Khái quát về tình hình hoạt động và quy mô đào tạo của trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 61 - 66)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. Khái quát về tình hình hoạt động và quy mô đào tạo của trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh từ ngày thành lập đến nay trải qua 38 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển với 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (1976 - 1995): Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thành lập ngày 27/10/1976 theo quyết định số 426/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân của trường là Đại học Sư phạm Sài Gòn (thành lập 1957). Giai đoạn này Trường tồn tại với tư cách là một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Giáo dục và sau này là Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên có trình độ đại học cho sinh viên các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên trong thời kỳ tập trung bao cấp (1976 - 1986) Trường chỉ làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh miền Tây Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh với số lượng sinh viên theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau năm 1986, đặc biệt khi có Nghị quyết Trung ương 2 - Khóa VIII, Trường đào tạo sinh viên cho nhiều khu vực và tỉnh, thành của cả nước nên nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo của Trường càng nặng nề hơn.

Giai đoạn 2 (1995 - 1999): Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là thành viên của Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường chịu sự chi phối và lãnh đạo của Đại học Quốc gia TP. HCM về tất cả các phương diện. Trường có nhiều thuận lợi trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác nghiệp vụ riêng biệt cho ngành sư phạm. Trước tình hình này ngày 12/10/1999 Thủ tướng

Chính phủ có Quyết định số 201/1999/QĐ-TTg về việc tách trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi Đại học Quốc gia TP. HCM và xây dựng thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm khu vực phía Nam.

Giai đoạn 3 (1999 - đến nay): Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tiến tới xây dựng thành trường ĐHSP trọng điểm phía Nam.Với nhiệm vụ nặng nề ấy, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước tiến hành mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý để xây dựng bộ máy và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quy mô đào tạo các bậc học, nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và kế hoạch - tài chính để xây dựng một trường trọng điểm về sư phạm cho khu vực phía Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các tỉnh, thành phía Nam và khu vực lân cận.

Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1986), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2007) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tặng nhiều Bằng khen cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phong trào, đoàn thể.

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là một trong hai trường ĐHSP lớn nhất nước, Trường được đặt tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất nước, trung tâm số một về kinh tế và là một trong hai trung tâm khoa học, văn hóa của cả nước; nơi tập trung các trường đại học, các viện nghiên cứu với số lượng trí thức cấp cao đông đảo, nơi có quan hệ giao lưu rộng và sâu về giáo dục, khoa học, văn hóa thế giới. Do đó, Trường đảm đương vai trò trọng điểm chủ yếu đối với nửa nước phía Nam trong việc đào tạo giáo viên, có một số phương diện còn có trách nhiệm bao quát đối với cả nước (nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học trong một số chuyên ngành, đề xuất chiến lược và chính sách giáo dục…).

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh hiện có 44 đơn vị: 20 khoa và ngành đào tạo, 02 tổ chức và bộ môn trực thuộc, 01 Viện nghiên cứu giáo dục, 15 phòng ban và các đơn vị tương đương, 01 trường Trung học Thực hành, 05 trung tâm trực thuộc. Tổng số cán bộ viên chức hiện nay của trường là 895, trong đó 591 giảng viên (gồm 26 giáo sư và phó giáo sư, 118 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 353 thạc sĩ), Ban Giám hiệu gồm Hiệu trưởng và 03 Phó Hiệu trưởng.

Nằm trong hệ thống các trường sư phạm, Trường đã và đang thực hiện nhiệm vụ chính trị nặng nề, to lớn của mình, tham gia ngày càng tích cực và có hiệu quả, góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Theo Quyết định số 201/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường có những chức năng và nhiệm vụ sau:

* Chức năng:

- Đào tạo giáo viên có trình độ đại học cho tất cả các cấp học, ngành học, cung cấp nguồn nhân lực cho các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân từ mẫu giáo đến trung học phổ thông.

- Đào tạo những người có trình độ sau đại học để bổ sung và tăng cường chất lượng cho đội ngũ cán bộ của trường, đồng thời cung cấp cán bộ và giảng viên nòng cốt cho các cơ quan quản lý giáo dục, các trường sư phạm và phổ thông, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội.

- Đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và giáo viên các trường phổ thông - mầm non, các trường trung học và cao đẳng sư phạm nhằm tạo điều kiện cho giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, tiếp cận với những kinh nghiệm tiên tiến nhất trong việc tổ chức, giảng dạy và học tập trong nhà trường.

- Nghiên cứu các vấn đề khoa học giáo dục, khoa học cơ bản và công nghệ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chất lượng của hoạt động đào tạo phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa.

- Xây dựng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học chuẩn mực và có chất lượng cao, trước hết là đào tạo những giáo viên và những nhà giáo dục nắm vững tri thức chuyên môn, có khả năng hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập suốt đời, có nhân cách và những phẩm chất của người thầy, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy ở các tỉnh phía Nam.

- Xây dựng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến, bao gồm cả khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên, chú ý cả đến việc nghiên cứu khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng, đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu các vấn đề khoa học giáo dục và sư phạm liên quan đến thực tiễn giảng dạy và học tập ở các trường sư phạm, phổ thông, mầm non, giáo dục chuyên biệt cũng như thực tiễn giáo dục ở các địa phương, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng của nền giáo dục quốc dân.

- Xây dựng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thành một môi trường mở về tri thức, gắn NCKH và đào tạo với phục vụ cộng đồng, có quan hệ quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt và đầu tàu trong quan hệ với các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên ở phía Nam, trở thành cơ sở, đầu mối về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các trường sư phạm và trường phổ thông trong việc nghiên cứu giáo dục và khoa học sư phạm, nâng cao nghiệp vụ, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập.

- Xây dựng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thành một cơ sở đào tạo và NCKH hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị tiên tiến nhằm tạo ra môi trường sư phạm tốt nhất cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt, đảm bảo áp dụng được những thành tựu và phương diện mới vào

đào tạo và nghiên cứu, góp phần xây dựng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thành một trong những trung tâm giáo dục có tính chất quốc tế của khu vực.

* Nhiệm vụ:

- Đào tạo giáo viên và cán bộ (khoa học) có trình độ đại học chuẩn mực, chất lượng cao cho tất cả các ngành học nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các trường từ mẫu giáo tới trung học phổ thông, kể cả các trường giáo dục chuyên biệt và các trường sư phạm.

- Đào tạo những người có trình độ sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) chuẩn mực, chất lượng cao các ngành chuyên môn để bổ sung và tăng cường đội ngũ cán bộ của Trường, đồng thời cung cấp cán bộ nòng cốt và giảng viên cho các cơ quan nghiên cứu, quản lý giáo dục, các trường sư phạm và phổ thông cũng như góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội.

- Đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và giáo viên các cấp, kể cả các trường giáo dục chuyên biệt, nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý giáo dục và những người đứng lớp không ngừng nâng cao trình độ, tiếp cận được với những kinh nghiệm tiên tiến nhất trong việc tổ chức giảng dạy và học tập ở nhà trường.

- Đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo nhằm phục vụ rộng rãi nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao của xã hội.

- Nghiên cứu các vấn đề khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ giảng dạy và chất lượng của hoạt động đào tạo, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa của đất nước, đặc biệt là của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

- Nghiên cứu các vấn đề lý thuyết và thực tiễn của khoa học giáo dục và sư phạm nhằm góp phần xây dựng chính sách giáo dục của nhà nước để giải

quyết các vấn đề do thực tế dạy và học ở địa phương đặt ra. Chủ trì, tích cực tham gia việc xây dựng chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cấp.

- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trường ĐHSP và các tổ chức nghiên cứu giáo dục hay khoa học nói chung của các nước trên thế giới nhằm trao đổi những kinh nghiệm tiên tiến về phát triển giáo dục, cách tổ chức hoạt động giảng dạy và học, đồng thời tạo thêm cơ hội để bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên cũng như góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học ở nhà trường.

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đáp ứng việc áp dụng phương pháp dạy và học tiên tiến, nghiên cứu khoa học, cũng như những hoạt động khác của nhà trường.

Hiện nay, Nhà trường đang quyết tâm thực hiện tuyên bố sứ mạng:

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, đảm bảo có uy tín với trình độ và chất lượng cao cho ngành Giáo dục và Đào tạo của đất nước, đặc biệt đối với khu vực các tỉnh phía Nam về các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực và sản phẩm nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học giáo dục - sư phạm.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)