CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG Ở VIỆT
2.1 Đặc điểm người tiêu dùng Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đông dân số (gần 87 triệu người theo số liệu năm 2011), cơ cấu dân số của Việt Nam đang được bước vào thời kỳ cơ cấu dân số
“vàng” có nghĩa là tỉ lệ dân số trẻ của Việt Nam ngày càng tăng lên. Mỗi người dân sẽ là một người tiêu dùng, dân số ngày càng tăng thì lượng người tiêu dùng của Việt Nam sẽ càng tăng lên đồng thời sự thay đổi trong cơ cấu dân số cũng sẽ ảnh hưởng đến đặc điểm, tâm lý tiêu dùng, ví dụ cơ cấu dân số
“già”, “trẻ” cũng có ảnh hường đến tiêu dùng.
Biểu đồ thể hiện tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam (Nguồn: http://forum.vietstock.vn)
Xã hội ngày càng phát triển nên nhu cầu của con người ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng sẽ trở nên “khó tính” hơn trong quyết định tiêu
dùng của mình. Như ở Việt Nam, thời kì bao cấp đa số nhu cầu của người dân chỉ là làm sao đủ cơm ăn áo mặc, còn ngày nay khi nền kinh tế ngày một phát triển hơn, thu nhập của người dân tăng, họ có cơ hội hơn trong việc chăm sóc bản thân mình nên nhu cầu của họ không chỉ dừng lại ở việc “ăn no mặc ấm”
nữa mà là “ăn ngon mặc đẹp”.
Ngày nay, xu hướng và thói quen tiêu dùng mua sắm của người Việt Nam đang ngày một thay đổi như thói quen mua sắm hiện đại (mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên dụng…) của người Việt Nam tăng từ 9% (2005) lên 14% vào năm 2007, các kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh…
Nắm được đặc điểm, tâm lí, thói quen, xu hướng tiêu dùng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sau đây là một số đặc điểm tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam:
- Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam rất đa dạng, do đó người tiêu dùng phải được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn và với mỗi góc nhìn sẽ luôn có những kết luận khác biệt rất lớn, ngay cả với cùng một cá nhân cụ thể. Ví dụ như một phụ nữ 35 tuổi, chỉ là 1 cá thể, nhưng nếu nhìn dưới góc độ thị trường thì có thể chia ra làm nhiều nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cụ thể là với tư cách là người tiêu dùng mỹ phẩm, phụ nữ trung niên đó sẽ có các quan tâm đến mỹ phẩm phục hồi làn da, chống lão hóa… và một lần mua hàng có thể từ hàng trăm ngàn đến vài triệu đồng, mỗi mức khuyến mãi có thể lên đến vài trăm ngàn cho mỗi lần mua sắm. Nếu xét họ dưới góc độ là bà nội trợ chính của gia đình (đối với người có gia đình) thì, người này sẽ quan tâm đến giá cả của đường muối, mì ăn liền, dầu ăn, nước tương, nước mắm… mỗi lần mua hàng sẽ có thể từ vài ngàn đồng đến vài trăm nghìn đồng và mức khuyến mãi có thể chỉ là vài cọng rau thơm. Cũng là cá thể này nhưng nếu họ là trưởng
phòng của một công ty lớn, mỗi lần mua dịch vụ hoặc hàng hóa của có thể lên đến vài tỷ đồng và mức chiết khấu có thể cũng tương đương như vậy…
- Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa, vì vậy, tâm lý tiêu dùng của xã hội cũng có những thay đổi lớn. Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo thì 2/3 số người được nghiên cứu quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm, 6/10 người thích có những món đồ mới nhất, 1/3 thích mua những thương hiệu mới ngay khi chúng được tung ra thị trường. Giá cả và thương hiệu đã trở thành “bộ mặt” phản ánh thành công của một người trong xã hội.
- Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, internet cũng như các dịch vụ truyền thông ngày càng phát triển, người tiêu dùng Việt giờ đây thường cập nhật những thông tin về sản phẩm mới, xu hướng mua hàng qua internet, qua quảng cáo truyền hình ngày càng phổ biến hơn hay nói cách khác là xu hướng “mua hàng tại gia” ngày càng phát triển. Cũng cùng với xu hướng dùng điện thoại di động và internet đang tăng lên theo cấp số nhân của người dân Việt Nam thì các doanh nghiệp muốn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bắt buộc phải kết nối với họ bằng những thông điệp và phương tiện truyền thông mang tính xã hội nhiều hơn.
Tính đến cuối tháng 7, ở Việt Nam đã có trên 157,8 triệu thuê bao điện thoại, tăng 46,3% so với cùng thời điểm năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, thuê bao di động là hơn 140 triệu. Như vậy ở Việt Nam, số lượng thuê bao di động gần gấp đôi dân số Việt Nam. Do đó, việc “số hóa”, “công nghệ hóa” việc tiêu dùng cũng đang có xu hướng phát triển.
(Nguồn số liệu: Bài “Thuê bao di động đã gần gấp đôi dân số Việt Nam”
được đăng tải trên website: vnexpress.net)
Tốc độ tăng trưởng của Internet đang làm thay đổi nhiều chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, quảng bá thương hiệu hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Trong giai đoạn 2000 – 2010, tỉ lệ tăng
trưởng người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt mức 12%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Sau gần 14 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập cộng đồng Internet toàn cầu (1/12/1997), theo tổng cục Thống kê lượng người sử dụng Internet trong nước tính đến tháng 7 năm 2011 đã vượt qua con số 31,1 triệu người. Sự bùng nổ của internet đang thực sự tạo ra một cuộc cách mạng mới trong xu hướng tiêu dùng hiện đại. Chính điều này giúp phương tiện này trở thành một kênh tiếp thị hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận chính xác hơn đối tượng khách hàng tiêu dùng năng động. Khách hàng ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin sản phẩm trên mạng để so sánh cũng như quyết định có nên mua sản phẩm hay dịch vụ đó không.
- Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý “chuộng” hàng khuyến mại. Hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam hay tìm các sản phẩm khuyến mại khi đang đi mua sắm, trong khi tỷ lệ này trong khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ là 38%. Theo một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen về hoạt động mua sắm của người tiêu dùng ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy 87% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng mua hàng khuyến mại, trong khi tỷ lệ bình quân khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ là 68%. 56% người tiêu dùng Việt Nam hay tìm các sản phẩm khuyến mại khi đang đi mua sắm, so với mức 38% của khu vực. Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng thay đổi nhãn hiệu cũng như địa chỉ mua sắm quen thuộc nếu như có những nhãn hiệu khác, địa chỉ khác bán sản phẩm tương đương và kèm theo những hình thức khuyến mại hấp dẫn.
- Ưa chuộng hàng hóa giá rẻ cũng là một trong những đặc điểm tâm lý tiêu dùng đáng lưu ý của người tiêu dùng Việt Nam.
- Người Việt Nam sẽ ngày càng trở nên “khó tính” hơn trong việc lựa chọn hàng hóa. Nguyên nhân là do sự suy giảm của kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến kinh tế và thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ số lạm phát cao cùng với những dấu hiệu như lãi suất ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá VNĐ/USD và giá
vàng biến động, doanh nghiệp khát vốn, sản xuất trì trệ, lao động không việc làm gia tăng… đã ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng.
- Sự “trung thành” của người tiêu dùng Việt Nam với một nhãn hiệu hàng hóa không bền (nguyên nhân là do sự nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu là không đầy đủ, nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam chưa quan tâm đến việc quảng bá, khai thác sức mạnh của nhãn hiệu).
- Người tiêu dùng Việt chưa có thói quen nghiên cứu các thông tin về hàng hóa dịch vụ trước khi mua, thường có xu hướng tiêu dùng theo số đông, thông qua những lời truyền miệng, theo xu hướng.
- Người tiêu dùng Việt Nam còn dễ bị hấp dẫn bởi những hình ảnh, những thông tin hấp dẫn qua quảng cáo, truyền thông.
- Người tiêu dùng Việt Nam có từng phân khúc thị trường rất rõ ràng.
Những phân khúc thị trường về giới tính, độ tuổi, thu nhập…có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tiêu dùng như sự khác biệt về tâm lý tiêu dùng giữa nam giới và nữ giới, giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp, giữa thanh niên và người cao tuổi…
- Người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa nhanh nhạy với thị trường, thị trường thường thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, một sản phẩm hôm nay là mới nhưng hôm sau đã là lỗi thời lạc hậu, đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen cập nhật những thông tin về thị trường.
- Người Việt Nam vẫn có tâm lí “sính” hàng ngoại hơn hàng nội, họ luôn cho rằng cùng một loại hàng hóa thì hàng sản xuất ở nước ngoài sẽ có chất lượng cao hơn, người tiêu dùng sẽ chấp nhận mua sản phẩm ấy với giá cao.
Lấy ví dụ như tâm lý tiêu dùng của những bà mẹ khi đi mua sữa cho con, các bà mẹ luôn cho rằng sữa ngoại sẽ tốt hơn sữa nội, sữa ngoại sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp con mình phát triển toàn diện, sẽ thông minh và thường không “tin tưởng” vào sữa nội vì giá sữa nội so với sữa ngoại thường quá rẻ mà “của rẻ thường là của ôi”, chính tâm lý này của người tiêu dùng sữa đã đẩy giá sữa ngoại lên cao.
Trên đây là một số đặc điểm, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam, các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thường nghiên cứu và nắm bắt được những đặc điểm này để sản xuất ra các hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng song cũng có một số tổ chức lợi dụng những đặc điểm, tâm lý này để sản xuất ra những mặt hàng kém chất lượng, vi phạm những quyền và lợi ích của người tiêu dùng