Không một hình ảnh nào lại có âm vang mạnh mẽ đối với tôi hơn tấm hình đầu đời chụp cùng mẹ. Nó giúp tôi hiểu về ảnh hưởng của mẹ tới cuộc sống sáng tạo của tôi, xét trên nhiều phương diện, đó là một ảnh hưởng triệt để và sâu sắc. Từ việc bà đặt tên tôi là Twyla, chơi đàn piano cho tôi nghe từ hồi tôi mới 3 tháng tuổi, lái xe chở tôi đi suốt thời niên thiếu để tới chỗ những giáo viên giỏi nhất ở Nam California (để tôi có thể học đàn piano, múa gậy, ba lê, cách sử dụng mũi chân, flamenco, trống, diễn thuyết, vẽ, đàn viola, đàn violin, tốc ký, tiếng Đức và tiếng Pháp), mẹ là người đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc sống sáng tạo của tôi. Việc biết được những điều trên sẽ giúp ích cho bạn khi bạn nhìn vào cô bé hai tuổi mặc chiếc váy ngắn. Nó kết nối với nhiều điều hơn là chỉ những năm tháng đầu đời của tôi. Nó cuốn tôi vào dòng chất lỏng ký ức, giải thích nhân dạng của tôi và kể rõ những nguồn cơn.
Để tôi nói cho bạn hay tôi nhìn thấy gì từ tấm hình này.
Tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ đang háo hức và e dè trước thế giới thực, chính vì thế cô bé chỉ nắm một ngón tay mẹ.
Tôi yêu hai tảng đá phía sau cô bé, một chiếc bệ hoàn hảo do chính bố tôi xây, hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến một sân khấu Hy Lạp cổ đại. Có thể coi đây là tấm ảnh sân khấu đầu tiên của tôi. Hãy để ý đến chân trái của cô bé hơi đưa về phía trước. Trông như thể cô bé vừa bước xuống từ một sân khấu và đang bắt đầu chào khán giả.
Tôi cũng thích nét tinh nghịch trên khuôn mặt cô bé, đầu hơi cúi, đôi mắt e ấp ngước lên nhìn thẳng phía trước. Nó mang lại cảm giác háo hức và hiếu kỳ, dường như bé đang đứng trước một cánh cửa và chuẩn bị bước qua.
Trong cô bé còn ẩn chứa cả niềm say mê và năng lượng tràn trề.
Bé muốn đi.
Tôi thích ngón tay của người mẹ. Nó có thể bị nhầm là bà đang không yên tâm, như thể đứa trẻ cần được hỗ trợ. Nhưng tôi lại nhớ khác. Ngón tay ấy là chỗ dựa nhỏ bé tôi có thể bám vào khi chưa thể tự đi được.
Tôi cũng thích cả những chi tiết mang tính thời đại: mái tóc ngắn, chiếc váy ngắn để lộ đôi chân của một vũ công, đôi giày và tất bị cắt khỏi tranh vì chúng thiếu vẻ tinh tế, có thể làm hỏng không khí
chung.
Tấm ảnh này nhắc tôi nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều đã lớn lên với niềm tin tràn trề vào triển vọng tương lai, và cuộc đời, xét theo vài khía cạnh, chỉ là một chuỗi các sự kiện trong đó triển vọng được mở rộng hoặc tước đoạt khỏi tay bạn. Thích nghi ra sao là lựa chọn của bạn.
Xét theo tinh thần đó, bức ảnh này mang chất Darwin: Nó là nguồn gốc của muôn loài. Và tôi là muôn loài.
Tuy nhiên, hơn tất cả, đối với tôi, đây là tấm ảnh chụp một cô bé đang đứng trước ngưỡng cửa... trước khi bước vào. Nó tổng kết con người tôi. Nếu có lúc nào đó tôi rơi vào một cuộc khủng khoảng nhân dạng, bức hình này sẽ cứu tôi.
Giờ đến lượt bạn. Hãy tìm một bức ảnh gia đình và ngắm nó thật kỹ.
Bạn thấy trong đó có điểm gì giống với cuộc đời hiện nay, với con người mà bạn đã trở thành? Điểm gì chỉ hơi giống? Điểm gì không có chút tương đồng nào hoặc chẳng gợi lên điều gì đáng nhớ?
Điểm gì rốt cuộc đã trái ngược hoàn toàn với những gì bạn thấy?
Tại sao lại xảy ra bốn kết quả nói trên? Hãy tự lý giải cho bản thân.
Khi làm việc này, hãy để ý những con người và sự kiện bật ra trong tâm trí bạn. Những gương mặt nào – họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo, hàng xóm, kẻ thù, người lạ, thú cưng – tự động xuất hiện? Lần cuối cùng bạn nghĩ đến những người đó là khi nào? Đó là ký ức được chôn giấu trong tất cả những gì bạn đã lưu lại, vẫn kiên nhẫn chờ bạn khai phá và, biết đâu đấy, sử dụng chúng.
Cũng giống như việc ngắm lại cuốn kỷ yếu trung học, có ai không trào dâng những cảm xúc nhớ nhung, nuối tiếc, cô đơn và vui
sướng kia chứ? Bài tập với tấm ảnh gia đình trong trường hợp này
cũng thế. Mục tiêu của nó là kết nối với thứ gì đó xưa cũ để khiến chúng trở nên mới mẻ. Hãy ngắm nhìn và tưởng tượng.
Chương 5Trước khi có thể nghĩ vượt ra ngoài chiếc hộp, bạn
phải bắt đầu với chiếc hộp đã
Mỗi người có hệ thống tổ chức của riêng mình. Hệ thống tổ chức của tôi là một chiếc hộp, loại bạn có thể mua ở cửa hàng văn phòng phẩm để lưu chuyển giấy tờ.
Tôi khởi đầu mọi điệu múa với một chiếc hộp. Tôi viết tên dự án lên hộp, và theo tiến trình phát triển của nó, tôi bỏ vào hộp mọi thứ góp phần vào công cuộc xây dựng điệu múa, bao gồm sổ ghi chép, các mẩu tin tức, đĩa CD, băng video ghi lại hình ảnh tôi làm việc một mình trong phòng tập, video hình các vũ công tập luyện, sách và ảnh cùng các tác phẩm nghệ thuật đã tạo cảm hứng cho tôi.
Chiếc hộp lưu trữ chứng cứ về cuộc nghiên cứu tích cực cho mỗi dự án. Với dự án Maurice Sendak, chiếc hộp chứa đầy các ghi chú của Sendak, các đoạn trích thơ của William Blake, những món đồ chơi biết nói. Tôi dám chắc đây là những thứ mà hầu hết mọi người cất trên giá hoặc bỏ vào các cặp hồ sơ nhưng tôi thích những chiếc hộp hơn.
Có những chiếc hộp dành riêng cho tất cả những gì tôi từng làm.
Nếu bạn muốn hình dung về cách tôi suy nghĩ và làm việc, bắt đầu từ những chiếc hộp của tôi là một cách làm không tồi.
Chiếc hộp mang lại cho tôi cảm giác có tổ chức, rằng tôi có tâm thế làm việc nghiêm túc ngay cả khi chưa biết mình sẽ đi theo hướng nào.
Nó cũng đại diện cho sự cam kết. Hành động viết tên dự án lên hộp có nghĩa là tôi đã bắt tay vào việc.
Chiếc hộp khiến tôi có cảm giác gắn kết với một dự án. Đó là mảnh đất của tôi. Tôi vẫn có cảm giác đó ngay cả khi đã tạm gác lại một dự án. Tên dự án trên hộp là lời nhắc nhở liên tục rằng tôi từng nảy ra một ý tưởng và rất sớm thôi, tôi sẽ quay lại với nó.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là chiếc hộp đồng nghĩa với việc tôi không bao giờ phải lo lắng về chuyện quên quên nhớ nhớ. Một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với một người làm nghề sáng tạo là một ý tưởng tuyệt vời nào đó có thể biến mất vì bạn không ghi lại và cất nó vào một nơi an toàn. Tôi không lo lắng chuyện đó vì tôi biết phải tìm nó ở đâu. Tất cả đều đã được cất trong hộp.
Tôi thích hộp chứa hồ sơ bằng bìa các-tông vì nhiều lẽ, tất cả đều đậm tính đặc thù cá nhân. Các loại giá kệ ở khu làm việc tại nhà, nơi lưu trữ các loại thiết bị âm thanh, hàng trăm đĩa nhạc và hàng chồng bản nhạc; là loại kệ chắc chắn đủ để thợ sơn có thể đứng lên khi sơn vẽ tường bao bên ngoài ngôi nhà. Đó là một lựa chọn thẩm mỹ mang tính cá nhân. Tôi muốn tất cả mọi thứ xung quanh mình, từ các vũ công cho đến các điệu múa và giá kệ của mình, đều phải mạnh mẽ và bền bỉ với thời gian.
Các hộp hồ sơ cũng phản ánh thực tế ấy. Chúng dễ mua, lại rẻ.
Chúng hữu dụng thực sự; thực hiện chính xác điều tôi kỳ vọng ở chúng: giữ các món đồ. Tôi có thể viết lên chúng để nhận biết nội dung bao chứa bên trong (bạn sẽ không làm thế với một chiếc tủ gỗ anh đào giá 1.000 đô-la). Tôi có thể di chuyển chúng đi đâu tùy thích (đây cũng là việc khó khăn với một hệ thống lưu trữ bằng gỗ nặng nề). Khi một chiếc hộp đã đầy, tôi có thể dễ dàng dỡ nó ra và làm một chiếc hộp khác. Và khi đã xong việc với chiếc hộp, tôi có thể bỏ nó đi và chuyển sang một dự án mới, một chiếc hộp mới.
Dễ kiếm. Không đắt đỏ. Tuyệt đối hữu dụng. Dễ vận chuyển. Dễ nhận dạng. Dễ tiêu hủy. Đủ bền chắc.
Đó là những tiêu chuẩn của tôi đối với một hệ thống lưu trữ hoàn hảo. Và tôi đã tìm thấy câu trả lời trong một chiếc hộp chứa hồ sơ đơn giản.
Dĩ nhiên, đó không phải câu trả lời duy nhất. Maurice Sendak dùng một căn phòng có vai trò tương tự như những chiếc hộp của tôi, một xưởng làm việc có một chiếc tủ lớn gồm nhiều ngăn kéo dẹt, trong đó anh giữ các bản phác thảo, tài liệu tham khảo, ghi chú, bài viết. Anh thường chạy vài dự án cùng lúc và khi đang xử lý một dự án, anh muốn cất các loại tài liệu không liên quan xa khỏi tầm mắt.
Một số người khác lại dựa vào các thẻ chỉ mục được sắp xếp cẩn thận. Những người am hiểu công nghệ hơn thì lưu hết vào máy tính.
Không có một hệ thống quy chuẩn duy nhất nào. Cách nào cũng có thể dùng được, miễn là nó cho phép bạn lưu trữ và tra cứu ý tưởng của mình – và không bao giờ đánh mất chúng.
Tôi cũng thích sự giản dị của một chiếc hộp. Sự đơn giản này có mối liên hệ mật thiết với tính hiệu quả. Một nhà văn có hệ thống lưu trữ và tra cứu tốt có thể viết nhanh hơn. Anh ta không phải mất nhiều thời gian lục tìm đồ đạc, bới tung đống giấy tờ và sục sạo các phòng khác trong nhà vì hoang mang không biết mình vứt câu trích dẫn hoàn hảo kia ở đâu. Nó ở trong hộp.
Một kho tư liệu hoàn hảo còn cho bạn thêm nhiều nguyên liệu để khai thác, để dùng làm chất dẫn truyền cho sáng tạo. Beethoven, dù có tiếng là phóng khoáng và mang một hình ảnh lãng mạn hoang dại, nhưng ông lại là người rất có tổ chức. Ông giữ gìn mọi thứ trong một loạt các cuốn sổ được sắp xếp tùy theo mức độ phát triển của ý tưởng. Ông có sổ dành cho những ý tưởng dạng thô, sổ dành cho phần cải tiến các ý tưởng nói trên và sổ dành cho ý tưởng hoàn chỉnh, cứ như thể ông đã ý thức trước được giai đoạn sơ khởi, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của một ý tưởng vậy.
Với bất cứ ai đọc được nhạc, các cuốn sổ phác thảo ghi lại tiến trình sáng tạo của ông theo đúng nghĩa đen. Ông thường viết tháu những ý tưởng thô, chưa thành hình vào cuốn sổ bỏ túi và để chúng đó, chưa dùng đến, ở trạng thái chờ, nhưng chí ít cũng đã được ghi lại.
Vài tháng sau, trong một cuốn sổ lớn hơn, bền đẹp hơn, bạn có thể thấy ông nhắc lại ý tưởng đó, nhưng đó không chỉ là hành động sao chép đơn thuần. Bạn sẽ thấy ông phát triển nó, nghiền ngẫm nó, cải tiến nó trong cuốn sổ mới. Ông có thể lấy một mô típ ba nốt và đẩy
nó sang một giai đoạn mới bằng cách giảm nửa tông của một trong ba nốt và nhân đôi nó lên. Sau đó, ông bỏ ý tưởng ở đấy thêm sáu tháng nữa. Nó sẽ xuất hiện lại trong cuốn sổ thứ ba, lần này cũng không phải được sao chép lại mà là cải tiến hơn nữa, có lẽ là được đảo trật tự và đã sẵn sàng để được dùng trong một bản xô-nát cho piano.
Ông không bao giờ cất lại một ý tưởng trong tình trạng giống hệt như trước. Ông luôn đẩy chúng tiến lên và bằng cách đó, ông làm chúng thêm tươi mới.
Các cuốn sổ đáng chú ý vì nhiều lý do. Beethoven là một người thất thường, ưa xê dịch, luôn đòi hỏi thay đổi khung cảnh. Trong 32 năm sống ở Vienna, ông chưa bao giờ mua một căn nhà và đã chuyển chỗ ở tới hơn 40 lần. Tôi ngờ rằng đó là lý do tại sao ông cần hệ thống sổ sách tỉ mỉ này. Với bao biến động trong cuộc sống riêng, những cuốn sổ neo giữ phần duy nhất có ý nghĩa của cuộc đời ông:
sáng tác. Chỉ cần ông “giam” được những ý tưởng của mình vào giấy, sức sáng tạo của ông sẽ không bao giờ suy suyển. Thực tế, nó chỉ càng mạnh mẽ thêm mà thôi.
Đó là giá trị đích thực của chiếc hộp: Nó chứa đựng cảm hứng của bạn nhưng không bó buộc sức sáng tạo của bạn. Hãy để tôi giải thích tại sao.
Mùa hè năm 2000, tôi nảy ra một ý tưởng: sáng tác một vở nhạc kịch Broadway, toàn bộ là nhảy múa trên nền các bài hát của Billy Joel. Tôi luôn có niềm tin vào âm nhạc của Billy. Tôi đã nghe các bài hát của anh kể từ khi anh bắt đầu thu âm. Tôi cũng có một cảm giác mạnh mẽ rằng âm nhạc của anh sinh ra là để dành cho múa. Cũng trong thời gian đó, tôi mới thành lập công ty gồm sáu vũ công xuất sắc. Thực tế, tôi đang khao khát được giới thiệu họ bằng một tiết mục thật đình đám và tham vọng. Một bữa tiệc múa hoành tráng kéo dài hai tiếng đồng hồ trên nền tất cả các bài hát nổi tiếng của một thần tượng nhạc pop người Mỹ danh tiếng quá phù hợp với yêu cầu đó.
Rắc rối duy nhất là, tôi không quen Billy Joel. Tôi chưa bao giờ gặp anh. Căn cứ vào những bài hát có phần lời rất hay và cách kể
những câu chuyện tuyệt vời của anh, tôi thấy anh có vẻ là một người tốt tính, thực tế. Đó là danh tiếng của anh. Tôi kiếm số của anh và gọi. Tôi nói: “Tôi đang ấp ủ một dự án và tôi muốn cho anh xem cái này.” “Cái này” mà tôi nghĩ trong đầu là một đoạn băng dài 20 phút ghi lại một vũ điệu tôi đã chuẩn bị trên nền nhạc của anh.
Khi Billy ghé qua nhà tôi ở khu Thượng Tây Manhattan, tôi bày tỏ rằng mình có chút bối rối vì các ca khúc và phần họ Joel của anh, tôi không luận ra nổi anh là người gốc Do Thái, Ireland hay Ý. Anh nói: “Tôi là dân Do Thái, lớn lên ở khu người Ý và những cô gái từng khiến trái tim tôi tan nát đều là người Ireland.”
Tôi nói: “Ra vậy, tôi hiểu rồi. Mời anh vào đây xem” – và kéo anh đến trước dàn video.
Tôi cho anh xem vài điệu múa trên nền những nhạc phẩm mới nhất của anh – bản nhạc độc tấu piano lấy từ album mang phong cách cổ điển Fantasies and Delusions (tạm dịch: Tưởng tượng và ảo vọng) của anh – vì tôi cho rằng anh sẽ dễ bị hấp dẫn bởi những sản phẩm gần nhất của mình. Anh rất thích điệu múa. Sau đó, tôi bật sang những bài hát làm nên tên tuổi của anh như “Uptown Girl” và
“Big Shot”. Anh nói: “Tôi không ngờ nhạc của mình đẹp đến thế.”
Hết băng.
Tôi nghĩ hẳn anh đang rất hài lòng, nên tôi sẽ làm tới luôn. Tôi hỏi anh: “Chuyện gì đã xảy ra với Brenda và Eddie trong bài ‘Scenes from an Italian Restaurant’?”
Anh nói mình chưa từng nghĩ đến chuyện đó.
“Vấn đề chính là ở chỗ ấy,” tôi nói. “Tôi muốn làm một sô biểu diễn sử dụng các bài hát của anh để kể một câu chuyện. Tôi chưa biết nó là gì. Nhưng trước hết, tôi cần sự cho phép của anh.”
Anh nói: “Được, chị đã có rồi đấy.”
“Tôi còn cần quyền được tiếp cận toàn bộ danh sách các bài hát của anh nữa.”
Anh đáp: “Được.”
Thế là xong. Đó là một trong những khoảnh khắc hiếm có: một giao kèo chớp nhoáng. Chúng tôi bắt tay và anh ra về.
Đó là giây phút tôi khai trương chiếc hộp Billy Joel cho sô Movin’
Out.
Món đầu tiên cho vào hộp: cuốn băng dài 20 phút quý giá của tôi.
Món thứ hai cho vào hộp: hai tấm thẻ mục lục màu xanh. Tôi tin vào việc khởi động mỗi dự án với một mục tiêu được nêu rõ. Đôi khi mục tiêu chẳng có gì ngoài một câu thần chú cá nhân kiểu như “hãy giữ mọi thứ thật đơn giản”, “thứ gì đó hoàn hảo” hay “tiết kiệm” để nhắc nhở bản thân những gì đã nghĩ về buổi đầu tiên nếu tôi mất phương hướng. Tôi viết nó vào một mẩu giấy nhỏ và đó là thứ đầu tiên được đặt vào trong hộp.
Trong trường hợp này, tôi có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là “kể một câu chuyện”.
Hiểu được cách kể chuyện trong nghệ thuật múa là thử thách lớn tiếp theo dành cho tôi, vả lại, tôi cũng muốn biết điều gì đã xảy ra với Brenda và Eddie, “cặp trai tài gái sắc cả trường biết tiếng11”.
Mục tiêu thứ hai là “bắt múa phải nuôi vũ công”. Tôi luôn bất mãn với thực tế rằng một số loại hình nghệ thuật cao quý lại không thể tự tồn tại nếu thiếu tài trợ hoặc trợ cấp. Tôi rất bực mình vì các công ty múa trên khắp thế giới đều là những tổ chức phi lợi nhuận và rằng các vũ công, những người giàu lòng tâm huyết và kỷ luật chẳng kém gì bất cứ ngôi sao NFL hay NBA12 nào, lại đang đứng ở gần đáy thang thu nhập của ngành công nghiệp giải trí. Tôi muốn dự án
“hướng ra Broadway” này không chỉ nghiêm túc nâng cao địa vị của ngành múa trên đấu trường thương mại mà còn đem lại thu nhập tốt cho các vũ công. Vì vậy, tôi viết ra các mục tiêu cho dự án, “kể một câu chuyện” và “bắt múa phải nuôi vũ công” lên hai tấm thẻ mục lục