ĐẠI CƯƠNG Y HỌC LAO ĐỘNG
IV. Các biện pháp phòng chống các THNN và BNN
Công tác dự phòng THNN là lý tưởng nếu được đề cập đến ngay trong giai đoạn thiết kế. Việc chọn địa điểm đặt nhà máy, chọn mua và bố trí dây chuyền sản xuất, lắp đặt các thiết bị vệ sinh (như hệ thống sản xuất kín, hệ thống thông hút gió, cách ly bộ phận độc hại...) nếu như được cân nhắc kỹ càng sẽ tránh được đáng kể các THNN và hạn chế tối đa số người tiếp xúc. Tuy nhiên, một phần do phải đầu tư thêm kinh phí cho các thiết bị vệ sinh, một phần do thiếu hiểu biết về vệ sinh xây dựng, luật lệ còn lỏng lẻo, các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản này. Các biện pháp dự phòng THNN và BNN bao gồm:
1. Biện pháp kỹ thuật công nghệ
Biện pháp kỹ thuật công nghệ tác động vào quá trình sản xuất tức là nguồn phát sinh ra các THNN. Can thiệp đối với các nguồn phát sinh ra THNN để loại bỏ hoặc làm giảm bớt sự hình thành và giải phóng các THNN.
- Thay thế nguyên liệu, quá trình sản xuất hoặc trang thiết bị có khả năng ảnh hưởng
không tốt tới người lao động. Đây là biện pháp triệt để nhưng chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp và thường thì giá thành cao.
- Bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất thường xuyên: Thông thường các thiết bị mới ít sinh ra các THNN hơn là các thiết bị cũ. Sau một thời gian vận hành, các yếu tố như ồn, rung, bụi, hơi khí độc có thể phát sinh. Việc bảo dưỡng này nên được thực hiện bởi những người được huấn luyện kỹ càng và luôn tôn trọng đúng nguyên tắc vì có thể sẽ nguy hiểm khi sửa chữa, các dây chuyền độc hại.
- Hạn chế sự phát sinh một số yếu tố độc hại bằng một số phương pháp:
+ Phương pháp làm ướt để hạn chế bụi
+ Phun nước hoặc dùng màn nước ngăn giữa nguồn nóng và người công nhân để làm giảm nhiệt độ môi trường lao động.
- Cơ giới hóa, tự động hóa qui trình sản xuất nhằm:
+ Giảm các THNN liên quan tới quá trình sản xuất như bụi, khí độc + Hạn chế tiếp xúc thủ công với các THNN
Các biện pháp trên không những có hiệu quả trong phòng chống các THNN mà còn làm tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm, tuy nhiên đầu tư ban đầu thường rất tốn kém không dễ thực thi tại các nước nghèo.
2. Biện pháp kỹ thuật vệ sinh
Biện pháp kỹ thuật vệ sinh nhằm hạn chế sự khuyếch tán của THNN vào môi trường sản xuất bằng cách xử lý các THNN hoặc can thiệp trung gian làm giảm sự lan truyền THNN từ nguồn tới người lao động nhờ các thiết bị vệ sinh.
Thông gió, làm giảm nồng độ, ảnh hưởng của các THNN trong môi trường lao động.
- Thông gió cục bộ: Không khí xung quanh nguồn phát sinh hơi khí độc được một hệ thống hút và đưa ra ngoài môi trường sản xuất, đó là thông gió cục bộ kiểu hút ra. Thông gió cục bộ kiểu thổi vào được sử dụng trong điều kiện môi trường vi khí hậu nóng, luồng không khí mát được thổi vào khu vực làm việc của người công nhân.
- Thông gió chung: Thường là dùng quạt hút hoặc thổi gió với mục đích hạ thấp, pha loãng nồng độ của hơi, bụi, khí độc hoặc làm thay đổi vi khí hậu nơi làm việc.
Chiếu sáng hợp lý: Chiếu sáng không tốt làm giảm năng suất lao động, hại mắt, chóng mệt mỏi và dễ gây tai nạn lao động. Cần bố trí ánh sáng hợp lý đặc biệt ở vị trí làm việc của người công nhân, tránh ánh sáng quá yếu hoặc ngược lại ánh sáng quá chói.
3. Tổ chức lao động hợp lý
Tổ chức lao động hợp lý ta có thể hạn chế được số người tiếp xúc với các THNN, giảm bớt được nồng độ của các yếu tố độc hại trong môi trường sản xuất trong khi chi phí cho công việc này có thể không lớn.
- Cách ly các dây chuyền sản xuất phát sinh yếu tố độc hại để hạn chế tối đa người tiếp xúc với các THNN.
- Hạn chế các công việc đơn điệu, giảm thời gian lao động có tiếp xúc với các yếu tố độc hại, tổ chức thời gian lao động, nghỉ ngơi, bồi dưỡng hợp lý để đảm bảo khả năng tái sản xuất của người lao động. Máy móc và công cụ lao động cần phải phù hợp với người lao động.
- Thường xuyên quan tâm, chăm lo tới đời sống người lao động, ổn định nơi ăn chốn ở để họ yên tâm sản xuất, giảm khoảng cách từ nhà tới nơi sản xuất nếu có thể để hạn chế việc đi lại của công nhân.
- Thực hiện công tác vệ sinh phân xưởng, máy móc: Đây là công việc quan trọng
nhằm làm tăng tuổi thọ cho thiết bị, giảm sự tích lũy THNN trong môi trường như bụi, chất độc... Đối với môi trường sản xuất có sử dụng thiết bị quạt thổi gió thì công việc này càng cần thiết vì gió có thể làm khuyếch tán trở lại môi trường các bụi, chất độc đã lắng xuống từ những ngày trước.
4. Tôn trọng nội quy nơi làm việc
Thực hiện đầy đủ các nội quy về vệ sinh an toàn nơi sản xuất, đề phòng tai nạn lao động. Bố trí hệ thống biển báo và vùng giới hạn để phân biệt vùng có THNN và vùng an toàn, giúp cho việc hạn chế tối đa số người tiếp xúc với các THNN.
5. Giám sát môi trường sản xuất
Giám sát môi trường sản xuất thường xuyên để phát hiện kịp thời THNN mới phát sinh, theo dõi sự tăng, giảm của các THNN cũ để có các can thiệp kịp thời . Đánh giá mức độ an toàn của dây chuyền sản xuất để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các biện pháp can thiệp với nguồn THNN và môi trường.
6. Tuyên truyền giáo dục công nhân về tác hại và các biện pháp phòng chống các THNN Tuyên truyền giáo dục công nhân về tác hại và các biện pháp phòng chống các THNN có mặt trong môi trường sản xuất, sơ cứu, cấp cứu khi cần thiết, giáo dục tinh thần tôn trọng quy tắc an toàn, vệ sinh trong lao động.
7. Các biện pháp phòng hộ cá nhân
Phòng hộ các nhân chỉ để bảo vệ cho từng người lao động riêng rẽ. Nó chấp nhận thực tế là THNN vẫn tồn tại trong môi trường và luôn luôn đe dọa công nhân, trong nhiều trường hợp, phòng hộ cá nhân trở thành biện pháp quan trọng và duy nhất có thể đảm bảo cho người công nhân phòng ngừa được tác hại nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp. Tùy theo loại THNN mà có các trang bị phòng hộ thích hợp. Có thể liệt kê một số loại như kính để bảo vệ mắt, mặt nạ, khẩu trang cho đường hô hấp, quần áo, ủng, găng cho da, nút tai để giảm ồn, mũ, nón bảo vệ đầu.
Thông thường một loại phòng hộ chỉ bảo vệ được một số THNN nhất định. Thực tế trong nhiều nhà máy người công nhân có thể phải sử dụng nhiều loại phòng hộ cùng lúc, điều này thường lại hạn chế thao tác của công nhân, tăng chi phí của nhà máy cho các thiết bị phòng hộ.
Ngoài ra, hiệu quả của các trang bị phòng hộ còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như chất lượng của các trang bị, công nhân có tự giác sử dụng và sử dụng đúng hay không, sự phiền toái khi sử dụng nó.
8. Các biện pháp y tế 8.1 Khám tuyển
Khám tuyển công nhân trước khi vào nhà máy, nhằm loại trừ những người không được tiếp xúc với một số THNN nhất định vì lý do về thể lực, tuổi, giới tính, các bệnh lý mãn tính ở các cơ quan như hệ hô hấp, tim mạch, gan, thận.
8.2 Khám định kỳ
Ngoài các tai nạn nghề nghiệp hoặc các nhiễm độc cấp, các THNN còn gây ra các ảnh hưởng lâu dài trên cơ thể với các nhiễm độc bán cấp hoặc mãn. Phần lớn các triệu chứng lâm sàng của các bệnh nghề nghiệp thường xuất hiện rất muộn, khi đó các biện pháp điều trị thường ít hiệu quả. Vì vậy phát hiện các biểu hiện sớm của nhiễm độc nghề nghiệp trước khi có các triệu chứng lâm sàng là mục đích chính của khám định kỳ. Khám định kỳ còn có
nhiệm vụ theo dõi sức khỏe chung của công nhân phát hiện và điều trị các bệnh thông thường, nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Tùy từng loại THNN công nhân tiếp xúc mà chọn mời các bác sĩ chuyên khoa, chọn xét nghiệm thích hợp. Kết quả của khám định kỳ sẽ giúp lựa chọn các giải pháp thích hợp đối với các đối tượng nghi ngờ như gửi lên tuyến trên khám xác định, điều trị, cách ly, chuyển công tác hoặc tăng cường phòng hộ.
Một bộ phận lớn các BNN được phát hiện muộn, việc điều trị khó khăn, ít hiệu quả, có bệnh chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy việc phát hiện sớm BNN để có biện pháp thích hợp là rất cần thiết.
8.3 Theo dõi và quản lý các bệnh nhân mắc BNN
Sau khi công nhân đã được chẩn đoán là mắc BNN, họ cần phải được quản lý theo dõi. Nếu có thể nên chuyển họ sang công tác khác ít độc hại hơn. Tuy nhiên việc này còn liên quan tới tay nghề và thu nhập của họ nên cũng không dễ dàng. Nếu vẫn tiếp tục để họ ở vị trí cũ thì cần tăng cường các biện pháp phòng hộ cho họ, hạn chế các cơ hội tiếp xúc và thường xuyên kiểm tra theo dõi định kỳ.
Người bị BNN và tai nạn lao động cần được giám định khả năng lao động, đánh giá mức độ mất sức lao động mà bố trí công việc hợp lý. Trong trường hợp không thể tiếp tục công việc / nghỉ lao động, cần có chế độ bảo hiểm xã hội / đền bù tương xứng.