Phân vi lượng và phân vi sinh

Một phần của tài liệu Bài giảng hóa kỹ thuật hóa nông học (Trang 58 - 63)

CHƯƠNG 4: PHÂN BÓN 4.1. Vai trò và đặc điểm của phân bón

4.5. Phân vi lượng và phân vi sinh

Các nguyên tố vi lượng là những nguyên tố cần thiết cho sự dinh dưỡng của cây trồng. Tuy cây chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu bất cứ một nguyên tố vi lượng nào cũng có thể làm xuất hiện ở cây trồng những triệu chứng đặc biệt. Ví dụ: Thiếu B, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng sẽ không bình thường, phấn hoa không hình thành đầy đủ, hoa dễ rụng, hạt không đậu hoặc lép. Cây họ đậu thiếu mangan thì lá bị mất chất diệp lục, thiếu đồng thì việc hình thành hạt bị ảnh hưởng, thiếu kẽm thì lá cây bạc màu, thiếu molipđen thì nốt sần ở rễ kém phát triển.

Các nguyên tố vi lượng tham gia vào thành phần nhiều loại enzim hoặc có khả năng thúc đẩy sự hoạt động của các enzim đó. Do vậy, các nguyên tố vi lượng đều rất cần thiết, tuy chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp. Nồng độ các chất chứa nguyên tố vi lượng trong dung dịch đất thấp quá hoặc cao quá so với yêu cầu dinh dưỡng của cây trồng, đều có ảnh hưởng rất mạnh đến sinh trưởng của cây trồng và có thể làm cho cây chết.

1. Phân bo (B)

Tỉ lệ B trong mỗi loại cây trồng thường khác nhau. Nói chung, cây chứa nhiều B thì nhu cầu về B cũng cao.

Trong đất, hàm lượng B khoảng 0,5 – 10mg/1kg đất khô. Đất nghèo B chỉ chứa 0,5 – 3mg/1kg đất khô, đất có lượng B trung bình khoảng 3 – 10mg/1kg đất khô và những loại đất đặc biệt giàu B có thể chứa đến 100mg và hơn nữa.

Trong đất có thể chứa nhiều B nhưng lượng B dễ tiêu đối với cây thường rất ít, nhất là ở đất có bón vôi, môi trường kiềm, lượng B dễ tiêu lại càng ít.

Mức độ hữu hiệu của B thay đổi tuỳ theo phản ứng của đất, pH = 5 – 7 thì mức độ hữu hiệu của B cao. Ở đất chua nhiều, pH < 5 và pH > 7, độ hữu hiệu của B giảm dần. Vì vậy, sau khi bón vôi cho đất để khử chua, độ hữu hiệu của B tăng lên.

Những loại phân bo được sản xuất và sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới là:

- Bột đatolito bo (2CaO.B2O3.SiO2.H2O): có 1,5 – 2%B ở dạng axit boric tan trong nước. Loại phân này có thể bón lót hoặc bón thúc và thường chỉ bón 0,5 – 1,5kg/ha, tuỳ theo loại cây.

- Supephôtphat tẩm bo là loại phân viên có chứa 0,17 – 0,34%B và 15 – 18%P2O5. Loại đặc biệt chứa 1 – 1,3%B và khoảng 36%P2O5.

- Muối B – Mg gồm MgSO4 và axit boric có 0,9 – 5,3%B và 70 – 75% MgSO4. - Axit boric (H3BO3) có chứa 17,5%B, natri borat (Na2B4O7.10H2O) có chứa 11,3%B là loại chất hoá học tinh khiết có thể dùng bón thúc cho những cây thiếu B, với lượng nhỏ 200 – 300g/ha.

Có thể dùng phân bo để bón lót, bón khi gieo trồng hoặc bón thúc. Vì lượng bón ít, nếu bón riêng thì bón không đều được, do đó cần trộn với phân hữu cơ hay các loại phân khác. Cũng có thể dùng phân bo bón ngoài rễ, với lượng khoảng 1/8 – 1/4 lượng định bón vào đất.

2. Phân mangan

So với bo, lượng mangan trong tro của cây có nhiều hơn. Lượng mangan trong đất cũng tương đối cao (0,1 – 1%).

