CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN CẤP HUYỆN
1.2. Khái quát về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn cấp huyện
1.2.4 Quy trình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết
1.2.4.1. Ban hành các quy định, chương trình, kế hoạch nhằm xác định khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trợ giúp xã hội dành cho người khuyết tật
Thông qua việc ban hành các quy định, hướng dẫn, Ban Bí thư trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo…xác lập hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trợ giúp xã hội và hình thành căn cứ, cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Các quy định, hướng dẫn hoạt động trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để cơ quan, đơn vị chủ trì (UBND cấp tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội, UBND cấp huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội) có đủ căn cứ pháp lý nhằm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp..) thực hiện có hiệu quả và chính xác, tuân thủ pháp luật các chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án..trợ giúp người khuyết tật là nhiệm vụ không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác người khuyết tật.
1.2.4.2. Tuyên truyền, vận động các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân quan tâm phối hợp thực hiện công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Công tác tuyên tuyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác người khuyết tật rộng rãi đến các ban ngành, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân được thực hiện bởi Sở Lao động- Thương và Xã hội trực tiếp chủ trì hướng dẫn các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố (bộ phận phụ trách chính là công chức phụ trách công tác bảo trợ xã hội) phối hợp với các Phòng ban liên quan như: Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao…thực hiện để họ nắm bắt được kịp thời, đầy đủ bản chất, ý nghĩa của chính sách, từ đó tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật của Nhà nước.
UBND cấp xã căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội về nội dung thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với từng nhóm đối tượng người khuyết tật và căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; khu dân cư trên địa bàn tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động người dân cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật theo các hình thức khác nhau. Trong đó, tập trung tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng xã, vùng đông bào dân tộc thiểu số nơi mà còn sinh sống theo phong tục, tập quán lạc hậu để các đối tượng tại đây được tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần hỗ trợ người khuyết tật tự tin,
vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
1.2.4.3. Trách nhiệm của các bên và cơ chế phối hợp trong việc thực hiện chính sách xã hội đối với người khuyết tật
Hiện nay trong hệ thống cơ quan Hành chính nhà nước có nhiều cơ quan, đơn vị ở các cấp khác nhau tham gia thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật được Chính phủ quy định, chỉ đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì;
Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp với vị trí chức năng, nhiệm vụ của từng công chức phụ trách, công tác người khuyết tật sẽ do Phòng Bảo trợ Xã hội quản lý và giao cho các chuyên viên của Phòng phụ trách thực hiện;
đôngg thời chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như: Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo-người tàn tật và trẻ em mồ côi; Hội người khuyết tật tỉnh; các Trung tâm bảo trợ xã hội có chăm sóc người khuyết tật thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật.
Cơ chế phối hợp của các cơ quan này chủ yếu là thực hiện các hoạt động hỗ trợ mang tính chất đột xuất, không thường xuyên (thường xuyên đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội khi có tiếp nhận chăm sóc người khuyết tật do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu).
Đối với cấp huyện, UBND huyện giao cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo biên chế của Phòng, sắp xếp và phân công nhiệm vụ đối với công chức có vị trí chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (phụ trách bộ phận bảo trợ xã hội) thực hiện công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, trực tiếp tham mưu cho cơ quan hướng dẫn cấp xã thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật, giúp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện phê duyệt chế độ, chính sách đối với người khuyết tật đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.
Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan như:
bảo hiểm xã hội, Phòng Y tế, Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Tài chính – Kế hoạch, …bố trí nhân sự phối hợp thực hiện.
Ở cấp xã, UBND cấp xã là đơn vị trực tiếp thực hiện xét duyệt và các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác người khuyết tật, để thực hiện các nhiệm vụ này, UBND cấp xã sắp xếp, phân công một cán bộ phụ trách công tác Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả, chính xác và kịp thời cũng tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi các cấp, ngành phân công và phân cấp thực hiện nhiệm vụ hợp lý, rõ ràng và khoa học; thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và bố trí cán bộ, công chức thực thi chính sách có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất và tâm huyết với ngành.
1.2.4.4. Thực hiện công tác hướng dẫn, tập huấn bồi dưỡng chuyên ngành thường xuyên để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác trợ giúp xã hội ở cấp cơ sở
Đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội nói chung và công tác trợ giúp người khuyết tật nói riêng. Yêu cầu đặt ra là phải bố trí đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Thực hiện công tác tập huấn hướng dẫn và bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ công chức để đảm bảo chất lượng cán bộ công chức trong quá trình công tác cũng như tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội nói chung và chính sách đối với người khuyết tật nói riêng. Đặc biệt, chú trọng xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số và cán bộ công chức cấp xã phụ trách các địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống để đảm bảo chất lượng về thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo các chính sách được cập nhật kịp thời đến người dân.
Đối với Trung ương (trực tiếp thực hiện là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan): tổ chức các Hội nghị
tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật các tỉnh, huyện, thành phố và tổ chức theo khu vực (miền Bắc, miền Nam, miền Trung).
Đối với cấp Tỉnh (trực tiếp thực hiện là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các ban ngành ngang cấp liên quan): tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện và cấp xã về các nội dung lien quan đến thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật định kỳ hằng năm căn cứ vào các chương trình, kế hoạch đã xây dựng về công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực đối với đội ngũ thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật cấp cơ sở.
Đối với cấp huyện: hằng năm căn cứ vào Kế hoạch thực hiện công tác bảo trợ xã hội, trong đó có nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cấp xã, thôn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì biên soạn tài liệu tập huấn căn cứ vào những hướng dẫn chuyên ngành hiện hành của cấp trên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trợ giúp người khuyết tật cấp xã, thôn, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, đặc biệt là công tác trợ giúp người khuyết tật.
1.2.4.5. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Đối với công tác trợ giúp người khuyết tật thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng nhằm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, phát hiện được những ưu điểm, những sáng tạo, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ để làm căn cứ phát huy hơn trong thực thi nghiệp vụ;
đồng thời phát hiện các sai sót, hạn chế và kịp thời đề ra biện pháp xử lý, điều chỉnh để các hoạt động trợ giúp xã hội được thực hiện hiệu quả, chính xác và theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động này bắt đầu từ việc định hướng, xây dựng kế hoạch, ban hành chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.
Đối với công tác trợ giúp người khuyết tật, chủ thể thực hiện ở Trung ương gồm có Thanh tra nhà nước, Thanh tra cấp chuyên ngành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá đối với các cấp thực hiện từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở, phạm vi thực hiện trên toàn quốc;
Đối với cấp tỉnh: Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chủ thể trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện công tác người khuyết tật là Thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức chính trị-xã hội đối với các cơ quan, ban ngành thực hiện công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật cấp huyện và cấp xã;
Đối với cấp huyện: Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, trong đó chủ trì là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ vào kế hoạch đã xây dựng về kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật của cấp xã, có thể kiểm tra, giám sát định kỳ theo năm hoặc kiểm tra, giám sát bất thường, đột xuất đối với bộ phận thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật cấp xã;
Đối với cấp xã: căn cứ vào kế hoạch của cấp trên, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật của địa phương theo quy định và chỉ đạo của cấp trên và thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra, giám sát với UBND huyện (qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Thường trực Huyện ủy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh.