Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tạo thêm việc làm mới nhằm thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Hiện nay ở Hậu Giang các làng nghề truyền thống không nhiều có quy mô sản xuất nhỏ, nằm rãi rác ở các địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp,…với các ngành nghề như: xay xát, chế biến thực phẩm, đóng ghe xuồng, đan lát…Các làng nghề vẫn còn mang tính thủ công truyền thống, chưa đa dạng được sản phẩm và vẫn còn khó khăn đầu ra về sản phẩm. Do thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ, nguồn nguyên liệu khan hiếm dần, chưa ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra độ tinh xảo chưa cao, chưa có thương hiệu...
Tuy nhiên những năm gần đây làng nghề đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài Tỉnh nhiều chủng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, trong quá trình hình thành cũng như phát triển của các làng nghề hiện nay nguồn vốn kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chính sách ưu đãi cũng như khuyến khích đầu tư còn hạn chế.
a) Những mặt tích cực
- Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tuy còn nhiều hạn chế, lạc hậu và mang tính tự phát nhưng cũng đã thu hút được một số lao động, đặc biệt là lao động ở các vùng nông thôn sản xuất ra nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, các khu vực lân cận và phục vụ xuất khẩu.
- Các làng nghề góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn.
- Sự phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương đã góp phần thúc đẩytăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế địa phương.
b) Những mặt hạn chế
- Các cấp quản lý nhà nước chưa có sự hướng dẫn, quy hoạch định hướng việc phát triển các làng nghề truyền thống. Do đó, phần lớn các làng nghề phát triển một cách tự phát, mang tính thủ công, sản xuất manh mún, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.
- Đa số các cơ sở trong làng nghề truyền thống được tổ chứa sản xuất với quy mô kinh tế hộ gia đình, mặt bằng sản xuất tương đối nhỏ hẹp, không có khả năng mở rộng sản xuất và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì thế, khả năng phát sinh ô nhiễm từ các làng nghề truyền thống tại các địa phương là rất lớn.
- Cơ sở hạ tầng các làng nghề còn quá kém, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải không được chú trọng đầu tư dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, mở rộng và phát triển các làng nghề.
- Các cơ sở sản xuất trong làng nghề thống phân bố rãi rác tại các địa bàn, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc đào tạo về chuyên môn, tay nghề cho người lao động. Mặt khác còn gây khó khăn trong việc tiếp cận trình độ khoa học công nghệ.