Phần lớn lượng mangan trong đất ở dạng không tan vào nước và độ hữu hiệu của Mn thay đổi tuỳ theo phản ứng của dung dịch đất. Ở đất chua, mangan ở dạng hoá trị II, có thể tan vào nước. Ở đất trung tính, mangan ở dạng hiđroxit, trong đó mangan oá trị III hay IV và bị kết tủa. Ở đất kiềm, dạng mangan hoà tan rất ít, nên dễ thấy hiện tượng thiếu mangan. Ở các loại đất rất chua như đất than bùn, lượng mangan hoà tan nhiều nên thường có hiện tượng cây bị độc hại do thừa mangan.

Phân mangan thường dùng là mangan sunfat và xỉ quặng mangan.

MnSO4.4H2O là những tinh thể màu đỏ nhạt có 24,6%Mn, có thể tan vào nước và sau khi bón, cây có thể hút ngay. Loại phân này có thể dùng bón lót hoặc bón thúc.

Xỉ quặng mangan là quá trình luyện mangan, thường chứa 12 – 22%Mn và rất ít tan nên chỉ dùng để bón lót.

Hiệu quả của phân mangan thay đổi tuỳ theo tính chất đất và cây trồng. Ở đất trung tính hoặc hơi chua, việc bón phân mangan có hiệu quả tương đối tốt đối với của cải đường và các loại rau.

3. Phân đồng

So với bo, cây cần ít đồng hơn (1,5 – 8,5mg/ha). Tỉ lệ đồng trong đất gần bằng tỉ lệ bo (1 – 100mg/ha đất khô), trong đó dạng đồng tan trong nước thường không đến 1% so với đồng tổng số.

Trong đất cát thường có ít hợp chất đồng. Ở đất than bùn, axit hữu cơ thường cố định đồng dưới dạng hợp chất không tan. Phản ứng của đất, pH cũng có ảnh hưởng đến độ hữu hiệu của đồng: ở đất chua, các hợp chất đồng dễ tan nhưng ở đất kiềm thì các hợp chất đó ít tan.

Loại phân đồng được dùng phổ biến nhất là đồng sunfat (CuSO4.5H2O) và một số quặng đồng sunfat, xỉ quặng pirit. Phân đồng có thể dùng bón lót, bón thúc hoặc xử lí hạt giống.

4. Phân kẽm

Trong các loại đất đều có kẽm với lượng đáng kể: 25 – 100mg/kg đất khô, trung bình là 50mg và thường gặp dưới những thể quặng như sfalerit (ZnS), zinkit (ZnO), smizonit (ZnCO3), vinlemit (Zn2SiO4) …

Trong đất có chứa nhiều kẽm nhưng lượng kẽm dễ tiêu vẫn không đủ cung cấp cho cây trồng, do vậy trong nhiều trường hợp vẫn cần phải bón thêm kẽm cho cây trồng.

Trong cây thường có 20 – 240mg Zn/kg chất khô. Khi cây thiếu kẽm thì có thể thấy những hiện tượng thiếu chất dinh dưỡng như lá nhỏ đi và mau bạc trắng.

Độ tan của hợp chất kẽm trong đất cũng gần giống như các hợp chất của mangan và đồng. Ở đất chua, các hợp chất của kẽm hoà tan nhiều, ở đất kiềm thì chúng tan ít. Do đó, sau khi bón vôi cho đất chua thì dễ thấy hiện tượng thiếu kẽm.

Hiệu lực của phân kẽm không những phụ thuộc vào môi trường mà còn phụ thuộc vào liều lượng bón, chẳng hạn khi bón 1kg ZnSO4/ha, năng suất cà chua không tăng mà phải bón đến 4kg ZnSO4/ha thì năng suất mới tăng lên khá nhiều, nhưng nếu bón 8kg ZnSO4/ha thì hiệu suất lại giảm mạnh.

5. Phân molipđen

Mo có vai trò rất lớn đối với hoạt động của vi sinh vật cố định đạm. Do vậy, bón phân molipđen cho cây họ đậu sẽ có hiệu lực tăng năng suất đáng kể, nhất là bón phối hợp supephôtphat với molipđen.

Mo tham gia rất mạnh vào các quá trình oxi hoá khử trong cây. Nó còn tham gia vào các quá trình trao đổi cacbon, trao đổi lân, vào sự tổng hợp diệp lục và vitamin. Nếu thiếu Mo, lá cây họ đậu chuyển sang màu vàng lục, do dinh dưỡng đạm kém, cây phát triển chậm và có thể vàng lá toàn bộ, thân và cành cây có màu tía, các nốt sần bé. Đối với cây không thuộc họ đậu, nếu thiếu Mo thì lá cũng trở nên vàng và hẹp phiến, bìa lá uốn vào trong và khô dần.

Như vậy, nếu trong đất thiếu molipđen thì cây trồng phát triển kém. Song nếu đất có chứa nhiều molipđen thì lại gây độc cho cây.

Loại đất Hàm lượng Mo (mg/kg) Loại đất Hàm lượng Mo (mg/kg)

Rất nghèo < 0,05 Giàu 0,3 – 0,5

Nghèo 0,05 – 0,15 Rất giàu > 0,5

Trung bình 0,2 – 0,25

Phân molipđen thường dùng là amôni molipđat có chứa 50%Mo. Khi bón phân molipđen cho cây họ đậu thường trộn với supephôphat. Ngoài ra, còn có thể dùng xỉ lò cao có chứa molipđen để bón cho đất.

6. Phân côban

Trong đất, tỉ lệ côban vào khoảng 1 – 15mg/kg đất khô. Đất có thành phần cơ giới nhẹ và lầy lụt thường thiếu côban. Trong nhiều loại phôtphorit có chứa một lượng khá lớn côban, trong các loại phân bó bón khác như phân chuồng và nhất là trong tro đều có chứa côban. Vì vậy, bón tron cho đồng cỏ dùng làm thức ăn gia súc sẽ làm tăng chất lượng cỏ và tăng trọng lượng gia súc.

Co có khả năng tăng cường lượng đạm cho cây họ đậu. Phân côban thường dùng là CoCl2.

Ngoài các phân vi lượng kể trên là những loại thông thường nhất, còn có những phân vi lượng khác cũng có tác dụng đáng kể như iôt, vanađi …nhưng hiệu lực của chúng thấp hơn.

Trong thực tế, người ta thường bón hỗn hợp gồm nhiều loại phân vi lượng để xử lý hạt giống, phun lên lá hoặc tưới cho các cây con hoặc trộn với phân chính để bón vào đất. Những loại phân vi lượng rất cần thiết cho cây họ đậu thường được trộn với các loại phân lân.

4.5.2. Phân vi sinh

Phân vi sinh là loại phân gồm một số vi sinh vật có ích. Tác dụng đặc biệt của vi sinh vật là góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, chuyển hoá các chất dinh dưỡng khó tiêu trong đất thành chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng, kích thích cây trồng sinh trưởng hoặc phòng trừ bệnh cho cây trồng.

Có thể tác động lên hệ sinh vật của đất bằng cách chọn lựa nhân tạo và nhân một số vi sinh vật có ích trong đất, đưa chúng vào trong đất ở vùng rễ cây trồng để mở rộng và đẩy mạnh hoạt động của vi sinh vật có ích trong đất.

Có 4 loại phân vi sinh tương đối quan trọng và có hiệu lực nhất:

a) Nitragin: là loại phân vi sinh có chứa những giống vi sinh vật nốt sần cây họ đậu. Đa số cây họ đậu có những loại vi sinh vật nốt sần riêng. Vì vậy, không thể lấy loại phân vi sinh của cây họ đậu này để bón cho cây kia. Nitragin khi bón

thường được trộn với đất, với phân lân. Trong trường hợp không có nitragin thì có thể giã nhỏ nốt sần của cây họ đậu cho vào nước xử lý hạt giống.

b) Azotobecterin: là loại phân vi khuẩn hút đạm không khí hay còn gọi là phân vi sinh cố định nitơ không khí. Loại vi sinh vật này sống ở trong đất, có thể cố định được 15 – 45kgN/ha/năm, có tác dụng nâng cao độ phì nhiêu của đất và cải thiện dinh dưỡng nitơ của cây trồng. Ngoài ra, azotobecterin còn có thể hình thành một số loại vitamin, kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

c) Phôtphobacterin: là loại phân chuyển hoá phôtpho, chủ yếu là biến đổi P từ dạng hữu cơ thành dạng vô cơ. Muốn nâng cao hiệu lực của phân này thì đất phải chứa nhiều chất hữu cơ, do vậy phân vi sinh này được tưới vào phân chuồng để bón lót.

d) A.M.B.: là loại phân vi sinh hỗn hợp gồm nhiều loại vi khuẩn đạm hoá, phân giải chất hữu cơ … Phân vi sinh này có tác dụng tăng cường tốc độ phân giải chất hữu cơ trong đất. A.M.B. phát huy hiệu lực khi có môi trường không chua và có đủ lân, do vậy thường dùng A.M.B.trong trường hợp ủ phân rác.

Một phần của tài liệu Bài giảng hóa kỹ thuật hóa nông học (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)