Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

Một phần của tài liệu lý luận và thực tiễn về khởi tố vụ án hình sự (Trang 33 - 37)

KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

2.1 Quyết định khởi tố vụ án hình sự

2.1.2 Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là chế định thể hiện tính dân chủ, sự tôn trọng và cảm thông trước sự thiệt hại, mất mát, đau đớn của người bị hại. Mặc dù nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam là nguyên tắc công tố, tức là hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Nhà nước đã cam kết sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân bằng một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, đó là Hiến pháp, bằng cả hệ thống pháp luật và cơ chế đảm bảo thực hiện. Mọi hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sẽ bị Nhà nước xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, khi xử lý hành vi phạm tội, Nhà nước còn phải quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người bị hại. Mặc dù bị thiệt hại do hành vi phạm

CBHD: Mạc Giáng Châu 28 SVTH: Nguyễn Bích Thủy tội gây ra nhưng người bị hại lại không muốn đưa ra xử lý vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tương lai của họ, cũng có trường hợp giữa người bị hại và người gây thiệt hại có những mối quan hệ đặc biệt nên người bị hại thường không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Điều 51 và Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã ghi nhận yêu cầu của người bị hại, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu đấu tranh phòng, chống tội phạm và lợi ích, nguyện vọng của người bị hại.

2.1.2.1 Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Về nguyên tắc, khởi tố vụ án hình sự là quyền chủ động của cơ quan có thẩm quyền. Nếu có dấu hiệu của tội phạm, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự để mọi tội phạm đều bị phát hiện và xử lý kịp thời. Việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.

Nhà nước không cho phép một cá nhân, tổ chức nào được can thiệp để tội phạm xảy ra mà không bị khởi tố. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ý chí của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được pháp luật quy định như là điều kiện bắt buộc để khởi tố vụ án hình sự. Theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, đó là 11 trường hợp quy định tại khoản 1 của các Điều 104 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 105 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 106 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá của phòng vệ chính đáng), Điều 108 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 109 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc hành nghề hoặc quy tắc hành chính), Điều 111 (tội hiếp dâm), Điều 113 (tội cưỡng dâm), Điều 121 (tội làm nhục người khác), Điều 122 (tội vu khống), Điều 131 (tội xâm phạm quyền tác giả), Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) của Bộ luật hình sự 1999.

Việc quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ xuất phát từ tính chất của vụ án và lợi ích của chính người bị hại. Cơ quan có thẩm quyền nếu tự mình khởi tố vụ án hình sự có thể gây thêm những tổn thất về tinh thần cho người bị hại, làm lộ bí mật đời tư của họ, phá vỡ sự thỏa thuận, thương lượng giữa hai bên. Do đó, trong những trường hợp này, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp có quyền tự do lựa chọn: Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, tha thứ hoặc thỏa thuận với người phạm tội.

Đặc biệt, việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, được quy định trên cơ sở kết hợp hai yếu tố: Có dấu hiệu của tội phạm và có yêu cầu khởi tố về hình sự.

Nếu không có dấu hiệu tội phạm thì dù người bị hại có yêu cầu khởi tố cũng không được

khởi tố. Ngược lại, nếu người bị hại không yêu cầu khởi tố thì dù đã xác định có dấu hiệu tội phạm cũng không được khởi tố. Tuy vậy, pháp luật cho phép sự thể hiện ý chí cá nhân của người bị hại trong việc tự giải quyết các sự việc gây thiệt hại cho chính mình cũng chỉ trong giới hạn nhất định mà xã hội và cộng đồng có thể chấp nhận được. Nếu những thiệt hại đã gây ra cho người bị hại là nghiêm trọng thì Nhà nước phải can thiệp và trường hợp này việc khởi tố vụ án không còn phụ thuộc vào ý chí của người bị hại.

Ví dụ: Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B ở chung một khu dân cư do mâu thuẫn trong sinh hoạt, Nguyễn Văn A đã đánh Nguyễn Văn B bị thương nhưng thương tích không nặng, cũng không có một trong các yếu tố: “Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, “có tính chất côn đồ”, “tái phạm nguy hiểm”, nếu Nguyễn Văn B không yêu cầu cơ quan chức năng xử lý Nguyễn Văn A thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không được khởi tố vụ án hình sự.

Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là người bị hại. Trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người đại diện hợp pháp của họ được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003: “…chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Những người bị hại chưa thành niên là những người mà theo quan điểm lập pháp là chưa có đầy đủ năng lực hành vi để thực hiện về chủ thể của mình. Họ có thể chưa ý thức được một cách đầy đủ về những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra cho họ và thiếu các điều kiện chủ quan để tự bảo vệ những lợi ích của mình. Chính vì vậy, đối với người chưa thành niên và người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, nhà làm luật đã hạn chế việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại đối với những trường hợp này và chỉ chấp nhận khi có yêu cầu của người đại diện hợp pháp của họ. Người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất được nói trong điều luật là người mà do những khuyết tật, bệnh lý bị tàn phế, thương tật mà dẫn đến không có khả năng thực hiện được tự do ý trí của mình hoặc không nhận thức được hoặc không điều chỉnh được hành vi. Do đó, cũng không có khả năng tự thực hiện yêu cầu và bảo vệ được lợi ích của mình trước pháp luật. Như vậy, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên và người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần có thể là cha mẹ, anh, chị em ruột, người nuôi dưỡng, luật sư của họ…

Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 chưa có quy định về nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Nhưng thông thường nội dung yêu cầu khởi tố là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ yêu cầu cải chính, xin lỗi thì không phải là yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Về hình thức, yêu cầu khởi

CBHD: Mạc Giáng Châu 30 SVTH: Nguyễn Bích Thủy tố vụ án hình sự được thực hiện bằng hình thức văn bản hoặc trình bày trực tiếp. Trong đó, đơn yêu cầu khởi tố có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu. Trường hợp yêu cầu khởi tố được trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu. Biên bản do Viện kiểm sát lập được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi tố là điều kiện bắt buộc, do đó trong những trường hợp phạm tội nêu trên, khởi tố khi không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm phát hiện thấy vi phạm đó trong khi chuẩn bị xét xử thì có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Ví dụ: Vào ngày 22/7/2008, Nguyễn Thanh T bị đánh ngất, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh điều trị và được tổ chức giám định pháp y trung ương kết luật tỷ lệ thương tật của T là 15%. Mẹ của T đã đến Công an phường trình báo và “Đề nghị Công an xử lý nghiêm minh những người đã đánh con bà ra trước pháp luật và phải bồi thường tiền thuốc men chữa bệnh”. Như vậy yêu cầu của mẹ T yêu cầu khởi tố do chứa đựng thông tin như tố giác tội phạm nên được xem là cơ sở xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, yêu cầu khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự, mà căn cứ duy nhất để khởi tố là dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự. Ngược lại, xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc các trường hợp nêu trên nhưng không có yêu cầu khởi tố thì không được khởi tố vụ án hình sự. Nhìn chung khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 tiến bộ, đã bổ sung: “…Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Quy định như vậy nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị hại đặc biệt là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất.

2.1.2.2 Rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Pháp luật quy định như vậy nhằm tôn trọng ý chí của người bị hại do trước khi mở phiên tòa người bị hại và người gây thiệt hại đã thỏa thuận được cách giải quyết hậu quả, và người bị hại hay đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện nhận ra quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ mà pháp luật có thể chấp nhận. Mặt khác, quy định như vậy còn nhằm mục đích giảm tải công việc của Tòa án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và hạn chế tốn kém một phần chi phí của Nhà nước. Trường hợp vụ án đang ở giai đoạn điều tra, nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình

chỉ điều tra theo khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Nếu vụ án đã qua giai đoạn điều tra, chuyển sang Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Trong trường hợp vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 25. Chủ thể có quyền rút yêu cầu khởi tố là người đã yêu cầu khởi tố, tức là người bị hại hoặc không phải người bị hại trong trường hợp người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu khởi tố. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ, cụ thể người đã yêu cầu có quyền rút yêu cầu trước phiên tòa sơ thẩm. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm đồng ý yêu cầu rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa sơ thẩm hoặc việc Tòa án cấp phúc thẩm đồng ý người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, tuyên bố các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật.

Hệ quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi tố là người đã yêu cầu khởi tố không có quyền yêu cầu lại. Trừ trường hợp việc rút yêu cầu là trái với ý muốn của người bị hại do bị ép buộc, cưỡng bức. Trong trường hợp này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án nếu có căn cứ xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu bị ép buộc, cưỡng bức. Pháp luật quy định như vậy nhằm hạn chế người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu nhiều lần, gây khó khăn và tốn kém cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm bảo vệ người bị hại.

Nhìn chung, quá trình áp dụng cho thấy chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đã phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, chế định này vẫn còn bộc lộ một số bất cập26.

Một phần của tài liệu lý luận và thực tiễn về khởi tố vụ án hình sự (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)