đúng quy trình, quy định đã ban hành nhất là khâu tái thẩm định khách hàng. Hội sở quy định thời gian cụ thể đối với khách hàng vay vốn từ sáu tháng trở lên chi nhánh tái thẩm định thực tế hoạt động kinh doanh của khách hàng, nhưng chi nhánh chỉ thực hiện theo hình thức đối phó cho qua đến khi khách hàng không trả nợ mới bắt đầu rà soát, đôn đốc đòi nợ lúc này khách hàng đã phá sản mà ngân hàng không hay biết. Ngoài ra, khối lượng công việc hằng ngày quá nhiều nhân viên tín dụng không có thời gian để nghiên cứu kỹ các quy trình, quy định mới dẫn đến thiếu sót trong quá trình tác nghiệp gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Chính sách lãi suất và hạn mức cho vay không đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng lớn tiềm năng và có uy tín. Những khách hàng này chủ yếu đi vay tại các ngân hàng quốc doanh, điều này đồng nghĩa với việc một số khách hàng không đủ điều kiện đi vay tại các ngân hàng quốc doanh mới chấp nhận lãi suất cao và hạn mức thấp để đi vay tại các ngân hàng TMCP, do không đánh giá kỹ khách hàng nên rủi ro đối với nhóm khách hàng này là tất yếu. Vì vây, việc áp dụng lãi suất và hạn mức tín dụng phù hợp là điều cần thiết để thu hút khách hàng tiềm năng hạn chế rủi ro đối với khách hàng uy tín thấp.
Năng lực thẩm định: Khả năng thẩm định là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà mỗi nhân viên tín dụng cần trao dồi và học hỏi kỹ năng này. Việc thẩm định một dự án có khả thi hay không đòi hỏi người thẩm định phải có chuyên môn sâu rộng. Ngoài ra, một dự án không khả thi còn phụ thuộc vào yếu tố tác động khác từ bên ngoài nhưng đó chỉ là một phần trong tất cả các rủi ro tiềm ẩn. Khả năng đánh giá một dự án tốt hay xấu đều phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và năng lực của người thẩm định. Tại chi nhánh Vũng Tàu đội ngũ cán bộ tín dụng còn non kém chưa có nhiều kinh nghiệm lại không được đào tạo nghiệp vụ, chủ yếu là người trước chỉ cho người sau nên dễ dẫn đến những sai sót khó khắc phục.
Chú trọng đến tài sản bảo đảm hơn là tính khả thi của phương án kinh doanh:
Một phương án kinh doanh khả thi thì mới có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, hầu như chi nhánh đã quan tâm nhiều đến giá trị của tài sản mà lơ là về phương án kinh doanh của khách hàng dẫn đến nhiều khoản nợ không có khả năng trả nợ do phương án kinh
65
doanh không khả thi. Vì vậy, chi nhánh phải mang tài sản đi bán để trả cho khoản nợ của khách hàng, việc này có thể kéo dài từ năm này sang năm khác do không có người mua, đây là bài học chi nhánh cần rút kinh nghiệm về sau.
Chưa đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng: Dư nợ hiện tại của chi nhánh chỉ tập trung vào các sản phẩm tín dụng như bổ sung vốn kinh doanh, cho vay tài trợ xây dựng, cho vay sửa chữa nhà, cho vay tiêu dùng trả góp mà chưa phát triển các sản phẩm khác như sản phẩm cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay nhanh, cho vay tài trợ xuất nhập khẩu… việc tập trung vào một số sản phẩm nhất định sẽ dễ gây rủi ro tín dụng tập trung chi nhánh nên xem xét đa dạng hóa sản phẩm để tránh các rủi ro này.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng chưa thường xuyên, thường chỉ một năm một lần kiểm soát nội bộ mới đến chi nhánh để kiểm tra tính tuân thủ quy trình, quy định trong công tác cấp tín dụng của chi nhánh. Trong những lần kiểm tra như vậy, bộ phận kiểm soát nội bộ chỉ kiểm tra một số hồ sơ điển hình sau đó đưa ra các sai sót mà không tư vấn hay đưa ra các biện pháp cũng như những cảnh báo để chi nhánh có hướng khắc phục hay ngăn ngừa rủi ro. Sự cả nể trong mối quan hệ với lãnh đạo chi nhánh là một trong những nguyên nhân khiến cho người kiểm soát nội bộ không đưa ra hết những khuyết điểm của hồ sơ làm cho các sai sót cần khắc phục lại không được đơn vị quan tâm và chỉnh sửa.
