CHƯƠNG III. NGHỆ THUẬT TRONG TÙY BÚT NGUYỄN TUÂN NHÌN TỪ NGHỆ THUẬT KẾT CẤU
3.1. Kết cấu hình tượng nhân vật
3.1.1. Kết cấu nhân vật trữ tình đơn tuyến
Có thể bắt gặp phổ biến nhất là loại nhân vật trữ tình, bởi cái mạch cảm xúc chính trong tùy bút luôn là trữ tình, là tự thuật tâm trạng. Toàn bộ thế giới tinh thần và đời sống tình cảm của người nghệ sĩ đều được giãi bày thông qua nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình là một thực thể vừa mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân vừa chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Mặc dù đôi khi có đề cập đến chuyện thế sự nhưng thay vì mở rộng tầm nhìn ra cõi nhân sinh rộng lớn, người viết tùy bút có khuynh hướng lắng sâu vào cõi lòng để tự phát hiện, phân tích, đánh giá.
Hãy xem nhân vật trữ tình của chúng ta hoài niệm và tiếc nuối về Phở và những kỉ niệm phố xá như thế nào: “Hương vị phở vẫn như xa xưa, nhưng cái tâm hồn người ăn phở ngày nay, đã sáng sủa và lành mạnh hơn nhiều ... Ngày trước, anh hàng phở có tiếng rao, có người rao nghe quạnh hiu như tiếng bánh dày giò đêm đông tội lỗi trong ngõ khuất; có người rao lên nghe vui rền. Tại sao, bây giờ Hà nội vẫn có phở, mà tiếng rao lại vắng hẳn đi ? Có những lúc, tôi muốn thu thanh vào đĩa, tất cả những cái tiếng rao hàng quà rong của tất cả những thứ quà rong, của tất cả những thư quà miếng chín trên toàn cõi quê hương chúng ta.
Những tiếng rao ấy, một phần nào vang hưởng lên cái nhạc điệu sinh hoạt chung của chúng ta đấy” (Phở)
Trong kháng chiến, Nguyễn Tuân là một nhà văn đã suốt đời lao động nghệ thuật bền bỉ với ý thức trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính. Ông cũng là một trong số không nhiều nhà văn đã đi theo kháng chiến ngay từ những ngày đầu.
Có thể nói cuộc Cách mạng tháng Tám là “sự đổi đời” đối với Nguyễn Tuân.
Cách mạng đã giúp Nguyễn Tuân thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống và sáng tác nghệ thuật, đã làm hồi sinh lại nhịp đập của một trái tim nghệ sĩ vốn sẵn có tình yêu quê hương đất nước. Một quan niệm nghệ thuật mới, một hướng đi mới đã được mở ra với nhà văn Nguyễn Tuân. Chúng ta hãy lắng nghe tấm lòng rạo rực, đầy tự hào của nhân vật trữ tình: “Thời đại này đặt trọng tâm vào hành động”, “sống trong tranh đấu là một điều vinh dự cho xúc cảm mình” (Tình chiến dịch). Ở một chừng mực nhất định nhà văn đã vui thực sự niềm vui của người lính trong chiến thắng và đau thực sự nỗi đau của họ khi gặp tổn thất hi sinh. Nhân vật trữ tình đã đọc điếu văn trước mồ một chiến sĩ và “lịm đi trên đồng đất mới đào”
ông cảm thấy “chưa đeo số hiệu đơn vị nhưng lòng tôi đã ùn lên mối tình đơn vị”
(Mả mới bên sông Thao)
“Nguyễn” đã hóa thân thành công vào nhân vật trữ tình để thể hiện niềm thiết tha không mỏi của mình với đất nước bằng sự sâu lắng lúc thì mênh mang, khi chậm rãi lúc thì hào hùng như thế !
3.1.2. Kết cấu nhân vật tự sự - trữ tình
Nhân vật tự sự - trữ tình - Đó là loại nhân vật trung gian, tuy được khắc họa bằng bút pháp tự sự nhưng lại nhằm phục vụ cho mục đích trữ tình. Loại nhân vật tự sự - trữ tình tuy xuất hiện không phổ biến nhưng cũng góp phần làm nên diện mạo riêng của tùy bút. Trong khi ưu tiên bộc lộ mạch cảm xúc và quan điểm của cái tôi chủ quan, người viết tùy bút thường có khuynh hướng lướt qua những cảnh đời, những số phận khác. Đôi khi đối tượng trữ tình lại chính là những con người hoặc những sự vật, hiện tượng cụ thể trong hiện thực. Để tán thành hay phản đối, ngợi ca hay phê phán, trước tiên nhà văn phải làm công việc giới thiệu, miêu tả tỉ mỉ. Chân dung trữ tình trong trường hợp đó cũng thật sống động, với đầy đủ những nét ngoại hình, tính cách, diễn biến tâm lý, ngôn ngữ, hành vi,… như trong các tác phẩm tự sự. Nhưng ở đây, nhân vật không tồn tại như một thực thể khách
quan mà đóng vai trò là cái phần tập trung nhất, điển hình nhất của hiện thực được tái hiện lại để nhà văn gửi gắm quan điểm tư tưởng và tâm tư, tình cảm chủ quan của mình.
Trong tùy bút Chị Hoài sáng tác năm 1943, tác giả sử dụng giọng điệu trần thuật, kể về chị Hoài. Nhân vật này hiện lên với đầy đủ các đặc điểm ngoại hình tính cách: “Chị Hoài không phải là người chị ruột tôi. Đấy chỉ là một người chị tôi mượn của cuộc đời bừa bộn những oan trái”, “Người nhìn không cho thế là sỗ sàng và Chị Hoài cũng không tỏ vẻ ngượng. Hình như Chị Hoài cũng hiểu rằng chị đẹp thật và người đàn bà đã có một khuôn mặt đẹp mà lại không giấu cất được kín đi thì phải cho người chung quanh nhìn cho đến no thì mới phải đạo”, “Chị Hoài có một lối nằm nghiêng mặc cả áo dài mà tôi tin rằng không thiếu phụ nào ở cái thời này bắt chước được. Nằm rất nũng nịu mà không hớ hênh, cũng như đã nhiều lần, chị làm dáng, làm đỏm mà vẫn không ra ngoài nét đoan trang, buồn mà không tẻ, vui mà không ồn, và lúc phải thô thì không tục”. Nhưng cuối cùng, qua nhân vật chị Hoài, Nguyễn Tuân vẫn hướng tới thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc cuộc đời. Bởi suy cho cùng, tùy bút không có nhiệm vụ kể lại một câu chuyện có đầu có đuôi, có từng bậc, bao xuyến hình tượng nghệ thuật mà chỉ dùng hình tượng đó như chất xúc tác để nêu bật lên quan niệm nhân sinh của cá nhân mình:
“Sự đời tính dễ thế mà trúng được kể cũng đã khó vậy thay! Nghĩ đến cái chương trình sống được một cách bình dị như thế, lòng tôi thèm thuồng vui nhẹ và đợi chờ”.
Hay như nhân vật người lái đò trong tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân được nhà văn khắc họa bằng những chi tiết rất sắc sảo: Ông lái đò “không chút nghỉ tay, nghỉ mắt phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”, “ông đò nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, ông đã thuộc hết quy luật phục kích của lũ đá” nên ông chủ động tự tin nhanh nhẹn làm chủ tình thế “cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ, nắm chặt bờm sóng, ghì cương lái, phóng nhanh, chặt đôi thác để mở đường tiến”. Nguyễn Tuân miêu tả “bên phải, bên trái đều là luồng
chết” khiến ông lái đò phải vận dụng tài năng nghề nghiệp của mình, nâng thuyền của mình lên mặt nước như nghệ sĩ lái mô tô bay trong không trung để “xuyên qua mặt nước”…. Nghệ thuật lái thuyền đến đây khiến người đọc hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. Qua nhân vật tự sự đó, nhân vật trữ tình phát biểu nhận xét và bình luận của mình: “Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ … Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo”