Hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của dự án

Một phần của tài liệu Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất công nghiệp chế phẩm sinh học EMOZEO phục vụ nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường tại tỉnh cà mau (Trang 37 - 40)

B. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN

III. Phân tích đánh giá kết quả đạt được của dự án theo các nội dung

5. Hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của dự án

* Hiệu quả về kinh tế.

Với khả năng tiêu thụ sản phẩm EMOZEO như hiện nay, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 250.000 – 300.000 lít/năm, với giá bán sản phẩm là 5.300 đồng/lít thì doanh thu hàng năm dao động từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt khoảng 250.000.000 – 300.000.000 đồng/năm.

Tuy nhiên, về lâu dài khi diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của tỉnh được nâng lên, đồng thời nhận thức của người dân về việc ứng dụng chế phẩm sinh học để nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường được nâng lên thì khả năng tiêu thụ cũng như lợi nhuận thu được của dự án sẽ đạt kết quả cao hơn.

Trong thời gian tới 02 sản phẩm mới của dự án là EMOZEO bột, và EMOZEO đậm đặc được tiêu thụ rộng rãi thì doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy hiệu quả bước đầu của dự án chưa cao, nhưng dự án đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm, đã xây dựng hoàn chỉnh xưởng sản xuất với đầy đủ thiết bị, tạo thêm được việc làm cho đội ngũ viên chức của đơn vị.

Mặt dù doanh thu hiện nay chưa nhiều nhưng dự án cũng đã góp phần tạo ra nguồn thu hàng năm cho đơn vị. Thông qua dự án, Trung tâm cũng được trang bị 01 xe ô tô bán tải để phục vụ dự án và phục vụ công tác của đơn vị.

* Hiệu quả về xã hội và môi trường.

Tỉnh Cà Mau là tỉnh vùng sâu, vùng xa, công nghệ sinh học chỉ mới phát triển bước đầu. Có thể nói Trung tâm Thông tin & Ứng dụng Khoa học công nghệ Cà Mau là đơn vị sự nghiệp của nhà nước nghiên cứu và sản xuất chế phẩm sinh học đầu tiên ở Cà Mau. Với mục tiêu phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường của tỉnh thì hiệu quả về mặt xã hội của dự án là rất lớn.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, hàng năm dự án đủ khả năng để cung cấp chế phẩm sinh học cho hàng chục ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng năng suất tôm nuôi, tăng thu nhập cho người dân.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất góp phần bảo vệ môi trường trong nuôi tôm, hạn chế được ô nhiễm môi trường giúp người dân hạn chế việc sử dụng các hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, ổn định an sinh xã hội ở tỉnh Cà Mau.

Với giá bán chỉ khoảng 5.300 đồng/lít giúp người dân dễ dàng tiếp cận để sử dụng, có thể nói dự án đã đưa công nghệ sinh học vào sản xuất của người dân.

Thông qua dự án, nhiều mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học được nhân rộng ở tỉnh Cà Mau mang lại hiệu quả cao. Nếu như nuôi tôm truyền thống chỉ đạt từ 200 – 230/kg/ha/vụ thì ứng dụng chế phẩm sinh học EMOZEO cho kết quả khá cao, đạt từ 350 – 700 kg/ha/vụ sẽ giúp người dân tăng thu nhập đáng kể.

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm. Với diện tích nuôi trồng thủy sản là 296.300 ha, trong đó có 266.592 ha nuôi tôm, còn lại nuôi các loài thuỷ sản khác. Hiện nay nhiều hộ dân đang thực hiện theo quy trình mà dự án đã tập huấn, hướng dẫn. Sự lan tỏa của mô hình trong nhân dân là rất tốt, từ kết quả các dự án đã thành công Trung tâm Thông tin & Ứng dụng Khoa học công nghệ đã tiếp tục phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện trong tỉnh Cà Mau, thực hiện các dự án cấp huyện đều đạt kết quả tốt.

Nhiều hộ dân đã thành công trong việc ứng dụng chế phẩm sinh học EMOZEO nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt năng suất từ 350 – 500 kg/ha/vụ, cá biệt có những hộ đạt 600 – 700 kg/ha/vụ. Năng suất nầy cao hơn gấp đôi so với nuôi quảng canh truyền thống chỉ đạt bình quân từ 200 – 230 kg/ha/vụ. Sự thành công của mô hình sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân nuôi tôm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất.

Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao hơn nuôi tôm quảng canh truyền thống được khuyến khích phát triển ở tỉnh Cà Mau. Nếu chỉ tính sơ bộ khi áp dụng mô hình nuôi nầy, với diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của tỉnh năm 2013 là 38.000 ha, sản lượng tôm nuôi trên mỗi hec ta hàng năm chỉ cần tăng thêm 100kg/ha/năm, với giá tôm nguyên liệu tạm tính 150.000 đ/kg thì hiệu quả kinh tế thu được của người dân là rất lớn. Có thể ước tính sơ bộ:

38.000ha x 100kg x 150.000 đ/kg = 570.000.000.000 đ/năm.

Từ kết quả nầy cho thấy dự án có hiệu quả xã hội rất lớn, hàng năm giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, ổn định công ăn việc làm cho người dân vùng nông thôn.

Dự án phù hợp chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay trong việc xây dựng nông thôn mới. Việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí

quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất bền vững.

Về hiệu quả môi trường, do việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, cùng với việc đầu tư về hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường do sử dụng tràn lan các hóa chất cấm sử dụng vào sản xuất nhất là nuôi tôm thâm canh, quảng canh cải tiến chưa được khắc phục. Chất lượng thuốc thú y thủy sản phục vụ cho nuôi trồng thủy sản chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có các sản phẩm chế phẩm sinh học.

Việc sản xuất thành công chế phẩm sinh học EMOZEO tại Cà Mau sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Cà Mau là tỉnh có diện tích lớn về nuôi trồng thủy sản, dân số đông nhưng cơ sở hạ tầng còn thấp, kênh rạch chằng chịt thu gom rác thải còn khó khăn.

Việc xả rác thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra thường xuyên, nhất là ở địa bàn nông thôn. Sử dụng chế phẩm sinh học EMOZEO để xử lý rác thải sinh hoạt sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.

Từ kết quả bước đầu của dự án, tỉnh Cà Mau có cơ sở để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Một phần của tài liệu Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất công nghiệp chế phẩm sinh học EMOZEO phục vụ nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường tại tỉnh cà mau (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(43 trang)
w