Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT NỔI BẬT
3.1. Nhân vật truyện ngắn Nguyễn Trí
* Khái niệm nhân vật văn học và cách phân loại nhân vật văn học Tô Hoài đã cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác".
Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng cũng có thể không có tên riêng.
Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ không chỉ một con người cụ thể mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm.
Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu.
Từ những góc độ khác nhau, có thể chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu, loại khác nhau: Dựa vào vai trò, vị trí khác nhau trong tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ. Dựa vào đặc điểm tính cách và việc truyền đạt sự đánh giá và thể hiện lý tưởng xã hội của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện (tích cực), nhân vật phản diện (tiêu cực). Dựa vào thể loại văn học, người ta phân biệt nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch. Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân
vật được chia thành nhân vật chức năng (mặt nạ), nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.
Tuy nhiên, mọi sự phân chia đều mang tính chất tương đối, nhân vật trong thực tế văn học hết sức đa dạng, sự phân chia chỉ nhằm nhấn mạnh đặc điểm cơ bản, xuất phát từ một trong những góc độ tiếp cận các nhân vật văn học. Trong văn học cổ điển, thông thường nhân vật chính đồng thời là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại. Tuy nhiên, đối với văn học hiện đại, sự phân chia nhân vật trong tác phẩm không rõ ràng, rạch ròi như văn học cổ điển, có nhân vật vừa ác vừa thiện, vừa hiền vừa dữ…
Thế giới nhân vật đa dạng và đặc biệt trong truyện ngắn Nguyễn Trí.
Nhân vật đa dạng được biểu hiện qua sự "đa dạng" về nghề nghiệp, về tính cách, về số phận, về ngôn ngữ và hành động của nhân vật.
Trong 2 tập truyện số lượng nhân vật xuất hiện nhiều, số lượng nhân vật xếp vào loại hình nhân vật cũng rất đa dạng. Nhưng mỗi nhân vật đều được cá thể hoá sắc nét qua ngoại hình, hành động, kiểu ngôn ngữ đối thoại mà như độc thoại của họ và ngược lại. Đây là kiểu ngôn ngữ đa thanh được khởi xướng trong truyện ngắn của Hêminguây, sau đó được tất cả các nhà văn trên khắp quốc gia trên thế giới vận dụng một cách sáng tạo. Vì thế dù nhân vật của Nguyễn Trí có được xếp vào các loại hình nghệ thuật kể trên nhưng rất đa dạng ở tính cá thể hoá sắc nét của nó.
Trong 29 truyện ngắn trong hai tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương và Ảo và sợ của Nguyễn Trí, tác phẩm nào cũng có rất nhiều nhân vật, các nhân vật rất đa dạng: như trong truyện Bãi vàng ngoài nhân vật người kể chuyện ta thấy còn có các nhân vật khác, Thành Bụi, Dũng, Đào Ba lan, Hoàng Má Đỏ, Bà năm Tằm, Tèo Bói, Hiếu Râu, Hùng, Dung, My, Sơn Hí ; những nhân vật này thuộc đủ các hạng người, có nhân vật giang hồ, bảo kê, gái làm tiền, chủ hầm, người làm thuê... Ta cũng gặp những hạng nhân vật này
trong tác phẩm Giã từ vàng như Minh Tàn, My, Chí Khùng, Hạnh, Dũng voi, Bà Năm, Lâm, Hùng, Bằng chột...
Nhờ tài năng thiên bẩm nhà văn đã thổi hồn cho nhân vật và có lẽ cả ý thức và vô thức đã tạo ra con người không “trùng khít” với chính nó. Không phải cứ giang hồ dao búa là xấu xa, tàn bạo mặc dù tàn bạo trong những cuộc đâm chém để giành giật lãnh thổ, để cướp đoạt miếng ăn hàng ngày thì xấu xa trong những nhân vật ấy vẫn le lói ngọ lửa thiên lương đẹp đẽ. Không phải cứ gái điếm thì xấu xa lừa lọc, không chung thuỷ, nhưng có những gái điếm vẫn chung tình như Dung, My với Thành.
Trong tác phẩm Nhờ nước mắt, Quân – một nhân vật có lí lịch rất “hảo hán”: mười sáu tuổi, Quân lừng danh toàn cõi ấp Một, cả xã Thanh Sơn luôn.
Nó quậy ông trời còn chắc lưỡi huống chi người phàm. Cao điểm là bị di lý về xã vì tham gia đánh thầy chủ nhiệm. Nghỉ học Quân tham gia “băng bụi đời”
quân gây bao nhiêu chuyện khiến má Quân phải quỳ gối, chắp hai tay lạy Quân. Và hơn hết kẻ giang hồ như Quân khi nhìn nước mắt má rơi cũng mềm lòng. Như vậy, ta nhận thấy đằng sau những hành động ngổ ngáo, bất cần đời của một kẻ giang hồ thứ thiệt ta vẫn thấy hình bóng của một đứa con vẫn còn biết vì mẹ mà bỏ qua tất cả mẫu thuẫn đã xay ra trước đó (Với bọn Phó Giám đốc Công ty X), tuy không rõ cái bản chất ấy có hoàn lương thực sự hay không, nhưng kết thúc truyện đã cho ta một hy vọng – hy vọng vào sự thức tỉnh của nhân vật để sống tốt đẹp hơn. Điều này vừa phản ánh thế giới nhân vật đa dạng, vừa góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật có tính tìm tòi đổi mới của nhà văn.
Nhân vật đặc biệt là loại người có nghề nghiệp, thân phận, tính cách đặc biệt, ít được phản ánh trong văn học Việt Nam hiện đại như phu đào vàng, phu đào đá quý, người tìm trầm, giang hồ dao búa, gái điếm...
Trong hai tập truyện ngắn Nguyễn Trí đã tạo ra loại nhân vật đặc biệt:
Phu đào vàng, đào đá quý, người đi tìm trầm hương; Gái điếm, Giang hồ dao búa đang “tung hoành” hay đã hết thời; Các nghề lao động phổ thông khác.
Những môi trường làm việc đặc biệt đòi hỏi có những người đặc biệt của nó. Và môi trường bãi vàng, đá quý, trầm hương là môi trường đặc biệt như thế khi mà luật giang hồ thay thế cho luật pháp mạnh được - yếu thua, cá lớn nuốt cá bé...
Chính trong môi trường này vừa đòi hỏi, vừa tạo ra nhữg con người đặc biệt tồn tại trong đó. Qua hai tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương và Ảo và sợ của nhà văn Nguyễn Trí chúng ta thấy nhân vật của ông có sự đặc biệt ở một số phương diện sau đây:
Đặc biệt ở tiểu sử xuất thân - tiểu sử đều đặc biệt và gặp nhiều bi kịch.
Thế giới nhân vật của Nguyễn Trí không chỉ đa dạng, đa diện mà còn rất đặc biệt. Hầu hết các nhân vật đều có tiểu sử rất đặc biệt: My (Giã từ vàng) dân sông Tiền, không có ba, mẹ vượt biên ở với dì, dì lấy chồng, chồng của dì phục thuốc hãm hại My rồi bán lên Campuchia, được người Việt chộc về, nhưng vợ ông ta ghen, số phận đưa đẩy, My ra công viên, má Năm lôi về, My hành nghề gái mại dâm.
Trong thế giới nhân vật gái bán hoa của nhà văn, ta còn gặp nhiều nhân vật khác cũng có hoàn cảnh cũng éo le không kém như trong truyện Ở thành phố, Thắm chẳng hạn, cô phải đi bán thân để cho thằng chồng xì ke hút chích, hay như Quyên chồng say sỉn, bỏ con gái ở quê lên thành phố mưu sinh, Hạ, có cha mẹ già phong thấp không làm được gì... còn bao nhiêu hoàn cảnh rối rắm của những cánh bướm lạc. Những bóng hồng đã vậy nhưng lí lịch của những người đàn ông trong các tác phẩm của Nguyễn trí cũng đặc biệt không kém:
đó là Thành trong Bãi vàng, Thành Bụi là võ sĩ chính hiệu, mười một tuổi bỏ học, rồi Thành lên bãi vàng trở thành đàn anh ở đây. Đặc biệt ở tính cách được
đẩy lên tận cùng dù ở bất cứ sắc độ nào (yêu - ghét, trung thực - phản bội, thiện - ác...). Trong tất cả các truyện ngắn, đặc biệt trong hai tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương và Ảo và sợ, Nguyễn Trí xây dựng nhân vật với nét tính cách rất rõ ràng, không có sự mờ nhạt, chung chung. Nhân vật yêu hay ghét đều rất rõ.
Điểm đặc biệt ở hai tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương và Ảo và sợ là không có kiểu tính cách lưng chừng lỡ cỡ mà ở tính cách “đậm, mạnh” hoặc “trắng” hoặc “đen”. Đặc biệt ở dấu ấn giang hồ, ít gặp trong đời sống bình thường quanh ta.
Các kiểu loại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Trí
* Kiểu nhân vật loại hình trong truyện ngắn Nguyễn Trí
Theo cách phân loại của các giáo trình Lý luận văn học ở Việt Nam cũng như của từ điển thuật ngữ văn học thì nhân vật loại hình là một hệ thống các nhân vật cùng nằm trong một “loại” có những đặc điểm tương đồng về bản chất như: nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ, dân quân, bà mẹ Việt Nam anh hùng trong văn xuôi Việt Nam 1945 – 1975, ở kiểu nhân vật này, yếu tố cá tính mờ đi nhường chỗ cho sự tương đồng do cùng loại về bản chất của chúng.
Trong hai tập truyện ngắn của Nguyễn Trí, chúng tôi thấy kiểu nhân vật loại hình là một kiểu nhân vật khá phổ biến trong tác phẩm của nhà văn. Trong tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương ba kiểu nhân vật loại hình đã xuất hiện:
Kiểu nhân vật loại hình thứ nhất là nhân vật giang hồ ở đẳng cấp anh chị thâu tóm quyền lực trên các vùng “đất dữ”. Trong Bãi vàng đó là Thành Bụi, Đào Ba Lan, Dũng Voi, Hoàng Má Đỏ, Thanh Cháy, Hiếu Râu, Sông Hí… Trong Giã từ vàng có Minh Tàn, Chí Khùng, anh em Long Hổ, Lâm Đồng Nai, Bằng Chột… Trong Đá quý có Thu Râu, Hùng, Chí Mỹ, Lộc Đen, Thành Võ, Châu Ú, Sáu Râu… Trong Cầm giùm đi có Tám Búa, Kha Ly, Dũng… Trong Trầm hương có Ba Thuỳ, Dũng Đen, Ngọc… Ở Tiền rừng có
Út Tình, Bẩy Biển, Năm Tính, Bảy Bầu Cua… Với những nhân vật giang hồ anh chị này, đặc điểm chung làm nên bản chất loại hình của chúng là xuất thân không may mắn, liều mạng và có chút võ nghệ và ở vài nhân vật còn có lòng nghĩa hiệp. Chọn những vùng đất mà những người hiền lành, lương thiện không dám đến để vươn lên làm ông chủ trong “nghề nghiệp” đào đãi vàng, đào đá quý, tìm trầm hương. Nhân vật Thành Bụi có những trận đánh dữ dội đối với đối thủ trên bãi vàng cộng vẻ đẹp phong trần, lãng tử biết đàn hát, Thành Bụi xuất hiện với vẻ đẹp vừa anh hùng, vừa nghệ sỹ trong mắt của gái điếm dải khắp bãi vàng. Nhân vật Minh Tàn trong Giã từ vàng cũng thế, cuộc đấu tay đôi với gã giang hồ để khẳng định vị trí ông chủ của bãi diễn ra thật khốc liệt: “đối phương, chân trước, chân sau kiểu trảo mã tấn, hai tay be mặt, rõ cái cũng võ nghệ chứ không vừa. Tôi vừa nhảy môđi vừa nhấp chân ra đòn.
Nó cũng nhanh, tiến thoái nhịp nhàng. Tôi công phá, nó thủ. Như bóng đá vậy, thủ không khéo dễ bị thủng lưới. Tôi xông lên ào ạt. May mắn quá, một gót cản của tôi dính vào ngực làm nó xuôi tay lùi một bước. Hở đâu ra đòn chỗ đó, quy luật mà. Tôi nhào tới thọc một cú direct, và cái mặt nó lãnh trọn.
Thừa thắng tôi thêm một cước vào ngực, không chịu nổi nó lăn ra đất. Trời mưa, sân quán chèm nhẹp những sình là sình, du côn trông thảm hại và tội nghiệp. Tôi ra hiệu cho nó đứng lên. Du côn phắt dậy thò tay vào bụng và rút ra một lưỡi dao Thái Lan cán vàng. Mặc kệ tứ tiếng la lối bỏ dao xuống, bỏ xuống, nếu không chết mẹ mày a con. Thằng côn đồ hung hãn lao tới, lưỡi dao đâm thẳng vào tôi. Không sao. Tôi né qua một bên và nhắm bàn tay cầm dao đưa một gót chân. Thêm một gót nữa cho rồi cuộc chiến. Du côn xuông đòn ngã đánh huỵch ” [82, 55,56].
Trong Trầm hương chúng ta gặp trận đánh giữa nhóm Dũng Đen với toán cướp có trang bị súng M16 cùng sự ăn chia sòng phẳng theo kiểu giang hồ nghĩa hiệp đã khiến cho những người tìm trầm mang vẻ đẹp hảo hán trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
Kiểu nhân vật loại hình thứ hai là những cô gái điếm giang hồ sống ở bãi vàng, đá quý, hoặc làm gái điếm ở thành phố như: Má Năm, Dung, My, Trâm, Hạnh, Diệp… các nhân vật nữ này cùng nằm trong một loại hình nhân vật và hầu như đã và đang qua thời xuân sắc, tàn tạ phải phiêu bạt tới vùng đất dữ để vừa bán quán, vừa bán thân nhằm mưu sinh nhưng các nhân vật nữ này đầu tiên đem lại cho người đọc về sự ghê sợ, nhếch nhác, úa tàn của họ, nhưng sau đó chúng ta thấy họ vừa đáng thương, vừa đáng trọng khi vẫn tồn tại tình yêu chân thành, trong những hoàn cảnh khốc liệt vốn không có chỗ đứng cho phái yếu, và cũng không dễ để tồn tại cho cái gọi là lòng chung thuỷ. Trong Bãi vàng. My với Thành Bụi: “Em không lấy tiền, em thích anh” khiến nhân vật Má Năm chửi mắng: “đồ ngu, làm đĩ còn không lấy tiền”. Nhân vật Dung yêu Thành Bụi thật lòng và chung thuỷ đợi chờ. Một điểm chung nữa ở họ là phần lớn những người con gái ấy đều có bản lĩnh vượt lên nơi đầu sóng, ngọn gió này.
Trong Giã từ vàng nhân vật cô gái tên My dám cùng Minh Tàn xuống căn hầm đã bị sập và có thể sẽ chết vùi thây. Trong Chuyện cũ từ rừng cô gái tên Thảo vợ Dũng bụi đã phải cắn răng hiến thân cho Khánh bảo vệ để được tha một xe gỗ đem bán chữa bệnh cho chồng đang ốm sắp chết. Dũng bụi biết, đau đớn vẫn tha thứ cho vợ và cuộc đối thoại của họ sau vài chục năm khiến người đọc xúc động bởi vẻ đẹp của tình nghĩa: “ Nửa đêm, vợ già ôm tao nghẹn ngào xin lỗi vì đã giấu diếm. Tao bảo: “Gặp anh, anh cũng giấu. Thôi, bỏ đi”. [82, 200]
Kiểu nhân vật loại hình thứ ba là những người lao động với các nghề phổ thông khác: Với thế giới đa dạng, đặc biệt Nguyễn Trí đã miêu tả một hệ thống nhân vật rất phong phú, với rất nhiều các nghề lao động phổ thông như:
các phu đào vàng thuê ở các bãi vàng, những người bán hàng ở các bãi vàng, bãi đá quý, nơi rừng xanh đại ngàn, những người làm đồ tể (như cả giai đình Tư Tấu, trong Đồ tể), làm nghề “Hốt cốt” (nhân vật Hùng trong tác phẩm Trong nghĩa địa), hay ở những góc phố, gần các khu công nghiệp, những người xe ôm (ông Hưng ở truyện Ở thành phố), bán vé số (vợ con nhân vật
Hưng trong truyện Ở Thành phố), công nhân (nhân vật Quân trong truyện Nhờ nước mắt)..: “dân đi kinh tế mới ở các tỉnh, hòa cùng dân tha phương đổ về ở đại, hầm bà lằng xáng cấu những xì ke, xì cộc đến cờ bạc, gái gú” [81, 308]… Trong thế giới nhân vật này, các nhân vật này phần lớn là những người kiếm sống bằng các nghề tệ nạn xã hội. Số ít là lao động chân chính, nghề nghiệp của họ cũng đầy những rủi ro như (gia đình vợ chồng già Hưng, trong “Ở thành phố”, hoặc những người công nhân trong công ty nhuộm ở tác phẩm “Nhờ nước mắt”, một vài người thợ hồ ở truyện “Nín lặng khóc”…).
Và hầu hết các nhân vật này đều có chung đặc điểm là học vấn thấp, bỏ học sớm, sa ngã vào những tệ nạn xã hội… Để được vào làm công ty nhuộm, do không có bằng cấp hai, Quân phải mua bằng để vào làm: “Không có bằng tốt nghiệp cấp hai cũng hơi căng à./ Họ không nhận hả?/ Trước dễ lắm, họ đi ra các tỉnh ngoài tuyển công nhân, quá trời ưu đãi luôn, nhưng bây giờ căng lắm.
Thời khủng hoảng, hàng làm ra không xuất được, thua lỗ, doanh nghiệp cầm chừng, công nhân tuyển vào phả có bằng cấp hai. Nhưng không sao, xét cần thì mua bằng” [81, 275].
* Kiểu nhân vật loại hình kết hợp với tính cách trong truyện ngắn Nguyễn Trí.
Nếu như ở nhân vật loại hình ta gặp tiêu chí “loại” là đặc điểm lớn nhất để xếp hàng loạt nhân vật vào một hệ thống thì với nhân vật tính cách tiêu chí
“cá tính” là tiêu chí quan trọng nhất để nhận diện chúng. Qua khảo sát hai tập truyện của Nguyễn Trí chúng tôi thấy kiểu nhân vật thứ hai xuất hiện có sự kết hợp yếu tố loại hình với yếu tố tính cách. Trong tập truyện Ảo và Sợ có hàng loạt nhân vật thuộc kiểu loại hình nhưng đã được tô đậm phần cá tính, đó là những nhân vật say mê cờ bạc tiêu biểu là truyện ngắn Trấn Yên Bình ngày ấy với Sáu Vũ Bão, Bảy. Sáu Vũ Bão đã bị đâm chết bằng lưỡi lê còn hai nhân vật Bảy mò và Tỵ Tử Thần vẫn kiếm sống bằng nghề cờ bạc, đâm chém, nhưng nhân vật Sáu Vũ Bão, nhân vật loại hình kết hợp với yếu tố cá tính bởi hắn không chỉ là tên giang hồ chỉ biết trò đỏ đen và bắn giết. Sự gắn bó của Sáu với Thìn bất chấp quá khứ không yên lành của cô vẫn cho thấy gã