Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CÁC YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THIỀU
3.1. NT xây dựng cốt truyện kỳ ảo
3.1.1. Tình huống kì ảo
Nếu như cấu tứ, mạch cảm xúc là điểm tựa để người đọc khám phá và tìm hiểu một bài thơ thì tình huống truyện chính là yếu tố tạo nên những bất ngờ và làm nên nét độc đáo cho truyện ngắn. Có thể xem đây là khâu then chốt trong
74
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
sáng tạo, đem đến sự thành công cho tác phẩm. Tình huống truyện chính là hoàn cảnh để kết tinh xung đột truyện, khắc họa hình tượng nhân vật. Bởi vì trong các tình huống truyện ấy, nhân vật gặp gỡ nhân vật để yêu thương hay đấu tranh, và nhân vật gặp gỡ các sự kiện biến cố để bộc lộ bản chất thật hoặc bộc lộ tính cách. Các tình huống kì ảo cũng mang ý nghĩa tương tự với các nhân vật kì ảo. Sự xuất hiện của các hoàn cảnh kì ảo được xem như những tình huống quan trọng tạo ra sự chuyển biến của cốt truyện. Nó gắn kết các nhân vật cùng tham gia vào một sự kiện, một biến cố có ý nghĩa nào đó. Do “mọi cái kì ảo đều là sự vi phạm trật tự quen thuộc, một sự đảo lộn không thể chấp nhận được trong lòng những quy luật bất biến của đời thường”(Dẫn theo [19, tr 72]) nên khi cái kì ảo xuất hiện, nó sẽ tạo ra sự “đứt gãy” của hiện thực khách quan, đặt người đọc vào thế lưỡng lự hoang mang và buộc phải theo dõi quá trình diễn biến của câu chuyện. Đây là dạng tình huống quen thuộc, thường xuất hiện nhiều trong các câu chuyện cổ tích thần kì, hoặc những truyện ngắn liêu trai, ma quái.
Trong tập truyện “Cô gái áo xanh, những chuyện kì bí của làng” của Nguyễn Quang Thiều, người đọc cũng dễ dàng bắt gặp nhiều tình huống mà ở đó tính chất hoang đường, kì lạ thể hiện đậm đặc, rõ nét. Đó là tình huống những hồn ma hiện hình: Hồn ma cô gái trong “Lá bùa trừ ma” mỗi năm, vào đêm trăng mùa hạ lại khỏa thân, lả lơi tắm trên sông. Cô làm thế để dụ những gã đàn ông ham sắc dục, có định chiếm đoạt thân xác mình bơi theo rồi dìm chết, hai hốc mắt đen ngòm, lưỡi thè ra đỏ như máu như một cách để cô trả thù kẻ đã hãm hiếp mình. Còn ông thuyền chài không có ý định chiếm đoạt thân xác cô thì vô sự. Rồi chiếc đò ma bí ẩn trong “Người chèo đò bí ẩn” đột ngột hiện ra như từ đáy sông nổi lên giữa đêm khuya, cái đầu trọc lốc, bộ mặt trắng như vôi, hai hốc mắt tối đen lừa người trong làng lên đò rồi dìm chết. Nhưng cũng không có bất cứ người nào ở làng khác bị chết ở khúc sông này. Tiếp đến là hồn ma đứa bé trong “Ma cây duối” mắt to như hai cái chén mà chỉ có lòng
75
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
đen cất tiếng khóc nức nở từ gốc cây duối vọng ra ai oán khiến ai cũng khiếp sợ. Trong “Đứa trẻ bị bỏ rơi”, hồn ma đứa trẻ chết đói năm 1945 đã nhập vào những đứa trẻ sơ sinh để được bú mẹ. Khi nó ngậm vú của người mẹ bú thì người mẹ thấy vú đau buốt. Đứa bé bú xong, người mẹ dường như kệt sức, đứa trẻ bú cạn không còn giọt sữa nào trong hai bầu vú mình, cảm giác như mọi sinh lực trong cơ thể mình đang ồ ạt chảy vào miệng đứa trẻ, còn mình thì trống rỗng như một cái xác vô hồn. Sau một tháng, người mẹ trở nên xanh xao, gầy còm rồi qua đời dù không bệnh tật gì. Và đứa trẻ cũng rời bỏ cuộc sống khi tròn bẩy tháng tuổi...
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở tình huống ma quái khiến mọi người phải khiếp sợ mà sau mỗi tình huống ấy tác giả đều tìm cách lý giải, truy tìm căn nguyên của nó. Đó cũng là lý do xuất hiện tình huống hóa giải lời nguyền cuối truyện. Trong tình huống này, chúng ta thấy sự có mặt của những ông thầy số, thầy tướng, thầy lang, thầy đồ ... Họ lý giải cho con người những băn khoăn, khúc mắc trong lòng; chỉ cho người ta thấy cách thức hóa giải, phòng tránh: để những hồn ma không trở về ám ảnh, quấy nhiễu dân làng thì thì các xóm ở khúc sông đó phải thực sự nhận ra lỗi của mình và chân thành tạ lỗi (Lá bùa trừ ma), hội đồng bô lão trong làng phải bỏ tục phạt vạ những cô gái chửa hoang (Người chèo đò bí ẩn),... Thông điệp về cuộc sống nhờ thế càng hiện lên rõ nét - là lời nhắn nhủ con người phải biết sống tốt, sống thiện, không được làm điều ác trái với đạo lý bởi “Gieo gió sẽ gặp bão”.
Tuy nhiên, truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều không hoàn toàn chỉ bao gồm các tình huống ảo mà còn đan xen kết hợp cả các tình huống thực.
Nhân vật “anh” trong “Gương mặt thứ ba” đã rơi vào một tình huống đầy éo le. Anh đã trở lại, gặp và kết hôn với Xuyến. Đây chắc chắn sẽ là một câu chuyện tình thật đẹp nếu như Xuyến không phải là con gái của người lính năm xưa đã gửi gắm anh chăm sóc. Và nếu như không có chuyện gì xảy ra giữa anh và người vợ lính ấy. Tình huống trớ trêu này đã khiến anh luôn sống trong sự
76
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
giày vò, ám ảnh bởi “gương mặt thứ ba, thoang thoáng gương mặt người lính đã đi vào mặt trận một mùa hè chiến tranh và không bao giờ trở về. Thoang thoáng gương mặt của người đàn bà vợ lính đã mất”[53, tr 294]. Có lúc, anh cảm giác như vòng tay người lính xiết chặt lấy mình, túm tóc mà dúi đầu anh vào đáy hồ của sự kinh hãi. Sự đan cài lồng ghép hai mảng thực - ảo trong tình huống này đã giúp nhà văn đi sâu khai thác những mảng sáng tối, những phần lẩn khuất trong tâm hồn nhân vật, giúp người đọc hiểu thêm về một cuộc chiến
“không bom đạn, không chảy máu” nhưng đầy cam go của con người với chính lương tâm của mình. Trong “Chiếc lông chim màu đỏ”, cô gái muộn chồng bởi tự ti về sắc vóc của mình. Niềm tin vào bản thân và tình yêu chỉ đến khi đón nhận một tình yêu thật chân thành, biết vì người mình yêu. Đó là khi chính người kỹ sư đã bí mật thả chiếc lông chim đỏ duy nhất xuống đám lông của bầy chim lớn bay về làng. Chiếc lông chim ấy nhỏ nhoi, nhưng mang theo cả một huyền thoại của làng quê, làm cho cuộc đời cô thay đổi. Hay ở câu chuyện
“Ngựa trắng”, người thương binh tưởng vô vọng khi tìm lại cô gái nuôi con ngựa trắng nơi năm xưa đóng quân. Cuộc hội ngộ tuổi xế chiều đi qua nhiều mất mát của hai con người, cùng với con ngựa già nua bỗng như một phép màu khiến tâm hồn họ hồi sinh... Ở đây, yếu tố kì ảo được nhà văn tạo ra không phải bằng những hiện tượng siêu nhiên không giải thích nổi mà chính bằng việc cường điệu, phóng đại một số chi tiết hoặc phẩm chất nào đó của hiện thực. Tác giả lấy chất liệu ngay từ nền hiện thực này để tạo dựng một nền hiện thực khác mà nhìn vào đó hiện thực nền tảng được soi sáng rất nhiều.
Như vậy, trong những truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, không hiếm để có thể tìm thấy những tình huống hoang đường, kì lạ. Tuy nhiên, nếu so sánh với những tình huống hoang đường, kì lạ trong các tác phẩm văn học trước đây, đặc biệt là trong những truyện cổ tích thần kì, rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn. Trong các truyện cổ tích, sự góp mặt của yếu tố kì ảo trong tình huống truyện nhằm dẫn dắt người nghe bước vào một thế giới hoang đường mà ở đó,
77
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
nhờ sự kì ảo, con người có thể dễ dàng thực hiện ước mơ của mình, làm thay đổi số phận của nhân vật. Cả tác giả lẫn người đọc đều tin vào sự thần kì đó.
Còn trong các sáng tác văn học đương đại nói chung, truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều nói riêng, yếu tố kì ảo tuy xuất hiện nhưng cái thực vẫn nổi trội, người đọc vẫn phân biệt rạch ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của cuộc sống. Vì thế, sự có mặt của yếu tố kì ảo góp phần giúp người đọc khám phá những bộ mặt khác nhau của đời sống thực tại. Đằng sau những tình huống truyện có vẻ hoang đường phi lôgic, đằng sau những ấn tượng kinh dị là chủ nghĩa hiện thực sâu sắc, là giá trị nhân bản, là lời báo động đối với con người về chính bản thân mình. Đúng như nhà văn đã nhận định “Khi viết truyện ma, tôi thực hiện cách viết vén màn, tức là ban đầu tung hỏa mù lên rồi dần dần con ma ấy hiện lên chẳng phải ai khác mà là con người”[20].