2.2. Nghệ thuật tùy bút Nguyễn Tuân nhìn từ phương thức thể hiện 1. Giọng điệu
2.2.1.3. Giọng điệu trào phúng, khinh bạc
Trước cách mạng, trào phúng và khinh bạc là một giọng điệu nghệ thuật cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Tuân. Nó nảy sinh từ sự bất đồng quan điểm sống giữa ông và xã hội đương thời, hay nói đúng hơn là sự bất mãn trước hiện thực cuộc đời. Là một con người tài hoa, ông mong muốn đem cái tài của mình ra phục vụ cuộc đời, góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Đó là một quan điểm tích cực, nói như người xưa là: “nhập thế cứu đời”. Nhưng cái hiện thực xã hội đương thời ấy đã làm cho ông khinh bỉ bởi đâu đâu cũng chỉ là những lọc lừa xảo trá, con người đã đánh mất “thiên lương”, đối xử với nhau không phải bằng tình người mà bằng thủ đoạn, bằng sự “quay quắt”, “tàn nhẫn”. Những giá trị tốt đẹp ngàn đời của dân tộc bị chôn vùi nếu có chăng thì chỉ còn là một thời vang bóng trong quá khứ, thay vào đó là những chuẩn mực đạo đức, những tư tưởng mới mang đầy màu sắc thực dụng, hãnh tiến của xã hội thực dân phong kiến. Là người tri thức khát khao một cuộc sống tốt đẹp chân thực, Nguyễn Tuân căm ghét cái xã hội ngu muội, tàn bạo ấy và luôn bày tỏ thái độ bất đồng, bất hợp tác, không dung hoà.
Ông luôn nguyền rủa nó, phủ định nó trong cả cuộc đời lẫn văn chương nghệ thuật. Điều đó giải thích tại sao mà trước cách mạng Nguyễn Tuân luôn luôn quay lưng, ngoảnh mặt với đời, chống lại thiết chế xã hội bằng giọng văn đầy khinh bạc và cả sự mỉa mai trào phúng.
Sau cách mạng tháng Tám, trong văn chương Nguyễn Tuân vẫn xuất hiện giọng điệu này nhưng chủ yếu nhà văn dùng nó để nói về những mặt tiêu cực của xã hội và để nói về kẻ địch. Như trong bài Nấm miền xuôi ông nói về những con buôn với giọng đầy mai mỉa: “Trong khoảng đó, nhiều đèn pin cũng bắt đầu sáng chói. Người ta thò tay xuống dòng cọ đôi dép cao su con Hổ con Nhạn con Bướm vừa gỡ ở chân ra. Tôi thừa biết rằng những cái pin đang cháy ở trên bờ kia và trong khoảng này, đôi dép cao su đang kì cọ kia, người ta sẽ bán cho người khác sau khi dùng giả vờ một hồi để che mắt thuế quan”. Thậm chí, nhà văn còn miêu tả cảnh mua bán quần áo, xống váy ngay trên thân thể của cả người bán lẫn người mua “khoang đò chật thế mà cũng có người cố cởi được cái váy ra để bán luôn
cho người khác vừa ăn giá xong”, đó là những cảnh buôn bán chớp nhoáng nhà văn chỉ miêu tả thoáng nhanh như đúng những gì mình nhìn thấy song đủ cho thấy sự “nhầy nhụa” của đồng tiền và lũ cơ hội tranh thủ kiếm tiền mà ở thời nào cũng có. Trong một đoạn văn khác ông còn nói: “Hãy tới đây sau một đêm đò thúng để mà chán sự đời để mà mạt sát sự sống. Gian nào cũng tô hô ra mặt phố; mặt giời rọi ngang vào cái lộ liễu của những giấc ngủ nặng nề co rúm của sau những tối đếm, tính, điều tra lừa đảo ” , hay “Ở những nơi quần tụ tứ chiếng chung chạ này - nó mọc lại, hiện ra, rồi tàn lụi chuyển lên đi xuống theo cái đà của chiến sự lan tràn - ở những thị trấn nấm, ở những phố cao su ở những chợ cóc nhảy này, tha hồ cho chúng ta cọ chạm với nhiều thứ tâm lý tiêu cực của thời đại ” . Đồng thời khi nói về đám con buôn này Nguyễn Tuân cũng dùng đúng những từ thuộc
“chuyên môn” của chúng. Những là “phất lên” nhờ chăn len Úc, “kiếm khối tiền”
nhờ việc “cho thuê cái bản thân” “lúc vào, nó đóng khố, lúc ra nó quấn hàng may sẵn vào vào đầy người”, điều đó chứng tỏ nhà văn không lạ gì những thủ đoạn làm ăn của đám này, thậm chí có những tên từ lâu đã có “thâm niên” trong nghề từ trước cách mạng đến giờ. Đọc văn cũng như tiếp xúc riêng với Nguyễn Tuân người ta biết rằng ông ghét cay ghét đắng việc buôn bán và ông từng định nghĩa nghệ thuật là một công việc “mà những con buôn quen sống với đổi chác hàng họ và buôn Tần bán Sở đều gọi là vô ích” (Nhà Nguyễn) cho nên có thể hiểu vì sao khi nói về bọn “nấm miền xuôi” nhà văn đã sử dụng giọng điệu này.
Giọng điệu khinh bạc trào phúng trong văn Nguyễn Tuân ở tuỳ bút kháng chiến chủ yếu tập trung vào kẻ địch. Nhất là cảnh trại giặc tan hoang, bọn giặc thua chạy loạn xạ “tiếng ơi ới của đám vợ giặc vẳng vào rừng nứa. Nghe lạ tai lắm”, “giặc mặc quần đùi chạy như vịt”, “Đám khố đỏ dưới đồn kêu chí choé ” hay “Cả bấy nhiêu thằng giặc bị tung hô lên. Trần lô cốt sập. Chúng nó rụng rời nổ đốt, tay nhả súng, lao từ trên mặt chòi xuống ngã quay cu lơ. Rụng như thị mõm, rơi như khỉ giật mình. Có thằng lom khom mới tụt xuống nhưng nấc mạnh lên, vọt lên như tia nước, uốn ván rồi cắm ngửa xuống dưới hàng rào lông dím.
Nó lại giồng cây chuối, múa ngược chân lên. Ai đùa với nó kia chứ! Alê, lưỡi kiếm xung kích beng luôn cái đầu củ chuối” . Cả một đoạn văn dài nhà văn miêu tả cảnh thất bại của giặc bằng cái giọng đầy say mê, hào hứng khoái chí, vì chính ông đã được tận mắt chứng kiến trận đánh ấy. Giống như một cổ động viên nhiệt tình, Nguyễn Tuân vui sướng trước sự thất bại của đối thủ. Ông không ngừng hô hào, cổ động cho những đòn đánh mạnh của quân ta “Choét! Choét! Ùng! Các ông 60, các ông 80 làm việc đều tay (...)Badôca hay quá sẹt! Này một cái chớp thụt hậu, này một cái chớp nữa phọt thẳng vào tường đất. Thế là bỏ mẹ những thằng trong lô cốt (...) Bấm điện đi! Sẹt! Oàng!”. Nguyễn Tuân có giọng văn trào phúng rất đặc biệt, thường là ông phô diễn một cách nói khôi hài, một kiểu châm chọc có duyên.
Đôi khi lại kết hợp với giọng trào lộng mỉa mai khinh bạc để nhằm tới kẻ thù. Với bản chất nghệ sĩ, Nguyễn Tuân ghét cái xấu, cái tầm thường. Đồng thời, nhà văn cũng nhận thức rất rõ cái xấu, cái cần phải phê phán đả kích chính là kẻ thù ngay trước mắt, là đối tượng đả kích trực diện. Dù chưa thể nói rằng nhà văn dùng ngòi bút để làm vũ khí đấu tranh cách mạng nhưng với tấm lòng yêu nước của một người nghệ sĩ chân chính, rõ ràng Nguyễn Tuân đã đứng về phía nhân dân kháng chiến, đấu tranh chống những mặt tiêu cực trong xã hội và chống lại kẻ thù bằng chính giọng điệu nghệ thuật trong sáng tác văn chương của mình. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự chuyển biến phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân sau cách mạng.