Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT NỔI BẬT
3.2 Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Trí
3.2.1 Miêu tả nhân vật với hoàn cảnh xuất thân đặc biệt
Lai lịch nhân vật gồm xuất thân và hoàn cảnh gia đình. Đây là phương tiện đầu tiên góp phần chi phối đặc điểm tính cách cũng như cuộc đời nhân vật.
Các nhân vật của Nguyễn Trí thường có hoàn cảnh xuất thân rất đặc biệt. Cùng thuộc kiểu nhân vật giang hồ ở đẳng cấp anh chị thâu tóm quyền lực trên các vùng “đất dữ”, nhưng mỗi nhân vật có hoàn cảnh xuất thân rất riêng biệt: Nhân vật Thành Bụi trong truyện ngắn “Bãi vàng” xuất hiện ở Bãi X bằng một vẻ giang hồ đúng nghĩa với tư trang chỉ một cái ba lô cóc. Thành vốn xuất thân là con nhà nòi thượng võ, thuở nhỏ, anh ngang tàng, thích
“thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên sớm bỏ bê việc học văn hóa. Biết tính con, cha Thành đến dọa ra mặt với thầy dạy võ mà rằng: “Nó ăn rồi chuyên đi đập lộn, ông dạy nó có ngày mang họa” [82, 11]. Không dạy, nhưng Thành học lỏm. Đến mười bảy tuổi, anh có lịch sử trận đài đáng nể với bất kì tay đấm nào: đánh mười bốn trận, knock-out bảy, sáu ăn điểm, một huề. Nối tiếp cuộc đời Thành là ngót ba năm trong tù vì cờ bạc bịp, trầm luân trong những bãi tìm trầm mà tên gọi đã gợi sự xa xôi trắc trở như Tà In, Suối Ty, Chưprông… Đến bãi X, nhân vật Thành Bụi cho những “da xanh”, “tóc dài”
ở bãi mãn nhãn và cũng để khẳng định vị thế “vua bãi” của mình bằng việc hạ gục nhân vật Đào Ba Lan trong màn đấu võ gây cấn. Cũng như Thành Bụi,
nhân vật Minh Tàn trong truyện Giã từ vàng là nhân vật giang hồ từ tấm bé:
“Cũng trong lòng bà má chui ra, nhưng anh bỏ nhà đi bụi năm mười lăm tuổi”
[82, 11], cũng nhờ đi bụi, nhờ đời dạy mà rèn cho anh khả năng nhanh mắt, nhanh tay chẳng ai bằng, nhất là trong những trận thi tài võ nghệ… Đầu tiên, những nhân vật này luôn là những người không có một quê hương, chốn ở xác định. Tuy không cố định về nhà cửa và nơi nào cũng là quê hương nhưng ta không thấy ở họ cái vẻ phiêu bạt “tha phương cầu thực” của những kẻ sa cơ lỡ vận. Trái lại, họ lựa chọn lối sống chủ động dấn thân để thỏa cái chí bôn ba ngao du nơi sông dài bể rộng và sẵn sàng đón đợi mọi thách thức.
Mỗi nhân vật gái điếm giang hồ sống ở bãi vàng, đá quý, hoặc làm gái điếm ở thành phố đều có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, dù cùng loại hình nhân vật nhưng khó có thể thấy sự trùng lặp trong các nhân vật này. Ngay từ hoàn cảnh xuất thân của các nhân vật đã cho thấy điều ấy. Tiêu biểu như:
Nhân vật Dung trong Bãi vàng, chồng bỏ. Tình phụ. Có tí vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm: “Em có chồng rồi. Lúc đầu hai đứa cũng yêu nhau lắm anh.
Cưới hỏi đàng hoàng, ảnh dân sông nước nên rượu chè dữ lắm. Em sanh nở khó khăn. Say lên anh đánh em, nói mẹ con em là nợ, là oan gia… Đánh riết em sợ quá nên ẵm con về má. Ảnh đến quậy um sùm trời đất, rồi bắt con em về bên nội. Em đi theo, ảnh đánh tiếp, đuổi đi. Con em về một ngày bên nội thì mất…. Má chồng nghiện tứ sắc, ba chồng nghiện rượu” [82, 32]. My, trong Giã từ vàng, đi bụi từ năm mười hai, cô cũng có hoàn cảnh xuất thân cũng đặc biệt không kém Dung (trong Bãi vàng), My là dân sông Tiền. Không có ba.
Năm tuổi má nghe người rủ vượt biên. Ở với dì. Dì ba năm tuổi mê trai. Lấy một thằng hăm chín. Rồi sau đó My bị dượng phục thuốc mê, hãm hại, tỉ tê đưa lên Campuchia bán khu đèn đỏ. Từ khi gặp được người Việt kiều, những tưởng đời My được giải thoát, nhưng số phận vẫn đưa đẩy khiến cô phải lang dạt lên bài vàng: “May có ông người Việt đi chơi, mê em chuộc về. Tưởng sao, ai ngờ ổng có vợ rồi, bà vợ cho người đến đòi tạt a xít, em sợ quá dông
luôn. Ra công viên, má Năm lôi về…”[82, 49]. Truyện Nhờ nước mắt Nguyễn Trí đã giới thiệu về nhân vật Quân với hoàn cảnh cũng rất đặc biệt: “Mười sáu tuổi Quân lừng danh toàn cõi Ấp Một. Nó quậy ông trời con còn chặc lưỡi nói chi người phàm”, Chỉ trong năm lớp chín Quân gây lên năm vụ. Đánh bạn, trấn lột… đủ hết.” [82, 268]. Đặc biệt sau vụ dằn mặt ông thầy, Quân nghỉ học. Với lí lịch không có cha, lại thêm “sâu và xa”, sau khi nghỉ học Quân cùng với vài thằng bụi đời tạo thành một băng. Vậy là từ chính cái hoàn cảnh xuất thân vô cùng đặc biệt ấy, đã dự báo cho người đọc về một tương lai không mấy tốt đẹp đang ở phía trước cuộc đời của nhân vật.
Ở nơi thành phố, các cô vũ nữ, gái điếm như Trâm, Hạnh, Lan, Hồng, Thảo, Quyên, Thắm, Hạ… đều vì hoàn cảnh khác nhau mà lưu dạt lên thành phố bán thân để nuôi miệng, hay dành một chút tiền gửi về quê. Truyện Ở thành phố, Thắm chẳng hạn, cô phải đi bán thân để cho thằng chồng xì ke hút chích, hay như Quyên chồng say sỉn, bỏ con gái ở quê lên thành phố mưu sinh, Hạ, có cha mẹ già phong thấp không làm được gì... còn bao nhiêu hoàn cảnh rối rắm của những cánh bướm lạc.
Cũng ở chốn thành phố, nơi tập trung rất nhiều nghề nghiệp, có bao nhiêu người thì bấy nhiêu hoàn cảnh xuất thân khác nhau: Nhân vật Nhí đen trong tác phẩm cùng tên của nhà văn có hoàn cảnh xuất thân cũng rất đặc biệt, bốn tuổi Nhí mất mẹ, cha bỏ đi đâu đó không rõ. Mười hai tuổi Nhí bỏ học lớp năm. Rồi theo cô phụ hồ kiếm tiền. Sau khi gây lộn, Nhí bị sa lưới pháp luật.
Ở tù Nhí lại đánh phạm nhân khác, hơn hết Nhí nghiện thuốc lá, dù sau khi ra trại, Nhí lấy Minh Heo. Nhân vật Hùng trong tác phẩm Trong nghĩa địa, vốn có một vợ ba con mà còn nuôi gái nhà trọ, để có thể kiếm lời từ tất cả các công đoạn ở nơi nghĩa địa , Hùng tự tạo cho mình một lí lịch đặc biệt: “Hơn bốn mươi tuổi vẫn độc thân. Mà có xấu xí gì cho cam. Kén cá chọn canh chăng? Không phải đâu. Nghe rằng chơi bời hoang phế lắm, tuy chẳng xì ke xì
kiếc gì nhưng mà gái gú cà phê ôm dữ lắm, lại xả láng về sớm nên bị vương cái hát i vê ết” [81, 202,203]...
Mỗi nhân vật trong hai tập truyện ngắn này của Nguyễn Trí đều có hoàn cảnh xuất thân rất đặc biệt, tuy có nét tương đồng nhưng không hoàn toàn giống nhau, điều đó góp phần thể hiện tính cách của nhân vật đồng thời thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc.