Chương 1: THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VỚI VIỆC XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
1.3. Nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở
Xã, phường là đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước, là cấp trực tiếp nhất, gần dân nhất.
Ngày nay, hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương- Tỉnh chia thành huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và thị xã. Thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã. Huyện chia thành xã, thị trấn. Thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã. Quận chia thành phường” [6, tr.184].
20
Trong bốn cấp chính quyền của bộ máy nhà nước, chính quyền phường, xã là cấp cơ sở; là nền tảng của xã hội, là nơi đông đảo nhân dân sinh sống; là nơi nhân dân thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; là nơi nhân dân sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập; xã, phường cũng là nơi nảy sinh nhiều yêu cầu bức xúc hàng ngày của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; cũng là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cũng là nơi nhân dân đang có nhiều đòi hỏi về quyền làm chủ; nơi diễn ra sự tiếp xúc và thể hiện các mối liên hệ đan chéo nhau như: Đảng với dân, dân với dân, các tổ chức, các đơn vị kinh tế, xã hội với dân... Các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, cũng như các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân an đều thể hiện rõ nhất ở xã, phường. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền tảng của mọi công tác là cấp xã” và “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được mọi việc thì mọi việc đều xong xuôi” [9, tr. 317].
Vai trò của xã, phường là rất quan trọng. Do vậy yêu cầu thấy được điểm giống và khác nhau của hai loại hình xã và phường, có như vậy, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện mới có hiệu quả.
Điểm giống nhau cơ bản là: xã, phường đều là đơn vị hành chính cấp cơ sở, là nền tảng xã hội. Cơ cấu tổ chức, thiết chế xã hội của hệ thống chính trị xã, phường đều giống nhau. Vị trí, vai trò xã, phường đều quan trọng đối với sự hưng vọng của quốc gia dân tộc...
Điểm khác nhau cũng rất nhiều, song chủ yếu trên các lĩnh vực sau:
Về dân cư: Dân cư trên địa bàn xã chủ yếu là nông dân, họ sống gắn bó với nhau qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Quan hệ chủ yếu là dòng họ, huyết thống, tình làng nghĩa xóm... Do vậy, dân cư ở đây thuần hơn. Còn cư dân trên địa bàn phường chủ yếu được tạo lập do quan hệ công tác, do nhu cầu về nhà ở, nơi cư trú. Ngoài cư dân sống ổn định, thì một số lượng lớn tạm trú,
21
hoặc sống tạm bợ không đăng ký. Hơn nữa, ở phường, do cơ cấu nghề nghiệp đa dạng nên cơ cấu dân cư cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nếu như ở địa bàn xã, nông dân là chủ yếu; thì ở phường vừa có công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức, có cả bộ phận tư sản, tiểu tư sản; có cả sinh viên, bộ đội, có cả các nhà quản lý, lãnh đạo của nhiều cấp, nhiều ngành.
Về tâm lý: Địa bàn xã chủ yếu là nông dân nên tâm lý tiểu nông nhỏ mọn, dễ dao động, ngả nghiêng. Họ nhìn nhận lợi ích một cách sát thực, cụ thể, đặc biệt là lợi ích kinh tế trước mắt. Hơn nữa, ở địa bàn xã, tâm lý bảo thủ, cục bộ, nể nang, xuôi chiều là phổ biến. Còn ở địa bàn phường, do cư dân phức tạp, nên diễn biến tâm lý cũng phức tạp hơn. Con người thường phải
“gượng gạo” chấp nhận nhau theo kiểu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Về đội ngũ cán bộ: Trên địa bàn xã, cán bộ còn nhiều bất cập. Những người có trình độ cao đẳng, đại học chưa nhiều, tính bảo thủ, trì trệ còn nặng.
Yếu tố dòng họ, làng xóm chi phối lớn. Thậm chí có lúc vai trò “già làng”,
“trưởng tộc” lấn át chính quyền. Ngược lại, ở phường đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cao hơn; sự giao lưu của họ cũng rộng hơn. Nhưng vai trò của họ có sự khác hơn so với ở xã. Nếu như ở xã, đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm quản lý điều hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội - như là Nhà nước thu nhỏ, thì ở phường cũng vậy, song vai trò quản lý hành chính, quản lý cư dân nổi bật hơn. Còn vai trò trong quản lý, điều hành chuyên môn, nghiệp vụ, về lao động sản xuất lại chủ yếu phụ thuộc vào các cơ quan, doanh nghiệp.
Việc nhìn nhận được những điểm khác nhau cơ bản giữa xã và phường sẽ tạo điều kiện thực hiện QCDC cơ sở một cách sát thực, hiệu quả hơn; vị trí của xã, phường đối với phát huy quyền làm chủ của nhân dân càng cao hơn.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, sửa đổi những cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính sao cho
22
sát thực, phù hợp với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Thực hiện dân chủ ở xã, phường cũng là biện pháp phát huy và mở rộng dân chủ, đưa nội dung “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vào cuộc sống có hiệu quả cao hơn.
Nắm bắt được yêu cầu của thực tiễn; trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm. Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị ra chỉ thị số 30CT/TW về
“Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Trên cơ sở đó ngày 11/5/1998, Chính phủ ra Chỉ thị số 29/1998 NĐ/CP “Về việc thực hiện QCDC ở xã”, cùng với Chỉ thị số 22/1998 CT-TTg ngày 15/5/1998 “Về triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở xã”, Chỉ thị số 24 CT-TTg ngày 19/6/1998 “Về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng bản, thôn ấp, cụm dân cư”
của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những văn bản quan trọng do Đảng, Nhà nước ban hành. Tinh thần cơ bản của chỉ thị và nghị định này là làm sao dân chủ XHCN được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đó cũng chính là mục tiêu, động lực bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới.
1.3.2. Nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở
Dân chủ XHCN là nền dân chủ mang bản chất của giai cấp công nhân, nền dân chủ rộng rãi nhất cho đại đa số nhân dân lao động; là nền dân chủ phát huy tính tự giác, sáng tạo của mỗi cá nhân. Nền dân chủ này dựa trên chế độ sở hữu mới- sở hữu cộng cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu, nên nó được đảm bảo một cách vững chắc.
Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân là vấn đề thuộc bản chất của chế độ XHCN; là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta; là mục tiêu và động lực của công cuội đổi mới. Trong bốn bản Hiến pháp của nước ta, trước sau vẫn khẳng định quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Điều này không chỉ làm sáng tỏ về mặt lý luận, mà còn thể hiện ở cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước
23
trên thực tiễn sao cho mục đích về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân trở nên hiện thực và hiệu quả.
Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở”. Thực hiện dân chủ phường, xã là thực hiện những nội dung về dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi, đến với từng người dân nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống chính trị, kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự công cộng.
Dân chủ ở phường, xã diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách trực tiếp và sinh động, liên tục đối với mọi người, nó được thực hiện thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và liên quan đến trình độ nhận thức, đến khả năng của mỗi người. Nhưng dù thế nào thì dân chủ ở phường, xã cũng phải dựa trên cơ sở của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, và theo đúng đường lối của Đảng - mà trực tiếp là Chỉ thị số 30 CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 29 - NĐ/CP của Chính phủ kèm theo quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Quy chế gồm: Lời nói đầu, 7 chương và 25 điều. Về nội dung, quy chế quy định những quyền của nhân dân ở cơ sở được biết, và hình thức biết những thông tin liên quan đến pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước; đặc biệt là những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Quy chế cũng quy định những việc để nhân dân làm và quyết định, cũng như những hình thức thực hiện; quy định những việc nhân dân ở cấp xã có quyền giám sát, kiểm tra và những phương thức để thực hiện giám sát, kiểm tra. Việc xây dựng cộng đồng dân cư thôn, làng, bản, ấp và những hình thức tổ chức. Đặc biệt, để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quy chế quy định cơ chế thực hiện dưới 2 hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; trong đó, ở cấp cơ sở, dân chủ trực tiếp là quan trọng hơn cả. Quy trình “biết, bàn, làm, kiểm tra” là quy trình phản ánh
24
quá trình từ nhận thức đến hành động; qua kiểm tra, đánh giá lại kết quả hành động, rồi tiếp tục nhận thức và hành động với kết quả cao hơn. Đó cũng là sự thể hiện của quy trình lãnh đạo, quản lý của chế độ do nhân dân làm chủ, từ khâu thu nhập thông tin, hình thành chủ trương, chính sách đến kiểm tra, rồi tiếp tục thu thập thông tin mới cho một chu trình quản lý mới.
Khác với DCTS, tính ưu việt của nền dân chủ XHCN thể hiện cao ở cả 4 nội dung của phương châm đều lấy “dân” làm “gốc”, dân làm chủ thể. Khái niệm “dân” ở đây, cần được nhận thức trong mối quan hệ được quy định bởi cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhâm dân làm chủ”. Mặt khác,
“nhân dân làm chủ” là mục tiêu phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của nhân dân một cách rộng rãi. Cơ chế đó cũng có nghĩa là: Đảng lãnh đạo nhưng dân phải được biết, được bàn, được tham gia ý kiến và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; phải cùng tham gia kiểm tra cán bộ, đảng viên. Đây là đối tượng quản lý của cơ quan Nhà nước nhưng dân phải được biết, được bàn, được tham gia quản lý và phải cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan và cán bộ Nhà nước.
“Biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra” ở đây đặt trong mối quan hệ với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Biết” trong ý nghĩa này, không phải là vấn đề nhận thức một cách chung chung, không phải là toàn bộ vấn đề dân trí. “Biết” ở đây là quyền được thông tin một cách đầy đủ và trung thực. Qua sự nhận biết từ thông tin, dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó mới hiểu, mới có cơ sở để bàn, để làm, để kiểm tra. Do vậy, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và hệ thống chính trị cơ sở là phải thường xuyên, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương một cách sâu rộng trong nhân dân. Quy chế quy định những điều dân được biết là một bước cụ thể hóa quyền được thông tin của công dân quy định tại Điều 59, Hiến pháp 1992.
25
“Dân bàn”- là một khái niệm để chỉ quyền tham gia ý kiến của nhân dân- bàn để đi đến những quyết định trực tiếp; bàn để thực hiện; bàn để tham gia ý kiến, để từ đó, cơ quan đại diện quyết định.
“Dân làm”, dân không chỉ là đối tượng được biết, được bàn; mà dân còn là chủ thể trực tiếp của quá trình thực hiện. Khi được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, thì việc thực hiện sẽ thuận lợi. Tư tưởng là cái gốc của hành động; tư tưởng thông, hành động cách mạng của nhân dân sẽ được đẩy lên mức cao; dân hồ hởi, phấn khởi thì đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ trở thành phong trào thi đua sâu rộng và có hiệu quả trong nhân dân.
“Dân kiểm tra”- Đây là vấn đề thuộc bản chất của nền dân chủ XHCN, nhân dân có quyền kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật; từ công tác kiểm tra để có kiến nghị chấn chỉnh, bổ sung...với mục đích là làm cho hoạt động của các cơ quan này lành mạnh hơn, dân chủ và hiệu quả hơn. Nội dung “dân kiểm tra” là nội dung khó nhất trong việc thực hiện quyền làm chủ nhân dân hiện nay.
Cả bốn khâu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một quy trình “kín”, có mối liên hệ chặt chẽ, rồi tác động, thúc đẩy lẫn nhau nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được thực hiện dưới hai hình thức: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Để phát huy chế độ dân chủ đại diện, phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của quốc hội, chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, đồng thời và thực hiện từng bước vững chắc chế độ dân chủ trực tiếp.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng hàng đầu là nâng chất lượng dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả” [4, tr.43].
