Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VỐN TÀI CHÍNH TẠI TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên
3.3.1. Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước
Trong những năm gần đây, giao thêm quyền cho các đơn vị sự nghiệp là một bước phát triển quan trọng trong quản lý chi tiêu hoạt động dịch vụ công ở Việt nam. Ngày16/01/2002 Chính phủ ban hành Nghị định 10/2002/NG-CP quy định chế
độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; tiếp theo Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NG-CP ngày 25/4/2006, quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Nội dung các nghị định này thể hiện chính sách ngày càng giao thêm nhiều quyền chủ động và nâng cao năng lực tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp là xu hướng quản lý hiện nay của Chính phủ. Đối với các trường đại học, Nghị định 43/2006/NG-CP với mục tiêu hàng đầu là mở rộng hơn nữa quyền chủ động gắn với tự chịu trách nhiệm và các cơ chế khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ đào tạo mới có chất lượng cao hơn, đồng thời huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này. Mặt khác, tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu suất hoạt động cũng là một mục đích của Nghị định 43/2006/NG-CP. Quyền được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các trường đại học đã tạo ra cho các trường đại học những cơ hội về nhiều mặt để khai thác các nguồn thu hợp pháp của đơn vị, đó là những tác động hết sức tích cực. Song cơ chế thông thoáng này khi vận hành trong hệ thống các chế độ chính sách quản lý của Chính phủ, cũng đã tạo ra những khó khăn thách thức cho các trường. Điều đó hơn bao giờ hết cần sự năng động sáng tạo của các trường đại học nhằm góp phần xã hội hoá giáo dục đại học, thu hút các tổ chức cá nhân trong toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục đại học. Trước hết, Nghị định 43/2006/NG- CP của Chính phủ đã tạo ra những cơ hội thuận lợi để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về khả năng khai thác cũng như quản lý, sử dụng hợp lý, minh bạch có hiệu quả mọi nguồn lực tài chính của các trường đại học.
Những thách thức, khó khăn cụ thể của các nhà trường trường khi thực hiện Nghị định 43/2006/NG-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ đó là:
Thứ nhất: Về nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp: Về lý thuyết định mức này cũng không thể tăng vô hạn do ngân sách nhànước chủ yếu dựa vào khả năng đóng góp gián tiếp của người dân thông qua nộpthuế. Thêm vào đó là sự trượt giá làm cho chi phí thực tế cho đào tạo một sinh viên hàng năm có xu hướng đi xuống, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ nguồn vốn này sẽ giảm sút về giá trị tương đối. Bài toán đặt ra cho các trường nhất là các trường “sống”
chủ yếu bằng ngân sách nhà nước là đảm bảo sự cân đối giữa nhu cầu và khả năng tài chính cho hoạt động ổn định của trường.
Thứ hai: Về nguồn thu học phí: Như nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu học phí cũng bị giới hạn trên về khả năng đóng góp trực tiếp của người dân. Đây là thách thức lớn ở đây là khó có thể huy động được sự đóng góp của cộng đồng để tăng nguồn thu cho trường, mặc dù Chính phủ tạo cơ chế được khai thác các nguồn tài chính trong xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Thứ ba: Về các nguồn thu khác: hợp đồng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước...Chính phủ đã tạo cơ chế thông thoáng nhưng trong thực tế các trường đại học khó huy động được nguồn thu từ các hoạt động này, do còn có những đề tài nghiên cứu khoa học chưa xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, kết quả nghiên cứu của các đề tài đó chỉ để “nghiên cứu”. Mặt khác, kinh phí nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học hàng năm còn thấp và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nên khó khăn đặt ra cho các trường đại học là phải khai thác được các đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn tài trợ, hay theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp để có thêm nguồn thu.
Nguồn thu từ hoạt động liên doanh, liên kết trong và ngoài nước của các trường đại học không phải trường nào cũng có thể khai thác được. Các trường đại học có tiềm lực lớn về đội ngũ các nhà khoa học, về cơ sở vật chất... nguồn thu từ hoạt động này đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách của nhà trường. Trong khi đó các trường đại học quy mô nhỏ, đội ngũ cán bộ giảng viên còn mỏng, chưa có các thế mạnh khoa học mũi nhọn khó lòng có thể có được sự hợp tác trong và ngoài nước.
3.3.2. Hệ thống kiểm soát nội bộ
Môi trường kiểm soát: Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tạo dựng được truyền thống giá trị đạo đực đáng quý của ban lãnh đạo cũng như CBGV qua nhiều thế hệ, góp phần tạo niềm tin về một tổ chức không tiêu cực, tham ô, tham nhũng, biển thủ của công. Ban lãnh đạo nhà trường mong muốn có đội ngũ CBQL có năng lực, có chuyên môn, có kỷ luật đã thực sự là một yếu tố thuận lợi để tạo nên môi trường kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, môi trường kiểm soát nội bộ của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vẫn có những hạn chế nhất định trong quá trình quản lý của mình như: nhân viên thiếu tính chuyên nghiệp, cơ cấu đôi ngũ không đồng đều về tuổi, về trình độ, về ngành đào tạo…cũng là vấn đề khó khăn để thực hiện các thủ tục kiểm soát.
Việc phân công nhiệm vụ chưa được chi tiết rõ ràng, tất yếu dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc, ách tắc, chậm chế. Thêm vào đó, nhà trường vẫn chưa cơ cấu lại lao động trong trường tạo nên tính trạng chỗ thừa và chỗ thiếu nguồn lao động gây lãng phí tiền bạc, kém hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường vẫn còn nể nang vẫn chưa có những biện pháp cứng rắn trong quản lý của mình.
Hoạt động kiểm soát: Một số quy trình hoạt động được thể hiện bằng văn bản trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, tuy nhiên thực tế các quy trình thuộc công tác quản lý tài chính - tài sản chưa được triển khai áp dụng triệt để, mà vẫn đang được người thực hiện ưu tiên xử lý theo kinh nghiệm, theo thói quen…Các thủ tục kiểm soát được cài đặt trong quy trình đang áp dụng đã phần nào giảm thiếu sót và gian lận, những dấu hiệu sai phạm đã giảm xuống. Tuy nhiên, các quy trình thực hiện chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả tài chính, kiểm soát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phisvaf vẫn còn nhiều chỗ chưa chặt chẽ.
Hiện nay, hệ thống kiểm soát nội bộ tại trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên đang trong quá trình hoàn thiện các hệ thống quy chế quản lý. Tuy nhiên, trong các quy chế còn thiếu nhiều cơ chế kiểm soát và chưa được quan tâm thực hiện triệt để, do đó, chưa thực hiện tốt chức năng kiểm soát của mình. Nhưng nhìn chung, hệ thống kiểm soát nội bộ của trường đại học Sư phạm Thái Nguyên đã phần nào phát huy tác dụng để ngăn ngừa và phát hiện các sai sót, gian lận.Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa để hệ thống kiểm soát nội bộ thực sự là công cụ quản lý hiệu quả, giúp hệ thống vận hành thông suốt, nhà trường đạt được mục tiêu đề ra.
3.3.3. Trình độ cán bộ quản lý
Con người là nhân tố trung tâm của bộ máy quản lý. Năng lực cán bộ là yếu tố quyết định trong quản lý nói chung và quản lý tài chính tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên nói riêng.
Đối với Ban Giám Hiệu trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên là những thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đặc biệt là quản lý tài chính.
Bên cạnh đó các thầy cô đều là Phó Giáo Sư Tiến Sỹ. Vì vậy, Ban giám hiệu nên sẽ đưa ra những ý kiến chỉ đạo tích cực nhằm cải thiện tính hình quản lý tài chính của nhà trường, ngoài ra các thầy cô cũng là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, quyết định việc xây dựng dự toán thu chi, quy định mức tiền lương, thu nhập tăng thêm, phúc lợi và trích lập quỹ của trường.
Đối với phòng tài chính kế hoạch là bộ phận chủ yếu thực hiện công tác quản lý các khoản thu chi của nhà trường. Đây là đơn vị giúp việc cho Ban Giám hiệu trong việc quản lý tài chính của nhà trường với đội ngũ nhân viên có trình độ cao về tài chính: 1 thầy trình độ tiến sĩ, 2 thầy là trình độ là thạc sỹ, các thành viên còn lại đều là những cử nhân có kinh nghiệm trong tài chính. Thêm vào đó, các cán bộ tài chính của phòng cũng thường xuyên được tập huân nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý và đã tư vấn cho Ban giám hiệu đưa ra quyết định chính xác, tiết kiệm cho nhà trường một khoản tiền lớn trong quá trình quản lý.
Hiện nay, Trường có 571 cán bộ, viên chức, trong đó có 385 giảng viên, GV có trình độ Tiến sĩ (TS) và học hàm Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) chiếm 38.96% (cụ thể: 01 GS, 28 PGS; 121 TS; 206 ThS; 29 cử nhân). Đây là thành phần tích cực trong việc phát triển của nhà trường nói chung và trong lĩnh vực nói riêng, đây là thành phần chính để đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tạo đều kiện tăng nguồn thu đáng kể cho nhà trường.
3.3.4. Đặc điểm của ngành
Mỗi ngành đều có tính đặc thù riêng của mình, đối với ngành giáo dục đào tạo là ngành cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội nói chung, riêng đối với giáo dục cho ngành sư phạm có những đặc thù riêng biệt đó là ,đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao phục vụ cho xã hội.
Đối với trường đại học Sư phạm có những quy định riêng cho mình, đó là nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định các đối tượng không phải đóng học phí trong đó có các sinh viên chính quy đang theo học tại các trường đại học sư phạm. Đây là
điều đáng quan tâm và lưu ý trong quá trình hoạch toán thu chi ngân sách của nhà trường. Thay vi thu học phí như các trường đại học khác, trường đại học Sư phạm được hưởng tiền học phí của các sinh viên chính quy từ ngân sách nhà nước.
Là trường đào tạo đội ngũ giáo viên cho các cấp học trong hệ thống giáo dục, trường cũng tham giam các chương trình các dự án trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề phát triển giáo dục trong khu vục và cả nước, bên cạnh đó nhiều đề tài khoa học có chất lượng cao đã được chuyển giao và thực hiện. Đây là những nguồn thu đáng kể ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính của ngành sư phạm nói chung và đối với trường Đại học Sư phạm nói riêng.