Kết quả nghiên cứu cho thấy có 81.9% người nội trợ được phỏng vấn biết sử dụng muối iode để phòng bệnh bướu cổ. Các hiểu biết khác của muối iode như phòng bệnh đần độn, tăng trí thông minh cho trẻ là 42.5% và một số hiểu biết khác còn thấp như sinh non là 7.6% (bảng 3.8). Kết quả nghiên cứu này thấp hơn nghiên cứu của Đồ Văn Phước năm 2011 với kiến thức phòng bướu cổ là 93.3%, đần độn 67%, sinh non 32.8% [16]. Phần lớn mọi người biết dùng muối iode ngăn ngừa bướu cổ mà không hiểu biết được những lợi ích to lớn khác như:
phòng đần độn, tăng trí thông minh, phòng sinh non … dẫn đến việc không dùng muối iode do trong gia đình không có ai bị bướu cổ. Do đó, nếu việc tuyên truyền nhằm vào việc phòng ngừa đần độn, tăng trí thông minh cho trẻ, phòng sinh non sẽ có hiêu quả cao hơn trong việc tăng tỷ lệ sử dụng muối iode trong cộng đồng.
Bảo quản muối iode là một điều quan trọng để đảm bảo chất lượng của muối iode, cho nên việc bảo quản tốt hay chưa tốt là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu. Trong 630 đối tượng tham gia trả lời nghiên cứu thì: đậy kín dụng cụ chứa muối iode là 605 người chiếm tỷ lệ 96%, để muối iode nơi khô ráo thoáng mát là 617 người chiếm tỷ lệ là 97.9% (bảng 3.9). Tuy nhiên một số kiến thức bảo quản còn có tỷ lệ thấp như: buộc kín miệng bọc chứa muối chiếm tỷ lệ 22.7%, tránh ánh sáng mặt trời là 27.9% và tránh nơi có nhiệt độ cao là 16.0%.
Kết quả này gần bằng với nghiên cứu của Nguyễn Kiến Bình với 96.5% đậy kín dụng cụ chứa muối, tuy nhiên kiến thức để muối iode tránh ánh sáng mặt trời lại thấp hơn 22.7% so với 73.68% [1]. Kiến thức bảo quản muối iode phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi người, vì vậy cần phải nâng cao kiến thức cho người dân.
Việc bảo quản muối iode không tốt sẽ làm giảm hàm lượng iode trong muối, giảm chất lượng muối iode; chính vì vậy công tác truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức bảo quản và sử dụng muối iode cho người dân là một điều cần thiết, góp phần làm tăng hiệu quả của chương trình phòng chống rối loạn thiếu hụt iode.
Tỷ lệ hiểu biết về kiến thức đúng khi mua muối iode của đối tượng nghiên cứu cao nhất là hạn sử dụng chiếm tỷ lệ 66.2%, kế đến là nhãn mác nhà sản xuất chiếm tỷ lệ 38.4%, hướng dẫn bảo quản là 17.3% và thấp nhất là hàm lượng iode là 9.4% (bảng 3.10). Đối tượng nghiên cứu thường quan tâm đến hạn sử dụng và nhãn mác nhà sản xuất khi mua muối iode, đó cũng là tâm lý chung của người tiêu dùng. Như vậy, việc tuyên truyền những kiến thức cho người dân về muối iode còn thấp, người dân không quan tâm nhiều đến việc muối iode có hàm lượng iode nhiều hay ít, các hướng dẫn bảo quản khi mua muối. Trong khi đó thì việc bảo quản muối iode sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng muối cũng như hàm lượng iode có trong muối.
Người nội trợ có kiến thức không dùng muối iode hết hạn rất cao 94.1%
(bảng 3.11). Không dùng muối iode không có nhãn mác là 93.7% (bảng 3.12).
Tuy nhiên vẫn còn một số người có kiến thức chưa tốt về sử dụng muối iode nên vẫn còn dùng muối iode hết hạn, muối iode không có nhãn mác. Điều này cho thấy kiến thức của họ còn thấp, không có hiểu biết chính xác, công tác tuyên truyền chưa tác động đến đối tượng. Cho nên việc nâng cao kiến thức cho những người này là rất quan trọng, góp phần làm tăng hiểu quả khi sử dụng muối iode, đảm bảo chất lượng muối iode khi sử dụng và tăng tỷ lệ sử dụng muối iode trong cộng đồng.
Để đảm bảo đủ lượng iode cung cấp cho cơ thể thì việc sử dụng muối iode trong nấu nướng là một điều rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy người nội trợ có kiến thức tốt khi dùng muối iode chế biến thức ăn là 32.4%
(bảng 3.13). Tỷ lệ kiến thức sử dụng muối iode còn thấp sẽ ảnh hưởng đến lượng iode cung cấp cho cơ thể. Người nội trợ có thói quen nêm thức ăn khi đang nấu trên bếp như vậy sẽ làm giảm lượng iode. Do đó, việc nâng cao hiểu biết cho người dân là một vấn đề quan trọng, quyết định đến việc sử dụng muối iode và sử dụng như thế nào là hiệu quả.
Phần lớn đối tượng nghiên cứu có kiến thức về các chế phẩm có chứa iode như nước tương, nước mắm, bột nêm. Tỷ lệ đối tượng có kiến thức về nước tương có iode là 60.2%, nước mắm có iode là 24.9% và bột nêm có iode là 11.3% (bảng 3.14). Kết quả kiến thức hiểu biết về nước tương iode thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Kiến Bình với 71.82% biết nước tương có chứa iode[1]. Tỷ lệ sử dụng các chế phẩm chứa iode khá cao đặc biệt là nước tương iode, do đó nếu hàm lượng iode trong nước tương đạt tiêu chuẩn và việc tuyên truyền sử dụng các chế phẩm được thực hiện tốt sẽ làm tăng độ bao phủ của iode trong cộng đồng, đảm bảo đủ lượng iode cần thiết cho cơ thể. Qua đó người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng các chế phẩm bổ sung iode.
