CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYỀN CỦA NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
1.2. Khái niệm và điều kiện hình thành tƣ cách nguyên đơn dân sự
1.2.2. Điều kiện hình thành tư cách nguyên đơn dân sự
BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể những điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên đơn dân sự, nhưng dựa vào khái niệm ở khoản 1 Điều 52 thì có thể xác định được hai điều kiện đó là bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
1.2.2.1. Bị thiệt hại do tội phạm gây ra
BLTTHS năm 1988 đã xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự chỉ bị một loại thiệt hại duy nhất đó là thiệt hại “vật chất” và thiệt hại đó nhất thiết phải do tội phạm gây ra. Nếu bị thiệt hại vật chất nhưng không phải do tội phạm gây ra thì cũng không thể trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự.
Do đó, Tòa án khi xét xử về hình sự chỉ giải quyết những khoản thiệt hại nào do tội phạm gây ra, còn những thiệt hại vật chất khác tuy có liên quan đến vụ án nhưng không do tội phạm gây ra thì không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án hình sự.
Việc quy định nguyên đơn dân sự chỉ bị thiệt hại vật chất do tội phạm gây ra đã không thể giải quyết được các trường hợp xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, nguyên đơn dân sự còn bị thiệt hại khác chứ không chỉ là thiệt hại vật chất. Vì vậy, BLTTHS năm 2003 đã quy định theo hướng mở rộng hơn “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, v.v...”. Thiệt hại mà tội phạm gây ra cho nguyên đơn dân sự chính là trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Đây là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng “Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là trách nhiệm hình thành từ việc thực hiện một hành vi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại cho một người và hành vi đó không liên quan đến bất kỳ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt”.10
10 Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật dân sự 2, Nxb. Đại học Cần Thơ, 2003, tr.55.
Thiệt hại mà nguyên đơn dân sự phải gánh chịu là thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo phần I, mục 1, tiểu mục 1.1 của Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS năm 2005, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 609 BLDS năm 2005, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 610 BLDS năm 2005), thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 611 BLDS năm 2005).
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm, v.v... và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi tín nhiệm, lòng tin...vì bị hiểu nhầm và cần được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu. Có nhiều vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ được xác định trong phạm vi “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại chương XXI BLDS năm 2005 là những quan hệ bồi thường thiệt hại phát sinh do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại.
Hiện nay, việc xác định thế nào là thiệt hại do tội phạm gây ra còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, cho rằng nguyên đơn dân sự chỉ là người bị thiệt hại do người phạm tội trực tiếp gây ra. Ý kiến thứ hai, cho rằng nguyên đơn dân sự còn là người không bị người phạm tội trực tiếp gây thiệt hại nhưng bị thiệt hại vì tội phạm gây ra. Vấn đề này đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức, vì thế thực tiễn xét xử mỗi nơi xác định khác nhau, đa số Tòa án xác định người bị thiệt hại do tội phạm gián tiếp gây ra là người có quyền lợi liên quan đến vụ án, có Tòa án xác định họ là người bị hại, và một số ít Tòa án xác định họ là nguyên đơn dân sự.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 52 BLTTHS năm 2003 thì cần phải hiểu thiệt hại do tội phạm gây ra bao gồm những thiệt hại do người phạm tội trực tiếp gây ra và những thiệt hại do người phạm tội gián tiếp gây ra11. Ví dụ: A tham ô số tiền là 500.000.000 đồng và do hành vi này của A nên đã gây thiệt hại cho công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất, nợ ngân hàng quá hạn không trả phải chịu lãi suất cao, tính ra thiệt hại do việc A tham ô lên tới 200.000.000 đồng.
Công ty có đơn yêu cầu Tòa án buộc A phải bồi thường 500.000.000 đồng A tham ô và 200.000.000 đồng là thiệt hại gián tiếp do hành vi tham ô của A gây ra.
Trong trường hợp này Tòa án buộc người phạm tội là A phải bồi thường cho công ty (nguyên đơn dân sự) 500.000.000 đồng A trực tiếp gây ra và 200.000.000 đồng A gián tiếp gây ra. Người viết đồng tình với cách giải quyết như trên của Tòa án. Bởi vì, thiệt hại do tội phạm gây ra sẽ bao gồm những thiệt hại do người phạm tội trực tiếp gây ra và những thiệt hại người phạm tội gián tiếp gây ra.
Đối với trường hợp thiệt hại do người có hành vi phạm tội trực tiếp gây ra nhưng thiệt hại về vật chất đó không phải là hậu quả của tội phạm do người có hành vi phạm tội thực hiện mà đó chỉ là thiệt hại do hành vi thực hiện một tội phạm khác gây ra, thì người bị thiệt hại cũng được coi là nguyên đơn dân sự. Ví dụ: Một số người gây gổ đánh nhau trong rạp hát, trong lúc đánh nhau đã dùng gạch đá ném làm một số người bị thương nhẹ phải nằm viện điều trị và không xác định được ai đã gây ra thương tích cho những người này. Các người gây gổ đánh nhau bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, còn đối với những người bị thương nhẹ đều có đơn yêu cầu phải bồi thường thiệt hại do hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra, những người này phải được xác định là nguyên đơn dân sự.
Hiện nay các Tòa án thường xác định họ là người có quyền lợi liên quan chứ không xác định họ là nguyên đơn dân sự.
