CHƯƠNG 3 LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN THƯƠNG NGHIỆP XHCN MIỀN BẮC
3.2. Phát triển thương nghiệp
3.2.1. Nội thương
Đại hội III và các hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng đã chỉ ra con đường phát triển của nền thương nghiệp miền Bắc Việt Nam là đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu bước đầu của 6 năm khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng là cơ sở để Đảng ta lãnh đạo công cuộc xây dựng một nền thương nghiệp miền Bắc XHCN trong giai đoạn mới.
Sự trưởng thành của thương nghiệp quốc doanh
Chấp hành các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, ngành Thương nghiệp, Bộ Nội thương đã có các chính sách và biện pháp cụ thể để thực hiện:
A, Bám sát các cơ sở sản xuất, tìm hiểu khả năng và yêu cầu của sản xuất. B; Tăng cường nắm nguồn hàng lương thực, thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ và chính sách mua ngoài nghĩa vụ theo giá khuyến khích. C; đối với hàng công nghiệp, cải tiến chế độ gia công đặt hàng trên cơ sở xác định có căn cứ các công thức gia công, tiêu chuẩn thương phẩm, tiến hành nghiệm thu hàng hoá, đồng thời tiến hành các hình thức bán nguyên liệu, chọn mua đối với một số loại hàng. D; cải tiến chế độ phân phối, thực hiện chính sách tiêu dùng hợp lí. E; tăng cường lực lượng của mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. G;
tiếp tục củng cố thị trường XHCN thống nhất. H; cải tiến hệ thống tổ chức và quản lí thương nghiệp [26;78].
Sau các kế hoạch khôi phục kinh tế và cải tạo XHCN, thương nghiệp quốc doanh đã được tổ chức từ Trung ương đến địa phương và từng bước nắm lấy vai trò lãnh đạo nền thương nghiệp quốc dân. Trong đó, về nguyên tắc là mậu dịch quốc doanh nắm các nguồn hàng chính (bán buôn) còn hợp tác xã có nhiệm vụ nắm bán lẻ. Trong thời gian đó, thương nghiệp quốc doanh đã từng bước trưởng thành và phát triển.
Thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Bộ nội thương với tư cách là bộ chủ quản đã tiến hành các biện pháp để nâng cao hơn nữa vị thế của thương nghiệp quốc doanh trong nền thương nghiệp quốc dân. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đó là tiếp tục kiện toàn, tăng cường và phát triển hệ thống thương nghiệp quốc doanh trên toàn lãnh thổ miền Bắc. Sau các kế hoạch trước đó, hệ thống thương nghiệp quốc doanh bao gồm cả mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã đã được tổ chức và kiện toàn.
Chính vì vậy trong giai đoạn này, nhiệm vụ của ngành là tăng cơ sở vật chất kĩ thuật nhằm đảm bảo ưu thế của thương nghiệp quốc doanh đối với thương nghiệp tư bản tư doanh. Tuy đầu tư của nhà nước thấp hơn rất nhiều so với trước đó (3,4%) trong khi nhiệm vụ này đối với thương nghiệp quốc doanh ngày càng lớn. Thế nên, thương nghiệp quốc doanh phải sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư đó cho công cuộc phát triển.
Trọng tâm công tác của nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất-kĩ thuật thương nghiệp trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất là việc sắp xếp lại mạng lưới thương nghiệp. Nó bao gồm việc tiếp tục việc phát triển mạng lưới các cửa hàng, kho, trạm, cùng các trang bị thương nghiệp và phân bố mạng lưới hợp lí giữa các khu vực, các ngành hàng và các khâu kinh doanh nhằm tăng năng lực tổ chức lưu chuyển hàng hoá và lãnh đạo toàn bộ hoạt động của thị trường [26;95].
Ngành thương nghiệp đã sử dụng có hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho việc phát triển hệ thống: Giá trị tài sản cố định của thương nghiệp tăng từ 1961- 1965 là 52,8 triệu đồng, chiếm 2,3% tài sản cố định quốc gia [26;97].
Bảng số liệu:
Số của hàng Năm 1965 so với 1960 (đv:%)
Cửa hàng bán lẻ của TN quốc doanh 1897 5148 271,5 Cửa hàng bán lẻ của hợp tác xã mua
bán 4490 9466 188,5
Bảng số liệu về đầu tư cơ sở vật chất cho thương nghiệp quốc doanh 1960- 1965 [26;97].
