dân
Đảm bảo pháp lí đầu tiên để hiện thực hóa nguyên tắc chủ quyền Nhân dân đó là quyền lập hiến phải thuộc về Nhân dân. Điều này được lí giải bởi Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lí cao nhất và điều chỉnh những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia. Hiến pháp là bản khế ước chuyển giao quyền lực của Nhân dân cho các đại diện mình lựa chọn. Bằng sự hiện hữu của mình, Hiến pháp không chỉ đảm bảo cho nguyên tắc này không thể bị xâm hại mà còn là đảm bảo pháp lí cao nhất cho việc hiện thực hóa nguyên tắc. Hiến pháp cũng là cơ sở quan trọng nhất quyết định sự thống nhất, ổn định, minh bạch của hệ thống pháp luật. Với tư cách là bản khế ước xã hội để nhân dân trao quyền, Hiến pháp đồng thời là văn bản xác lập sự khác biệt giữa quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân. Thông qua những cam kết pháp lí được xác lập trong Hiến pháp, Hiến pháp có thể làm gia tăng niềm tin của người dân vào nhà nước và thiết lập sự đồng thuận xã hội.
Bởi vậy Hiến pháp phải được xây dựng và thông qua bởi một qui trình do Nhân dân quyết định và Hiến pháp phải đảm bảo các nguyên tắc căn bản đã
được xác lập bằng một qui trình sửa đổi ngặt nghèo mà bất cứ một sự thay đổi nào cũng phải được Nhân dân đồng ý. Về lí thuyết, việc thể hiện các qui định mang tính nội dung tại Hiến pháp có thể đồng nghĩa với việc cấm vi phạm song lại không đồng nghĩa với việc sẽ được đảm bảo thực hiện hoặc sẽ bị xử lí nếu Hiến pháp không có những qui định mang tính nguyên tắc về qui trình, thủ tục cho việc thực hiện các qui định về nội dung hoặc không có các qui phạm chống lại sự vi hiến. Theo tác giả luận án điều này cũng không có nghĩa cứ có đầy đủ các qui phạm thủ tục thì quyền sẽ được bảo đảm.
Thực tế các nhu cầu chính đáng của con người có thể đi xa hơn các qui định pháp luật cụ thể. Pháp luật đặt ra để bảo vệ con người song không đồng nghĩa với việc cứ có pháp luật là con người được bảo vệ. Điều này lí giải tại sao nguyên tắc chủ quyền Nhân dân cần được cụ thể không chỉ thông qua các điều khoản qui định trực tiếp của Hiến pháp mà còn phải được cụ thể trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Hơn hết nguyên tắc này phải là tinh thần chung của Hiến pháp mà sự phản ánh của nó phải được thể hiện thông qua từng điều khoản cụ thể. Pháp luật không chỉ tạo nên những kết quả đơn lẻ mà phải tạo được những kết quả lớn lao phục vụ toàn xã hội. Điều này sẽ đảm bảo cho việc không thể vi hiến trong mọi trường hợp và đồng thời lí giải cho việc tại sao các qui định hạn chế về quyền như “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013) được thừa nhận như một tất yếu. Tiêu chuẩn đánh giá qui phạm này chính là tính chính đáng và tất yếu của việc bảo vệ những giá trị và quyền lợi chính đáng của số đông (khi mà quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trên cơ sở pháp luật).