Nhân vật nam trong tác phẩm Lục Vân Tiên so với nhân vật nam trong truyện thơ Việt Nam thời trung đại

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG CÁC NHÂN VẬT NAM TRONG TRUYỆN THƠ LỤC VÂN TIÊN (Trang 45 - 48)

Dựa vào những đặc điểm của nhân vật nam từ góc nhìn của lí tưởng về người anh hùng và kẻ sĩ, văn hóa ứng xử với phụ nữ, ta có thể so sánh hai kiểu nhân vật nam trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và nhân vật nam trong truyện thơ Việt Nam thời trung đại như sau:

- Về điểm giống nhau:

Hệ thống nhân vật nam trong truyện Nôm bác học, truyện Nôm bình dân trong văn học trung đại Việt Nam đều có ba đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, nhân vật được xây dựng theo khuôn mẫu. Thứ hai, mỗi nhân vật, dù được miêu tả đạt tới bề dày tính cách thì cũng chỉ là tính cách nhất phiến. Toàn bộ tính cách của

nhân vật được ấn định một cách tiên nghiệm ngay từ trong ý đồ tác giả và cố định trong suốt tác phẩm. Biến cố mà nhân vật trải qua chỉ là những sự kiện hầu như ngoại tại, thuần túy đối với tính cách, được gá hờ vào cốt truyện, làm thành những cơ hội để nhân vật phô ra những gì đã được tác giả chuẩn bị sẵn, từ trước khi hạ sinh ra nhân vật. Đặc điểm thứ ba, trong tác phẩm, nhân vật bao giờ cũng được chia ra, xếp vào hai tuyến thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu.

Ở nhóm truyện thơ Nôm bác học cùng cấp với Lục Vân Tiên, ta thấy: Các nhân vật nam trong truyện Nôm bác học là những trung quân, thư sinh có tinh thần hiếu học, là một trang nam tử hảo hán. Lương Sinh trong Hoa Tiên là chàng trai hào hoa, phong nhã, có tài, có tình yêu say đắm với Dao Tiên:

“Mặt hoa tài gấm gồm hai,

Đua chân nhảy phượng, sánh vi cưỡi kình.”

Mai Lương Ngọc trong Nhị Độ Mai tài cao, phẩm hạnh cao quý:“Trời cho văn tử đáng tài trạng nguyên…” hay “Thông minh rất mực phương tiên trên đời”

Kim Trọng trong Truyện Kiều thì đầy đủ phẩm chất của một bậc anh tài:

“Phong tư tài mạo tót vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”

Lục Vân Tiên tiêu biểu cho loại người ưu tú nhất của thời trung đại. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng theo mẫu hình người anh hùng lý tưởng, đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp mà người đời luôn ngưỡng mộ: có tài, có hiếu với cha mẹ, trung với vua, hết lòng ra tay cứu giúp nhân dân.

Cũng giống với cách xây dựng các nhân vật nam chính diện, các nhân vật nam phản diện trong truyện Nôm cũng nhất phiến về tính cách. Ở nhóm truyện Nôm bình dân, các nhân vật phản diện thường là hình ảnh vua chúa độc ác, hoang dâm, tàn bạo, chuyên quyền, thường ép duyên thô bạo, trắng trợn. Đó là Ngụy Vương, vua Hung Nô, Triệu Vương trong Phạm Công - Cúc Hoa, là vua Tống, vua Tề trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, là vua Bảo Vương, chúa Hung Nô trong Lý Công, là vua Trang Vương trong Phạm Tải- Ngọc Hoa… Ở nhóm truyện Nôm bác học, các nhân vật phản diện là những tên gian thần, tham lam, độc ác, luôn âm mưu hãm hại người lành như: Lư Kỷ, Hoàng Tung trong Nhị Độ Mai. Lư Kỷ là tên quan ỷ quyền thế, chức tước để bóc lột người dân, vì lợi ích bản thân mà hãm hại hiền tài. Hoàng Tung cũng là một tên quan hà hiếp người dân. Hắn cùng Lư Kỷ ra tay hãm hại Mai Bá Cao. Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều là đại diện cho thế lực hắc ám, viên quan ti tiện. Trong Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm tiểu nhân, chỉ biết lợi cho bản thân mình. Khi Nguyệt Nga ở nhà hắn, hắn ra sức dùng lời lẽ gạ gẫm. Trịnh Hâm là loại người gian ác, ranh mãnh, nham hiểm, luôn tìm cách để lập mưu hại bạn.

- Về điểm khác nhau:

Ở nhóm truyện Nôm bình dân, các nhân vật nam như: Thạch Sanh, Tống Trân, Phạm Công, Phạm Tải, Châu Tuấn, Lý Công… ai cũng trước sau như một, hiếu thuận với mẹ già, thủy chung với vợ thảo, không khuất phục trước cường quyền, bạo lực hay sa ngã trước phú quý. Phạm Công trong Phạm Công - Cúc Hoa, sau khi đỗ trạng nguyên, từng bị Ngụy Vương, rồi vua Hung Nô, Triệu Vương ép gả công chúa nhưng chàng đều không chịu vì đã có vợ là nàng Cúc Hoa. Mỗi lần từ chối ý vua là mỗi lần chàng bị đày đọa, hành hình dã man, xong chàng vẫn không chịu khuất phục. Châu Tuấn trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, sau khi thi đỗ trạng nguyên liền bị vua Tống ép lấy công chúa. Nhưng

chàng không từ bỏ người vợ yêu quý của mình là Thoại Khanh. Chàng bị vua Tống nổi giận, khép vào tội chém đầu. Sau đó, may mắn, chàng được tha tội chết, nhưng vẫn bị đày sang nước Tề. Vua Tề lại ép gả công chúa cho Châu Tuấn, chàng cũng không chịu nên bị giam xuống hầm tối. Nhờ nàng công chúa thương tình, xui chàng vờ lấy mình để khỏi chết, chàng đã nghe lời. Suốt bảy năm ròng chàng không hề động phòng cùng nàng công chúa xinh đẹp, dịu dàng và nặng lòng với chàng. Ở truyện Tống Trân - Cúc Hoa, vua Thái Tông nghe lời công chúa xúi giục đã ép duyên trạng nguyên Tống Trân. Chàng không chịu chấp thuận nên bị đẩy đi sứ ở nước Tần.

Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu không phải là truyện thuộc motif tài tử giai nhân như các truyện trên, nên vấn đề tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng không được đặt ra, tiếng kêu đòi tự do hôn nhân hạnh phúc giống trong Truyện Kiều càng không. Nguyễn Đình Chiểu xây dựng những nhân vật nam trên bình diện truyền tải đạo lí “đạo nghĩa” của con người là chính, nên những vấn đề liên quan đến luyến ái nam nữ, dục tính của người nam đều chỉ phảng phất thoáng qua và không phải vấn đề chính yếu mà tác giả muốn truyền tải. Vì vậy các nhân vật nam trong Lục Vân Tiên khác với các truyện thơ tài tử giai nhân là ở chỗ đó.

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG CÁC NHÂN VẬT NAM TRONG TRUYỆN THƠ LỤC VÂN TIÊN (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(57 trang)
w