Việc xác định không thống nhất thế nào là thiệt hại do tội phạm gây ra đã đặt ra một vấn đề là tội phạm phải bồi thường những thiệt hại nào? Tội phạm chỉ bồi thường thiệt hại do hành vi của mình trực tiếp gây ra hay là cả những thiệt hại không do họ trực tiếp gây ra nhưng lại phát sinh bởi chính hành vi của họ. Những thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại gây ra cho người trực tiếp gánh chịu hậu quả của sự kiện làm phát sinh thiệt hại. Một người nhận bảo lãnh không thể kiện người gây ra tai nạn khiến người bảo lãnh chết, với lý do nếu người bảo lãnh
11 Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 97.
còn sống thì người này sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và người nhận bảo lãnh sẽ không bị mất tài sản. Trái lại, những người thân thuộc được người bảo lãnh cấp dưỡng có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi do cái chết của người này mà họ lâm vào cảnh sống khó khăn. Cần nhấn mạnh rằng người trực tiếp chịu thiệt hại không nhất thiết là người trực tiếp bị xâm hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, việc một người bị xâm hại có thể dẫn đến việc một người khác bị thiệt hại trực tiếp12. Như vậy, thiệt hại do tội phạm gây ra sẽ bao gồm thiệt hại do tội phạm trực tiếp gây ra và thiệt hại do tội phạm gián tiếp gây ra nhưng cả hai trường hợp này thì người bị thiệt hại sẽ được xác định là người trực tiếp gánh chịu hậu quả.
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của người viết thì tội phạm phải bồi thường những thiệt hại do họ trực tiếp gây ra và những thiệt hại do họ gián tiếp gây ra.
Nói tóm lại, điều kiện bị thiệt hại do tội phạm gây ra là điều kiện bắt buộc để xác định một chủ thể có phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự hay không. Nếu đã đáp ứng được điều kiện này nhưng người bị thiệt hại không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cũng không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự.
1.2.2.2. Có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại
Người bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, nếu bị thiệt hại bởi tội phạm gây ra thì không khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường mà phải làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự.
Theo khoản 1 Điều 52 BLTTHS năm 2003 thì đây là điều kiện bắt buộc để được xác định là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính hình thức. Bởi lẽ, không phải trường hợp nào yêu cầu của nguyên đơn dân sự đều được thể hiện bằng hình thức đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà có thể thể hiện yêu cầu bồi thường của mình trong đơn trình báo hoặc cơ quan điều tra sẽ ghi nhận yêu cầu của họ qua lời trình bày về thiệt hại do tội phạm gây ra và có thể hiện yêu cầu bồi thường13.
BLTTHS năm 2003 không quy định hình thức, trình tự, cách thức gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào và phải gửi cho cơ quan nào để yêu cầu bồi thường. Trong khi đó nguyên đơn trong vụ án dân sự thì có quyền khởi kiện
12 Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình luật dân sự 2, Nxb. Đại học Cần Thơ, tr. 55.
13 Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.52.
tại Tòa án để yêu cầu bồi thường. BLTTDS năm 2004 đã dành riêng một chương từ Điều 161 đến Điều 171 để quy định cụ thể về hình thức đơn khởi kiện, cách thức, trình tự và thời hiệu để khởi kiện vụ án dân sự. Thực tiễn cho thấy, người bị thiệt hại bởi hành vi có dấu hiệu tội phạm thường đến cơ quan điều tra để trình bày yêu cầu của mình.
Người bị thiệt hại bởi tội phạm sẽ được giải quyết yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự, thông qua yêu cầu bồi thường của họ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bị thiệt hại cũng bắt buộc phải làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi vì, có trường hợp nguyên đơn dân sự là cá nhân và họ đồng thời là người bị hại “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra” (Điều 51 BLTTHS năm 2003). Nếu nguyên đơn dân sự đồng thời là người bị hại thì thì họ sẽ có cả quyền của người bị hại và quyền của nguyên đơn dân sự khi tham gia tố tụng, nhưng họ chỉ cần sử dụng quyền của người bị hại là đủ14. Ví dụ: Một người bị người khác cố ý gây thương tích có tỷ lệ thương tật là 61% họ tham gia tố tụng vừa với tư cách là người bị hại, vừa với tư cách là nguyên đơn dân sự vì họ bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra (tiền thuốc chữa bệnh, các khoản tiền chi phí sau khi vết thương đã được điều trị, v.v…). Thực tiễn xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định họ là người bị hại mà không cần xác định họ là nguyên đơn dân sự vì không cần thiết.
Người bị hại không cần phải làm đơn yêu cầu bồi thường thì họ vẫn được bảo vệ và được bồi thường thiệt hại. Vì vậy, nếu nguyên đơn dân sự đồng thời là người bị hại thì họ không cần phải làm đơn yêu cầu bồi thường. Người bị hại dù có đơn yêu cầu bồi thường hay không thì họ vẫn được xác định là người bị hại, còn nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thì cơ quan tiến hành tố tụng không được xác định họ là nguyên đơn dân sự. Đây là một trong những tiêu chí để phân biệt cá nhân là nguyên đơn dân sự và người bị hại.
Nói tóm lại, đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là điều kiện bắt buộc để trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cơ quan tiến hành tố tụng cũng áp dụng cứng nhắc quy định này mà phải tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự và đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn dân sự khi tham gia tố tụng.
14 Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 96.