Tiếp nối những những lý thuyết trình bày trong chương 1, ở chương 2 tác giả sẽ kết hợp những lý thuyết đó vào thực tiễn thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2007 – 2009. Đưa ra các nhận định về ưu cũng như nhược điểm của phương pháp phân tích kỹ thuật khi ứng dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xây dựng một nhóm chỉ báo kỹ thuật ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
2.1 Tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam
Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bằng việc đưa vào vận hành Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh ngày 20/7/2000, và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000. Ở thời điểm lúc bấy giờ, chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết hai loại cổ phiếu (REE và SAM) với số vốn 270 tỷ đồng (nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh). Tiếp nối Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/3/2005 Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức đi vào hoạt động . Hai chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam ứng với sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội sau này là VN-Index và HNX-Index.
Tính đến hết 2009 thị trường chứng khóa Việt Nam đã đi vào hoạt động được 10 năm. Qua 10 năm hoạt động, quy mô thị trường đã được nâng lên đáng kể với vốn hòa toàn thị trường 620.000 tỷ đồng chiếm 38% GDP. Số lượng công ty niêm yết tăng từ 2 lên 453 trên cả hai sàn chứng khoán Tp. HCM và Hà Nội.
Tính thanh khoản của thị trường cũng khá cao với mức giá trị giao dịch bình quân trên cả hai sàn là 3000 tỷ đồng trên mỗi phiên giao dịch (nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước).
Kể từ khi đi vào hoạt động đến cuối 2009 chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm khác nhau. Để rõ hơn về điều này chúng cùng ta nhìn vào diễn biến của chỉ số VN-Index và HNX-Index ở hình 2.1 và 2.2 dưới đây.
Hình 2.1: Diễn biến VN-Index giai đoạn 2000-2009
Nguồn: www.cổ phiếu68.vn
Qua biểu đồ hình 2.1 ta thấy trong suốt giai đoạn năm 2000-2009 chỉ số VN- Index dao động khá nhiều với biên độ rộng. Không kể năm đầu tiên (năm 2000) từ khi đi vào hoạt động thì chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh 1170,7 điểm vào 12/3/2007 cao gấp 8.9 lần so với mức đáy 130.9 điểm thiết lập vào 24/10/2003.
Hình 2.2: Diễn biến HNX-Index giai đoạn 2006-2009.
Nguồn: www.cophieu68.vn
Qua biểu đồ hình 2.2 ta thấy chỉ số HNX-Index dao động cũng khá mạnh trong giai đoạn 2006-2009. Mức đỉnh cao nhất là 459.4 điểm được thiết lập vào
20/3/2007 và mức đáy thấp nhất là 78.1 điểm tại ngày 24/2/2009, suy giảm 5.9 lần so với mức đỉnh.
Phân tích diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2000- 2009
Giai đoạn 2000-2005: Giai đoạn chập chững biết đi của thị trường chứng khoán. Ở giai đoạn này, sự chuyển biến của thị trường không có gì nổi bật, ngoại trừ cơn sốt vào năm 2001. Chỉ số VN-Index cao nhất đạt 571,04 điểm sau sáu tháng đầu năm 2001 nhưng chỉ chưa đầy trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10, các cổ phiếu niêm yết đã mất tới 70% giá trị. Chỉ số VN-Index sụt giảm từ 571,04 vào ngày 25/4/2001 xuống chỉ còn 200 điểm vào tháng 10/2001.
(Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh).
Sự bừng tỉnh dần của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện từ 2005 khi tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên từ 30% lên 49% (trừ lĩnh vực ngân hàng). Trong 5 năm đầu tiên, dường như thị trường không thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, các diễn biến tăng giảm của thị trường chưa tạo ra tác động xã hội mở rộng để có thể ảnh hưởng tới sự vận hành của nền kinh tế cũng như tới cuộc sống của mỗi người dân. Kết thúc năm 2005 thị trường dừng ở mức 307.5 điểm.
Giai đoạn 2006: Sự phát triển đột phá của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với mức tăng trưởng 60% từ đầu cho đến giữa năm, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành “điểm” có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới sau Dimbaque. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 13,8 tỉ USD cuối năm 2006 (chiếm 22,7% GDP). Giá trị cổ phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ đạt 4 tỉ USD, chiếm 16,4% vốn hóa của toàn thị trường. Năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, chỉ số VN-Index tăng 144% , HNX-Index tăng 152%.
Giai đoạn 2007: Giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ
Tiếp theo sự phát triển đột phá, năm 2007 là giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ. VN-Index đạt đỉnh 1.170,67 điểm và HNX-Index chạm mốc 459,36 điểm trong suốt 10 năm hoạt động. Nhìn chung diễn biến của thị trường và giá cả chứng khoán trong các phiên giao dịch có nhiều biến động. Tại sở giao dịch
chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2,3 tỷ chứng khoán tương đương với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 224.000 tỷ đồng, gấp 2 lần khối lượng và 2,8 lần giá trị giao dịch so với năm 2006. Tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 616,3 triệu chứng khoán tương đương với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 63.859 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần về khối lượng và 15,8 lần về giá trị giao dịch so với năm 2006. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, VN-Index đạt 927,02 điểm, HNX-Index dừng ở mức 323,55 điểm. Sau 1 năm hoạt động VN- Index đạt được mức tăng trưởng 23,3%; HNX-Index tăng 33,2% so với mức điểm thiết lập vào cuối năm 2006.
Giai đoạn 2008: Một năm sụt giảm
Cùng trong xu thế chung của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2008 với sự sụt giảm mạnh, VN-Index còn 315,6 điểm và HNX- Index là 105,1 điểm. Các thông tin tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn này chủ yếu xuất phát từ nội tại nền kinh tế. Trong đó nổi bật là sự gia tăng lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng nhà nước, sự leo dốc của giá xăng dầu và sức ép giải chấp từ phía ngân hàng đối với các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó nguyên nhân tác động lớn nhất tới TTCK trong giai đoạn này chính là sự lan tỏa mạnh của cuộc khủng hoản tài chính trên toàn thế giới.
Giai đoạn 2009:
Xu thế giảm điểm trong năm 2008 tiếp tục lan tỏa đến 2009. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3 thị trường đã tăng điểm nhẹ trở lại khi tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi. Doanh nghiệp làm ăn có lãi là những yếu tố giúp cho thị trường tiếp tục tăng điểm kể từ Q2 trở đi. Kết thúc 2009 VN-Index đạt mức 494,8 điểm và HNX-Index là 165,6 điểm.
Những thông tin tốt được công bố từ nền kinh tế Mỹ (nền kinh tế đầu tàu thế giới) cho thấy cuộc khủng hoản tài chính đã dần qua đi, cùng với những chính sách tiền tệ linh hoạt từ phía ngân hàng nhà nước, hi vọng trong thời gian tới thị trường chứng khoán nước ta sẽ ngày càng khởi sắc.
2.2 Thực trạng sử dụng phân tích kỹ thuật trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích được dùng rất phổ biến trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán thế giới nói riêng. Ở Việt Nam, phương pháp phân tích này được các nhà phân tích đưa vào sử dụng trên thị trường chứng khoán cách đây cũng khá lâu. Tuy nhiên nếu xét về mức độ phổ biến thì chỉ trong vài năm trở lại đây.
Dễ bắt gặp trong màn hình máy tính của nhiều nhà đầu tư những đồ thị, chỉ báo về giá cổ phiếu khi bạn đặt chân đến sàn chứng khoán trong giờ giao dịch. Điều này chứng tỏ nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã biết đến phân tích kỹ thuật và dùng nó để phân tích ra quyết định đầu tư . Các công ty chứng khoán như (Rồng Việt, Gia Quyền, SBS, FPT…) cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về phân tích kỹ thuật, nhằm giúp nhà đầu tư hiểu hơn về cách sử dụng phương pháp phân tích này và để tăng thêm tính công chúng cho nó. Bên cạnh đó, việc giảng dạy phân tích kỹ thuật cũng đang xảy ra rầm rộ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, bằng chứng là có rất nhiều trung tâm đào tạo cùng với số lượng học viên tham gia khá đông. Cụ thể một số trung tâm đào tạo như Trường đại học Ngân Hàng Tp. HCM, Ủy ban chứng khoán, Trung tâm đào tạo Vinafx…Những dấu hiệu này cho thấy phân tích kỹ thuật đã và đang phát triển khá mạnh ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
2.3 Ứng dụng phân tích kỹ thuật trong đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2007-2009.
2.3.1 Các hình mẫu kỹ thuật a. Mẫu hình đảo chiều chính
Mẫu hình đầu vai thuận
Như đã trình bày trong chương 1 về sự đảo chiều của giá chứng khoán khi xuất hiện mẫu đầu vai thuận. Tuy nhiên để rõ hơn ta cùng đi vào phân tích mẫu hình đầu vai thuận qua diễn biến giá cổ phiếu DMP (công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ) giai đoạn 2008
Hình 2.3: Biến động giá theo mẫu hình đầu vai thuận của DPM giai đoạn 2008
Nguồn: sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM
Nhìn vào hình 2.3 trên ta thấy diễn biến giá của công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ (DPM) giai đoạn 2008 đã hình thành một mẫu hình đảo chiều chính (mẫu hình đầu vai thuận). Tiếp nối xu hướng tăng giá bắt đầu từ giữa tháng 6 kéo dài sang tháng 7 tạo nên một đỉnh giá 59.000đ/cp (vai trái) và sau đó giảm xuống cùng với khối lượng giao dịch lớn (4.523.480cp/phiên). Tuy nhiên việc giảm giá này không kéo dài mà chỉ mang tích chất củng cố xu hướng tăng.
Quay đầu tăng điểm sau khi điểu chỉnh nhẹ đã nâng mức giá của DPM lên một đỉnh mới 67.500đ/cp(đầu) vào cuối tháng 8 cao hơn mức đỉnh đã thiết lập trước đó. Một lần nữa giá lại bị điều chỉnh xuống gần mức giá điều chỉnh trong lần trước.
Sự phục hồi lần thứ 2 (vai phải) ở mức khối lượng giao dịch nhỏ hơn đáng kể làm cho đợt phục hồi này không thể đạt đến mức cao như đỉnh trước(đầu). Dấu hiệu này cho thấy sự đuối sức, giá không thể tiếp tục tăng điểm mà ngược lại giảm điểm sau đó. Một sự kết thúc của mẫu hình này khi giá vượt xuống đường viền cổ và báo hiệu cho một đợt giảm giá tiếp theo sau đó.
Mẫu hình đầu vai ngược
Mẫu hình này chỉ là sự đảo ngược của mẫu hình đầu vai thuận. Như đã thấy trong hình 2.4, sự biến động giá của VPK từ đầu tháng 12/2008 đến 5/2009 đã hình thành nên mẫu hình đầu vai ngược với các mốc vai phải, đầu, vai trái lần
lược là 7.700, 5.500 và 7.900đồng/cổ phiếu. Sự bức phá của giá vượt qua đường viền cổ vào thời điểm tháng 5/2009 là điểm quyết định cho viêc hoàn tất mẫu hình đầu vai ngược và báo hiệu cho một đợt tăng giá tiếp theo sau đó.
Khối lượng giao dịch giữ vai trò rất quan trọng trong việc xác định hoàn tất mẫu hình đầu vai ngược. Quan sát đồ thị trong hình 2.4 ta thấy sự phục hồi từ đáy đầu sẽ không chỉ một sự gia tăng trong hoạt động giao dịch mà còn cho thấy mức độ khối lượng thường vượt quá khối lượng vai trái. Điều này chỉ ra rằng, mức giá 5.500đ/cp tại đáy đầu được các nhà đầu tư cho là hợp lý để mua vào khiến cầu vượt cung đẩy giá lên. Tại điểm bức phá của giá lên trên đường viền cổ thường đi kèm với sự gia tăng đột ngột trong khối lượng giao dịch nếu tín hiệu tăng giá theo sau đó là đúng đắn.
Hình 2.4: Một mẫu hình đầu vai ngược của công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật (VPK) giai đoạn cuối 2008 và đầu 2009.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM Mẫu hình hai đỉnh, hai đáy
Giá cổ phiếu sẽ tăng khi hình thành mẫu hình hai đáy và ngược lại sẽ giảm với mẫu hình hai đỉnh. Để tiếp cận các nhận định này cụ thể hơn, ta đi vào phân tích diễn biến giá cổ phiếu của công ty cổ phần Kinh Đô (KDC).
Hình 2.5: Biến động giá cổ phiếu KDC (Công ty Cổ phần Kinh Đô) ở giai đoạn 2009 theo mẫu hình hai đỉnh và hai đáy.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM
Qua đồ thị giá cổ phiếu KDC ở hình 2.5 ta thấy có sự hình thành mẫu hình hai đỉnh và hai đáy. Thứ nhất là mẫu hình hai đáy, tại ngày 1/7/2009 cổ phiếu KDC thiết lập một mức đáy trong xu hướng giảm giá ngắn hạn ở mức 41.600đ/cp và sau đó tăng giá trở lại. Do vẫn nằm trong xu hướng giảm giá nên cổ phiếu KDC chỉ tăng nhẹ lên mức 46.000đ/cp và tiếp tục xu hướng giảm trước đó. Tuy nhiên trong lần giảm này, giá của KDC không vượt qua được mức đáy đã thiết lập trước đó mà chỉ dừng lại ở mức 42.300đ/cp. Đến thời điểm này thì các nhà phân tích kỹ thuật có thể đưa ra dự báo về sự tăng giá của KDC. Quan sát diễn biến giá của KDC cho thấy dự báo này hoàn toàn chính xác. Sau khi hoàn tất mẫu hình hai đáy, KDC đã tăng lên mức giá rất cao 100.000đ/cp.
Tiếp theo là mẫu hình hai đỉnh. Sau khi hoàn tất mẫu hình hai đáy, KDC đã tăng giá rất mạnh, thiết lập đỉnh thứ nhất tại mức 100.000đ/cp rồi giảm xuống mức 84.500đ/cp. Trong đợt giảm giá này, các nhà đầu tư cho rằng đó chỉ là sự điều chỉnh nhẹ để củng cố xu hướng tăng giá tiếp theo của KDC. Do đó họ quyết định thu gom cổ phiến khiến giá tăng lên và thiết lập mức đỉnh thứ hai. Đỉnh thứ hai không vượt qua mức đỉnh thứ nhất đã thiết lập trước đó. Điều này cho thấy sự đuối sức trong xu hướng tăng, và báo hiệu hiện tượng đảo chiều xu hướng sẽ xảy
ra sau đó. Khi giá vượt qua mức đáy 84.500đ/cp thể hiện chắc chắn xu hướng giảm tiếp sau đó của cổ phiếu KDC.
b. Mẫu hình cũng cố xu hướng
Tương tự như phân tích các mẫu hình đảo chiều chính ở phần trên. Trong phần này, tác giả đi vào phân tích biến động giá của cổ phiếu KHA, PVT, KLS theo lý thuyết về mẫu hình củng cố xu hướng đã trình bày ở chương 1.
Tam giác hướng lên
Hình 2.6: Mẫu hình tam giác hướng lên của giá cổ phiếu KHA vào giữa năm 2009.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM
Biểu đồ giá chứng khoán công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA) hình 2.6 hình thành nên tam giác hướng lên vào giữa năm 2009. Ta thấy đường nằm ngang ở phía trên ở mức 24.300đ và đương phía dưới dốc lên, khoảng cách giữa đáy và đỉnh co hẹp lại theo chiều hướng lên đã dần tạo nên mẫu hình tam giác hướng lên này. Đường giá vượt lên đường nằm ngang phía trên quyết định việc hoàn tất mẫu hình và khẳng định xu hướng tăng giá hiện tại đang được cũng cố vững chắc. Thông thường sự phá vỡ đường phía trên có sự gia tăng mạnh trong khối lượng.
Sau khi mẫu hình này được hoàn tất, đường duy trì phía trên sẽ giữ vai trò là mức hỗ trợ cho xu hướng tiếp theo. Mục tiêu giá tối thiểu đạt được trong xu hướng tăng giá này được xác định bằng cách chiếu khoản cách ab được xác định trước đó vào từ điểm đường nang trên bị phá vỡ.
Tam giác hướng xuống
Hình 2.7: Diễn biến giá cổ phiếu PVT hình thành nên tam giác hướng xuống ở gần cuối năm 2008.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh
Mẫu hình này chỉ là một bức tranh phản chiếu của mẫu hình tam giác hướng lên. Như trong đồ thị giá (hình 2.7) của tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVT), đương phía trên dốc xuống và đường nằm ngang ở mức giá 17.300Đ/cp vào những tháng cuối 2008 đã hình thành nên mẫu hình tam giác hướng xuống.
Mẫu hình được hoàn tất khi đường giá phá vỡ đường ngang. Đây là tín hiệu củng cố thêm cho xu hướng giảm hiện hành.
Khi mẫu hình tam giác hướng xuống hoàn thành, đường nằm ngang đóng vai trò là ngưỡng kháng cự cho xu hướng sau đó. Việc xác định mức giá mục tiêu để mua vào tương tự như trong mẫu hình tam giác hướng lên.
Mẫu hình cờ chữ nhật và cờ đuôi nheo
Hình 2.8: Mẫu hình chữ nhật, cờ đuôi nheo đang bay trên đồ thị giá KLS ở giai đoạn 2009.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Vẫn chung mục đích tìm kiếm các tín hiệu cho biết xu hướng hiện tại đang được củng cố. Mẫu hình cờ chữ nhật và cờ đuôi nheo đang bay trong mô hình diễn biến giá cổ phiếu KLS (công ty cổ phần chứng khoán Kim Long) đã chỉ ra được điều này.
Trong xu hướng tăng giá bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10/2009 đã xuất hiện hai mẫu hình cờ chữ nhật và cờ đuôi nheo (hình 2.8). Việc xuất hiện hai mẫu hình này cho thấy xu hướng tăng giá hiện tại đang được củng cố khá vững. Giá KLS sau khi hoàn tất mẫu hình cờ chữ nhật đã tăng từ 35.600 lên 45.600đ/cp. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của mẫu hình cờ đuôi nheo đã đẩy mức giá của KLS lên mức cao mới 50.900đ/cp. Hai mẫu hình này tồn tại trong thời gian ngắn chỉ trong vài tuần kèm với khối lượng giao dịch không có gì là đột biến.
Sau khi tăng lên mức đỉnh 50.900 đ/cp thì giá KLS đã đảo chiều sau đó. Trong xu hướng giảm giá từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2009 cũng đã xuất hiện hai mẫu hình cờ chữ nhật và cờ đuôi nheo. Nhưng vì xu hướng này là xu hướng giảm nên sự xuất hiện của hai mẫu hình này cho tín hiệu củng cố xu hướng giảm giá