Tất nhiên mạng lưới thương nghiệp XHCN trên đây chưa phản ánh đầy đủ hệ thống mạng lưới thương nghiệp của thị trường có tổ chức. Vì sau cải tạo XHCN, ở miền Bắc nước ta đã tồn tại các hệ thống cơ sở của tư bản Nhà nước và các hình thức hợp tác của nhà nước và nhân dân. Tính riêng mạng lưới các cửa hàng ăn uống đã 571 cửa hàng (1965), ngoài ra, các hệ thống cửa hàng của bộ thương nghiệp quản lí có 2482 cửa hàng, chiếm 54,2% toàn bộ mạng lưới thương nghiệp bán lẻ (nếu cộng cả dịch vụ ăn uống thì đã chiếm đến 59,3%) [26;97].
Chính vì có hệ thống cửa hàng không ngừng phát triển và được củng cố nên thương nghiệp XHCN ngày càng chiếm ưu thế vượt trội so với thương nghiệp của các thành phần khác. Riêng hệ thống hợp tác xã mua bán đã không ngừng được phân bố lại nhằm kinh doanh hiệu quả hơn. Hơn 1 nửa số cửa hàng của hợp tác xã mua bán (3.765/8.466) đã được phân bố đến tận thôn xóm của miền Bắc.
Đồng thời với việc nắm nguồn hàng hiệu quả hơn của mậu dịch quốc doanh, việc hợp tác xã đã làm tốt công tác thu mua và phân phối hàng bán lẻ là một kết quả đáng ghi nhận của công cuộc xây dựng nền thương nghiệp mới XHCN. Nhờ những nỗ lực đó, một thị trường có tổ chức đã hình thành với vai trò chủ đạo của thương nghiệp quốc doanh. “Trong tổng mức bán lẻ xã hội, nếu như năm 1960, thị trường có tổ chức là 80,1 % và thị trường không có tổ chức chiếm 19, 9% thì đến năm 1965 tỷ trọng trên là 85,1/14,9%”[26;98].
Trong khi đó, việc đào tạo và sử dụng lao động của thương nghiệp quốc doanh đã có sự cải thiện căn bản. Nếu như trước đây, việc phát triển nghiệp quốc doanh chỉ nhằm tăng cường hệ thống các cửa hàng mà không chú ý nhiều đến nhân tố con người thì đến thời điểm này, việc đào tạo và sử dụng nhân lực nhìn chung được đầu tư và hiệu quả hơn nhiều. Nếu như năm 1960, mức trang bị cho người lao động là 675,6 đồng tiền vốn cố định, hiệu suất của vốn là 14,40 đồng, dung lượng của vốn mới tăng lên 0,07 đồng và năng suất lao động của nhân viên là 9.758,10 đồng thì đến năm 1965, các chỉ số tương ứng là 344,80/51,10/0,02/17.629,80 đồng [26;98-99]. Như vậy, năng suất lao động và các chỉ số khác đã tăng lên gấp đôi.
Bảng số liệu:
Năm Số vốn đầu tư (triệu đồng)
Số lao động (1.000 người)
Mức lưu chuyển bán lẻ (triệu đồng)
1960 50,0 74,0 722,1
1965 30,0 87,0 1.533,8
Bảng số liệu về hiệu quả của thương nghiệp quốc doanh [26;99].
Cùng với đó là công tác tư tưởng, chính trị cho đội ngũ tham gia vào công tác thương nghiệp trong cả nước. Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: Thương nghiệp là người nội trợ của toàn xã hội... [49;426]. Chính vì quan điểm thương nghiệp là ngành phục vụ mà trong cả quá trình phát triển của mình, đặc biệt là giai đoạn thực hiện kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965), ngành thương nghiệp đã thực hiện một cách xuất sắc phương châm phục vụ đó. Tinh thần phục vụ nhân dân không chỉ là trăn trở của các lãnh đạo trong ngành mà đã thấm nhuần trong toàn bộ hệ thống thương nghiệp thời đó. Không ít những nhân viên thương nghiệp đã len lỏi lên tận những vùng núi cao trùng điệp để đem hàng tới tận tay đồng bào dân tộc. Không ít
những chiến sĩ thương nghiệp đã hi sinh anh dũng trên các tuyến lửa, trên đường vận chuyển hàng hoá vào phục vụ các đơn vị bộ đội, các xí nghiệp sơ tán, các đội thuỷ lợi, các đội trực chiến phòng không. Các chiến sĩ trên mặt trận thương nghiệp cũng như nhân dân đã sáng tạo ra các chợ Hầm ở Nam Định, ngã Sáu thành phố Vinh, khu vực Voi của huyện Kì Anh (Hà Tĩnh), đặc biệt là ở vùng địa đạo giáp ranh Quảng Trị… Nhiều chiến sĩ thương nghiệp không chỉ đóng góp bằng hàng hoá mà đóng góp cả xương máu của mình với các chiến sĩ cầm súng. Chính những người lãnh đạo hoạt động thương nghiệp bấy giờ vốn cũng là các cán bộ từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường như Đỗ Mười, Lê Trung Toản, Nguyễn Văn Đào, Lê Hữu Duyên, Nguyễn Thượng Dạt…
Vấn đề thứ hai trong nỗ lực phát triển hơn nữa thương nghiệp quốc doanh là việc tổ chức tăng cường thu mua và nắm nguồn hàng.
Về nguồn hàng của thương nghiệp quốc doanh có 3 nguồn chính là:
1/ nhập khẩu qua viện trợ.
2/ Các xí nghiệp quốc doanh và các xí nghiệp gia công giao nộp sản phẩm.
3/ Thu mua nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối và các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp.
Trong thời kì khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, ta nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều. Điều này có thể cắt nghĩa được vì chúng ta mới giải phóng miền Bắc nên chưa kịp phục hồi kinh tế, nhu cầu của nhân dân lớn… Nhưng ngay cả khi chúng ta tiến hành kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965) thu được những kết quả nhất định mà tỷ trọng hàng tiêu dùng trong tổng hàng nhập (cả tương đối và tuyệt đối) đều tăng, thậm chí tăng rất nhanh. Trong đó, tỷ lệ nhập khẩu trong quỹ tiêu dùng xã hội (được thể hiện qua biểu đồ sau:
[49;403].
Với chính sách độc quyền ngoại thương, quản lí nội thương nên việc nhà nước dùng thương nghiệp quốc doanh để chi phối nền thương nghiệp quốc dân là một điều đương nhiên. Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965), thương nghiệp quốc doanh đã nắm hoàn toàn độc quyền về hàng nhập khẩu. Số hàng hoá nhập khẩu này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tiêu dùng và sự phát triển, ổn định của nền kinh tế quốc dân lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu quá nhiều hàng tiêu dùng là một hạn chế lớn của công tác thương nghiệp… Trước hết, về kinh tế, chứng tỏ nền sản xuất trong nước đã không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân và đặc biệt là một lực lượng quân đội lớn tham gia chiến đấu. Vấn đề này bắt nguồn từ chính sách kinh tế của Đảng ta đề ra là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trong khi đó lại không chú ý đến sản xuất hàng tiêu dùng. Chính vì vậy, đã tạo nên sự mất cân đối trong nên kinh tế quốc dân cũng như trên thị trường.
0 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100
55-60 61-65
Báo cáo tại hội nghị lần thứ 10 ban chấp hành trung ương Đảng (12-1964) đã viết:
Mặc dù ta đã sử dụng một phần quan trọng tiền vay của các nước anh em, ta vẫn không đủ ngoại tệ để thanh toán các khoản nhập khẩu và mỗi năm lại thiếu hụt hơn: năm 1961, thiếu hụt 13,9 triệu rúp mới; năm 1962, thiếu hụt 23 triệu; năm 1963, thiếu hụt 27,5 triệu. Cán cân xuất nhập khẩu ngày càng mất thăng bằng [11;395]…
Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hoá trong nước vẫn có thể sản xuất được với chất lượng và giá thành hợp lí nhưng vẫn không sử dụng. Điều này thể hiện cả các vấn đề về kinh tế và tâm lí xã hội, ảnh hưởng không tốt đến nền sản xuất trong nước và gây khó khăn cho công tác thương nghiệp của chúng ta.
Trước hoàn cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã có các chỉ đạo để cải thiện tình hình xuất nhập khẩu. Một trong những biện pháp được tiến hành là đẩy mạnh thu và mua hàng của các xí nghiệp và hợp tác xã.
Nguồn hàng thứ hai là hàng công nghiệp giao nộp: Tất nhiên, sự phát triển của nền kinh tế quốc dân không phải do thương nghiệp quyết định. Quyết định cho sự phát triển đó phải là các ngành sản xuất, trong đó sản xuất công nghiệp và nông nghiệp là quan trọng nhất. Kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965) được thực hiện là nhằm công nghiệp hoá miền Bắc. Trong khi đó, thương nghiệp cần phải là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng để một mặt đáp ứng yêu cầu của nhân dân mặt khác thúc đẩy sản xuất phát triển. Chính vì vậy, các nhà máy xí nghiệp quốc doanh sản xuất ra hàng hoá phải được chuyển ngay cho thương nghiệp để cung cấp cho nhu cầu của xã hội. Đây được xem là quan hệ giao-nộp chứ không được xem là quan hệ hàng hoá. Tuy vậy, đây là một nguồn hàng hết sức quan trọng của thương nghiệp miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Hàng giao nộp qua các năm đều tăng (xem phần phụ lục).
Nguồn hàng thứ ba là thu mua nông lâm sản: (bao gồm của nông trường quốc doanh giao nộp; thuế nông nghiệp; thu phí và thu nợ; thu mua nghĩa vụ và thu mua ngoài nghĩa vụ).
Trong thu mua nông lâm sản trước hết là do các nông trường quốc doanh giao nộp. Trong quá trình thực hiện kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965), các nông trường quốc doanh đã được thành lập. Nông trường quốc doanh là hình thức tổ chức quản lí kinh tế mới nhằm đưa công nhân-nông dân vào làm ăn trong một cơ chế mới được tổ chức và đầu tư. Các nông trường này sản xuất theo kế hoạch chỉ đạo từ trên xuống, các sản phẩm sản xuất ra phải giao nộp cho Nhà nước để Nhà nước phân phối theo kế hoạch. Thương nghiệp Nhà nước làm công tác thu nguồn hàng đó lại để tái phân phối theo kế hoạch chỉ đạo. Nhìn chung các sản phẩm của nông trường quốc doanh giao nộp qua các năm đều tăng với giá trị khá lớn. Điều đó chứng tỏ khả năng sản xuất và cung ứng của hệ thống hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân có tổ chức đã có hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển và hệ thống hợp tác xã làm ăn có hiệu quả thì vấn đề này còn có thể giải quyết. Nhưng đến khi, tính chất tiên phong của hợp tác xã, nông trường quốc doanh mất đi thì việc chủ động các nguồn hàng sẽ trở thành một khâu yếu trong hệ thống cung ứng thương nghiệp.
Nguồn hàng thứ hai là thuế nông nghiệp. Thuế nông nghiệp trong kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965) là nguồn thu lớn nhất trong việc huy động lương thực, chiếm trên dưới 50% tổng số:
1960 1965
Tổng mức huy động 834 1.048,1
Thuế nông nghiệp 440,5 451,8
Bảng số liệu về mức huy động thuế lương thực [49;408]
Theo đó, thuế lương thực đã chiếm một tỷ trọng hết sức lớn và có xu hướng tăng cho đến khi chiếm tỷ trong gần như tuyệt đối vào những năm 70 sau đó.
Việc huy động thuế nông nghiệp là lương thực lớn thể hiện sự đóng góp của nhân dân cho nhà nước. Đó là một thành tựu to lớn của nền kinh tế mới ở miền Bắc. Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế, việc thu thuế nông nghiệp bằng lượng thực thể hiện sự kém phát triển của nền kinh tế quốc dân. Một nền kinh tế phát triển lành mạnh là nền kinh tế hàng hoá, các sản phẩm có thể quy đổi ra tiền để thanh toán. Trong khi đó, nếu thu thuế bằng lương thực thì một mặt không thể một lúc thu đủ toàn bộ thuế trên toàn miền. Mặt khác thu thuế lương thực chủ yếu là thông qua sản lượng, chính vì thế mà các hợp tác xã sẽ chỉ nộp thóc xấu và thậm chí dùng các chiêu thức khác đã làm thiệt hại cho nhà nước… Việc thu thuế bằng lương thực làm cho người dân và chính phủ không thể chủ động trong kinh doanh và phân phối, không có khả năng thúc đẩy sản xuất phát triển. Quan hệ hàng hoá và quan hệ tiền tệ gần như bị thủ tiêu. Động lực của sự phát triển nền kinh tế vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thu phí và thu nợ: Đây là một trong những biện pháp để nắm nguồn hàng của thương nghiệp quốc doanh. Trong quá trình miền Bắc đi lên XHCN, hợp tác hoá trong nông nghiệp, các nông trường… ra đời. Trong quá trình đó, nhà nước với tư cách là nhà đầu tư, nhà quản lí và phân phối sản phẩm đã nắm hầu hết các khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh. Một nguồn vốn đầu tư lớn của Nhà nước đã được chi cho công tác đầu tư cơ sở vật chất, thuỷ lợi, điện, phân đạm, giống… Những nguồn đầu tư đó là rất lớn nhưng nhìn chung khả năng thu hồi lại rất thấp. Vì vậy, đây là một nguồn thu của dân nhưng thực tế là thu lại tiền của Nhà nước đã đầu tư trước đó.