CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
3.1. Thực trạng xác định tƣ cách nguyên đơn dân sự, nguyên nhân và giải pháp
3.1.1. Thực trạng
Một người tham gia tố tụng hình sự muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thì trước hết phải biết được tư cách tố tụng của mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật TTHS. Việc xác định và công nhận tư cách của những người tham gia tố tụng thuộc về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vấn đề xác định tư cách của nguyên đơn dân sự lại không thống nhất, mỗi nơi Tòa án xác định khác nhau ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của nguyên đơn dân sự. Thực tiễn xét xử cho thấy việc nhầm lẫn tư cách tố tụng thường xuyên xảy ra. Cụ thể là trong trường hợp người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gián tiếp gây ra thì có Tòa án xác định người bị thiệt hại là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có Tòa án xác định là người bị hại và cũng có Tòa án xác định là nguyên đơn dân sự. Ví dụ: Một số người gây gổ đánh
nhau trong rạp hát, trong lúc đánh nhau đã dùng gạch ném làm một số người bị thương nhẹ phải vào nằm viện điều trị và không xác định được ai đã gây ra thương tích cho những người này. Các người gây gổ đánh nhau bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, còn đối với những người bị thương nhẹ đều có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra, những người này lẽ ra phải được xác định là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, hiện nay các Tòa án thường xác định họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không xác định họ là nguyên đơn dân sự. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nguyên đơn dân sự. Bởi vì, nếu họ thật sự là nguyên đơn dân sự nhưng lại được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì quyền của họ bị hạn chế. Một dẫn chứng cụ thể đó là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có quyền được thông báo về kết quả điều tra vụ án; không có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch cũng như đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường như nguyên đơn dân sự. Như vậy, nếu người bị thiệt hại là nguyên đơn dân sự nhưng lại được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì rõ ràng là họ không biết được tiến trình điều tra vụ án. Tại phiên tòa nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy những người THTT không vô tư, không khách quan thì họ cũng không được quyền đề nghị thay đổi. Đồng thời, người bị thiệt hại cũng không được quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường. Điều này thật sự là một thiệt thòi rất lớn đối với nguyên đơn dân sự.
Trong thực tiễn xét xử còn có trường hợp nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội gây ra nhưng họ lại không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, họ còn cho rằng mình không phải là nguyên đơn dân sự nên đã từ chối tham gia tố tụng. Ví dụ ngân hàng Y cho công ty X do Nguyễn Văn A phó giám đốc là đại diện vay 900 triệu. Đến hạn công ty X không trả tiền thì mới phát hiện sau khi vay tiền A đã chiếm đoạt toàn bộ và bỏ trốn.
Sau khi bắt được A, cơ quan điều tra mời đại diện ngân hàng Y tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự nhưng ngân hàng Y cho rằng ngân hàng cho công ty X vay thì công ty X có nghĩa vụ trả tiền chứ không yêu cầu A bồi thường thiệt hại. Khi xét xử Tòa án vẫn xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự và buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu. Việc Tòa án xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự là chính xác vì tuy ngân hàng Y không có yêu cầu Nguyễn Văn A phải bồi thường nhưng cũng đã yêu cầu công ty X bồi thường. Trong trường hợp này phải xem xét người có trách nhiệm bồi thường là
Nguyễn Văn A chứ không phải là công ty X. Việc Tòa án quyết định trong bản án buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu là chính xác.
Giả thiết ngân hàng Y không làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà khởi kiện công ty X ra Tòa án kinh tế và yêu cầu công ty X phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu đồng. Khi xét xử vụ án hình sự Tòa án không xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự và không buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y. Tuy nhiên, trong bản án của Tòa án phải nhận định (xét thấy) trong vụ án này nguyên đơn dân sự là ngân hàng Y và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án là thuộc về Nguyễn Văn A, nhưng vì ngân hàng Y không có đơn yêu cầu bồi thường mà khởi kiện công ty X ra Tòa kinh tế nên Tòa án không xét. Tất nhiên khi xét xử vụ án kinh tế, Tòa án kinh tế sẽ bác đơn yêu cầu của ngân hàng Y36. Từ ví dụ trên cho thấy ngân hàng Y bị tội phạm gián tiếp gây ra thiệt hại, nhưng do không nhận thức được điều này nên họ không yêu cầu tội phạm bồi thường mà lại yêu cầu công ty X bồi thường.
Điều kiện có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là điều kiện bắt buộc để được trở thành nguyên đơn dân sự. Từ đó có thể suy lý ngược rằng nếu không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì không thể trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế lại có trường hợp chủ thể bị thiệt hại không có đơn yêu cầu bồi thường và không có nguyện vọng được bồi thường thì lại bị cơ quan có thẩm quyền áp đặt tư cách nguyên đơn dân sự. Một ví dụ điển hình là vụ Bùi Tiến Dũng (giám đốc Ban quản lý dự án cầu Bãi Cháy) tham nhũng dự án cầu Bãi Cháy do ban quản lý dự án 18 (PMU18) do Bộ giao thông vận tải (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư được triệu tập tham gia giải quyết vụ án với tư cách nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đã có văn bản gửi Viện kiểm sát nội dung về dự án cầu Bãi Cháy, trong đó có nêu rõ “Nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi cháy do Bộ GTVT làm chủ đầu tư không bị thiệt hại”. Do đó, Bộ GTVT không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không thừa nhận mình là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Tiếp đó, được sự ủy quyền của Bộ GTVT, Ban quản lý dự án cũng đã khước từ tư cách nguyên đơn dân sự của mình. Trong khi đó thì Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng họ đã khước từ quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, mặc dù họ không thừa nhận thiệt hại nhưng hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại cho họ và thẩm phán vẫn xem Bộ GTVT là
36 Đinh Văn Quế, Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Phương Đông, 2010, tr.218.
nguyên đơn dân sự37. Từ cách giải quyết vụ án trên đã đặt ra một vấn đề là yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền nhưng tại sao lại bị bắt buộc thực hiện. Theo quy định của Bộ luật TTHS hiện hành thì muốn trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự thì phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng ở đây chủ thể bị thiệt hại không hề có đơn yêu cầu bồi thường nhưng vẫn được xem là nguyên đơn dân sự. Thực trạng này thường xảy ra đối với chủ thể bị thiệt hại là cơ quan Nhà nước.
3.1.2. Nguyên nhân
Bộ luật TTHS năm 2003 đã đưa ra định nghĩa về nguyên đơn dân sự
“Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS lại không quy định điều kiện cụ thể để được trở thành nguyên đơn dân sự. Chính vì vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS đã dựa vào Điều 52 để xác định điều kiện được trở thành nguyên đơn dân sự là bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do quy định của Bộ luật TTHS không cụ thể và rõ ràng về điều kiện hình thành tư cách nguyên đơn dân sự nên đã dẫn đến thực trạng như trên.
Đặc biệt là liên quan đến vấn đề thế nào là thiệt hại do tội phạm gây ra, do không có văn bản hướng dẫn chính thức nên mỗi nơi Tòa án có cách xác định khác nhau dẫn đến việc xác định tư cách tố tụng khác nhau ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nguyên đơn dân sự.
3.1.3. Giải pháp
Trên cơ sở những quan điểm lý luận, phân tích thực trạng về vấn đề xác định tư cách tố tụng của nguyên đơn dân sự, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp hiện nay ở nước ta thì vấn đề bảo vệ người tham gia tố tụng nói chung, nguyên đơn dân sự nói riêng là vấn đề rất cấp thiết.
Thật vậy, một chủ thể muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thì trước hết chủ thể đó phải biết được địa vị pháp lý của mình, phải biết mình là ai. Vì vậy, vấn đề xác định đúng tư cách tố tụng của một chủ thể là một vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của họ. Để khắc phục tình trạng nhầm lẫn tư cách tố tụng của nguyên đơn dân sự và những chủ thể khác thì thiết nghĩ cần phải có một văn bản hướng dẫn chính thức nêu rõ điều kiện hình thành tư cách nguyên đơn dân sự, đó là bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đặc biệt là phải giải thích thế nào là thiệt hại do tội phạm gây
37 http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/543109/Bo-GTVT-tu-choi-nguyen-don-dan-su-vu-PMU-18.html [truy cập ngày 10/12/2011].
ra. Theo quan điểm của người viết thì cần phải xác định thiệt hại do tội phạm gây ra bao gồm thiệt hại do người phạm tội trực tiếp gây ra và thiệt hại do người phạm tội gián tiếp gây ra.
Trong trường hợp chủ thể bị thiệt hại là cơ quan Nhà nước thì cần có quy định dù có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không thì cũng vẫn được xem là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước.