Khái niệm kì ảo

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn nguyễn quang thiều (Trang 22 - 25)

Chương 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THIỀU VỚI DÒNG CHẢY CỦA YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.1. Khái niệm kì ảo và văn học có yếu tố kì ảo

1.1.1. Khái niệm kì ảo

* Định nghĩa trong các từ điển

Cái kì ảo là một khái niệm đã được xuất hiện từ thời cổ đại. Trong vòng mấy thập kỉ trở lại đây, hình thái nhận thức thẩm mĩ này càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu văn học. Đã có rất nhiều ý kiến, tranh luận xoay quanh khái niệm này như: Cuốn Từ điển Petit Pobert của Pháp định nghĩa: "Cái kì ảo được sinh ra bởi sự tưởng tượng, cái không tồn tại trong thực tế, cái có tính tưởng tượng siêu nhiên". (Dẫn theo [50, tr 12]).Theo Từ điển Ngôn ngữ Pháp, "Kì ảo" là tính từ, bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, để chỉ những gì được tạo nên bởi trí tưởng tượng, chứ không tồn tại trong thực tế" (Dẫn theo [50, tr 12]). Còn trong Từ điển các ý kiến về Văn học (Pháp), Adrian Marino quan niệm “cái kì ảo là chỉ những cái không tồn tại trong hiện thực, những cái không có thực và được tạo ra do tưởng tượng”(Dẫn theo [50, tr 12]).

Khái niệm kỳ ảo cũng được đề cập đến trong nhiều cuốn Từ điển của Việt Nam. Trong cuốn từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, tác giả sử dụng thuật kì lạ: "Kì lạ là tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng" [32, tr 499]. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2000) cũng đồng quan điểm khi giải thích: Kì, có nghĩa là lạ lùng, khác thường, bất ngờ. Ảo, là không có thực. Kì ảo mang ý nghĩa có một vẻ lạ lùng, không có thực, bí ẩn (Dẫn theo [24, tr 17]).

* Quan niệm của các nhà nghiên cứu

Trên thế giới, người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “cái kì ảo” là một học giả người Anh tên là Joseph Addison (1672-1719). Theo ông, những sáng tác kì ảo “tạo ra một khoái cảm về nỗi sợ hãi trong tâm trí độc giả và làm thỏa mãn trí tưởng tượng của độc giả bởi những cái lạ lùng và tính chất khác thường của những con người được miêu tả trong đó. Chúng nuôi dưỡng trong trí nhớ của chúng ta những câu chuyện ma mà chúng ta nghe từ thuở ấu thơ và thích

17

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn

thú với những nỗi khiếp sợ bí mật, những nỗi sợ hãi mà trí óc con người phải lệ thuộc vào nó một cách tự nhiên” [26, tr 43].

Hay Tzvetan Todorv, trong "Dẫn luận về văn học kì ảo" đã quan niệm

"Cái kì ảo là sự do dự của người nào đó vốn chỉ quen thuộc với những luật lệ tự nhiên đã bị đặt vào hoàn cảnh đối mặt với một hiện tượng mà bề ngoài có vẻ siêu nhiên" (Dẫn theo [33, tr 18]).

Cùng với Joseph Addison, Tzvetan Todorv, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu khác như: M. Renard, H. Benac, M. Jarrety, Geogre Munteanu,...Tuy có những cách diễn đạt khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều cho rằng: kì ảo được gợi lên từ cái siêu nhiên, chuyện ma quỉ, những giấc mơ quái dị, có tính chất nửa tin nửa ngờ, gây ra một cảm giác mãnh liệt nào đó cho người đọc.

Ở Việt Nam, xoay quanh khái niệm kỳ ảo cũng có nhiều ý kiến được đưa ra. Xin được điểm qua một số ý kiến nổi bật: Tác giả Lê Nguyên Cẩn trong chuyên luận "Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac" cho rằng “Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo… Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng” [6, tr 16].

Theo Phùng Văn Tửu “kỳ ảo là cái lạ lùng, không có thật, không thể bắt gặp trên thế gian này, nói chung là những yếu tố siêu nhiên, nếu ta hiểu siêu nhiên là những cái gì không tồn tại trên đời” [44, 47].

Lê Nguyên Long thì khẳng định: "Cái kì ảo phải diễn ra trong một môi trường có tính hiện thực, ở đó sự tưởng tượng được phép phát triển ồ ạt, và đi cùng với điều đó thì tính chất mơ hồ, lưỡng trị là đặc trưng cơ bản của thể loại.

Cái kì ảo chỉ tồn tại khi đối diện với chính nó, người ta luôn có ý thức về một sự đối lập giữa những cái siêu nhiên hư huyền với thế giới thực tại....Cái kì ảo

18

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn

là cái không thể cắt nghĩa được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta với tầm nhận thức hiện tại" (Dẫn theo [8, tr 20]). Cũng trong bài viết này, Lê Nguyên Long đã nhìn nhận yếu tố kỳ ảo chính là một hình hình thức nghệ thuật cụ thể như đối thoại tâm linh, giấc mơ,...

Tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: “yếu tố kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là phương thức tư duy nghệ thuật được biểu hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lý tính của con người. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện và tạo nên những phản ánh nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ, hay nói cách khác nó tạo nên những cú “sốc” về tâm lý, nhận thức, làm xuất hiện những dấu hỏi về nguồn gốc xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng, không bao gồm biện pháp nhân hóa” (Dẫn theo [24, 18]).

Còn PGS. TS Trần Lê Bảo trong bài “Thể nghiệm mộng ảo của các tác giả cổ đại Trung Quốc” lại cho rằng: "Cho dù nội dung của mộng có kì ảo, phi lôgic tới đâu thì xét tới cùng cũng vẫn là sự phản ánh có nguồn gốc từ hiện thực cuộc sống. Bởi vì trong khi mộng, đại não của con người ở trạng thái vô thức, thiếu sự khống chế và điều tiết của hệ thống tín hiệu thứ hai, cho nên cảnh mộng thường xa rời hiện thực, thậm chí hoang đường, quái đản, vừa thực vừa ảo" [4, tr 62].

Từ tập hợp một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn về cái kỳ ảo, chúng tôi nhận thấy có hai luồng quan điểm: Một số ý kiến cho là kỳ ảo là không có thực, hoàn toàn do tưởng tượng mà ra. Đa số ý kiến thì cho rằng kỳ ảo dù là sản phẩm của trí tưởng tượng, chứa đựng yếu tố hoang đường, siêu nhiên nhưng vẫn liên quan đến hiện thực, nó tồn tại trên hai trục thực - ảo.

Trên cơ sở ý kiến nêu trên, luận văn đi đến thống nhất về cách hiểu cái kỳ ảo như sau:

- Kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là những cái siêu nhiên, khác thường, quái dị.

19

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn

- Kỳ ảo có tác dụng tạo ra những “cú sốc” tâm lý khiến cho người đọc cảm thấy khi thì hoang mang, lo sợ, hồi hộp, khi thì thích thú bởi yếu tố khác thường, quái dị đầy bất ngờ của nó. Vì thế truyện kỳ ảo luôn có sự hấp dẫn riêng đối với độc giả.

- Thông qua yếu tố kỳ ảo nhà văn bộc lộ quan niệm về đời sống, về con người. Cho nên yếu tố kỳ ảo còn đống vai trò là phương tiện nghệ thuật quan trọng của tác phẩm văn học.

Từ đây, chúng tôi nhận thấy rằng, truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều cũng chứa đựng yếu tố kì ảo như một mạch riêng trong dòng chảy của văn học thời kì đổi mới. Thông qua yếu tố kỳ ảo, nhà văn thể hiện cái nhìn về hiện thực, đồng thời bộc lộ những quan điểm mới mẻ về thế sự, nhân sinh.

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn nguyễn quang thiều (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)