26
Tại Hội nghị này, Đảng ta đã nhấn mạnh tính bức thiết của chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở là: “Nghiên cứu thực hiện từng bước chế độ dân chủ trực tiếp, trước hết ở cơ sở”, đây là những việc làm cấp bách để mở rộng nền dân chủ XHCN ở mọi ngành, mọi cấp trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì: Dân chủ trực tiếp là hình thức thể hiện ý chí trực tiếp của chủ thể quyền lực về những vấn đề cơ bản, chính yếu của một tập thể, một cộng đồng. Cơ quan quản lý có trách nhiệm ghi nhận ý chí đó và bảo đảm đưa nó vào thực thi trong cuộc sống.
Dân chủ trực tiếp khó tổ chức một cách tập trung, khái quát nhưng lại bao quát được mọi khía cạnh của thực tiễn đời sống, cũng như ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Do vậy, Đảng ta khẳng định phải: “Nghiên cứu thực hiện từng bước chế độ dân chủ trực tiếp, trước hết là cơ sở” [4, tr.47]. Vị trí, vai trò của dân chủ trực tiếp thể hiện trên những điểm chính sau đây:
- Dân chủ trực tiếp bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước và xã hội, giải quyết những vấn đề lớn từ quốc kế dân sinh đến những việc của đời sống cộng đồng, đời sống dân cư. Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, nhân dân có điều kiện tham gia ý kiến, có điều kiện để tập dượt, trưởng thành, trở thành người chủ đích thực hiện.
- Dân chủ trực tiếp tạo nên cơ chế đối trọng, kiểm tra, giám sát đối tượng với hình thức dân chủ đại diện, với bộ máy nhà nước, giảm bớt được sự tùy tiện, lộng quyền, phát huy được tính tự giác, tích cực của mỗi thành viên trong tập thể, khắc phục thói trì trệ, ỷ lại; phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dân chủ trực tiếp là những thông tin phản hồi nhanh nhất về hiệu lực, hiệu quả của các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước để kịp thời sửa chữa, bổ sung.
27
Dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng là nội dung quan trọng của nền dân chủ XHCN. Lênin nói: “CNXH sẽ không có nếu không có dân chủ với 2 nghĩa: 1) Giai cấp vô sản không thể hoàn thành cách mạng XHCN nếu nó không tự chuẩn bị dân chủ cho mình thông qua cuộc đấu tranh vì dân chủ. 2) CNXH chiến thắng sẽ không thể giữ được thắng lợi và không dẫn đến sự tiêu vong của nhà nước nếu thiếu thực hiện dân chủ một cách trọn vẹn” [14, tr.28].
Lênin cũng khẳng định: “Toàn thể công dân, không trừ một ai đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước, và điều quan trọng đối với chúng ta là thu hút toàn thể những người lao động, không trừ một ai tham gia việc quản lý đất nước” [14, tr.128]. Thấm nhuần tư tưởng Lênin, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta. Đảng ta chủ trương xây dựng thiết chế dân chủ ở cơ sở nói chung và ở phường, xã nói riêng, nhằm không ngừng phát huy dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc bảo đảm dân chủ và phát huy dân chủ trong xã hội, cùng với vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhu cầu rất lớn và có vai trò cực kỳ quan trọng, phản ánh quy mô tác động của nền dân chủ và khả năng hiện thực hóa mục tiêu dân chủ của chế độ xã hội trong điều kiện hiện nay. Do vậy, thực hiện dân chủ phường, xã là nội dung quan trọng, thiết yếu của dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay. Đây là sự tìm tòi, sáng tạo, sự bổ sung quý báu vào kho tàng lý luận CNXH khoa học
của Đảng ta.