CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DẠY HỌC MÔN TOÁN THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH Ở TRƯỜNG
2.5. Thực trạng quản lý dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường trung học phổ thông chuyên Hưng Yên
2.5.4. Đánh giá chung thực trạng quản lý dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường trung học phổ thông chuyên Hưng Yên
- Công tác quản lý hoạt động dạy của GV đã được chú trọng từ khâu lập kế hoạch đến chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đánh giá theo đúng qui định; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm thoả đáng.
- Quản lý hoạt động học của HS có nề nếp; Nhà trường đã xây dựng được nội quy học tập cho HS, có kế hoạch quản lý nề nếp học tập, hướng dẫn HS các phương pháp học tập tích cực. Chất lượng giáo dục của nhà trường ổn định và các khóa học sinh có tiến bộ sau từng năm học.
- Nhà trường đã quán triệt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về đổi mới PPDH và kiểm tra, đánh giá, cụ thể hóa các văn bản vào thực tiễn phù hợp với điều kiện riêng của trường.
- Đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, quản lý nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, luôn tiếp nhận cái mới và sẵn sàng triển khai các PPDH theo định hướng phát triển NLHS.
- CBQL luôn quan tâm đến nề nếp dạy học, thông qua việc xây dựng và quản lý việc thực hiện kế hoạch dạy học đã đề ra. Đồng thời, quản lý tốt giờ dạy trên lớp theo định hướng phát triển NLHS.
2.5.4.2. Điểm yếu
- Kiến thức, kĩ năng chuyên môn của một số GV toán chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học (như khoảng 30% GV hạn chế về ứng dụng CNTT trong dạy học, việc kiểm tra đánh giá HS chưa thật sát đối tượng…). Việc quản lý, tổ chức các hoạt động học tập của một số GV còn chưa tốt, đặc biệt là các GV trẻ. Trình độ Tiếng Anh của GV và HS chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học toán bằng tiếng Anh.
- Đội ngũ CBQL nhà trường chưa được cập nhật thường xuyên các kiến thức khoa học quản lý mới. Trình độ quản lý của Tổ trưởng chuyên môn còn có những hạn chế nhất định. Công tác kế hoạch hóa mặc dù đã tuân thủ đúng các bước nhưng chưa vận dụng hết trí tuệ tập thể, vì vậy còn mang tính chủ quan cá nhân, đôi khi thiếu tự tin khi xử lý các tình huống trong giáo dục.
- Công tác tổ chức các hội thảo, viết sáng kiến, hội thi GV dạy giỏi gắn với đổi mới phương pháp, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học phát triển NLHS chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn hạn chế.
- Quản lý hoạt động học tập của HS theo hướng phát triển năng lực người học chưa thật tốt, chưa phát huy được vai trò của gia đình trong việc đôn đốc HS học tập. Quản lý việc khai thác tài nguyên toán học trên mạng Internet của HS nhà trường chưa tốt.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của GV và HS chưa đạt yêu cầu đối với trường chuyên. Hoạt động ngoại khóa toán, câu lạc bộ toán, hội thảo, hội thi,.. tạo sân chơi lành mạnh, niềm đam mê toán học chưa được chú trọng và quan tâm thường xuyên.
2.5.4.3. Nguyên nhân và những vấn đề cần giải quyết
* Nguyên nhân của những hạn chế.
- Trình độ, năng lực quản lý của CBQL chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới quản lý giáo
dục hiện nay. Việc sử dụng các biện pháp quản lý chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ quản lý chưa kiên quyết trong chỉ đạo đổi mới PPDH. CBQL chưa chú ý đến công tác dự báo, thời cơ, thách thức, chiến lược hoạt động lâu dài.
- Nhận thức của GV về vị trí, vai trò của mình trong giai đoạn mới chưa cao, nên chưa có sự thay đổi về chất. Do cách tư duy, PPDH, kiểm tra đánh giá theo lối cũ đã ăn sâu thành nếp trong GV, HS và phụ huynh nên việc chỉ đạo thực hiện đổi mới không thể tránh khỏi những khó khăn cản trở. Nhiều GV phải kiêm nhiệm nhiều công tác và dạy nhiều giờ do thiếu GV dẫn đến tình trạng quá tải.
