Chương 2 Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VỀ
2.4. Một số giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo Phật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
2.4.4. Đấu tranh chống những biểu hiện xấu lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng
Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam ngày nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên đạo đức tôn giáo cũng có nhiều hạn chế, nó hướng con người đến hạnh phúc hư ảo, làm mất tính chủ động, sáng tạo cá nhân. Vấn đề đặt ra là cần nhận thức đúng vai trò của đạo đức tôn giáo nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo và hạn chế những tác động tiêu cực của nó.
Đảng và Nhà nước ta đã có những nhận định mang tính khách quan, khoa học về tôn giáo, xác định tôn giáo còn tồn tại lâu dài và có một số giá trị đạo đức còn phù hợp với lợi ích của toàn dân, với công cuộc xây dựng xã hội mới. Do vậy, chúng ta cần phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo, bảo vệ và tu tạo các di sản văn hóa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ Bổ sung, phát triển 2011) và Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có ghi: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Như vậy, tôn giáo không đơn thuần chỉ là vấn đề đời sống tâm linh, tinh thần mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức, lối sống. Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người, tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần tô đượm
thêm sắc màu cho văn hóa dân tộc. Trên tinh thần đó, Đảng ta coi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo có thể được tiếp thu, vận dụng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, mọi hoạt động văn hóa tôn giáo phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, bảo lưu những giá trị văn hóa của dân tộc, làm cho văn hóa thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Hiện nay, một số thế lực thù địch vẫn đang cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc” … Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”, kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở Tây Bắc, “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên,… Thực chất đây là thủ đoạn nham hiểm, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Nhưng những luận điệu đó không đánh lừa được ai bởi thực tế đã hoàn toàn bác bỏ điều đó.
Không nằm ngoại lệ, những kẻ xấu đã lợi dụng những cá nhân nhẹ dạ, một số phần tử phản động là người Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài, xuyên tạc tình hình Phật giáo ở Việt Nam và cố tình dựng lên cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” trái pháp luật. Chúng đưa tin xuyên tạc, vu khống nhằm mục đích chống đối sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân của dân tộc ta, xúc phạm nghiêm trọng đến tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tổ chức duy nhất đại diện cho giới tăng ni, phật tử Việt Nam trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại.
Xuất phát từ lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Phật giáo nguyên thủy, nhằm phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sinh theo phương châm hoạt động “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình và truyền thống đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Tiểu kết chương 2
Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã làm biến đổi toàn diện mọi mặt đất nước. Trong quá trình xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời tạo lập được nền tảng và môi trường xã hội cho sự thống nhất giữa tư tưởng, đạo đức và lối sống ở trình độ cao. Đây chính là nguyên nhân sâu xa giúp chúng ta vượt qua được những khắc nghiệt của lịch sử giành được những thành tựu to lớn trên mặt trận văn hóa và nó cũng giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo lập cho sự phát triển tiếp theo.
Cùng với sự biến đổi của đời sống văn hóa tinh thần xã hội, Phật giáo Việt Nam ngày càng có sự thay đổi trên nhiều mặt để thích ứng với công cuộc đổi mới hiện nay. Việc Phật giáo thế tục hóa trên các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật…. đã gắn đạo pháp với việc phục vụ dân tộc, chủ nghĩa xã hội.