Đối với trẻ 5 tuổi, việc học của trẻ vẫn còn mang tính chất làm quen, trong hoạt động học trẻ thật sự chưa chú tâm, nếu tôi chỉ lồng ghép nội dung giáo dục trẻ bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo trong hoạt động học thì kết quả trên trẻ chắc hẳn sẽ không cao. Vì vậy tôi phải sử dụng biện pháp hỗ trợ đó là lồng ghép nội dung giáo dục cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi như hoạt động đón trẻ - trò chuyện, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, giờ ăn, hay hoạt động chiều thì nội dung giáo dục ẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần giúp trẻ ghi nhớ hơn.
+ Lồng ghép vào hoạt động đón trẻ - trò chuyện:
Hàng ngày vào giờ đón trẻ và cho trẻ chơi tự chọn, tôi dựa vào điều kiện thực tế của lớp, kế hoạch hoạt động của từng ngày theo từng chủ đề mà tôi lựa chọn nội dung giáo dục tài nguyên và môi trường biển – hải đảo để lồng ghép trong giờ sao cho phù hợp.
- Chủ đề “Trường lớp mầm non”, tôi cho trẻ xem hình ảnh những ngôi trường trên đảo, cho trẻ nhận xét hình ảnh, cung cấp cho trẻ biết những ngôi trường
trên đảo nhỏ, có ít đồ chơi, đồ dùng cho các bạn hoạt động. Từ đó tôi cho trẻ vẽ tái tạo những bức tranh về ngôi trường trên đảo; góc phân vai cho trẻ làm cô nuôi dưỡng chế biến những món ăn từ hải sản…
- Chủ đề “Gia đình”, trò chuyện cùng trẻ về các kỳ nghỉ mát hay đi du lịch của gia đình trẻ đi ở đâu? Khi đi chơi ở biển chúng ta phải như thế nào?... giáo dục trẻ biết giữ gìn vệ sinh môi trường biển – hải đảo khi cùng gia đình đi du lịch.
- Chủ đề “Một số nghề” trò chuyện cùng trẻ khi sử dụng những sản phẩm có từ biển như muối, nước mắm, hải sản… phải biết quý trọng đó là những nguồn thực phẩm có từ tài nguyên biển – hải đảo.
Trò chuyện về “Chú bộ đội Hải quân”, tìm hiểu về công việc của các chú là bảo vệ vùng biển – hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc để giáo dục trẻ c ó ý thức bảo vệ bằng những hành động nhỏ của mình như sử dụng nước sạch tiết kiệm, không xả rác và nước thải bừa bãi hay trực tiếp ra biển,…
+ Lồng ghép vào hoạt động góc:
Quá trình chơi ở hoạt động góc là cả một quá trình trẻ rất thích thú, vì đây là khoảng thời gian trẻ được trải nghiệm với những công việc của người lớn trong quá trình trẻ nhập vai chơi. Từ đó trẻ lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng qua công việc mà trẻ được đóng vai, nên cô giáo phải biết tận dụng những cơ hội trong quá trình chơi để giáo dục và hình thành những thói quen cho trẻ như nhắc nhở trẻ chơi và giao tiếp với nhau bằng các vai chơi của mình như:
- Trẻ đóng vai cô bán hàng ở cửa hàng bán hải sản, tạo những món quà lưu niệm có từ biển, làm món quà gởi cho các chú bộ đội Hải quân.
- Cho trẻ tạo ra những đồ chơi để gửi cho các bạn ở miền hải đảo xa xôi, biết sử dụng và chế biến những món ăn có nguồn thực phẩm từ biển, phải biết quý trọng và sử dụng có hiệu quả.
- Ở góc sách: Chú ý dạy trẻ cách cầm sách, không làm hư hỏng sách, không cuộn sách, không gạch, tẩy xóa sách mà lật sạch nhẹ nhàng từng trang. Cho trẻ xem
sách và phân biệt những hành vi đúng sai làm ô nhiễm môi trường biển (vứt rác ra biển, đánh bắt cá bằng mìn,…) và những hành vi bảo vệ môi trường biển (nhặt rác trên bãi cát, vớt dầu loang trên mặt biển,…).
- Cho trẻ chơi với cát, nước tạo thành sóng biển, gấp thả thuyền… tùy theo từng chủ đề mà lựa chọn nội dung các góc chơi để lồng ghép giáo trẻ cho trẻ biết bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo cho trẻ thật phù hợp, nhẹ nhàng và thực tế.
+ Lồng ghép vào hoạt động ngoài trời
Ở hoạt động ngoài trời có thể lồng ghép nội dung giáo dục với trẻ qua trò chuyện, quan sát quang cảnh thật xung quanh trẻ để đàm thoại, trao đổi với trẻ những nội dung giáo dục liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo như chất thải, tiếng động cơ của các phương tiện giao thông đường thủy,… khí thải làm ô nhiễm không khí, nạn khai thác rừng bừa bãi làm thay đổi khí hậu xảy ra thiên tai động đất, sóng thần. Giúp trẻ hiểu biết và biết cách thực hiện những công việc giảm những ô nhiễm trên đất liền như: Quan sát và nhận xét thực tế sân trường hôm nay dơ hay sạch? Vì sao? Mỗi bạn cần làm gì để sân trường sạch? Khi dọn vệ sinh sân trường cần phân loại rác thải như thế nào?
Ở hoạt động ngoài trời cần tổ chức cho trẻ những trò chơi vận động có nội dung giáo dục bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo như nhận biết các bãi biển, đảo, quần đảo; gạch bỏ những hành vi sai, lựa chọn những hành vi đúng, vẽ bằng phấn những hành vi bảo vệ môi trường hay vẽ về biển đảo…
Trò chơi được xem là kỹ năng, là nhu cầu không thể thiếu trong các sinh hoạt và hoạt động tập thể với trẻ mầm non hiện nay. Sử dụng phương pháp trò chơi để kích thích trẻ phát huy tính tích cực, sáng tạo nhờ các tình huống chơi hấp dẫn.
Ví dụ: Trò chơi “Bé tinh mắt”. Mục đích là giúp trẻ nhận biết được tên gọi, vị trí địa lý của một số bãi biển, đảo ở một số tỉnh, thành. Với trò chơi này, tôi chuẩn bị 2 bản đồ Việt Nam; 10 chiếc lốp bánh xe; một số mảnh giấy màu xanh
nước biển (tượng trưng cho biển), màu nâu (tượng trưng cho đảo, quần đảo), hồ dán. Cách chơi: Trẻ đứng thành hai đội, lần lượt từng trẻ ở hai đội bật nhảy liên tiếp qua 5 chiếc lốp bánh xe, lên chọn mảnh giấy màu xanh nước biển dán vào vị trí tỉnh có biển. mảnh giấy màu nâu vào vị trí tỉnh có đảo hoặc quần đảo trên bản đồ (mỗi trẻ chỉ được chọn một mảnh giấy). Dán xong trẻ chạy về đứng cuối hàng và bạn khác trong đội tiếp tục lên chơi. Hết bài hát là hết giờ chơi. Sau đó, cô và trẻ cùng kiểm tra kết quả bằng cách: Cô chỉ vào tỉnh, thành phố trẻ dán trên bản đồ, trẻ nói được tên biển hoặc tên đảo, quần đảo của tỉnh đó. (Ví dụ: Cô chỉ vào thành phố Đà Nẵng, trẻ đọc Đà Nẵng có bãi biển Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa).
+ Lồng ghép vào hoạt động lao động cuối tuần và vệ sinh cá nhân.
Trước khi tổ chức cho trẻ giờ lao động cuối tuần, tôi thường cho trẻ xem những hình ảnh về các chú bộ đội và người dân trên đảo trồng rau, chăn nuôi, dọn vệ sinh… để trò chuyện cùng trẻ biết sống ở đâu cũng phải biết bảo vệ môi trường, tổ chức cho trẻ nhặt lá cây, rác, hoặc những cây cỏ nhỏ xung quanh vườn trường.
Cho trẻ tưới cây, chăm sóc cây, xới đất, bón phân cho cây, hoa.
Giúp trẻ biết sản phẩm của lao động (trồng rau, nuôi con vật…) trong bữa ăn của trẻ. Đây chính là những việc làm tốt cho môi trường; ngoài ra còn hình thành lòng tự hào ở trẻ khi được góp công sức của mình làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ đó giáo dục trẻ biết muốn bảo vệ môi trường biển – hải đảo thì bản thân mỗi người cần phải biết góp sức bảo vệ môi trường chung nơi mình sống và học tập.
Sau giờ lao động cuối tuần tổ chức cho trẻ rửa tay, trước khi rửa tay cần hỏi trẻ cách làm thế nào để tiết kiệm nước: vặn vòi vừa phải, rửa xong vặn chặt vòi nước, rửa gọn gàng không làm nước vung bẩn ra ngoài bồn, sử dụng vừa đủ xà phòng… (Nhắc nhở trẻ ở các vùng hải đảo xa xôi luôn thiếu nguồn nước sạch trong sinh hoạt…). Khi thực hiện vệ sinh cá nhân phải đi đúng chỗ và biết sử dụng nước vừa đủ.
+ Lồng ghép vào giờ ăn
Giáo dục trẻ biết giúp cô chuẩn bị bữa ăn, trong giờ ăn cho trẻ biết những món ăn và nguồn thực phẩm từ biển cung cấp nhiều canxi rất tốt cho sức khỏe, khi ăn phải biết ăn hết suất, không làm rơi vãi thức ăn và cơm là một hành vi tiết kiệm, bảo vệ môi trường chung.
Khi ăn xong trẻ biết thu xếp chén muỗng vào đúng nơi quy định một cách gọn gàng. Sau khi ăn trẻ biết đánh răng, uống nước: nhắc trẻ biết lấy ly hứng nước, không vặn vòi nước chảy liên tục khi đánh răng và lấy nước uống vừa đủ, không đổ làm phung phí nguồn nước sạch.
+ Lồng ghép vào hoạt động chiều
Đối với hoạt động chiều là hoạt động củng cố lại kiến thức trẻ đã học ở buổi sáng và làm quen những kiến thức mới cho ngày học hôm sau, nên giáo viên cần phải chắt lọc những kiến thức cơ bản, ngắn gọn đã lồng ghép trong buổi sáng để củng cố lại cho trẻ hiểu và nắm rõ hơn.
Ví dụ: Hoạt động học buổi sáng với đề tài “Vẽ ngôi nhà của bé” cô đã cho trẻ xem hình ảnh các ngôi nhà khác nhau, ngôi nhà trên hải đảo để lồng ghép giáo dục bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo cho trẻ, thì buổi chiều cô gợi hỏi cho trẻ: Buổi sáng cô dạy cho các con những gì? Các con được xem những hình ảnh ngôi nhà ở đâu? Vì sao các bạn nhỏ sống trên hải đảo (để bảo vệ hải đảo) ? Các con làm gì để giúp các bạn nhỏ ngoài đảo xa?... để giáo dục trẻ yêu thương những bạn đang sống cùng gia đình và cha mẹ nơi hải đảo xa xôi để bảo vệ vùng biển đảo cho quê hương mình.
+ Lồng ghép vào hoạt động lễ hội
Trong những ngày lễ hội tôi thường cho trẻ đóng kịch về những câu chuyện, hát múa các bài hát có nội dung liên quan đến tài nguyên và môi trường biển – hải đảo, trẻ rất hứng thú khi được hòa mình vào nhân vật hay được thể hiện những bài
hát và điệu múa đã học, hay được hòa mình vào những nhân vật qua những câu chuyện “Sự tích quả dưa hấu; Ông lão đánh cá và con cá vàng; …” .
Tổ chức cho trẻ vẽ tranh về biển đảo quê hương em trong tuần lễ chào mừng ngày Thành lập Quân đội Nhân dân 22/ 12 để gởi tặng các chú bộ đội và các bạn nơi đảo xa.
+ Tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng tham gia giáo dục trẻ
- Ở lứa tuổi mầm non, trẻ học bằng phương pháp trực quan, nêu gương nên người lớn luôn luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Tôi thường xuyên tuyên truyền vận động phụ huynh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo trong cuộc sống hàng ngày; nhắc nhở phụ huynh cùng tham gia thực hiện bằng khẩu hiệu “Hãy phủ xanh ngôi nhà của chúng ta” bằng các biện pháp trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua bảng tuyên truyền của lớp.
- Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để phụ huynh ủng hộ cây xanh, cây hoa tạo khung cảnh góc thiên nhiên của lớp học thêm tươi đẹp để tạo cơ hội cho trẻ chăm sóc cây hoa.
Sau một thời gian tôi áp dụng giải pháp “Lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo” vào mọi lúc mọi nơi thì kết quả trên trẻ có hiệu quả rõ rệt như đa số trẻ biết kể đúng tên một số bãi biển đẹp, tên những hòn đảo nổi tiếng của Việt Nam, trẻ biết kể tên các nguồn tài nguyên từ biển, biết được những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển – hải đảo và phân biệt được những hành vi đúng sai với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo.
Tuy vậy, khi sử dụng biện pháp này tôi rút ra hạn chế như cần tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động trải nghiệm với trò chơi vận động, tạo hình… về những nội dung liên quan đến bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo thì chắc chắn trẻ sẽ thích thú hơn. Nên tôi cần rút kinh nghiệm cho bản thân là khi tổ chức hoạt
động lồng ghép, giáo viên cần lựa chọn phương pháp phải phù hợp và gắn với công việc thực tế của trẻ, tình hình thực tế của lớp để qua đó hình thành cho trẻ những hành vi, thái độ tốt với tài nguyên và môi trường biển – hải đảo. Muốn làm tốt công tác này giáo viên cần phải nắm chắc nội dung giáo dục để vận dụng các phương pháp giáo dục lồng ghép một cách linh hoạt và thực hiện nghiêm túc và thường xuyên, tạo cơ hội cho tất cả trẻ được tham gia các hoạt động giáo dục bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – hải đảo, giáo viên phải luôn gương mẫu cho trẻ làm theo, luôn có ý thức hướng dẫn và nhắc nhở trẻ kiên trì thực hiện những việc làm hàng ngày thật có ý nghĩa với nội dung giáo dục của cô.