CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Cơ sở phương pháp luận được sử dụng trong đề tài quan điểm duy vật biện chứng duy vật lịch sử để thấy rõ các hiện tượng kinh tế - xã hội trong trạng thái vận động và có các mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nó cho phép phân tích, đánh giá một cách khách quan các vấn đề nghiên cứu. Sử dụng phương pháp này cho thấy mọi sự vật hiện tượng không tồn tại một cách cô lập, tách rời mà chúng tồn tại trong mối liên hệ phổ biến với các hiện tượng sự vật xung quanh. Công tác quản lý KCN có liên quan đến nhiều yếu tố như các cơ chế chính sách của nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, tác động về đặc thù vị trí địa lý tại Quảng Ninh...
2.2.2. Phương pháp thu thập số liệu
2.2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
Dữ liệu sơ cấp là những dữ liệu chưa qua xử lý, được thu thập lần đầu và thu thập trực tiếp từ các đơn vị tổng thể nghiên cứu thông qua các cuộc điều tra thống kê. Dữ liệu sơ cấp đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, tuy nhiên việc thu thập dữ liệu sơ cấp lại thường phức tạp, tốn kém. Để khắc phục nhược điểm này, người ta không tiến hành điều tra hết toàn bộ các đơn vị của tổng thể mà chỉ chỉ điều tra 1 số đơn vị gọi là điều tra mẫu.
- Số liệu mới: Thực hiện điều tra trực tiếp các doanh nghiệp có dự án tại khu công nghiệp bằng bộ câu hỏi soạn thảo sẵn như: mức độ đáp ứng của KCN về thủ tục hành chính, về cơ sở hạ tầng, những thuận lợi và khó khăn thực hiện đầu tư tại khu công nghiệp; đề xuất của doanh nghiệp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về nhu cầu hỗ trợ trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay.
- Chọn mẫu điều tra, chọn điểm nghiên cứu: Việc chọn doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp để nghiên cứu là bước có vai trò quan trọng liên quan trực tiếp tới độ chính xác của các kết quả nghiên cứu. Do vậy, việc chọn doanh nghiệp phải mang tính đại diện cho vùng nghiên cứu.
HIện KCN Quảng Ninh có 70 dự án đi vào hoạt động chủ yếu ở 3 KCN, vì vậy học viên phát ra 35 phiếu cho các doanh nhiệp gồm cả doanh nghiệp đầu tư FDI và doanh nghiệp đầu tư trong nước; Lựa chọn các nhà đầu tư hiện nay đang ở khu công nhiệp Cái Lân là khu có tỷ lệ thu hút dự án đầu tư cao nhất và Khu công nghiệp Hải Yên, KCN Đông Mai là khu công nghiệp đang thu hút dự án nhằm xem xét, nghiên cứu các đánh giá của doanh nghiệp liên quan đến thực trạng quản lý các khu công nghiệp hiện nay.
Hạn chế của phương pháp: Số liệu điều tra là hạn chế đối với một số doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp gửi lại phiếu không đầy đủ: 30 thu về/35 phiếu phát ra (đạt 86%); ưu điểm: Do là hệ thống câu hỏi soạn sẵn nên dễ dàng thống kê, xử lý.
2.2.2.2.Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
- Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp, thu thập thông tin, tư liệu từ nhiều lĩnh vực, nhiều nguồn khác nhau: Từ các sách, công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học về hoạt động của các khu công nghiệp; từ Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, đề án thành lập ban quản lý khu kinh tế. Các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về khu công nghiệp, báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh...
Tài liệu thu nhập được gồm:
- Các công trình khoa học đã được nghiên cứu, các luận văn đề tài về phát triển, đánh giá hiệu quả hoạt động, ảnh hưởng kinh tế xã hội đối với KCN tại các tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...
- Các tài liệu thống kê, báo cáo tổng kết hoạt động 20 năm của KCN Việt nam. Các kinh nghiệm thực tiễn của một số tỉnh về quản lý KCN: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Dương tại trang thông tin điện tử của KCN Việt Nam (WWW.Khucongnghiep.vn ); trang web của Ban quản lý KKT Quảng Ninh:
- Các tài liệu, số liệu tình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2005-2011.
- Các báo cáo năm, báo cáo tổng kết hoạt động của Ban quản lý KKT Quảng Ninh về hoạt động KCN.
- Các tài liệu liên quan khác
Mục tiêu của phương pháp này nhằm thu thập và tổng hợp các kết quả nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Dựa vào những thông tin thu thập được, tác giả sẽ tiến hành phân tích thực trạng quản lý KCN ở tỉnh Quảng Ninh, đồng thời thấy rõ những dữ liệu còn thiếu để bổ sung và cập nhật thông tin giúp công tác điều tra đạt hiệu quả hơn.
2.2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Toàn bộ số liệu thu thập được xử lý theo bảng kết quả điều tra. Đối với những thông tin là số liệu định lượng thì tiến hành tính toán các chỉ tiêu cần thiết như số tuyệt đối, số tương đối, số trung bình và lập thành các bảng biểu.
2.2.4. Phân tích số liệu
2.2.4.1. Phương pháp so sánh
Trên cơ sở phân tổ, phương pháp so sánh dùng để so sánh công tác quan lý KCN qua các năm. So sánh là việc đối chiếu các chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế xã hội đã được lượng hóa có cùng một nội dung, tính chất tương tự nhau.
- Biểu hiện bằng số: Số lần hay phần trăm.
- Phương pháp so sánh gồm các dạng:
+ So sánh các nhiệm vụ kế hoạch.
+ So sánh qua các giai đoạn khác nhau.
+ So sánh các đối tượng tương tự.
+ So sánh các yếu tố, hiện tượng cá biệt với trung bình hoặc tiên tiến.
2.2.4.2. Phương pháp đồ thị
Đồ thị là phương pháp chuyển hóa thông tin từ dạng số sang dạng đồ thị. Trong đề tài, tác giả sử dụng đồ thị nhằm biểu thị một cách rõ nét một số chỉ tiêu nghiên cứu. Trong đề tài có các biểu đồ về:Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Ninh, chỉ tiêu nộp ngân sách của các KCN... Đồ thị sẽ giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận và phân tích thông tin.
2.2.5. Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia
Qua phương pháp này giúp cho luận văn có được các thông tin chính xác, mang tính hệ thống. Kết quả này sẽ giúp tác giả đưa ra được các ý kiến đóng góp sát với thực tiễn.
Trong đề tài áp dụng phương pháp này để phỏng vấn các chuyên viên, cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý KKT Quảng Ninh về quá trình triển khai công tác chuyên môn: Đánh giá về trình độ, phẩm chất, năng lực hiện tại của cán bộ
tại Ban; hệ thống quản lý về số liệu, chính sách hiện tại về KCN có gì bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác. ở đây tác giả đã trực tiếp phỏng vấn 5 cán bộ, trong đó có 1 đồng chí lãnh đạo ban, 02 đồng chí trưởng phòng và 02 cán bộ chuyên viên của Ban quản lý KCN tỉnh Quảng Ninh.
Nội dung phương pháp: Trực tiếp gặp đối tượng được phỏng vấn theo bảng câu hỏi chuẩn bị sẵn. Áp dụng khi hiện tượng nghiên cứu phức tạp, cần phải thu thập nhiều dữ liệu, khi muốn thăm dò ý kiến đối tượng qua các câu hỏi ngắn gọn và có thể trả lời nhanh được.
Ưu nhược điểm: Do gặp mặt trực tiếp nên quá trình phóng vấn có thể
thuyết phục được đối tượng trả lời, có thể giải thích rõ cho đối tượng về các câu hỏi, có thể dùng hình ảnh kết hợp với lời nói để giải thích, có thể kiểm tra dữ liệu tại chỗ trước khi ghi vào bảng tổng hợp điều tra. Tuy nhiên phương pháp này cần có thời gian tiếp cận người được phỏng vấn, trong quá trình triển khai đã kết hợp giao tiếp xã hội và tranh thủ ngoài giờ hành chính để tránh làm mất thời gian làm việc của cán bộ được phỏng vấn.
Biện pháp nâng cao hiệu quả của phỏng vấn cá nhân trực tiếp: Kỹ năng đặt câu hỏi phải khéo léo, tinh tế; không để cho quan điểm riêng của mình ảnh hưởng đến câu trả lời của đáp viên; phải trung thực (không bịa ra câu trả lời, bỏ bớt câu trả lời để tự điền lấy cho nhanh); phải có kỹ năng giao tiếp.