CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DI LINH, TỈNH LÂM ĐỒNG
2.2. Tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật
Hiện nay, ở cấp huyện không xây dựng, ban hành chính sách trợ giúp người khuyết tật theo trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà tổ chức thực hiện các chính sách người khuyết tật theo Luật người khuyết tật năm 2019; Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với người khuyết tật.
Trên cơ sở các Kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, các Sở, ban ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ hàng năm đều ban hành Kế hoạch hoạt động theo lĩnh vực phụ trách như: Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Sở Lao động - TB&XH ban hành Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.
Công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp người khuyết tật đã được các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: đặc biệt là hình thức phổ biến, tuyên truyền thông qua các hình thức như tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm góp phần đảm bảo thực hiện quyền của người khuyết tật trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
2.2.2. Về đội ngũ công chức quản lý, công chức thực thi nhiệm vụ đối với người khuyết tật
Hiện nay, việc thực thi các chính sách đối với người khuyết tật là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội được cơ quan Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện, Phòng bố trí một chuyên viên phụ trách, bên cạnh đó còn có đội ngũ gồm 19 công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội của 19 xã, thị trấn và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện nhiệm vụ họp xét, đánh giá mức độ khuyết tật và đề xuất cấp trên thực hiện chế độ đối với những người khuyết tật đủ điều kiện thụ hưởng.
2.2.3. Về nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ:
Địa phương bố trí trụ sở làm việc, máy tính, máy in, và các trang thiết bị khác đầy đủ và đảm bảo vận hành hiệu quả từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn.
Về đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ:
Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội bố trí một chuyên viên đáp ứng đủ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, thâm niên công tác, tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao đảm nhiệm bộ phận bảo trợ xã hội, trong đó có công tác người khuyết tật.
UBND 19 xã, thị trấn mỗi xã bố trí một công chức phụ trách công tác Lao động-Thương binh và Xã hội, trong đó có thực hiện nhiệm vụ đối với người khuyết tật.
Ngoài ra, địa phương còn có các đơn vị phối hợp như Hội Chữ Thập đỏ huyện, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện, Liên đoàn Lao động huyện, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng, Hội người khuyết tật huyện Di Linh.
Về kinh phí thực hiện chính sách:
Hăng năm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội được phân bổ kinh phí căn cứ trên dự toán đã xây dựng và đề xuất của cơ quan từ nguồn kinh phí của địa phương để lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ về người khuyết tật.
Chưa có kinh phí Trung ương và kinh phí tỉnh để thực hiện các chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật.
Nguồn lực xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật: Hằng năm, địa phương tiếp nhận nguồn tài trợ từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước về tiền và hiện vật để hỗ trợ cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các đoàn từ thiện phát quà, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, máy trợ thính, các dụng cụ hỗ trợ y tế khác và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người khuyết tật.
2.2.4. Về tổ chức thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tổ chức thực hiện các chính sách người khuyết tật theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Ngoài ra, địa phương cũng đang thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030.
2.2.5. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
- Kiểm tra, giám sát việc thiết lập hồ sơ, tổ chức họp xét chế độ bảo trợ xã hội tại cấp xã, thị trấn: Chủ trì là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan như: Phòng Y tế, Phòng Nội vụ, Hội Chữ Thập đỏ xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn đi kiểm tra định kỳ 6 tháng, 1 năm. Đối tượng được kiểm tra là công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã.
- Kiểm tra việc chi trả trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật được thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng: Chủ trì thực hiện là Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ theo quý. Đối tượng được kiểm tra là UBND các xã, thị trấn và đơn vị dịch vụ nhận chi trả trợ cấp xã hội là Bưu điện huyện.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách khác đối với người khuyết tật: Ban dân vận Huyện ủy, Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu kế hoạch và mời các thành phần liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề theo kế hoạch đã đề ra.