Chương 2 Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VỀ
2.3. Ý nghĩa của tư tưởng Phật giáo với việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
2.3.1. Phật giáo định hướng giá trị đạo đức cho con người
Trong đời sống xã hội, xét đến cùng thì mục đích của con người đều mong muốn được hạnh phúc. Lịch sử phát triển xã hội loài người cũng chính là lịch sử của con người luôn vận động tìm kiếm hạnh phúc. Trong tiến trình lịch sử ấy, mỗi thời đại, thậm chí mỗi con người trong hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có quan niệm về hạnh phúc khác nhau, hạnh phúc bắt nguồn và tồn tại trong đời sống hiện thực như những cảm nhận, phân tích, đánh giá có tác dụng mạnh mẽ đến ý nghĩa hành vi, quan hệ giữa người với người và giữa người với xã hội.
Kể từ khi du nhập và truyền bá vào Việt Nam, những tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy đã có sự pha trộn và dung hòa với bản sắc văn hóa dân tộc tạo nên nét riêng của Phật giáo Việt Nam. Những tư tưởng phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc trên nhiều lĩnh vực đặc biệt trong việc hình thành các quan niệm, chuẩn mực, hệ giá trị đạo đức trong xã hội. Hệ thống giáo lý phật giáo là cơ sở lý luận xác thực cho vấn đề đạo đức xã hội, hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ.
Người Việt tiếp nhận tư tưởng Phật giáo nguyên thủy từ tâm lý, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, dựa vào đó mà lọc bỏ, kế thừa, phát huy các quan niệm, tư tưởng chuẩn mực đạo đức sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Sự hình thành hệ giá trị của dân tộc Việt Nam gắn với tiến trình vận động, phát triển của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chính trị, nghệ thuật. Do nằm ở vị trí chiến lược, là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng cùng sự giàu có về tài nguyên nên lịch sử Việt Nam là lịch sử của hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Trong nấc thang giá trị xã hội, việc ưu tiên các giá trị cộng đồng là điểm nổi bật trong đời sống dân tộc.
Với sự gần gũi và nhân văn, đạo đức Phật giáo nguyên thủy từ khi du nhập đã bén rễ, nảy sinh trong lòng dân tộc, tạo nên hệ giá trị đạo đức của Việt Nam. Ở Việt Nam, đã có những thời kì Phật giáo đảm nhiệm vai trò giáo dục giá trị đạo đức, đạo đức xã hội.
Trước khi tư tưởng Phật giáo nguyên thủy du nhập vào, ở Việt Nam đã tồn tại một số tín ngưỡng tôn giáo dân gian như thờ Mẫu, thờ Thành Hoàng, thờ Thổ địa, thờ cúng tổ tiên … thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, Phật giáo cùng với quá trình du nhập đã giải đáp được những băn khoăn mang tính triết lý nhân sinh mà tín ngưỡng dân gian chưa giải đáp được: nguồn gốc con người, ý nghĩa cuộc sống, vấn đề họa phúc trong đời sống con người …
Với tư tưởng “vô ngã”, “vô thần”, “từ , bi, hỷ, xả”, “nghiệp, luân hồi”,
“nhân quả”, Phật giáo đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Do đó, tư tưởng Phật giáo nguyên thủy đã nhanh chóng tạo lập được cơ sở thực tiễn vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của mình trên đất nước Việt Nam. Cùng với quá trình du nhập và phát triển đó, những chuẩn mực đạo đức Phật giáo cũng xâm nhập và tác động nhất định đến nền đạo đức của dân tộc, góp phần bổ khuyết những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của người
dân, làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của chúng ta, từ đó biến thành hành động đạo đức mang tính thiện.
Do điều kiện lịch sử quy định nên người Việt tiếp nhận Phật giáo không phải ở những luận thuyết trừu tượng, cao siêu mà chỉ đi vào những nội dung mang tính thực tiễn, vận dụng đề giải quyết những vấn đề cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà một bộ phận người dân Việt Nam không hiểu một cách tường tận những triết lý cao siêu của nhà Phật về vô thường, vô ngã, thập nhị nhân duyên, tứ diệu đế, nghiệp báo, luân hồi … nhưng vẫn tự coi mình là tín đồ nhà Phật. Hầu như người dân Việt Nam nào cũng tin rằng: sống có đạo đức thì sẽ gặt hái được những điều thiện, điều tốt, sống vô đạo đức, trái luân thường đạo lý ắt sẽ bị quả báo. Đại đa số người dân không thuộc kinh Phật ngoài mấy câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, hay “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” song họ đều cảm thấy mãn nguyện, hướng tới Đức Phật với niềm tin mọi đau khổ, bất trắc sẽ được diệt trừ. GS. Trần Văn Giàu đã khẳng định:
“Tín ngưỡng Phật giáo phổ biến trong đại đa số nhân dân. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của Phật mà chỉ biết cầu phúc, chỉ biết chuyện quả báo, luân hồi. Từ lâu rồi, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thủy. Tu nhân tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau” [19, tr.495].
Phật giáo nguyên thủy thực sự đi vào đời sống đạo đức của người Việt thông qua chức năng giáo dục, hướng con người tới các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Người Việt tìm đến với Phật giáo không chỉ vì nhu cầu tâm linh, cảm thấy thư thái an lạc nơi cửa Phật mà còn vì những nội dung đạo đức xã hội được ẩn chứa trong giáo lý đó.
Đối tượng giáo dục mà Phật giáo nguyên thủy hướng tới trong lĩnh vực đạo đức chính là con người với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm đối với
chính cuộc đời của mình. Thuyết nhân quả của Phật giáo nguyên thủy chỉ ra rằng: con người tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính mình chứ không phải do may rủi hay định mệnh. Giá trị của thuyết này chính là việc khẳng định con người làm chủ được cuộc sống của mình, đặt con người vào vị trí, vai trò trong xã hội. Trên cơ sở đó, đạo đức Phật giáo giúp con người phát huy hết những đặc tính ưu việt, giảm thiểu những nhân tố đưa đến sự bất lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Nỗ lực để hoàn thiện bản thân, tự mình đứng lên, không cầu cạnh hay áp lực với chính bản thân mình.
Một khi đánh mất giá trị làm chủ bản thân, con người dễ dàng bị cám dỗ trước những cạm bẫy của đạo đức suy thoái.
Khi đã làm chủ bản thân mình, làm chủ vận mệnh của mình, Phật giáo nguyên thủy đưa ra con đường dẫn tới giải thoát trước hết là giải thoát khỏi vô minh, phiền não, giác ngộ thành Phật. Xã hội lý tưởng mà Phật giáo hướng tới đó là thế giới Tịnh độ, bình đằng, hòa bình an vui “tương y y chí, tưởng thực thực lai”. Tuy nhiên, giải thoát theo Đức Phật không phải là con người chạy trốn, bỏ quên thực tại mà Phật tổ hướng con người tới một thế giới an lạc ngay tại chính hiện thực này. Với Phật, muốn thay đổi cuộc sống từ đau khổ đến an vui, hạnh phúc thì không gì hơn là chuyển hóa nội tâm theo luật nhân quả, lý duyên sinh vũ trụ để an lạc hạnh phúc ở hiện đời.
Trên cơ sở truyền thống quý báu của dân tộc ta được gìn giữ từ ngàn đời nay: tinh thần yêu nước, lòng thương người sâu sắc, tinh thần đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm, … mà nổi bật nhất là tinh thần yêu nước, khi Phật giáo hòa nhập vào đời sống văn hóa đạo đức của người Việt, nhiều giá trị đạo đức Phật giáo đã hòa quyện, gắn kết và hài hòa với tinh thần yêu nước tạo thành lòng từ bi, nhân ái của nhân dân ta với kẻ thù xâm lăng.
Trong đối nhân xử thế hàng ngày, người Việt luôn tâm niệm “thương người như thể thương thân”, luôn trọng nghĩa tình, xem nó lên trên hết “vì
tình vì nghĩa ai vì đĩa xôi đầy”. Chữ “tình” chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống đạo đức của người dân Việt Nam. Không chỉ giới hạn trong tình cảm gia đình, hàng xóm mà còn với cả những người khác dòng máu, dân tộc.
Triết lý của Phật giáo nguyên thủy về tính bình đẳng, tư tưởng từ bi đối với chúng sinh mang một giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc, có giá trị đạo đức với quần chúng nhân dân lao động. Người dân Việt Nam tìm thấy trong Phật giáo những giá trị đạo đức mang tính mẫu mực, phù hợp với tâm lý, cốt cách người Việt. Đó là từ tưởng nhân đạo, tinh thần bác ái, tinh thần cứu khổ, cứu nạn, hướng lợi trừ hại, vì cuộc sống bình yên của con người. Nhờ sự tương hợp ở một mức độ nhất định giữa đạo đức Phật giáo nguyên thủy và đạo đức truyền thống người Việt mà Phật giáo nguyên thủy đã có những đóng góp trong việc hình thành tâm lý đạo đức, đạo đức nhân cách của người Việt.
Như vậy, những tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy du nhập vào Việt Nam, trở thành triết lý sống của người dân Việt từ tầng lớp lãnh đạo đất nước cho đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Tư tưởng từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn, thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi ... khi du nhập vào Việt Nam, gặp gỡ thế giới quan và nhân sinh quan của người bản địa, thâm nhập sâu sắc vào tâm hồn người dân tạo thành hệ giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.