Mọi người vẫn kiêng đủ thứ trên đời. Nếu không ưa cân nặng của mình, họ sẽ kiêng ăn một số loại thực phẩm nhất định. Nếu chi tiêu vượt kiểm soát, họ sẽ khóa thẻ tín dụng. Nếu cần được yên tĩnh khi ở nhà, họ sẽ dứt giắc điện thoại. Tất cả những hành động nói trên đều là kiêng khem dưới hình thức này hay hình thức khác. Cớ sao bạn không áp dụng cách tương tự với sức sáng tạo của mình? Hãy dành hẳn một tuần tránh xa những ồn ào huyên náo và các mối phân tâm, chẳng hạn như:
Gương: Hãy thử trải qua một tuần không soi gương. Xem xem cảm giác về bản ngã trong bạn thay đổi ra sao. Thay vì dựa dẫm vào hình ảnh phản chiếu trên tấm gương mà bạn trông thấy, hãy đi tìm nhân dạng của mình theo những cách khác. Bạn sẽ buộc phải nghĩ
nhiều hơn về những việc phải làm, và nghĩ ít hơn về bề ngoài. Có một sự khác biệt giữa cách bạn nhìn nhận bản thân và cách bạn nghĩ những người khác nhìn nhận mình, có thể bạn sẽ tái khẳng định được những gì mình biết trước đó, hoặc sẽ bị bất ngờ. Dù kết quả thế nào thì đó cũng là một quá trình khám phá và là một mẹo tuyệt vời để kích thích trí tò mò trong bạn. Tôi dám đảm bảo là sau một tuần không soi gương, bạn sẽ khao khát muốn gặp lại chính mình. Đó sẽ là một cuộc làm quen lại thú vị. Có thể bạn sẽ được gặp một con người hoàn toàn mới.
Đồng hồ: Hãy tháo chiếc đồng hồ đeo tay ra. Đừng để bạn nhìn thấy bất cứ chiếc đồng hồ nào. Hãy thôi dựa dẫm vào các thiết bị chỉ giờ để đo thời gian trôi. Nếu bạn dồn hết tâm trí vào việc đang làm, thời gian sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Nó sẽ trôi qua rất nhanh mà bạn không hề hay biết. Nếu bạn không tập trung, đồng hồ chỉ càng khiến bạn thêm sốt sắng. Nó cho bạn biết điều bạn đã biết từ trước: Bạn đang rơi vào trạng thái trì trệ và công việc thì không đến đâu. Bạn không cần những thứ tiêu cực như vậy.
Báo chí: Hãy ngừng đọc báo và tạp chí trong một tuần. Tôi không khuyến khích áp dụng cách này suốt đời vì nó sẽ sinh ra ngu dốt.
Nhưng kiêng một tuần thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Cũng giống như bạn đi nghỉ ở một hòn đảo xa xôi, bị cách ly khỏi mọi nguồn thông tin truyền thông ngày thường. Có thể trong đời mình, bạn từng làm việc đó rồi. Bạn đã mất gì? Và quan trọng hơn, bạn đã được gì?
Nói: Tôi biết một giọng nữ cao đã suýt hủy hoại giọng hát đẹp đẽ của mình sau một màn biểu diễn opera khó. Phương pháp trị liệu được đưa ra là ba tuần không nói gì để dây thanh quản của cô có thời gian hồi phục. Cô thích thú với trạng thái im lặng tự cưỡng ép đó đến mức cô đã lập ra nghi lễ không nói trong một tuần mỗi năm.
Đó không chỉ là thời gian để cổ họng của cô được nghỉ ngơi, mà còn là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự khác biệt giữa thứ đáng nói ra và thứ không đáng. Đó là biên tập viên hoàn hảo cho tâm hồn sáng tạo.
Một khi đã kiêng được bốn thứ trên, bạn có thể dễ dàng xử lý
những mối phân tâm khác đang xâm chiếm cuộc sống sáng tạo của bạn. Điện thoại. Máy vi tính. Quán cà phê. Xe hơi. Ti-vi. Bạn sẽ thu được ý tưởng. Ngoài kia có nhiều thứ gây phân tâm lắm – và bạn có thể sống mà không cần đến chúng. Chí ít là trong một khoảng thời gian ngắn.
Chương 3DNA Sáng tạo
Hồi mới tới New York, tôi học cùng biên đạo múa Merce
Cunningham. Merce có một studio nằm ở tầng hai, ở góc của một tòa nhà nằm giữa Phố 14 và Đại lộ số 8. Studio có cửa sổ hướng ra cả hai mặt phố. Những lúc nghỉ giữa giờ, tôi thường ngắm dòng xe cộ lướt qua ngoài cửa sổ và quan sát thấy hình thái giao thông dưới lòng đường giống hệt các điệu múa của Merce – cả hai đều có vẻ ngẫu hứng và hỗn độn, nhưng thực ra không phải thế. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ Merce cũng thường nhìn ra cửa sổ. Tôi dám chắc quang cảnh phố xá khiến anh cảm thấy thư thái, bồi đắp thêm thế giới quan đầy đối nghịch của anh. Đó là DNA sáng tạo của anh. Anh cảm thấy rất thoải mái với sự hỗn loạn và đùa giỡn với nó trong mọi tác phẩm của mình. Tôi có linh cảm anh đã phải trải qua trạng thái hỗn loạn trước khi đến studio này, nhưng tôi không thể thôi băn khoăn về việc liệu có phải anh đã chọn nơi này chính vì sự hỗn loạn bên ngoài ô cửa sổ đó không.
Dĩ nhiên, khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi không nhận thấy những hình thái theo cách Merce thấy, và chắc chắn tôi không tìm thấy cảm giác thư thái trong sự đối nghịch của chúng, tôi không “giác ngộ” được như anh. Tôi không may mắn có được biệt tài đó. Đó không phải là một phần cấu thành DNA sáng tạo của tôi.
Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có những dải mã sáng tạo được gắn vào óc tưởng tượng của mình. Những dải mã này cũng được khắc sâu vào mỗi chúng ta hệt như những mã gen quy định chiều cao và màu mắt, chỉ khác là chúng chi phối khuynh hướng sáng tạo của ta mà thôi. Chúng quy định phương thức làm việc, những câu chuyện ta kể và cách ta kể chuyện. Tôi không phải Watson và Crick6; tôi không chứng minh được điều này. Nhưng có lẽ bạn cũng nghi ngờ điều đó khi cố hiểu tại sao mình lại làm nghề nhiếp ảnh chứ không theo nghiệp viết lách, hay tại sao bạn luôn khép lại câu chuyện của mình bằng một cái kết có hậu, hoặc tại sao mọi bức tranh của bạn đều dồn những chi tiết thú vị nhất ở phần rìa,
chứ không phải ở trung tâm. Theo nhiều cách, đó là lý do tại sao các nhà sử học và nhà nghiên cứu văn học, nhà phê bình thuộc đủ mọi lĩnh vực có việc để làm: xác định DNA của một nghệ sĩ và giải thích cho chúng ta biết liệu nghệ sĩ đó có trung thành với nó trong các tác phẩm của mình không. Tôi gọi nó là DNA; còn bạn có thể coi nó là các vi mạch sáng tạo hoặc cá tính sáng tạo đều được.
6 Chỉ James Watson và Francis Crick, hai nhà khoa học đã được trao giải Nobel Y học năm 1962 cho phát hiện của mình về cấu trúc gen người.
Khi tôi tự đặt mình vào vị trí của một nhà phê bình để xem mình có trung thành với DNA của bản thân không, tôi thường xem xét dưới góc độ tiêu cự, như tiêu cự của ống kính máy ảnh vậy. Mỗi người trong chúng ta lại cảm thấy thoải mái khi nhìn thế giới từ một vị trí riêng: từ một khoảng cách rất xa, trong tầm với, hay cận cảnh.
Chúng ta không đưa ra lựa chọn một cách có ý thức. Chính DNA của chúng ta sẽ làm việc đó và thường thì ta không thể thoát ly khỏi nó. Hiếm có họa sĩ nào vừa giỏi vẽ tiểu họa, vừa tinh thông những kỹ thuật vẽ đại cảnh; hay ta ít gặp văn sĩ nào có thể thoải mái phóng bút viết từ các thiên tiểu thuyết lịch sử đến các mẩu truyện ngắn tinh tế.
Hãy cùng xem xét trường hợp nhiếp ảnh gia Ansel Adams. Loạt ảnh đen trắng chụp quang cảnh miền Tây nước Mỹ hoang sơ của ông đã trở thành quan điểm uy tín về cách “nhìn” tự nhiên (và góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy trào lưu vì môi trường ở Mỹ), là một ví dụ về người nghệ sĩ bị thiên hướng nhìn ngắm thế giới từ khoảng cách rộng chi phối. Ông cảm thấy khuây khỏa khi vác chiếc máy ảnh nặng trịch đi qua những quãng đường dài tít tắp tới nơi hoang vu hoặc lên một đỉnh núi để có được tầm nhìn rộng nhất của bầu trời và mặt đất. Đất và trời trong hình thái mênh mang nhất của nó là cách Adam nhìn thế giới. Đó là dấu hiệu nhận diện của ông, là biểu hiện của nhiệt độ sáng tạo của ông, là DNA của ông.
Tiêu cự không chỉ đúng với các nhiếp ảnh gia mà còn đúng với bất cứ nghệ sĩ nào.
Biên đạo múa Jerome Robbins, người tôi đã có dịp làm việc cùng và rất ngưỡng mộ, lại có xu hướng nhìn thế giới từ khoảng cách trung bình. Tầm nhìn bao quát không hợp với ông. Điểm nhìn của
Robbins nằm ngay trên sân khấu. Không chỉ có tôi, mà nhiều người khác đều nhận thấy Robbins rất thường xuyên để các vũ công của mình ngắm một người khác múa. Hãy thử xem Fancy Free (tạm dịch: Chưa từng hẹn ước), vở ba lê đầu tiên của ông. Nhóm nam ngắm nhóm nữ. Sau đó nhóm nữ lại ngắm nhóm nam. Và ở mé trên sân khấu, anh chàng nhân viên pha chế quan sát toàn cục như thể anh ta là hiện thân của Robbins. Điểm nhìn của ông chính là điểm nhìn mà từ đó, câu chuyện của vở ba lê được diễn giải. Robbins vừa là người quan sát, vừa là người bị quan sát, một cách an toàn, ở một khoảng cách trung bình.
Chi tiết đó giúp chúng ta biết được rằng từ nhỏ tới lớn, Robbins đã luôn muốn trở thành một nghệ sĩ múa rối. Và tôi nghĩ cách nhìn nhận thế giới – kiểm soát tình hình từ hậu trường hoặc từ trên cao, nhưng ở một khoảng cách không quá xa để có thể duy trì mối liên hệ với các hoạt động trên sân khấu – đã chi phối hầu như mọi tác phẩm sáng tạo của ông. Tôi ngờ rằng đó không phải là thứ ông lựa chọn có chủ đích, mà xét trên phương diện DNA sáng tạo, đó là thành phần chủ đạo trong tác phẩm của ông. Thử xem bộ phim West Side Story (tạm dịch: Câu chuyện miền Viễn Tây) do chính Robbins biên đạo và đạo diễn chẳng hạn. Ai cũng biết, cốt truyện được chuyển thể từ vở kịchRomeo and Juliet của Shakespeare – nói cách khác, đó không phải là tác phẩm do Robbins sáng tạo. Vậy mà với một kịch bản vay mượn như thế, bạn vẫn có thể thấy thiên hướng của Robbins nổi lên rõ rệt, in đậm trong các tình tiết và vũ đạo. Gần như trong trường đoạn nhóm nào, các diễn viên cũng ở vị trí bị quan sát. Nhà Jet nhìn nhà Shark, nhà Shark nhìn lại nhà Jet, nhóm nữ nhìn nhóm nam, nhóm nam nhìn lại nhóm nữ. Đó không phải là cách Shakespeare xây dựng vở kịch. Mà đó là cách Robbins nhìn thế giới.
Một số nghệ sĩ khác nhìn thế giới như thể nó chỉ cách mũi mình một phân. Tiểu thuyết gia Raymond Chandler, tác giả của loạt sách xoay quanh nhân vật Philip Marlowe như Farewell, My Lovely (tạm dịch:
Tạm biệt, người yêu dấu) và The Long Goodbye (tạm dịch: Lời từ biệt kéo dài) – những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của thể loại trinh thám hình sự Mỹ, là người bị ám ảnh bởi chi tiết. Ông nhìn sự vật ở khoảng cách cực gần và vẽ ra một loạt những khung hình cận liên tiếp, khiến ta tưởng như chính mình bị đặt vào bên trong đầu nhân vật. Cốt truyện của ông thường vô cùng rối rắm – ông tin rằng cách tốt nhất để người đọc không tài nào đoán được ai làm gì là để chính bản thân người viết cũng không biết câu trả lời – nhưng con mắt quan sát chi tiết của ông thì sắc lẹm như dao. Đây là đoạn mở đầu trong cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên của ông, The Big Sleep (tạm dịch: Giấc ngủ dài):
Lúc đó chừng 11 giờ sáng, trung tuần tháng Mười một, mặt trời
không ló rạng, xa xa, một cơn mưa nặng hạt in trên nền những chân đồi trong vắt. Tôi vận bộ âu phục màu xanh lơ, đi kèm áo sơ mi
xanh nước biển, cùng chiếc cà vạt và khăn mùi soa gài túi, giày vò đen, tất len đen viền xanh tím than. Tôi đã sạch sẽ, gọn gàng, mày râu nhẵn nhụi, đầu óc tỉnh táo, tôi cóc cần quan tâm có ai biết
không. Một thám tử tư ăn vận bảnh bao phải như thế. Tôi sắp chơi một phi vụ 4 triệu đô-la.
Chandler thường lập danh sách những chi tiết ông quan sát được trong cuộc sống hằng ngày và từ những người ông quen biết: hồ sơ cà vạt, hồ sơ áo sơ mi, danh sách các cụm từ lóng nghe lỏm được, cũng như tên nhân vật, tựa truyện và những truyện cười một dòng ông dự định sẽ dùng trong tương lai. Ông thường viết vào nửa trang giấy, mỗi trang chỉ 12 đến 15 dòng, đi kèm một định mức tự áp đặt là mỗi trang phải chứa cái mà ông gọi là “một chút ma thuật”. “Cuộc sống” trong những câu chuyện của ông được mô tả tỉ mỉ đến từng chi tiết, dù tại thời điểm đó, người hùng Marlowe của ông đang ngồi lười biếng trong văn phòng hay đang tham gia vào một cuộc đối đầu khốc liệt. Không hề có những khoảnh khắc mơ màng ngẫm ngợi về hiện trạng thế giới từ khoảng cách xa. Cũng không có những khung hình nhóm nhân vật ở khoảng cách trung bình. Chỉ là một dòng chảy đều đặn của chi tiết, cho đến khi một nhân vật hoặc một khung cảnh thành hình và một bức tranh sinh động dần hiện lên. Cận cảnh là tiêu cự của Chandler. Nếu như một số người thích lang thang
trong một khu bảo tàng, đứng cách các bức tranh một quãng xa, ngắm nghía hiệu ứng mà người nghệ sĩ cố đạt tới, thì một số khác lại thích nhìn thật gần, vì họ đam mê chi tiết và Chandler chính là kiểu người sẽ dí sát mũi vào bức tranh để xem tác giả phết những nét cọ như thế nào. Rõ ràng, chúng ta đều ngắm tranh từ tất cả các vị trí nói trên, nhưng mỗi người lại tập trung chủ yếu vào một vị trí nhất định.
Tôi không có ý định sa đà vào tiêu cự quan sát. Đó chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh làm nên cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, một khi nhìn ra, bạn sẽ dần nhận thấy nó có tác động chi phối đối với tất cả những nghệ sĩ mình ngưỡng mộ như thế nào. Âm hưởng hùng tráng của các bản nhạc do Mahler chấp bút là sản phẩm của một nhà soạn nhạc có tầm nhìn rộng. Ngược lại với ông là một người theo chủ nghĩa tiểu tiết như Satie, các tác phẩm tinh tế của Satie lại hé lộ hình ảnh một người đam mê chi tiết. (Chỉ những
“người khổng lồ” như Bach, Cézanne và Shakespeare mới đủ tài sáng tác ở nhiều tiêu cự khác nhau.)
Nhưng đó chính là điểm tôi muốn nói. Mỗi người trong chúng ta đều được cài đặt sẵn theo một cách nào đó. Và sự cài đặt sẵn đó tự
“thẩm thấu” vào sản phẩm của chúng ta. Đó không phải là một điều xấu. Thực ra, đó chính là những gì thế giới kỳ vọng từ bạn. Chúng ta muốn các nghệ sĩ nhặt nhạnh những chất liệu vụn vặt, tầm
thường từ cuộc sống, đưa chúng qua bộ lọc trí tưởng tượng của họ và khiến ta sửng sốt. Nếu về bản chất bạn là một kẻ cô độc, một người xông xáo, một kẻ ngoài cuộc, một người hài hước, một người lãng mạn, một kẻ sầu bi, hoặc bất cứ ai trong hàng chục loại cá tính, thì nét tính cách đó sẽ hiển lộ xuyên suốt sản phẩm của bạn.
Robert Benchley từng viết, trên đời này có hai loại người: những kẻ chia thế giới thành hai loại người, và những kẻ không làm thế. Tôi nghĩ mình thuộc loại thứ nhất.
Tôi vốn dị ứng với những gì mơ hồ và luôn muốn tách bạch đen trắng rõ ràng. Tôi không thích những khoảng xám, nhưng dĩ nhiên, tôi cũng nhận ra rằng có một số người rất thích những khoảng xám.
Do đó, tôi luôn phân chia rõ ràng dù là công việc, sinh hoạt thường
ngày, đồng nghiệp hay mục tiêu. Vũ công hoặc chấp nhận được (xuất sắc) hoặc không (dưới mức xuất sắc). Nhà sản xuất hoặc tốt hoặc xấu. Đồng nghiệp hoặc tận tâm hoặc xao nhãng công việc.
Nhà phê bình hoặc là bạn, hoặc là thù. Những kiểu phân biệt cực đoan đó có thể tiếp diễn mãi mãi.
Nếu có nhóm phân cực nào định nghĩa DNA sáng tạo của tôi, thì đó chính là việc tôi cảm thấy mình bị giằng co giữa sự nhập cuộc và tách biệt.
Tôi nhảy qua nhảy lại giữa hai thái cực, không bao giờ rơi vào trạng thái nửa chừng. Tôi áp dụng nó với tất cả mọi thứ.
Chẳng hạn, với các vũ công của mình, tôi thường hay đưa ra yêu cầu khá khó chịu, là không ngừng đòi hỏi bằng chứng về lòng trung thành của họ đối với tôi và dự án của tôi. Vì vậy, tôi luôn rà soát một danh sách kiểm tra trong đầu để xem thói quen làm việc của họ có giống tôi không. Tôi tìm kiếm chứng cứ cho thấy sự gắn bó của họ bằng một thái độ nghiêm túc không khác gì những người làm trong ngành tòa án. Họ có đến tập đúng giờ không? Họ có khởi động không? Họ có nản chí khi quá trình luyện tập bị gián đoạn không, hay họ vẫn kiên cường tiến tới? Họ có đóng góp ý tưởng cho nhóm không, hay chỉ trông chờ tôi cung cấp mọi thứ? Đó là những bài kiểm tra nhanh của riêng tôi để đánh giá mức độ tận tâm của những người khác. Tôi không muốn họ chỉ đơn thuần góp mặt. Tôi luôn tìm kiếm sự cam kết tuyệt đối.
Đối với bản thân, tôi cũng nghiêm khắc không kém. Tôi liên tục đo lường mức độ cam kết của mình đối với một dự án và cố thúc ép bản thân dồn nhiều tâm sức hơn bất cứ ai. Ở trạng thái cực đoan nhất, tôi còn đặt mình vào trung tâm của một vở diễn, thậm chí là diễn thử các vai với tư cách một vũ công.
Khi đã dùng hết sức có thể để thẩm thấu tất cả tinh túy của vở diễn, tôi tách mình ra và trở thành Nữ hoàng Tách biệt. Tôi lùi lại thật xa và trở thành hiện thân của khán giả. Tôi nhìn nhận tác phẩm theo cách của khán giả. Mới mẻ, xa lạ, khách quan. Khi đến rạp, tôi thường vào trong cánh gà và ngắm các vũ công tập dượt. Nếu tôi