CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
1.4. Một số vấn đề về quản lý giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên đại học sư phạm
1.4.3. Phương pháp QLGDĐĐNN cho sinh viên đại học sư phạm
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua việc giảng dạy các môn học:
Thực chất giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm không được xếp thành môn học chính khóa trong trường sư phạm nhưng nó được lồng ghép và tích hợp thông qua nhiều hoạt động khác, mà trong đó giảng dạy các môn là hoạt động không thể thiếu được. Các môn học này đã cung cấp cho sinh viên những tri thức đạo đức, các em có được những chuẩn mực đạo đức của người thầy giáo tương lai. Nhờ đó, các em hiểu được ý nghĩa tác dụng của việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức đó, hiểu được mục đích của hành động, hiểu được thái độ cần phải có, nhiệm vụ bổn phận cần phải làm cũng như phương thức hành vi phù hợp với từng tình huống cụ thể. Từ đó, các em có khả năng định hướng đúng trong cuộc sống và tự giác cao trong các hoạt động của mình.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua công tác giáo dục tư tưởng chính trị:
Đây là nhiệm vụ hàng đầu trong nhà trường. Quá trình hội nhập và phát triển kinh tế xã hội hiên nay đang tạo ra cho chúng ta những thời cơ đáng kể.
Song mặt trái của cơ chể thị trường cũng đang tác động đến văn hóa, lối sống, hành vi đạo đức của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên đã
khiến cho đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. Vì vậy công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng là biện pháp quan trọng cung cấp cho họ những tri thức, những hiểu biết về quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước. Giúp họ nhận thức và lựa chọn đúng các giá trị phù hợp với yêu cầu xã hội.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua các buổi tọa đàm, thảo luận:
Tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận về đạo đức của sinh viên sư phạm và về nghề dạy học trong giai đoạn hiện nay. Biện pháp này được xem như là biện pháp giáo dục có tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm và thái độ của các em. Giúp các em thấy được những ưu điểm để phát huy và hạn chế những khuyết điểm của bản thân.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua giáo dục truyền thống nghề nghiệp:
Truyền thống giáo dục là những chuẩn mực đạo đức thể hiện trong học tập, trong giáo dục và quan hệ giao tiếp giữa thầy và trò nhằm truyền đạt lại những kinh nghiệm để làm người. “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngày nay được thể hiện ở sự khiêm nhường học hỏi của trò, thể hiện ở “Tất cả vì học sinh thân yêu” của thầy giáo. Giáo dục truyền thống nghề nghiệp nhằm khơi dậy ở sinh viên sư phạm lòng tự hào về nghề nghiệp mà mình đã chọn, tạo ra động lực phấn đấu cho bản thân
- Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh:
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, có văn hóa mang tính khoa học và mô phạm, tạo cho nhà trường trở thành một trung tâm đào tạo có chất lượng cao không chỉ về chuyên môn, tay nghề mà còn là trung tâm giáo dục đạo đức cho sinh viên. Phải làm cho sinh viên ngày càng tự hào về nghề nghiệp mà mình đang học tập rèn luyện và gắn bó suốt đời với tất cả lương
tâm và trách nhiệm cũng như sự tôn vinh mà xã hội dành cho. Muốn vậy mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Xây dựng kỷ cương nề nếp dạy và học, nghiêm minh trong kiểm tra thi cử và trong đánh giá. Phải kiên quyết chống bệnh thành tích, nhận thức đúng thực tế chất lượng dạy và học để khắc phục những điểm còn yếu kém.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm:
Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là hoạt động bao gồm nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau. Tính đặc trưng của rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là biến những điều đã nghe thấy, trông thấy thành những sản phẩm riêng kết tinh năng lực sư phạm của chính bản thân mỗi sinh viên. Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện thuần thục những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, hình thành những phẩm chất đạo đức cần thiết như: Lòng yêu trẻ, yêu nghề, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp…
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua hoạt động của đoàn thanh niên và hội sinh viên:
Hoạt động của đoàn thanh niên có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đào tạo của nhà trường sư phạm nói chung và tới việc hình thành những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Vì vậy, tổ chức các hoạt động đa dạng phong phú với những hình thức phù hợp hấp dẫn thu hút sự tham gia tích cực của sinh viên. Chuẩn bị cho họ những kĩ năng tổ chức hoạt động sau này ở nơi công tác và kĩ năng sống cho chính họ.
- Thông qua việc kết hợp với các tổ chức xã hội trong việc ngăn chặn và chống các tệ nạn xã hội đang ngày càng có nguy cơ lây lan vào học đường:
- Tổ chức những sân chơi bổ ích lành mạnh, thu hút học sinh, sinh viên tham gia: Tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ bộ môn…
- Cần làm cho sinh viên chủ động tích cực chống lại những biểu hiện sai trái về đạo đức, trái với lối sống lành mạnh. Đề cao ý thức và tự rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân.
- Thành lập văn phòng tư vấn về các vấn đề trong đời sống của học sinh, sinh viên…
- Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
- Cần tạo dư luận lành mạnh ủng hộ, khuyến khích các hành vi mang tính đạo đức và lên án những hành vi mang tính phi đạo đức, lệch chuẩn của học sinh sinh viên. Khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh thì các hành vi lệch chuẩn, phi đạo đức sẽ không có thời cơ xuất hiện…
- Xây dựng quy chế khen thưởng:
Việc khen thưởng có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Nó thể hiện sự khuyến khích, động viên những cá nhân và tập thể có thành tích cao trong phong trào học tập và rèn luyện toàn diện.