1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Khái niệm khí hậu
Theo Trần Công Minh [18], ở mỗi nơi trên Trái Đất, trong những năm khác nhau, thời tiết diễn ra khác nhau, song trong sự khác biệt của thời tiết hàng ngày, hàng tháng, hàng năm ở mỗi địa phương, ta vẫn có thể phân biệt được một loại khí
12
hậu hoàn toàn xác định. Vậy khí hậu là tập hợp của những điều kiện khí quyển đặc trưng cho mỗi địa phương và phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh địa lí của địa phương. Hoàn cảnh địa lí không những chỉ vị trí của địa phương tức là vĩ độ, kinh độ và độ cao trên mực biển mà còn chỉ đặc điểm của mặt đất, địa hình, lớp phủ thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật v.v... Những điều kiện khí quyển ít nhiều biến thiên trong quá trình một năm: từ mùa đông sang mùa hè và từ mùa hè sang mùa đông. Tập hợp những điều kiện khí quyển đó ít nhiều biến đổi từ năm này sang năm khác.
Những sự biến đổi này có đặc tính dao động lân cận giá trị trung bình nhiều năm.
Như vậy khí hậu có đặc tính ổn định.Cũng chính vì vậy, khí hậu là một trong những đặc trưng địa lí tự nhiên của địa phương,một trong những thành phần cảnh quan của địa lí. Mặt khác, giữa các quá trình khí quyển vàtrạng thái mặt đất (kể cả đại dương thế giới) có những mối liên quan chặt chẽ nên khí hậu cũng liên quan với những đặc điểm địa lí và các thành phần cảnh quan địa lí khác.
Sự hình thành khí hậu
Cũng theo [18], các quá trình hình thành khí hậu phát triển trong các hoàn cảnh địa lí khác nhau. Do đó, những đặc điểm cụ thể của những quá trình này và các loại khí hậu liên quan với chúng được xác định bởi những nhân tố địa lí của khí hậu như: vĩ độ, sự phân bố lục địa và biển, cấu trúc của bề mặt lục địa (nhất là địa hình qui mô lớn), thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật, lớp tuyết phủ, băng biển, dòng biển,...
Sự phân bố của các điều kiện khí hậu trên Trái Đất phụ thuộc vào sự phân bố của các nhân tố địa lí đó. Những điều kiện đặc biệt, gọi là những điều kiện vi khí hậu, thường quan sát thấy ở tầng không khí dưới cùng gần mặt đất, nơi sinh trưởng của cây trồng. Ở đây, những đặc điểm của chế độ khí quyển chịu ảnh hưởng của các đặc điểm trong cấu trúc và trạng thái của mặt đất. Khí hậu có những sự biến thiên đáng kể, thậm chí rất lớn qua các thời đại địa chất. Những sự biến thiên này liên quan với sự biến đổi trong cấu trúc của mặt đất và thành phần không khí khí quyển cũng như do những nguyên nhân thiên văn khác như sự biến đổi trong sự quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, sự biến đổi mật độ của vật chất trong không gian vũ
13
trụ... Cũng có thể chính là do sự biến đổi trong hoạt động của Mặt Trời. Những điều kiện khí hậu cũng dao động ít nhiều trong quá trình hàng nghìn, hàng trăm năm hay trong thời gian ngắn hơn. Hiện tượng nóng lên ở phần lớn Trái Đất thuộc miền vĩ độ cao và vĩ độ trung bình vào đầu thế kỷ 20. Rất có thể là hiện tượng này cũng xảy ra ở Nam bán cầu. Người ta thường liên hệ những dao động hiện tại của khí hậu này chủ yếu với sự biến đổi của hoàn lưu chung khí quyển, còn những sự biến đổi của hoàn lưu chung này, người ta lại liên hệ với sự biến đổi trong hoạt động Mặt Trời.
Khí hậu là lĩnh vực bao gồm các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, áp suất khí quyển, các hiện tượng xảy ra trong khí quyển và nhiều yếu tố khí tượng khác trong khoảng thời gian dài ở một vùng, miền xác định, trái ngược với khái niệm thời tiết về mặt thời gian bởi do thời tiết chỉ đề cập đến các diễn biến hiện tại hoặc tương lai gần. Khí hậu của một khu vực ảnh hưởng bởi tọa độ địa lí, địa hình, độ cao, các dòng nước hải lưu. Khí hậu có liên quan chặt chẽ tới sinh giới, đặc biệt sự phân bố loài, tập tính, nhịp điệu – chu kỳ sinh trưởng, v.v… chịu sự cho phối của chế độ nhiệt ẩm, đặc biệt là chế độ bức xạ cho quá trình quang hợp của thực vật. Như vậy từ chuỗi số đo về thời tiết: nhiệt độ, bức xạ, mưa, độ ẩm không khí, đất…được tiến hành liên tục tại mạng lưới nhiều trạm cố định, thường bố trí gần các trung tâm hành chính lớn của tỉnh, vùng để người ta từ đó có thể phác họa ra bức tranh đặc trưng khí hậu toàn khu vực.
Khái niệm biến đổi khí hậu
Theo IPCC (2007), biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự biến đổi về trạng thái của hệ thống khí hậu, có thể được nhận biết qua sự biến đổi về trung bình và sự biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian đủ dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn. BĐKH có thể do các quá trình tự nhiên bên trong hệ thống khí hậu, hoặc do những tác động từ bên ngoài, hoặc do tác động thường xuyên của con người làm thay đổi thành phần cấu tạo của khí quyển hoặc sử dụng đất.
14
1.2.2. Biểu hiện của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam trong 50 năm qua
Theo [11], biến đổi của một số yếu tố và hiện tượng khí hậu ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã được tiến hành nghiên cứu từ những thập niên 90 của thế kỷ trước bởi các nhà khoa học đầu ngành như GS. Nguyễn Đức Ngữ, GS. Nguyễn Trọng Hiệu. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ thực sự được quan tâm chú ý từ sau năm 2000, đặc biệt từ năm 2008 đến nay. Các công trình nghiên cứu cũng đã dần dần đi vào chiều sâu về bản chất vật lý và những bằng chứng của sự BĐKH. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy khí hậu Việt Nam đã có những dấu hiệu biến đổi rõ rệt. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0.5ºC trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Về sự biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan, từ những kết quả nghiên cứu, có thể rút ra một số nhận định như sau:
● Nhiệt độ cực đại (Tx) trên toàn Việt Nam nhìn chung có xu thế tăng, điển hình là vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ.
● Nhiệt độ cực tiểu (Tm) cũng có xu thế tăng nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Tx và phù hợp với xu thế chung của biến đổi khí hậu toàn cầu.
● Phù hợp với sự gia tăng của nhiệt độ cực đại và cực tiểu, số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên và số ngày rét đậm có xu thế giảm đi ở các vùng khí hậu.
● Độ ẩm tương đối cực tiểu có xu thế tăng lên trên tất cả các vùng khí hậu nhất là trong thời kỳ 1961-1990.
● Lượng mưa ngày cực đại tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu, nhất là trong những năm gần đây. Số ngày mưa lớn cũng có xu thế tăng lên tương ứng và biến động mạnh, nhất là ở khu vực Miền Trung.
Theo các báo cáo năm 2003 và 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi của các yếu tố khí hậu và mực nước biển ở Việt Nam có những điểm đáng lưu ý sau:
15
- Nhiệt độ: trong 50 năm qua (từ 1958 – 2007), nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng từ 0,5oC đến 0,7oC. nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Nam. Nhiệt độ trung bình năm của 4 thập kỉ gần đây (1961 – 2000) cao hơn trung bình năm của 3 thập kỉ trước đó (1931 – 1960). Nhiệt độ trung bình năm của thập kỷ 1991 – 2000 ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đều cao hơn trung bình của thập kỉ 1931 – 1940 lần lượt là 0,4; 0,8 và 0,6oC. Năm 2007, nhiệt độ trung bình năm ở cả 3 nơi trên đều cao hơn trung bình của thập kỉ 1931 – 1940 là 0,8 – 1,3oC và cao hơn thập kỉ 1991 – 2000 là 0,4 – 0,5oC.
- Lượng mưa: trên cùng địa điểm, xu thế biến đổi của lượng mưa trung bình năm trong 9 thập kỉ vừa qua (1911 – 2000) không rõ rệt theo các thời kỳ và trên các vùng khác nhau: có giai đoạn tăng lên và có giai đoạn giảm xuống. lượng mưa năm giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam.