Hoàn cảnh mới và chủ trương của Đảng

Một phần của tài liệu đảng lãnh đạo xây dựng thương hiệu miền bắc 1954 1965 (Trang 44 - 48)

2.1.1. Thương nghiệp miền Bắc sau 3 năm thực hiện khôi phục.

Ba năm khôi phục thương nghiệp nhìn chung đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Thương nghiệp không những được khôi phục mà còn có điều kiện phát triển. Thương nghiệp quốc doanh đã bước đầu xác lập quyền lãnh đạo đối với nền thương nghiệp quốc dân, thương nghiệp tư bản tư doanh bị thu hẹp dần. Ngoại thương có những bước phát triển vượt bậc, thị trường được mở rộng không chỉ là các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà còn làm ăn cả với một số nước tư bản chủ nghĩa và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đường lối khôi phục thương nghiệp sau chiến tranh cũng đã không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí là sai lầm duy ý chí. Đặc biệt là trong vấn đề đánh giá về tư bản tư doanh quá nặng nề nên đã không phát huy được những đóng góp của họ trong công cuộc xây dựng thương nghiệp miền Bắc trong giai đoạn mới.

Mặc dù vậy, những kết quả đạt được trên lĩnh vực thương nghiệp và các lĩnh vực khác đã làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của một chế độ mới đã cuốn hút nhân dân vào công cuộc cách mạng trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng bản chất của

công cuộc cải tạo là nhằm ổn định nền thương nghiệp và tạo nên những điều kiện cho một nền thương nghiệp mới ra đời. Hơn thế nữa, nhu cầu về sự phát triển của miền Bắc nói riêng và yêu cầu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam đang đặt ra các vấn đề mới cần giải quyết ngay. Thương nghiệp nói riêng và nền kinh tế miền Bắc đang phải gồng mình lên để đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng và làm nghĩa vụ đối với miền Nam.

Những kết quả của công cuộc khôi phục thương nghiệp miền Bắc sau chiến tranh là cơ sở để từ đó, Đảng ta đã quyết định đưa thương nghiệp miền Bắc đi vào con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm nhanh chóng xác lập một nền thương nghiệp mới.

2.1.2. Chủ trương của Đảng

Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh đã tạo ra những điều kiện mới cho Đảng ta tiến hành đưa miền Bắc vào giai đoạn phát triển mới. Đó là giai đoạn thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc dân. Trong lĩnh vực thương nghiệp cũng đã có cuộc cải tạo lớn đối với các thành phần thương nghiệp tư bản tư doanh. Đảng ta trong vòng 3 năm đó, đã liên tiếp có các nghị quyết, chỉ thị để chủ trương và chỉ đạo sát sao công tác quan trọng này.

Mở đầu cho chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa nói chung và cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh nói riêng là Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành trung ương Đảng ta họp vào cuối năm 1958. Trong báo cáo Về nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958-1960) phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân [5;451], Đảng ta đã chỉ rõ nhiệm vụ của công cuộc cải tạo kinh tế và cải tạo thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đối với tư bản tư doanh.

Báo cáo nêu rõ nhiệm vụ của công tác thương nghiệp trong tình hình mới là: “phát triển và củng cố mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán,

đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và quản lí thị trường; song song với việc đó là đẩy mạnh cải tạo thương nghiệp tư nhân” [5;495]. Về ngoại thương phải chú trọng: “mở rộng quan hệ mậu dịch với các nước, chủ yếu là thông qua công tác ngoại thương, tăng cường quan hệ tương trợ hợp tác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần quốc tế vô sản” [5;498].

Đó là chủ trương chung của Đảng ta trong tổng thể các biện pháp được tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi quốc doanh. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành trung ương Đảng đã mở đầu cho quá trình tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương nghiệp.

Tiếp theo Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành trung ương Đảng, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng một nền thương nghiệp mới của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn, Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) của Ban chấp hành trung ương Đảng thông qua 2 văn kiện: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh [6;400] và nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 16 (mở rộng) về cải tạo XHCN đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh [6;463]. Báo cáo và nghị quyết chuyên đề này của Đảng ta là các văn kiện rất quan trọng về công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản tư doanh trong lĩnh vực thương nghiệp.

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương đã đã đánh giá lại những kết quả và kinh nghiệm về việc thực hiện chính sách sử dụng, hạn chế, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc. Từ cơ sở đó, Đảng ta đã chủ trương:

Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh nhằm đi tới xoá bỏ thành phần kinh tế tư bản tư doanh

và xoá bỏ giai giai cấp tư sản là một trong những trọng tâm trước mắt cuả nhiệm vụ cơ bản hiện nay ở miền Bắc[6;421].

Cụ thể là:

Xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất trong công thương nghiệp, làm cho chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất trở thành cơ sở kinh tế duy nhất cuả nước ta; xoá bỏ giai cấp tư sản và chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, đồng thời cải tạo những người trong giai cấp tư sản thành những người lao động có ích cho xã hội. Trên cơ sở quan hệ sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hoá, sắp xếp, ổn định thị trường, ổn định vật giá, cải tạo tiểu thương [6;434]; nâng cao giác ngộ giai cấp và giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho giai cấp công nhân và cán bộ đảng viên, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho các tầng lớp nhân dân, bước đầu giáo dục, tải tạo tư tưởng các nhà tư sản, phát triển và củng cố công đoàn, củng cố khối liên minh công nông [6;435].

Để thực hiện mục đích đó có hai hình thức được áp dụng là công tư hợp doanh và hợp tác hoá. Đồng thời tại báo cáo này cũng chỉ ra các biện pháp cụ thể đối với các nhà tư sản, với xí nghiệp vắng chủ, với bọn phản cách mạng, với thương nhân ngoại kiều, với thương nghiệp tôn giáo; với địa chủ kiêm doanh nhân; với đảng viên, quân nhân có kinh doanh…

Tiếp theo, Đảng ta đã ra nghị quyết về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh. Nghị quyết này chỉ rõ:

Hiện nay, điều kiện đã chín muồi để chúng ta chủ động, tích cực và khẩn trương đẩy mạnh việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế tư bản tư doanh và giai cấp tư sản dân tộc tiến lên một bước quan trọng, có ý nghĩa quyết định; đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ

yếu là hình thức công tư hợp doanh; chuyển chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về căn bản thành sở hữu của nhà nước, và trên cơ sở sản xuất mới đó, biến dần người tư sản dân tộc thành người lao động, sống bằng lao động chứ không phải bằng bóc lột [6;473].

Như vậy, với nghị quyết 14 (1958) và hai văn kiện của hội nghị lần thứ 16 của Ban chấp hành Trung ương mở rộng (1959), Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm về công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc nước ta. Trong các nghị quyết và báo cáo đó, đã thể hiện quan điểm về một nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh trong tình hình mới, xem đó là hai mặt của cuộc cách mạng trên lĩnh vực thương nghiệp.

Một phần của tài liệu đảng lãnh đạo xây dựng thương hiệu miền bắc 1954 1965 (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)