Chương 2: TỔ CHỨC DẠY HỌC THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA NAM BỘ
2.3. Quy trình tổ chức dạy học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn văn hóa Nam Bộ
2.3.1. Trước giờ học
2.3.1.1. Yêu cầu HS chuẩn bị trước bài học ở nhà 1) HS đọc văn bản
GV yêu cầu HS đọc kĩ văn bản trước ở nhà là hoạt động quan trọng để góp phần cho sự thành công của bài học trên lớp. Ví dụ, các bài học về đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, hay bài học “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”,... GV yêu cầu HS cần phải đọc kỹ văn bản trong SGK trước ở nhà và chú ý đến không gian VHNB: cảnh vật, con người, ngôn ngữ,... Qua đây, HS sẽ có được sự cảm nhận ban đầu về vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật cũng như nhận ra được những thông điệp văn hóa mà tác giả muốn gửi gắm đến người tiếp nhận.
Ngoài ra, GV yêu cầu HS cần đọc kỹ các mục Tiểu dẫn, Chú thích ở SGK để hiểu được các từ khó, từ ngữ địa phương NB cũng như các điển tích, điển cố được tác giả sử dụng, đồng thời thử diễn đạt lại những từ ngữ ấy theo cách hiểu riêng của mình. Điều đáng lưu ý nữa, GV nên yêu cầu HS học thuộc lòng một số câu thơ, văn trong đoạn trích hay cả tác phẩm nhằm giúp các em cảm và hiểu sâu sắc hơn thơ văn NĐC cũng như nắm sơ bộ những kiến thức để làm nền cho quá trình khám phá, tiếp cận thơ văn ông.
Bên cạnh việc đọc văn bản, HS cần phải trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK và các câu hỏi gợi mở thêm của GV qua phiếu học tập. Ví dụ, để chuẩn bị bài học
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, GV yêu cầu HS tìm hiểu tác phẩm và điền vào phiếu học tập theo các yêu cầu dưới đây.
Bảng 8: Phiếu học tập của học sinh
Câu hỏi Phần trả lời
(1) Em hiểu như thế nào về tên tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc?
(2) Các sự việc trong tác phẩm diễn ra trong hoàn cảnh, thời gian, địa điểm nào?
(3.a) Tác phẩm nói đến những ai?
(3.b) Những con người ấy tạo cho em ấn tượng nổi bật nhất ? Vì sao?
(4.a) Theo em từ ngữ tác giả sử dụng trong tác phẩm có gì đặc biệt?
(4.b) Những từ ngữ này có liên quan gì đến thái độ, tình cảm của người Nam Bộ?
5) Thái độ, tâm trạng của tác giả đối với người nghĩa sĩ Nam Bộ như thế nào?
6) Ý nghĩa của tác phẩm là gì?
2) HS tự trải nghiệm văn hóa
GV yêu cầu HS tự sưu tầm và xem trước các video, clip phim ảnh có liên quan đến bài học để tự trang bị vốn hiểu biết cũng như trải nghiệm về VHNB. Hơn nữa, HS cần chủ động sưu tầm, thu thập những tài liệu tham khảo về lịch sử, địa lí, văn hóa liên quan đến VHNB,… nhằm giúp cho việc khám phá tác phẩm trên lớp được dễ dàng hơn.
2.3.1.2. Yêu cầu GV chuẩn bị trước bài học ở nhà
- GV cần phải đọc kĩ văn bản trước ở nhà, thậm chí là thuộc lòng để khi lên lớp đọc mẫu cho HS nghe thì mới được diễn cảm, có cảm xúc. Nếu có giọng đọc NB thì càng tốt, còn nếu không, GV có thể ghi âm lại giọng đọc của nghệ sĩ để lên lớp hướng dẫn các em đọc cho đúng ngữ âm, giọng điệu theo từng nhân vật cũng như tình cảm, cảm xúc của tác giả được gửi gắm vào trong tác phẩm.
- Để bài dạy được sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn hơn, GV cũng cần sưu tầm phim, ảnh liên quan đến tác phẩm và VHNB: Ví dụ, dạy đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, GV chuẩn bị phim LVT, vở cải lương Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, hoặc các tài liệu liên quan đến VHNB, như văn hóa ứng xử, hành động nghĩa hiệp của người NB,... Còn dạy tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, GV nên tìm kiếm những clip về thiên nhiên vùng sông nước cũng như cảnh sinh hoạt của
người NB, hay những clip, tranh ảnh tái hiện trận công đồn của nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa,...
- Ngoài ra, GV cần mở rộng nhiều tài liệu, dẫn chứng có liên quan bài học để trong quá trình giảng dạy có thể dùng để so sánh, đối chiếu nhằm làm rõ vẻ đẹp thơ văn NĐC từ những giá trị VHNB.
- Xác định mục tiêu cần đạt của bài học. Để thực hiện bài dạy thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, GV cần xác định rõ mục tiêu bài học thể hiện trên ba mặt như sau: Về mặt kiến thức, bài học sẽ giúp cho HS khám phá được giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của thơ văn NĐC cũng như tìm ra vẻ đẹp riêng của thơ văn ông, gắn liền với VHNB. Về mặt kĩ năng: GV hướng dẫn HS biết dựa vào yếu tố văn hóa để hiểu văn học, nghĩa là HS phải biết đặt tác phẩm NĐC trong bối cảnh VHNB để khám phá, khai thác. Bên cạnh đó, GV nên chú ý đến việc hình thành và phát triển được các năng lực khác, như năng lực tư duy, năng lực tự học, năng lực giao tiếp năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự tin, năng lực tự lập, năng lực hợp tác,…
Điều này sẽ giúp HS tự hình thành và phát triển được phương pháp tự học, biết ứng dụng những kiến thức bài học vào đời sống thực tiễn của bản thân. Còn về mặt thái độ, tình cảm, GV xây dựng và khơi dậy được sở thích, niềm đam mê của HS đối với thơ văn ông nói riêng, văn học trung đại nói chung. Hơn nữa, GV còn định hướng cho HS tự ý thức và trân trọng tài năng, nhân cách đạo đức con người NĐC cũng như yêu quí những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của người NB.
- Tạo tình huống dẫn nhập vào bài: GV cần chú ý phải dẫn nhập sao cho ngắn gọn, súc tích, vừa có tác dụng lôi cuốn hấp dẫn HS chú ý vào bài học, vừa tập trung khơi gợi những yếu tố VHNB trong việc khám phá tác phẩm. Ví dụ, bài dạy đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, GV nên dựa vào hành động nghĩa hiệp của LVT để tạo tình huống có vấn đề bằng hình thức câu hỏi như sau: Trong cuộc sống hằng ngày em có nghe kể hoặc chứng kiến những hành động nghĩa hiệp đánh cướp cứu người chưa? Hoặc, GV cũng có thể dựa vào hình thức câu kể chuyện để khơi gợi dẫn dắt HS khám phá đoạn trích này, như câu chuyện kể về anh lái taxi, anh chạy xe ôm nghĩa hiệp bắt cướp trên đường,… Đối với bài học Văn tế
nghĩa sĩ Cần Giuộc, GV có thể dựa vào bối cảnh thời đại và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để tạo không khí giờ học, như cho HS xem clip hay bức tranh vẽ tái hiện lại cảnh công đồn của những người nghĩa sĩ NB năm xưa hoặc có thể đặt câu hỏi khơi gợi, như Qua clip hay bức tranh vừa xem, em hãy cho biết tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh như thế nào? Ngoài ra, GV có thể dựa vào thể loại văn tế để dẫn dắt, lôi cuốn HS vào bài học,...
- Điều cần lưu ý, ngoài việc soạn giáo án bằng văn bản, GV nên sử dụng phần mềm Powerpoint để soạn giáo án để giờ học thêm sinh động, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với HS.
2.3.2. Trong giờ học
2.3.2.1. Hoạt động 1. Trải nghiệm văn hóa
Trải nghiệm văn hóa là khâu quan trọng nhất trong quá trình khám phá thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB. Bởi hoạt động này sẽ tạo nên bầu không khí giúp cho HS được sống trong không gian VHNB cũng như kích thích sự trải nghiệm về VHNB ở các em. Để hoạt động trắc nghiệm đạt hiệu quả, GV cần chú ý một số hoạt động cụ thể như sau:
1) GV cho HS xem clip phim, ảnh, hay các tài liệu, giai thoại,... sau đó đặt câu hỏi liên quan đến VHNB nhằm định hướng HS nắm chắc các đặc điểm VHNB.
Đây là tiền đề để giúp HS khám phá tác phẩm. Ví dụ, dạy học bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, sau khi xem đoạn phim tư liệu, GV có thể đặt câu hỏi: Em hiểu biết gì về vùng đất và con người Nam Bộ?...
2) GV có thể yêu cầu HS vận dụng những hiểu biết thực tế của bản thân và nhớ lại những kiến thức đã học, trao đổi với bạn cùng nhóm để trả lời. Ví dụ, dạy học đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, để dẫn dắt, khơi gợi những kiến thức về VHNB, GV có thể đặt các câu hỏi, như Các tác phẩm viết về NB đã được học ở lớp 6 như “Đất rừng phương Nam”(trích đoạn Sông nước Cà Mau – Đoàn Giỏi), hay, qua bài đọc thêm “Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương” ở lớp 7, em hiểu gì về thiên nhiên, nếp sống sinh hoạt, tính cách con người ở NB?...
Nói chung, có nhiều cách thức để tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa nhằm huy động cho được vốn kiến thức về VHNB sẵn có ở HS. Do đó, đòi hỏi GV phải tổ chức sao cho linh hoạt, phù hợp cho từng đối tượng để tạo không khí đầu giờ học thật sinh động, hấp dẫn. Vì thế, hoạt động trải nghiệm văn hóa sẽ giúp HS được trải nghiệm văn hóa cũng như tạo tâm thế thoải mái để bước vào thế giới thẩm mỹ của sáng tác NĐC.
2.3.2.2. Hoạt động 2. Đọc văn bản
Đọc là hoạt động rất quan trọng và là phương pháp đầu tiên trong quá trình phân tích, khám phá tác phẩm văn chương. Đối với tác phẩm văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng, hoạt động đọc càng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Vì thế, nó không thể thiếu vắng trong quá trình dạy học. Nhờ có hoạt động đọc mà giúp HS phá vỡ được lớp ngôn ngữ ban đầu để đi sâu, khám phá những thông điệp thẩm mỹ được tác giả gửi gắm vào nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Tuy nhiên, các tác phẩm trung đại nói chung, thơ văn của NĐC nói riêng đều ra đời cách nay đã gần hai thế kỉ. Hơn nữa, ngôn ngữ thơ văn ông đều được viết chủ yếu bằng chữ Nôm cho nên rất xa lạ và khó hiểu đối với HS hiện nay. Điều này đã tạo nên rào cản lớn trong việc tìm hiểu, khám phá cũng như tâm lí tiếp nhận của các em.
Vì vậy, để hiểu được tác phẩm văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng, trước tiên yêu cầu HS đọc thật kĩ tác phẩm. Có đọc kĩ thì mới nắm chắc được toàn bộ nội dung tác phẩm. Riêng đối với đoạn trích, HS không những đọc văn bản đoạn trích ở trong SGK mà cần phải đọc cả toàn bộ tác phẩm. Ví dụ, đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ở Ngữ văn, lớp 9, HS cần nên đọc hết tác phẩm LVT thì mới hiểu được toàn bộ nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Điều này không chỉ giúp HS nhận ra vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật mà còn thấy được những thông điệp VHNB của tác giả gửi gắm vào tác phẩm.
Thứ hai, trong quá trình đọc, đòi hỏi HS phải vận động tất cả bộ máy phát âm, thị giác, thính giác và huy động các chức năng tâm lí, như tư duy, trí tưởng tượng, liên tưởng,… một cách tích cực nhất thì mới có thể hình dung ra được những cảm xúc cũng như cảm nhận được vẻ đẹp từ những hình tượng nghệ thuật trong tác
phẩm. Làm được điều này, không những giúp HS tìm ra được những giá trị thẩm mĩ của tác phẩm mà quan trọng hơn còn nhận ra được bức thông điệp văn hóa được tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Ví dụ, đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, HS phải huy động tất cả bộ máy phát âm, thị giác, thính giác cũng như các chức năng tâm lí thì mới cảm nhận và thấu hiểu được tiếng khóc bi tráng tiếc thương vô hạn của đồng bào NB và của chính tác giả đối với những người nghĩa sĩ nông dân ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó sẽ thôi thúc được lòng yêu nước và ý thức bảo vệ quê hương, đất nước ở mỗi bản thân các em.
Thứ ba, trong quá trình đọc văn bản, GV yêu cầu HS cần nắm chắc tiểu sử của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; nhận biết sơ bộ được chủ đề, kết cấu, trạng thái cảm xúc, hay cốt truyện, tính cách các hình tượng nhân vật cũng như các biện pháp nghệ thuật. Chẳng hạn, khi đọc tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, GV yêu cầu HS cần hiểu đúng về bối cảnh ở giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc nói chung, của NB nói riêng; hoàn cảnh xuất thân của những người nghĩa sĩ cũng như nắm chắc chức năng của thể loại bài văn tế. Từ đó để HS cảm nhận được nỗi niềm đau xót, đầy thương tiếc của con người, quê hương cảnh vật NB và của chính tác giả trước sự hy sinh mất mát to lớn đối với những người nghĩa sĩ nông dân ngã xuống vì quê hương, đất nước,...
Thứ tư, để hoạt động đọc thơ văn NĐC trong giờ lên lớp đạt hiệu quả, người đọc phải biết bám sát vào câu chữ nhằm “huy động toàn bộ kinh nghiệm, vốn sống, trình độ văn hóa nhằm tạo nên sự hòa đồng giữa người đọc với tác giả, làm khoảng cách giữa tác giả và người đọc được rút ngắn” [68, 31]. Hay, người đọc “không chỉ là chuyển các ký hiệu văn tự thành âm thanh hoặc hình ảnh âm thanh mà là một quá trình nhận thức để hiểu những gì được đọc; không chỉ hiểu ngôn từ trên các dòng chữ mà còn phải thâu thái được những điều ẩn chứa sau các dòng chữ” [3, 163]. Ví dụ, bài học về đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, HS biết bám vào những câu chữ miêu tả hành động cử chỉ và lời nói của hình tượng nhân vật LVT để tô đậm vẻ đẹp của hành vi ứng xử có văn hóa và tính cách nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài,… của người NB. Hay, qua lời đối đáp của nhân vật KNN với LVT để
hiểu được cung cách ứng xử hết sức nhã nhặn, có học thức, nết na, lịch thiệp và đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp phẩm cách của người phụ nữ NB nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
Thứ năm, trong quá trình đọc, để thông hiểu và cảm được giá trị và vẻ đẹp riêng của thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, HS cần phải chú ý các kiểu đọc sau:
- Đọc đúng: người đọc phải trung thành với tác phẩm, không sai về ngữ âm, ngữ pháp, chính tả, đọc rõ ràng, trôi chảy từng câu, từng đoạn và cả tác phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với người đọc. Vì đọc sai sẽ không thể hiểu được nội dung tác phẩm. Do đó, việc dạy học thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, GV cần định hướng HS đọc sao cho đúng chữ, đúng âm theo giọng điệu và cách nói của người NB để hiểu đúng từng câu chữ trong tác phẩm. Cụ thể, dạy học đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, GV yêu cầu HS đọc đúng theo ngữ âm và giọng điệu của các từ ngữ: “đàng, thiệt, tiểu thơ”,… chứ không nên đọc theo tiếng Việt phổ thông, như đọc “đàng” thành “đường” ở trong câu thơ: “Vân Tiên ghé lại bên đàng”; hay, đọc “thiệt” thành “thật” trong câu thơ “Thưa rằng: Tôi thiệt người ngay”,… Nếu đọc như thế thì bản thân người học sẽ khó có thể cảm nhận được cái hay riêng trong cách phát âm, diễn đạt của người NB. Như vậy, việc đọc đúng âm và giọng NB sẽ giúp HS dễ dàng nhận ra ngôn ngữ của thơ văn NĐC mang đặc điểm riêng của ngôn ngữ NB.
- Đọc diễn cảm: là kiểu đọc ở mức độ cao hơn so với đọc đúng. Đọc diễn cảm là giọng đọc phải thật truyền cảm, làm cho câu chữ trong tác phẩm được hiện lên thật sống động qua các sự vật, hình ảnh như nó vốn có trong cuộc sống, đồng thời thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả gửi gắm vào trong từng câu, chữ. Do đó, để đọc diễn cảm, trước hết người đọc phải am hiểu thật tường tận, sâu sắc tác phẩm thì mới thật sự có cảm xúc, nhập tâm vào từng nhân vật. Có như thế, người đọc mới làm cho câu chữ trở nên mềm mại, uyển chuyển, lên xuống đúng theo giọng điệu, ngữ điệu mà tác giả muốn truyền tải, đồng thời còn tạo được sự rung động trái tim người nghe, khiến mọi người đồng cảm với người đọc và tác giả. Tuy nhiên, để đọc cho diễn cảm thì theo chúng tôi, GV cần nên đọc mẫu, sau đó hướng