Chưa quan tâm đến việc tạo mối quan hệ bền vững với khách hàng: Việc tạo mối quan hệ lâu dài và tương tác thường xuyên với khách hàng là cần thiết để nắm bắt và thu thập thông tin khách hàng một cách nhanh chóng nhất, kịp thời phát hiện những rủi ro xẩy ra đối với khách hàng không đủ mạnh về tài chính, mở rộng mối quan hệ tốt với khách hàng có uy tín. Thực tế tại chi nhánh hồ sơ sau khi giải ngân thường chỉ theo dõi nhắc nợ khách hàng mà chưa quan tâm chăm sóc khách hàng. Trường hợp có những biến cố xẩy ra như vụ hồ sơ Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế khách hàng của chi nhánh, lập công ty khống chuyên đứng ra làm trung gian để đi vay dùm cho những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và lấy hoa hồng, trong thời gian dài chi nhánh không phát hiện đến khi nợ quá hạn mới tìm hiểu nguyên nhân, lúc này không kịp xoay sở công ty này đổ cho người vay thực sự và không quan tâm đến việc trả nợ.
66
Việc theo dõi thu nợ và xử lý nợ chưa triệt để: Các bộ phận có liên quan trong công tác thu hồi nợ chưa phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Với mô hình mới Bộ phận Phát triển Kinh doanh là người trực tiếp gặp gỡ khách hàng để xử lý nợ nhưng họ chưa thực sự quan tâm mà chỉ lo chạy chỉ tiêu kinh doanh làm cho nợ cũ chưa xử lý xong nợ mới lại phát sinh. Lỗi này không chỉ do nhân viên PTKD mà do lãnh đạo là người trực tiếp quản lý nợ nhưng không chỉ đạo nhân viên quyết liệt xử lý nợ làm cho nợ càng kéo dài và càng khó xử lý hơn.
Chưa theo dõi sát sao mục đích sử dụng vốn của khách hàng: Thông thường các khoản vay sau khi giải ngân, Bộ phận Phát triển Kinh doanh phải kiểm tra mục đích sử dụng vốn của khách hàng xem khách hàng có thực hiện theo đúng cam kết sử dụng vốn đúng mục đích hay không. Trên thực tế các khoản vay sau giải ngân bộ phận PTKD không quan tâm kiểm tra mục đích sử dụng vốn của khách hàng mà lãnh đạo cũng không theo dõi kiểm tra chặt chẽ dẫn đến các khoản vay sau giải ngân không được quản lý để khách hàng vô tư sử dụng vốn không đúng mục đích mà ngân hàng cũng không hay biết.
Các quy trình, quy định do Hội Sở ban hành không rõ ràng, không đưa ra hướng dẫn cụ thể để đơn vị thực hiện, mỗi người hiểu một kiểu và không thống nhất được cách thực hiện nên ai hiểu sao thì làm vậy dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện không đúng theo chủ trương của ngân hàng ví dụ: Trong quy định về cho vay tiêu dùng trả góp đối với đối tượng khách hàng thuộc khối Hành chính Sự nghiệp, để chứng minh người vay đang làm việc tại cơ quan nhà nước thì cần quyết định nâng lương hoặc quyết định tuyển dụng. Khi áp dụng tại đơn vị kinh doanh Bộ phận Phát triển Kinh doanh cho rằng chỉ cần quyết định tuyển dụng của nhà nước là đủ điều kiện nhưng trong quyết định tuyển dụng lại có nội dung thủ trưởng đơn vị phải ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng cho người mới tuyển dụng, PTKD vẫn quyết định cho khách hàng vay thời hạn 36 tháng. Khi hồ sơ chuyển sang bộ phận QLTD lại cho là quyết định không phù hợp với thời hạn cho vay nên xẩy ra mâu thuẫn nội bộ giữa hai bộ phận, nguyên nhân là do quy định không rõ ràng, chi tiết. Trong trường hợp này nếu cho vay 36 tháng có thể xẩy ra rủi ro, người vay không được ký tiếp hợp đồng lao động thì sẽ không có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng.