CÔNG NGHỆ BÀO CHẾ MỘT SỐ DẠNG THUỐC
Bài 12 CÔNG NGHỆ BÀO CHẾ VIÊN NANG CỨNG
12.2. Thành phần viên nang
a) Thành phần cấu tạo
Vỏ nang được chế tạo từ nguyên liệu chính là gelatin, các chất màu, chất tạo độ đục như titan dioxyd và các chất phụ gia khác.
Vỏ nang cũng có thể được chế tạo bằng dẫn chất cellulose, loại vỏ nang này ít được sử dụng vì độ tan kém và giá thành cao.
b) Hình dạng và kích thước
Hình dạng. Vỏ nang có hình thuôn dài, gồm hai phần được gọi là nắp nang (cap) và thân nang (body). Trên thân nang và nắp nang có gờ khoá để nắp nang không bị tách rời ra trước và sau khi đóng thuốc. Một số nang có hai khoá gồm một gờ khoá và một lỗ. Vỏ nang được cung cấp trong tình trạng đậy nắp tạm, sau khi đóng thuốc xong sẽ được đậy nắp chặt.
Hình 12.2. Vỏ nang rỗng Hình 12.3. Nắp nang và thân nang:
1. Vị trí mở; 2. Đóng nắp tạm;
3. Đóng nắp sau khi đóng thuốc.
Hình 12.4. Nang có gờ khoá
Kích thước. Vỏ nang được sản xuất với nhiều cỡ khác nhau, được đánh số từ 00 đến 5, mỗi cỡ có một dung tích nhất định. Các cỡ nang thông dụng là cỡ số 0, số 1 và số 2.
Bảng 12.1. Dung tích các cỡ nang
Cỡ nang Dung tích (ml)
00 0,95
0 0,67
1 0,48
2 0,38
3 0,28
4 0,21
5 0,13
c) Bảo quản vỏ nang
Vỏ nang cứng có hàm ẩm khoảng 13 ÷ 16%. Hàm ẩm của nang đóng vai trò như một chất hoá dẻo giữ cho nang không bị dòn và đảm bảo độ bền của vỏ nang. Khi hàm ẩm trong vỏ nang thấp, vỏ nang sẽ bị dòn; khi hàm ẩm cao, vỏ nang sẽ bị mềm. Hàm ẩm trong vỏ nang cũng ảnh hưởng đến kích thước vỏ nang. Các nghiên cứu tương quan giữa ảnh hưởng của hàm ẩm có trong vỏ nang cứng và kích thước cho thấy nếu hàm ẩm trong vỏ nang thay đổi 1% thì kích thuớc sẽ thay đổi 0,5%. Sự giảm hoặc tăng hàm ẩm có trong vỏ nang không mang tính chất thuận nghịch, nếu hàm ẩm bị mất quá nhiều thì sẽ khó có thể phục hồi lại hàm ẩm bình thường khi được bảo quản lại ở điều kiện tối ưu cho vỏ nang (RH 35 ÷ 50%). Vỏ nang dùng cho máy đóng nang tốc độ cao càng cần phải được bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt hơn để kích thước không bị thay đổi.
Các nhà sản xuất vỏ nang thường đóng gói vỏ nang trong bao bì kín, chống ẩm tốt. Các vỏ nang sẽ có tuổi thọ cao nếu được bảo quản trong bao bì kín, điều kiện nhiệt độ trong khoảng 10 ÷ 35oC và hàm ẩm trong khoảng 20 ÷ 60%. Tránh bảo quản vỏ nang rỗng ở gần nguồn nhiệt, ánh sáng chiếu trực tiếp.
d) Tiêu chuẩn vỏ nang cứng
Kích thước: Kích thước của vỏ nang phải được chế tạo theo đúng tiêu chuẩn để có thể dùng được trong tất cả các máy đóng nang khác nhau.
Độ tan: Vỏ nang không được tan trong nước ở nhiệt độ 25oC trong vòng 15 phút và phải tan hoặc rã hoàn toàn trong dung dịch acid hydrochlorid 0,5% ở nhiệt độ 36 ÷ 38oC trong vòng 15 phút.
Hàm ẩm và độ dòn của vỏ nang: Hàm ẩm của vỏ nang rỗng phải trong khoảng 13 ÷ 16%, xác định bằng phương pháp sấy ở 105oC. Độ dòn của vỏ nang có thể được kiểm tra bằng cách bóp nhẹ: vỏ nang không được vỡ.
Mùi: Vỏ nang phải không được thôi ra mùi lạ sau khi bảo quản trong bình đậy kín ở nhiệt độ 30 ÷ 40oC trong thời gian 24 giờ.
e) Các khiếm khuyết của vỏ nang
Các vỏ nang có thể có những khiếm khuyết nhất định trong quá trình sản xuất. Các khiếm khuyết này được chia thành ba loại, tuỳ theo mức độ quan trọng khác nhau:
Khiếm khuyết tới hạn là những khiếm khuyết có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đóng thuốc vào nang bao gồm: nang quá ngắn hoặc quá dài, vỏ nang bị bẹp, bị rạn nứt, có lỗ hoặc biến dạng.
Khiếm khuyết lớn là những khiếm khuyết có thể gây những hậu quả nhất định khi sử dụng, hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu của thành phẩm viên nang như: nang bị hở nắp, đậy hai nắp, thành nang mỏng, hoặc nứt dọc theo thân nang.
Khiếm khuyết nhỏ là những khiếm khuyết không ảnh hưởng đến khả năng trị liệu của thành phẩm mà chỉ ảnh hưởng đến hình dạng cảm quan của thuốc như vỏ nang bị ố, có đốm, có bọt khí.
12.2.2. Thành phần dược chất trong viên nang
Dược chất trong nang có thể ở nhiều dạng khác nhau, trong phần này chỉ trình bày thành phần cơ bản của hỗn hợp bột thuốc và cốm thuốc để đóng vào vỏ nang.
Xây dựng công thức cho viên nang
Khối thuốc (hạt, bột) để đóng vào nang phải có hai tính chất cơ bản là độ trơn chảy, tính chịu nén. Các thuộc tính này có thể thay đổi nhất định tuỳ thuộc vào thiết bị đóng thuốc vào nang.
Khối thuốc trong nang nên có hàm lượng lớn hơn 10mg, trong trường hợp hoạt chất có hàm lượng thấp nên điều chế viên nén giá thành sẽ rẻ hơn. Cần lưu ý là các dược chất có tính hút ẩm cao có khả năng làm mềm vỏ nang, các dược chất có tính kiềm cao hoặc acid cao cũng có thể làm hỏng vỏ nang.
Để tăng lưu tính và tính chịu nén của khối thuốc, có thể áp dụng các phương pháp xát hạt khô hoặc xát hạt ướt.
Kích thước của hạt nên phù hợp để có thể đảm bảo hạt chảy đều vào nang đồng thời hạn chế được sai số khối lượng thuốc trong nang.
Các tá dược thường dùng để điều chế khối bột gồm:
Tá dược độn.
Các loại tá dược độn dùng trong viên nén như tinh bột, lactose, dicalci phosphat đều có thể được dùng trong viên nang. Các loại tinh bột dập thẳng như tinh bột tiền gelatin hoá, tinh bột phun sấy có thể được dùng để gia tăng lưu tính và tính chịu nén của khối hạt. Khi đóng nang bằng máy có vít phân liều, nên sử dụng các loại tá dược dập thẳng để giúp các khối thuốc không bị rời ra khi vít phân liều di chuyển từ vị trí nhận hạt đến vị trí vỏ nang.
Tá dược trơn.
Tá dược trơn giúp cho hạt chảy đều. Sự trơn chảy của khối hạt hoặc bột cần thiết cho tất cả các máy đóng nang khác nhau. Độ trơn chảy đặc biệt cần thiết trong trường hợp đóng thuốc theo nguyên tắc đĩa phân liều. Các tá dược trơn thường dùng là Mg stearat, talc, tinh bột bắp…
Tá dược chống dính.
Các tá dược chống dính vừa có tác dụng làm tăng lưu tính của khối bột (hoặc hạt) vừa tránh sự kết dính của bột thuốc lên các bề mặt kim loại. Sự kết dính của bột trên piston của vít phân liều hoặc trên trục nén của máy hoạt động theo cơ chế đĩa phân liều là một nguyên nhân dẫn đến sai số khối lượng.
Tá dược rã. Tá dược rã có thể không cần thiết trong trường hợp đóng bột không nén vào nang. Trong trường hợp có xát hạt hoặc trong trường hợp có nén ép (máy có đĩa phân liều hoặc vít phân liều) thì nên có tá dược rã để giúp thuốc phóng thích nhanh. Nên sử dụng các tá dược siêu rã để có thể chọn được cỡ nang nhỏ.
Chất gây thấm.
Trong trường hợp dược chất xơ nước, có thể thêm các chất diện hoạt như Na lauryl sulfat, Na docusat hoặc Tween để giúp bề mặt tiểu phân dược chất thấm ướt nhanh.