Chương 2 Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VỀ
2.2. Nội dung xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
2.2.1. Nội dung xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa
Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, con người vừa là thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội, đồng thời là chủ thể cải tạo hoàn cảnh.
Con người là một thực thể “song trùng” tự nhiên và xã hội, là sự kết hợp cái tự nhiên (sinh học) và cái xã hội. Hai yếu tố này gắn kết với nhau, đan quyện vào nhau, trong cái tự nhiên chứa đựng tính xã hội và cũng không có cái xã hội tách rời cái tự nhiên.
Con người trong quá trình tồn tại không chỉ tác động vào tự nhiên, làm biến đổi thế giới tự nhiên mà con người còn quan hệ với nhau tạo nên bản chất người, làm cho con người khác với con vật: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [32, tr.11].
Con người không thể tồn tại được một khi tách khỏi xã hội. Chỉ trong xã hội con người mới có thể trao đổi lao động, thông qua đó mà thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống như ăn, ở, đi lại … Trong xã hội, thông qua quan hệ với người khác mà mỗi người nhận thức về mình một cách đầy đủ hơn, trên
cơ sở đó mà rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Con người xã hội chủ nghĩa bao gồm cả những con người từ xã hội cũ để lại và cả những con người sinh ra trong xã hội mới. Con người sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mang những nét đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, song vẫn còn chịu ảnh hưởng không ít những tư tưởng, tác phong, thói quen của xã hội cũ.
Cho nên, quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là quá trình diễn ra cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và lạc hậu.
Con người xã hội chủ nghĩa vừa là chủ thể trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là sản phẩm của quá trình đó.
Một mặt, trong lao động sản xuất, đấu tranh xã hội, con người tạo ra những điều kiện cơ sở vật chất ngày một tốt hơn, phục vụ con người ngày một chu đáo hơn, cuộc sống của con người ngày càng đầy đủ hơn, môi trường xã hội ngày càng trong sạch, ngày càng nhân văn hơn, do vậy, càng có những điều kiện để xây dựng nên những phẩm chất của con người xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, cũng chính trong quá trình lao động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội mà con người cải tạo chính bản thân mình, tự rèn luyện khắc phục những hạn chế, thiếu sót của bản thân.
Mỗi thời kỳ lịch sử, trên cơ sở của sự phát triển lực lượng sản xuất, của trình độ phát triển xã hội, cần phải xác định mô hình con người cần xây dựng.
Toàn bộ mọi hoạt động của xã hội, hệ thống pháp luật, những chính sách kinh tế - xã hội, mục tiêu giáo dục - đào tạo phải hướng vào mục tiêu đó, hình thành những phẩm chất con người theo bản chất, mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Một khi con người đã hình thành với những phẩm chất tốt đẹp đó lại trở thành chủ thể tự giác để phát triển xã hội theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức
ngày càng đầy đủ, đúng đắn hơn về vai trò của nhân tố con người cũng như tầm quan trọng của phát triển con người.
Tại Đại hội VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc quan trọng đánh dấu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tại Đại hội này, Đảng ta đưa ra quan điểm có tính chất đột phá về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đó là xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước, đặc biệt là thực hiện các chính sách kinh tế và xã hội hướng vào mục tiêu phát triển con người…
Thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề con người đó là con người là thực thể của các hoạt động sản xuất vật chất, đóng vai trò yếu tố cơ bản của lực lượng sản xuất xã hội mà hơn thế nữa con người là chủ thể sáng tạo nên lịch sử xã hội. Đồng thời Mác đã từng khẳng định rằng, mục đích cao cả, ý nghĩa lịch sử của sự phát triển xã hội là phát triển con người toàn diện, là nâng cao năng lực, nhân cách và phẩm giá con người, giải phóng con người khỏi mọi sự “tha hóa” và làm cho họ được sống cuộc sống đích thực của con người. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của con người trong tiến trình phát triển của xã hội.
Bác đã quan niệm rằng, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, rằng trách nhiệm lớn nhất của Đảng và Nhà nước là phải thường xuyên quan tâm, chăm lo cho nhân dân có đời sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định dứt khoát rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ xã hội “do nhân dân lao động làm chủ”, “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Vì thế, phương hướng và mục tiêu lớn nhất của các chính sách đó
là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, kết hợp tốt giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa đáp ứng nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài, giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội.
Tại Đại hội VIII, Đảng ta đã khẳng định: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình.
Trong các kì đại hội sau này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định quan điểm đúng đắn và khoa học đó. Tại Đại hội X (2006), Đảng ta xác định một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện.
Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.
Để phát triển con người, cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người hướng tới các giá trị phổ quát của nhân loại là chân - thiện - mĩ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thứ cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.
Đại hội XII khẳng định: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là quan điểm mà Đảng ta luôn nhất quán, mang tính định hướng chiến lược trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam.
Như vậy, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về con người xã hội chủ nghĩa của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta, kết quả đạt được đã khẳng định quan điểm nhất quán trong vấn đề con người và nhà nước ta đã dần thực sự là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.