Nhân vật nam từ góc nhìn về văn hóa ứng xử với phụ nữ

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG CÁC NHÂN VẬT NAM TRONG TRUYỆN THƠ LỤC VÂN TIÊN (Trang 36 - 45)

Khi soi chiếu nhân vật nam dưới góc nhìn văn hóa ứng xử với phụ nữ ta mới thấy được hết nét đẹp đạo đức của những đấng nam nhi này. Trong truyện Lục Vân Tiên và văn hóa ứng xử với phụ nữ luôn đề cao sự có “giáo dục” trong ứng xử của nhân vật nam dành cho nhân vật nữ. Một đặc điểm nổi bật ở truyện Lục Vân Tiên là truyện này chưa thể xếp vào truyện tài tử giai nhân, tức những truyện luyến ái hôn nhân của nam nữ thanh niên yêu nhau bởi nhân vật chính là Lục Vân Tiên tuy giỏi võ nghệ, văn chương nhưng lại không được nhấn mạnh về tài năng nghệ thuật, không khao khát yêu đương, không được nhấn mạnh về tìm kiếm tình yêu giống như những truyện Hoa Tiên, Phạm Công – Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Lâm Sanh

– Xuân Nương,… Vì thế, hầu hết các ứng xử của Lục Vân Tiên trước phụ nữ, đều là những ứng xử khiên cưỡng và phần nào mang đậm màu sắc Nho giáo.

Thái độ ứng xử rất đẹp với phụ nữ của Lục Vân Tiên thể hiện rất rõ ở đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Thay vì một đấng nam nhi có sức mạnh như Lục Vân Tiên phải chủ động nhưng đằng này thế chủ động thuộc về Nguyệt Nga và ta còn thấy mức độ giữ khoảng cách của chàng với phụ nữ rất rõ ràng:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái ta là phận trai.” [1; 147]

Hai chữ “phận gái”, “phận trai” vạch rõ ràng mối quan hệ giữa nam và nữ.

Ta thấy Vân Tiên đã được giáo dục hết sức kỹ lưỡng trong vòng cương tỏa với nữ giới. Trong văn học trung đại hay trong các truyện thơ Nôm khác thì việc nam nữ gặp nhau, mến nhau, thương nhau và yêu nhau là chuyện thường tình. Nhưng khi ghi điểm trong mắt Nguyệt Nga bằng hành động cứu nàng khỏi đảng hung đồ thì Lục Vân Tiên vẫn vạch rõ ranh giới, chuyện nào rạch ròi chuyện đấy. Cứu người là một chuyện, còn yêu đương lại là chuyện khác. Trái ngược với điều này, trong Truyện Kiều, Thúy Kiều và Kim Trọng – một đôi trời sinh, mới chỉ gặp nhau mà đã đem lòng nhớ thương nhau. Hai con người ngày đêm tương tư nhau, thề nguyền đính ước với nhau, thậm chí còn vượt lên cả lễ giá phong kiến. Kim Trọng nhận thức được vẻ đẹp của Thúy Kiều mà ngày đêm tương tư, phải chăng duyên ta là định mệnh “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Hay Thúc Sinh cũng là một đấng nam nhi và cũng bị vẻ đẹp của Kiều hớp hồn. Thúc Sinh đến với Kiều chỉ vì ham muốn xác thịt, một ham muốn tầm thường. Còn đối với Lục Vân Tiên, một

con người được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng trên quan niệm Tống Nho

Tồn thiên lí diệt nhân dục”. Có thể nói rằng, Lục Vân Tiên quá lí tưởng, hoàn hảo và tôn trọng kỷ cương Nho giáo.

Trong Lục Vân Tiên ta thấy một điều rằng, Vân Tiên không chủ động đi tìm hạnh phúc cho riêng mình mà hôn nhân dựa trên sự mai mối từ cha mẹ, đó là đạo “hiếu” của chàng. Kết cục là Vân Tiên đã tuân theo cha mẹ, cầm phong thư đến nhà Võ Công, dù hai người chưa từng gặp mặt. Xã hội phong kiến, hầu hết hôn nhân vẫn do cha mẹ định đoạt, con cái không có quyền trong việc quyết định hôn nhân của mình. Như chúng ta đã biết, xã hội phong kiến vào hậu bán thế kỉ XIX là xã hội mà triều đình nhà Nguyễn khôi phục Nho giáo theo Minh nho, nên tư tưởng Nho giáo rất bảo thủ.

Việc hôn nhân do cha mẹ quyết định, thế nhưng Kiều Nguyệt Nga là phận nữ nhi lại có tư tưởng vượt thoát khỏi dự ràng buộc ấy. Kể từ khi gặp Vân Tiên rồi từ biệt chàng thì nàng ngày đêm mong nhớ và nàng nguyện một lòng thủy chung, son sắt:

“Nghĩ mình mà ngán cho mình, Nỗi ân chưa trả nỗi tình lại vương.

Nặng nề hai chữ uyên ương.

Chuỗi sầu ai khéo vấn vương vào lòng.

Nguyện cùng Nguyệt lão hỡi ông!

Trăm năm cho vẹn chữ tùng mới an.” [1; 151]

Thế nhưng Lục Vân Tiên là một người nam nhưng vẫn không thể nào vượt thoát ra khỏi vòng cương tỏa của Nho giáo. Trong đoạn trao trâm làm kỉ vật

ta càng thấy rõ sự ngó lơ của Vân Tiên với người phụ nữ nết na, đoan chính như Nguyệt Nga, khiến nàng không khỏi chạnh lòng:

“Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên, Tai nghe lời nói, tay liền rút trâm.

Thưa rằng: Nay gặp tri âm,

Xin đưa một vật để cầm làm tin.” [1; 149]

Nhưng ta hãy xem thái độ của Lục Vân Tiên đối với sự nhiệt thành, báo đền công ơn của Nguyệt Nga:

Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn, Nguyệt Nga liếc thấy càng thin nết na.

Vật chỉ một chút gọi là,

Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ.” [1; 149]

Ta thấy từ sâu trong tâm hồn của Lục Vân Tiên một sự ngại ngùng lộ rõ.

Sự ngại ngùng đến dửng dưng của chàng, khiến một cô gái nào có ý với chàng cũng hết sức chạnh lòng. Họa chăng vì không muốn “nào ai chịu lấy của ai làm gì?” hay tự thân chàng muốn tách bạch giữa hai phạm trù luyến ái và nghĩa hiệp nên chàng mới có thái độ ứng xử như vậy? Nhưng ta thấy Lục Vân Tiên đã làm đúng theo tinh thần Nho giáo, khi nam và nữ trao cho nhau vật gì thì không được đưa trực tiếp, ví như muốn đưa thì người này phải để vật xuống bàn, người kia lấy vật từ bàn mà lên chứ không được trao tay.

Quan niệm của Nho giáo quả khắc khe, “nam nữ thụ thụ bất tương thân” ý chỉ nam nữ không được gần gũi nhau, chạm vào nhau thì sẽ trái với quan niệm Nho giáo. Hơn nữa, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho vì thế nhân

vật Lục Vân Tiên là người có “giáo dục” sẽ phải biết phép tắc xử sự, hơn nữa lại là cách ứng xử giữa nam và nữ.

Đó chính là cách ứng xử với Kiều Nguyệt Nga, còn đối với Võ Thể Loan, người được gả hôn theo sự “mai mối” hai người cũng chưa gặp mặt lần nào, liệu cách ứng xử của Vân Tiên có khác so với Nguyệt Nga hay không? Khi Vân Tiên chưa sa cơ, chưa bị đui mù, Võ Thể Loan hết mực kính phục và mến mộ. Vân Tiên trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa cũng là một con người có giáo dục nên ứng xử với phụ nữ, con gái cũng có sự kính nhường của một bậc trượng phu với một người phụ nữ. Vân Tiên không sổ sàng như “mèo thấy mỡ” giống Bùi Kiệm thấy gái. Mà hết sức ân cần, dịu dàng đối với những người phụ nữ mà Vân Tiên gặp. Với Võ Thê Loan cũng vậy, khi nghe Võ Thể Loan khuyên:

“Xin đừng tham đó bỏ đăng,

Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.” [1; 159]

Vân Tiên đáp lại hết sức nhã nhặn:

Tiên rằng: Như lửa mới nhen,

Dễ trong một bếp mà chen mấy lò.” [1, 159]

Câu trả lời của Lục Vân Tiên cho ta thấy được lòng sắt son, chung thủy của một bậc trượng phu đối với người phụ nữ của mình. Tuy “như lửa mới nhen

nhưng Vân Tiên cũng cam đoan rằng “dễ trong một bếp mà nhen mấy lò.”.

Ta thấy được sự chu đáo, lòng thủy chung của một đấng anh hào thật làm cho bất cứ một người phụ nữ nào cũng một bề an tâm.

Trong truyện ngoài cách ứng xử của Vân Tiên với phụ nữ như Kiều Nguyệt Nga, Võ Thể Loan thì cũng còn có Vương Tử Trực. Cách ứng xử với một người phụ nữ của Vương Tử Trực ở đây không phải trên bình diện là tình yêu hay với một người phụ nữ đoan chính mà là ứng xử với một người phụ nữ lẳng lơ, trắc nết và thất tiết như Võ Thể Loan. Đối với những hạng phụ nữ như thế, Vương Tử Trực không kiêng nể mà dạy cho một bài học, lấy tinh thần chữ tình chữ nghĩa và cả chữ tòng nữa, Vương Tử trực mắng:

“Trực rằng ái nữ Phụng-tiên,

Phòng toan đem thói Điêu Thuyền trêu ngươi?” [1; 192]

Với loại phụ nữ trắc nết, có mới nới cũ, chơi trăng quên đèn như Võ Thể Loan thì Vương Tử Trực gán nàng ta giống như Điêu Thuyền – một nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa. Hai tiếng Điêu Thuyền, cái danh từ xưa nay cửa miệng thế gian thường ám chỉ cáo tính cách khinh khi gán cho những kẻ hư thân trắc nết, những người ăn nói trước sau dối trá, điều này rất đúng với Võ thể Loan một con người điêu ngoa, giảo hoạt. Tử Trực tiếp tục luận tội Thể Loan:

“Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi, Lòng sao mà nỡ buông lời nguyệt hoa?

Hổ hang vậy cũng người ta, So loài cầm thú vậy mà khác chi?

Vân Tiên anh hỡi cố tri,

Suối vàng có biết sự ni chăng là?” [1; 192]

Với một người phụ nữ không biết đúng sai, không giữ thân phận, khi chồng vừa chết lại đi “buông lời nguyệt hoa” với người đàn ông khác, quả là thất tiết. Nên những điều mà Vương Tử Trực nói ra quả không có gì là quá so với xử sự thông thường của một người đàn ông đối với một người phụ nữ.

Ở đây, ta thấy trong văn hóa ứng xử với phụ nữ của nhân vật nam trong Lục Vân Tiên, ta không những thấy được những sự xử sự của một đấng anh tài với một người phụ nữ chính chuyên mà còn thấy được sự ứng xử và cách giải quyết của đấng nam nhân khi phải bị một người phụ nữ thất tiết buông lời mời gọi. Đây là những cách ứng xử khôn ngoan mà Nguyễn Đình Chiểu muốn xây dựng cho nhân vật của mình, góp phần làm cho họ trở nên lí tưởng.

Không những có những cách đối xử nhẹ nhàng, ân cần, lễ độ của các nam nhân có “giáo dục” như Lục Vân Tiên hay Vương Tử Trực mà trong Lục Vân Tiên ta còn thấy được cả cách ứng xử đối với phụ nữ của những kẻ sĩ như Bùi Kiệm. Quả thật, cũng có ăn học, đọc sách thánh hiền và chịu ảnh hưởng của Tống Nho nhưng Bùi Kiệm lại là một nhân vật đớn hèn. Có thể so sánh Bùi Kiệm với Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều của Nguyễn Du – một tên lừa chồng hiếp vợ người ta. Cách ứng xử của Bùi Kiệm với Kiều Nguyệt Nga phần nào cho ta thấy được bản tính dê sòm của hắn. Trước đó, hắn được lột tả là một kẻ:

“Còn người Bùi Kiệm máu dê,

Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.” [1; 223]

Khác với Lục Vân Tiên, tuân thủ nghiêm ngặt quan niệm Nho giáo, gặp Kiều Nguyệt Nga thì giữ khoảng cách nhưng đối với Bùi Kiệm thì không như thế, sỗ sàng, lân la đến hỏi chuyện:

“Thấy nàng thờ bức tượng nhân,

Nghiệm trong tình ý dần lân hỏi liền.” [1; 205]

Với một bản tính đố kị, xấu xa, dù được ăn học nhưng những lời Bùi Kiệm thốt ra đi ngược lại với những gì được dạy dỗ:

Trăm năm trọn đạo chữ tòng, Sống sao thác vậy một chồng mà thôi.

Kiệm rằng: Nàng nói sai rồi, Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa?

Làm người trong cõi gió mưa, Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào.

Chúa xuân còn ở vườn đào, Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần.

Chúa đông ra khỏi vườn xuân, Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang.

Ở đời ai cậy giàu sang.

Ba xuân mòn hết ngàn vàng khôn mua.

Hay chi như vãi ở chùa,

Một căn cửa khép bốn mùa lạnh tanh.

Linh đinh một chiếc thuyền tình

Mười hai bến nước biết mình vào đâu.

Ai từng mặc áo không bâu,

Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau” [1; 206]

Lí lẽ thật sắc sảo khi khuyên người ta bỏ chồng để theo hắn. Thoạt nhìn vào thì có lẽ như có lí nhưng nếu một kẻ có học. hoặc có học đến nơi đến chốn thì Bùi Kiệm không bao giờ được thốt ra những câu như thế. Bùi Kiệm đi ngược lại với luân thường đạo lí, đi ngược lại với tiết hạnh của người phụ nữ. Trước những câu “rào trước đón sau” ấy của Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga vẫn giữ cho mình một thái độ dứt khoát bằng những lí lẽ riêng. Có lẽ nàng đã thừa biết lòng dạ của tên Bùi Kiệm này. Thấy mình không thể làm lung lay ý định của Nguyệt Nga, càng nói Bùi Kiệm càng cho ta thấy hắn là một con người xằng bậy, tục tiểu và tầm thường:

“Ai ai cũng ở trong trời,

Chính chuyên trắc nết chết thời ra ma.” [1; 207]

Hắn thừa biết, đối với phụ nữ cái gì là quan trọng hàng đầu – chữ trinh và lòng chung thủy. Ấy vậy mà với cái lí lẽ xấc láo, đi ngược lại với quan niệm của Nho giáo lại được thốt lên bởi một kẻ học trong chính nền học thuật này.

Có lẽ hắn là con sâu, một con sâu làm sầu cả một nền Nho học có tư tưởng tự tôn và khắc kỷ này. Quả thật, một tên Bùi Kiệm với một tư tưởng hủ bại như thế, nếu như được trọng vọng trong xã hội thì không biết sẽ gây ra cho đất nước những tai ương gì.

Qua việc nhìn nhận nhân vật nam dưới góc độ văn hóa ứng xử với phụ nữ, ta thấy Lục Vân Tiên hay Vương Tử Trực là những người nam nhân biết đối nhân xử thế, biết lấy gốc rễ của Nho giáo làm lễ nghi mà tuân theo, bỏ

qua những tính dục bên trong người mình để chắp một mối tình trong sáng như Tiên – Nga. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kẻ như Bùi Kiệm, lấy chữ trinh, chữ hạnh của người phụ làm trò tiêu khiển, xem chúng rẻ rúng tầm thường thì Kiệm chẳng khác nào như một con thú mà dục tính điều khiển hành vi của con người này. Với Bùi Kiệm, dục tính chính là thước đo cho mọi mối quan hệ với người phụ nữ. Chức năng của tính dục đối với hắn chỉ là mục đích lấy vợ, sinh con, nối dõi tông đường. Nhưng hắn đâu biết rằng, dục tính chỉ là phần tầm thường của con người, những điều mà ai cũng có không riêng gì hắn. Và điểm khác biệt giữa hắn với Lục Vân Tiên ấy chính là Vân Tiên biết kìm nén dục tính của mình để vươn đến một mối quan hệ tốt đẹp, một sự tôn trọng với nền Nho giáo cùng với những gia phong, định kiến về người nam và người nữ trong xã hội xưa. Còn về con người Bùi Kiệm, hắn là hiện thân của những gì hủ bại, tồi tệ nhất trong xã hội theo quan điểm Nho giáo.

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG CÁC NHÂN VẬT NAM TRONG TRUYỆN THƠ LỤC VÂN TIÊN (Trang 36 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(57 trang)
w