I. KHẮC PHỤC HẠN CHẾ:
Văn hóa doanh nghiệp cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để từng nhân viên trong Ngân hàng (từ Hội sở đến Chi nhánh, từ Chi nhánh đến Phòng giao dịch) đều có thể nắm rõ, hiểu rõ)
Giáo dục cho nhân viên xem doanh nghiệp là “tổ ấm” của cá nhân để nó trở thành nhận thức chung của cả tập thể và tạo nội lực để phát triển cho Ngân hàng.
Để xây dựng nền văn hóa ổn định hơn cho Ngân hàng, cần phải đảm bảo các yếu tố :
- Kiên định trong mục tiêu;
- Mạnh mẽ trong lãnh đạo;
- Tuyển những người tài giỏi;
- Tự do trong hợp tác;
- Quyền lực được chia sẻ;
- Ý tưởng được xem xét;
- Cải tiến được ủng hộ;
II. HOÀN THIỆN NỀN VĂN HÓA DOANH NGHIỆP:
Trải qua hơn 19 năm phát triển, từ việc sáp nhập Ngân hàng phát triển kinh tế Gò Vấp và 03 Hợp tác xã Tín dụng: Tân Bình – Thành Công – Lữ Gia với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 3 tỷ đồng, nay Sacombank đã đi qua những cột mốc quan trọng, từ không đến có, và hiện tại là hạt nhân của Tập đoàn Sacombank – Sacombank group. Sự vững bền của thương hiệu Sacombank trên thương trường càng minh chứng thêm sự thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Sacombank.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, để hoàn thiện hơn nữa trong việc tạo dựng được một
“Văn hóa Sacombank bền vững”, Ngân hàng cần phải phát huy hơn nữa những mặt mạnh và ưu thế của mình, đồng thời, cần tích cực tìm hiểu những khó khăn còn tồn tại và tìm hướng giải quyết triệt để. Trong đó:
- Cần tuyên truyền thêm ý thức “tự hào” của nhân viên khi là thành viên của đại gia đình Sacombank. Và để ý thức tự hào đó được quán triệt, cần phải tạo cho nhân viên cảm giác, Sacombank là ngôi nhà thứ hai của mình, và ngôi nhà đó cần phải được chăm sóc, bảo quản và phát huy ngày càng tốt hơn.
- Xây dựng văn hóa “tiết kiệm”. Muốn xây dựng được văn hóa này, thì càng phải tăng cường công tác tuyên truyền đến mỗi nhân viên rằng: “ mỗi hành động tiết kiệm dù nhiều hay ít cũng sẽ mang lại ích cho tập thể và cá nhân mỗi cán bộ nhân viên.
- Về nghệ thuật dùng người, nên bắt đầu ngay từ khâu tuyển dụng, nên tuyển những nhân viên có tính cách, tố chất phù hợp với chuẩn mực văn hóa đã được đặt ra cho công ty.
- Về mối quan hệ với đồng nghiệp: sự quan tâm, chia sẻ của đồng nghiệp có tác động rất lớn đến tinh thần làm việc của nhân viên, một sự hợp tác, thân thiện tạo nên môi trường làm việc thi đua phấn khởi. Việc hiểu và thông cảm nhau luôn luôn cần một quá trình để chia sẻ, do đó, các phòng ban nên tổ chức thường xuyên các buổi ngoại khóa, các chuyến dã ngoại nhằm tạo điều kiện cho nhân viên giao lưu, hiểu nhau, quan tâm và giúp đỡ nhau cùng tăng năng suất làm việc. Đó cũng góp phần tạo nên một văn hóa mới ở Sacombank, “văn hóa đoàn kết”.
- Về thông tin: việc mất thời gian với các thủ tục xử lý giấy tờ không cần thiết sẽ dẫn đến sự chậm trễ công việc. Mục tiêu cuối cùng của ngân hàng là làm sao vẫn đảm bảo được thông tin truyền tải mà vẫn đảm bảo tính nhanh chóng của yêu cầu công việc. Các thủ tục hay công cụ xử lý thông tin sinh ra là nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện công việc nên cần hạn chế tối đa sự ảnh hưởng ngoài mong đợi của các bước thủ tục này.
Văn hóa doanh nghiệp chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Với chặng đường gần 20 năm phát triển của mình, ngân hàng Sacombank đã cơ bản hoàn thành tạo dựng nét văn hóa doanh nghiệp rất riêng của mình. Tuy nhiên, với con số 20 năm cũng chưa nói lên được tất cả, với mục đích duy trì sự hưng thịnh của Ngân hàng và tạo chỗ đứng của Ngân hàng càng vững vàng, chắc chắn rằng Ngân hàng Sacombank sẽ còn hoàn thiện thêm về những nếp văn hóa đã tạo và xây dựng thêm những nét văn hóa mới. Để từ đó, thế hệ lãnh đạo và lớp cán bộ nhân viên tiếp nối sẽ có một truyền thống văn hóa tốt đẹp, và càng thêm tự hào mình là một thành viên của gia đình Sacombank.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
- Các trưởng bộ phận nên có những buổi gặp gỡ, trò chuyện trao đổi với nhân viên về công việc, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho nhân viên những kỹ năng cần thiết với vai trò là người bạn chứ không phải là một người sếp.
- Tạo dựng được tình yêu và trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên. Coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của ngân hàng, tạo ra một không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết nhằm cống hiến sức lực và trí tuệ cho ngân hàng.
- Tuyển dụng nhân viên theo văn hóa doanh nghiệp: nhằm đảm bảo xây dựng và duy trì văn hóa của mình các doanh nghiệp chỉ nên tuyển chọn những người biết chia sẻ, có thái độ thân thiện, nhiệt thành và có khiếu hài hước. Để có thể thực hiện được bài học này, tiền đề là việc quan tâm đến thư giới thiệu của đơn vị cũ mà người lao động đã từng tham gia.
- Phát triển văn hóa giao lưu: để tồn tại trong môi trường kinh doanh phức tạp, đa văn hóa. Việc phát triển văn hóa giao lưu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng học tập, lựa chọn những khía cạnh tốt về văn hóa của các đơn vị bạn nhằm phát triển nền văn hóa của mình và ngược lại.
- Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa. Lãnh đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng văn hoá. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.
- Xây dựng một nền văn hóa kế thừa: từng cá nhân đều được đối xử theo khía cạnh con người chứ không như những người làm thuê. Khi đã có được văn hóa doanh nghiệp thì sức ép về quản lý của ban lãnh đạo sẽ được giảm đi nhờ sự chia sẻ của cấp dưới. Các nhân viên được quyền sẽ tự biết điều hành và cần phải làm gì trong những tình huống khó khăn. Trong một môi trường tổ chức mà mọi người đều tham gia chia sẻ thực sự thì các giám đốc không cần quản lý nữa. Đó chính là một phương diện quan trọng của quản lý theo văn hóa và quản lý bằng văn hóa.
- Tiếp tục đánh giá văn hóa doanh nghiệp và thiết lập các chuẩn mực mới về không ngừng học tập và thay đổi. Văn hoá không phải là bất biến vì vậy khi ta đã xây dựng được một văn hoá phù hợp thì việc quan trọng là liên tục đánh giá và duy trì các giá trị tốt. Truyền bá những giá trị đó cho nhân viên mới. Những thành công của doanh nghiệp có bền vững hay không là nhờ vào nền văn hóa doanh nghiệp rất đặc trưng của mình. Bên cạnh vốn, chiến lược kinh doanh thì sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp đã bám sâu vào trong từng nhân viên, làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh. Sự khác biệt đó được thể hiện ra ở những tài sản vô hình như: sự trung thành của nhân viên, bầu không khí của doanh nghiệp như một gia đình nhỏ, tệ quan liêu bị đẩy lùi và không còn đất để
tồn tại, xoá bỏ sự lề mề trong quá trình thảo luận và ra các quyết định quản lý, sự tin tưởng của nhân viên vào các quyết định và chính sách của doanh nghiệp, tinh thần đồng đội trong mọi công việc của doanh nghiệp
Nền văn hóa doanh nghiệp đã mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng.
Thiếu vốn doanh nghiệp có thể đi vay, thiếu nhân lực có thể bổ sung thông qua con đường tuyển dụng, thiếu thị trường có thể từng bước mở rộng thêm, các đối thủ cạnh tranh có thể bắt chước và đi mua tất cả mọi thứ hiện hữu nhưng lại không thể bắt chước hay đi mua được sự cống hiến, lòng tận tụy và trung thành của từng nhân viên trong doanh nghiệp. Khi đó, văn hóa doanh nghiệp làm nên sự khác biệt và là một lợi thế cạnh tranh.