- CBQL chưa quan tâm đúng mức, chưa có cách làm hữu hiệu trong việc đổi mới PPDH. Việc tổ chức bồi dưỡng cho GV về đổi mới phương pháp, sử dụng các TBDH...còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học phát triển NLHS. Việc quản lý quy chế chuyên môn trong dạy học của CBQL đôi lúc còn buông lỏng, còn nể nang trong đánh giá xếp loại. Công tác kiểm tra còn mang tính hành chính, chưa thúc đẩy GV tự giác hoàn thành công việc một cách có chất lượng.
- Việc đầu tư về tài chính, CSVC, TBDH được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Công tác quản lý, sử dụng khai thác CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy học chưa hiệu quả, trước hết là do người phụ trách còn kiêm nghiệm, các thiết bị không đồng bộ, chất lượng không cao.
- Chưa quản lý hiệu quả các hoạt động tự học của HS cũng như các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống cho HS, giáo dục HS có động cơ, thái độ học tập tích cực. Chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các lực lượng giáo dục, mối quan hệ Nhà trường - Gia đình - Xã hội trong việc quản lý, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức.
* Những vấn đề cần giải quyết
- Thứ nhất là, cần quan tâm bồi dưỡng cho GV về đổi mới PPDH theo định hướng phát triển NLHS cùng các hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển NLHS.
- Thứ hai, phải nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn của đội ngũ CBQL về công tác quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển NLHS.
- Thứ ba, cần tăng cường quản lý các hoạt động học tập trên lớp và tự học của HS.
Cần huy động tối đa sự phối hợp của cha mẹ HS trong quản lý việc học tập của HS ở nhà; tư vấn cho cha mẹ HS phương pháp quản lý hoạt động học tập ở nhà của HS đạt hiệu quả cao hơn.
- Thứ tư, phải chỉ đạo GV thực hiện đổi mới PPDH đồng bộ với đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo hướng phát triển năng lực người học.
- Thứ năm, phải bố trí nguồn kinh phí hợp lý để nâng cấp phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện điện tử có hệ thống học liệu phong phú, bổ sung thêm phòng học bộ môn, hệ thống máy tính kết nối mạng phục vụ công tác quản lý cũng như khai thác thông tin, tài liệu trên mạng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Qua tổ chức khảo sát thực trạng hoạt động dạy học và quản lý dạy học ở trường THPT chuyên Hưng Yên cho thấy: Trong những năm học vừa qua, công tác dạy học theo hướng phát triển năng lực HS bước đầu đã được GV quan tâm thực hiện; việc đổi mới PPDH từ chỗ theo hướng tiếp cận nội dung sang hướng phát triển năng lực HS đã được GV nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai thực hiện. Công tác QLDH theo định hướng phát triển năng lực HS đã được CBQL và đội ngũ GV quan tâm. Kết hợp đổi mới PPDH với đổi mới kiểm tra đánh giá, chú trọng kết hợp đánh giá kết quả học với đánh giá quá trình học của HS, bước đầu dùng nhận xét, kết quả học tập của HS trong đánh giá GV. Đội ngũ quản lý đã có những biện pháp quản lý khá đa dạng: có các biện pháp quản lý hoạt động dạy của GV, biện pháp quản lý hoạt động học tập của HS, biện pháp quản lý các điều kiện CSVC, TBDH hỗ trợ trong dạy học toán.
Tuy nhiên trong quá trình dạy học và áp dụng các biện pháp QLDH, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, một số nội dung đánh giá chưa tốt. Chưa có sự phối hợp tốt với PHHS trong việc quản lý chất lượng học tập môn Toán của HS. HT nặng về hành chính trong quá trình QLDH, việc kiểm soát thực hiện đổi mới PPDH và đổi mới KT - ĐG kết quả học tập của HS còn chưa khoa học nên HĐ đổi mới PPDH hiệu quả còn chưa cao.
Kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng HĐDH và quản lý HĐDH ở chương 2, đối chiếu với những luận cứ được nghiên cứu ở chương 1 là cơ sở quan trọng để tác giả đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLDH môn Toán theo hướng phát triển NLHS tại trường THPT chuyên Hưng Yên.
CHƯƠNG 3.
BIỆN PHÁP QUẢN LÝ DẠY HỌC MÔN TOÁN
THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN HƯNG YÊN