CHƯƠNG 2. QUAN TRẮC KHÍ THẢI
2.5. Phương pháp quan trắctự động
2.5.2. Quản lý bảo dưỡng thiết bị đo
Ở Việt Nam, đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện được xây dựng từ năm 2005 trở đi đều áp dụng hệ thống CEMS. Để vận hành hệ thống CEMS một cách bình thường và thu được dữ liệu chính xác thì việc định kỳ hiệu chuẩn, quản lý bảo dưỡng vô cùng cần thiết. Phần này sẽ đề cập đến những nguyên nhân sự cố của hệ thống CEMS thường thấy ở Việt Nam và biện pháp khắc phục các sự cố đó.
(1) Hiệu chuẩn định kỳ
Sau một thời gian dài hoạt động của hệ thống, điểm (0) và điểm chuẩn (span) sẽ bị trôi dẫn kết quả đo không còn chính xác nữa. Do đó, cần thực hiện hiệu chuẩn hệ thống CEMS bằng khí không và khí span như mô tả ở phần 2.1(2) (b).
Hình 2.12. Ví dụ về việc lắp các thiết bị của CEMS vào phầngiữa ống khói (2) Nội dung cần chú ý khi lấy mẫu
Việc thiết kế phù hợp của đường ống từ đầu dò lấy mẫu khí thải lắp ở bên trong ống khói cho đến thiết bị đo khí tự động vô cùng quan trọng để thu được giá trị đo chính xác. Vì vậy, cần phải thực hiện các biện pháp xử lý loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng trên cơ sở tính đến yếu tố cản trở, hàm ẩm, nồng độ bụi… trong việc đo nồng độ chất gây ô nhiễm trong khí thải. Đặc biệt là cần tính đến những điểm dưới đây:
1) Làm nóng đường ống dẫn khí từ vị trí thu mẫu đến thiết bị một cách phù hợp để hơi nước không bị ngưng tụ ở bên trong đường ống. Tùy theo tính năng của thiết bị đo tự động mà xem xét khử ẩm khí thải đến mức độ nào. Nếu hơi nước ngưng tụ bên trong đường ống thì sẽ gây hư hỏng thiết bị. Ngoài ra, đối tượng đo sẽ bị nước hấp thụ nên có thể giá trị đo được sẽ thấp hơn nồng độ thực tế.
2) Do tác động của các yếu tố ảnh hưởng có trong khí thải, nên có trường hợp, thiết bị đo hiển thị các giá trị bất thường. Trong trường hợp này thì phải tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp chẳng hạn như kiểm tra lại kỹ trong sổ tay hướng dẫn sử dụng của thiết bị đo tự động, xác nhận thông tin về yếu tốt ảnh hưởng và tiến hành loại bỏ theo khuyến nghị của hãng sản xuất hoặc lắp bộ lọc như trong sổ tay hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
3) Khí có độ ẩm cao, sự cố về bảng mạch rất dễ xảy ra. Vì vậy cần tiến hành kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bên trong buồng đo ở mức phù hợp.
4) Chú ý đến việc rò rỉ khí hoặc xâm nhập không khí ở chỗ khớp nối của đường ống có thể gây nêncác giá trị đo bất thường. Khi lắp đặt đường ống thì phải kiểm tra xem khí có rò rỉ không.
5) Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, thực hiện thay thế linh kiện một cách phù hợp. Hệ thống CEMS hoạt động liên tục trong 24 giờ trong 365 ngày, trừ khoảng thời gian toàn nhà máy tiến hành tổng kiểm tra bảo dưỡng. Có những phụ kiện cần phải thay định kỳ như bơm, van, công tắc chuyển đổi, nguồn ánh sáng…
Trường hợp nhà thầu hoặc nhà thầu phụ hợp đồng xây dựng nhà máy mua riêng lẻ và lắp thiết bị đo thì giá thành rẻ nhưng họ lại không có kiến thức về đo nồng độ nên thường không tuân thủ các điểm lưu ý nêu trên, vì vậy nên yêu cầu hãng sản xuất thiết bị đo trong hệ thống CEMS hoặc người có kiến thức chuyên môn về đo nồng độ tiến hành lắp đặt thiết bị đo tự động.
(3) Chi phí cần thiết để quản lý bảo dưỡng hệ thống CEMS
Hệ thống CEMS, như đã trình bày ở trên, không phải cứ lắp đặt là luôn thu được giá trị đo đúng mà cần phải tiến hành quản lý bảo dưỡng một cách phù hợp. Vì vậy cần phải dự toán một khoản kinh phí để tiến hành quản lý bảo dưỡng chẳng hạn như thay thế phụ kiện. Chi phí quản lý bảo dưỡng hệ thống CEMS trong 1~3 năm sau khi mua thiết bị sẽ tốn khoảng 10% giá mua thiết bị đo hàng năm, sau đó tùy theo tình hình sử dụng mà tốn thêm một phần nhỏ chi phí nữa, chẳng hạn như chi phí để thay phụ kiện. Nếu thực hiện quản lý bảo dưỡng đầy đủ thì có thể sử dụng hệ thống trong khoảng 10~15 năm.