Có nhiều loại chế phẩm dùng để bổ sung iode cho cơ thể thông qua ăn uống như muối iode, nước tương iode, nước mắm iode, bột nên iode. Tuy nhiên có một biện pháp khác bổ sung iode cho cơ thể đơn giản và hiệu quả nhất là sử dụng các thực phẩm có chứa iode trong mỗi bữa ăn, vì đây là nguồn iode tự nhiên rất tốt cho cơ thể. Các thực phẩm chứa chứa nhiều iode nhất là các sản phẩm từ biển như cá biển, rong tảo biển. Theo nghiên cứu thì tỷ lệ người dân biết cá biển có chứa iode là 41.6%, rong – tảo biển là 4.8% và Trứng, rau cần, rau dền là 5.4% (bảng 3.15). Tuy đây là những loại thực phẩm phổ biến, dễ tìm thấy và thường được người dân sử dụng trong bữa ăn nhưng kiến thức hiểu biết của đối tượng nghiên cứu còn rất thấp, có thể sử dụng hàng ngày nhưng không biết thực phẩm đó có chứa iode. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức cho người dân về các thực phẩm có chứa iode và tăng tỷ lệ dùng muối iode trong cộng đồng.
Qua phỏng vấn 630 người nội trợ thì có 130 người có kiến thức hiểu biết tốt về lợi ích của việc sử dụng muối iode chiếm tỷ lệ 38.7% (biểu đồ 3.2). Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Đồ Văn Phước năm 2010 tại Kiên Giang với tỷ lệ kiến thức đúng là 38% [16]. Tuy nhiên, kết quả này lại cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Mai với tỷ lệ kiến thức là 11.3% [13]. Chính sự khác nhau về địa bàn nghiên cứu, cũng như sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục nên tỷ lệ kiến thức đúng ở mỗi nơi có sự khác nhau. Kiến thức chung của người dân thấp cho thấy việc tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân chưa đạt hiệu quả, trình độ người dân thấp. Do đó nâng cao kiến thức cho người dân là một điều cần thiết.
4.3.2 Thực hành sử dụng muối Iode
Bảo quản muối iode có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của muối iode. Kiến thức có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hành, kiến thức tốt sẽ có tác động đến việc thực hành tốt và ngược lạị kiến thức kém sẽ dẫn đến việc
thực hành không tốt. Tỷ lệ người nội trợ trong nghiên cứu thực hiện đậy kín dụng cụ chứa muối iode là 97.9% (bảng 3.16). Bảo quản muối nơi khô ráo thoáng mát là 97% (bảng 3.17), và bảo quản muối tránh nơi có nhiệt độ cao là 54.3% (bảng 3.18). Rõ ràng ta thấy có sự tác động rất lớn giữa kiến thức và thực hành. Chứng tỏ người dân có nhận thức tốt về việc bảo quản muối iode.
Thực hành mua muối là một điều rất quan trọng, đa phần người nội trợ trong nghiên cứu thực hành rất tốt trong việc mua và sử dụng muối: 98.4% muối iode mua được đóng gói, 97.2% muối iode có tem, nhãn mác và có 73.8% người nội trợ xem hạn sử dụng khi mua muối (bảng 3.19).
Về thực hành sử dụng muối iode thì tỷ lệ người nội trợ dùng muối iode ướp thực phẩm còn rất cao 85.5%, tỷ lệ người nội trợ thực hành đúng khi không dùng muối iode ướp thực phẩm là 14.5% (bảng 3.20). Vì iode là một chất dễ bay hơi nên việc dùng muối iode ướp thực phẩm rồi sau đó bắt lên bếp nấu sẽ làm giảm đi hàm lượng iode, từ đó giảm chất lượng khi sử dụng muối iode.
Bên cạnh đó, người dân vẫn còn thói quen nêm thực phẩm khi đang nấu trên bếp và thực phẩm đang sôi, điều này cũng sẽ làm giảm đi đáng kể hàm lượng iode. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng khi dùng muối iode nêm thực phẩm là 35.6% (bảng 3.21). Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hành sử dụng muối của người dân như: người dân có thói quen nêm thực phẩm khi đang nấu, công tác tuyên truyền giáo dục về sử dụng muối chưa tốt, việc truyền thông thay đổi hành vi cho người dân đạt hiểu quả còn thấp. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi hành vi thực hành sử dụng muối iode cho người dân, nhẳm mục đích sử dụng muối iode có hiệu quả và tăng tỷ lệ dùng muối iode.
Một vấn đề quan tâm khác nữa là việc sử dụng muối iode hết hạn, muối iode hết hạn ta vẫn dùng được bình thường. Tuy nhiên nó không đảm bảo lượng iode cần thiết cung cấp cho cơ thể, dễ dẫn đến thiếu hụt iode. Kết quả nghiên cứu
cho thấy có 94.6% người nội trợ thực hành đúng khi không dùng muối iode hết hạn (bảng 3.22).
Trong tổng số 427 người nội trợ có dùng muối iode thì có 248 người thực hành đúng khi sử dụng muối iode chiếm tỷ lệ 58.1% (biểu đồ 3.3). Kết quả này thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Mai với 91.67% đối tượng thực hành đúng khi dùng muối iode[13]. Để tăng tỷ lệ thực hành đúng cần phải nâng cao hiểu biết cho người dân, do đó công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân cần được đẩy mạnh.