CHƯƠNG 1.ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC TÔN GIÁO TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005
1.1.2 Thực trạng công tác tôn giáo ở Bình Phước trước năm 2001
Hoạt động của các tôn giáo cơ bản diễn ra bình thường, chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng bào các tôn giáo vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đất nước và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Nổi bật là, đồng bào có đạo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và hành động cách mạng; hưởng ứng công tác xã hội từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo và trẻ em khó khăn. Các tổ chức tôn giáo tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức và truyền bá đức tin.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường hoạt động chống phá cách mạng, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, hoạt động của một số tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Bình Phước còn nhiều sai phạm và diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo hoạt động trái phép, chưa được nhà nước công nhận, cấp giấy quyền sử dụng đất…
Riêng đạo Tin lành ở Bình Phước có trên 80 nhà nguyện xây dựng trái phép (tính đến 2000). Hoạt động của đạo Tin lành ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát.
Một số hệ phái Tin lành mới được công nhận tư cách pháp nhân như: Hội thánh Báp tít Nam phương; Cơ đốc Phục Lâm; Phúc âm Ngũ tuần; Tin lành Trưởng lão; Hội thánh Mennonite; Liên hữu Cơ đốc... tăng cường củng cố ban chấp sự, phong chức, phong phẩm. Đồng thời, còn có không ít phần tử cực đoan của một số hệ phái Tin lành chưa được nhà nước công nhận, như Liên đoàn truyền giáo Phúc âm, Hội thánh đấng Chrits sắc tộc S’tiêng Việt Nam, không đăng ký sinh hoạt với chính quyền. Một số linh mục, mục sư ở
TP Hồ Chí Minh, nhiều lần đến làm mục vụ tại các điểm nhóm Tin Lành thuộc hệ phái Liên đoàn truyền giáo Phúc âm chưa được được nhà nước công nhận pháp nhân trên địa bàn Bình Phước.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số “đạo lạ”, “tà đạo” trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đó là tà đạo Thiên Nhơn xuất hiện ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú (năm1991); đạo Thanh Hải vô thượng sư xuất hiện từ năm 1995, tại xã Thanh Phú, huyện Bình Long, sau đó đạo này lan tới thị xã Đồng Xoài. Đạo Thanh Hải vô thượng sư có những hoạt động lén lút ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hình thức hoạt động của đạo này núp dưới nhiều danh nghĩa, như: thành lập câu lạc bộ thiền dưỡng sinh, mở các quán cơm chay để lôi kéo người qua đường ghé ăn cơm, lắp đặt chảo Ăng ten Parapol để thu chương trình truyền hình của Thanh Hải, tổ chức các chuyến du lịch (kể cả trong và ngoài nước), tổ chức các buổi làm rẫy chung, thời gian, địa điểm sinh hoạt thường không cố định.
Trước tình hình trên, các cấp ủy đảng ở Bình Phước đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh công tác tôn giáo. Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án công tác cán bộ, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo;
đồng thời, sắp xếp, bố trí nhân sự, đội ngũ cán bộ cho các cơ quan chuyên môn về công tác tôn giáo, kiện toàn bộ máy cơ quan Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy; phòng PA 38 Công an tỉnh.
Đây là các cơ quan tham mưu giúp việc thường xuyên cho Ban chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh. Hàng năm Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 8 lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, công tác dân tộc - tôn giáo.
Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị định 69 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông báo 255 – TB/TW năm 1999 của Bộ Chính trị về một số công tác đối với đạo Tin lành, Quyết định 11/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác tôn giáo.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Tỉnh uỷ Bình Phước ra Chỉ thị số 18 – CT/TU ngày 10/7/1999 về việc “Triển khai thực hiện Thông báo 184 - TB/TW năm 1998 của Bộ Chính trị đối với đạo Tin lành” và thành lập Ban chỉ đạo 184, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm trưởng ban. Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là vấn đề quản lý nơi thờ tự của các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Để giải quyết các cơ sở thờ tự trái phép, Tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn 39 – CV/TU ngày 22/3/1999 về công tác tôn giáo. Trong đó, tập trung về việc công nhận và hợp thức hóa nơi thờ tự của các tôn giáo, được giải quyết từng bước chia theo 4 giai đoạn đó là: thứ nhất, những nơi thờ tự trước năm 1975 nhưng hiện vẫn còn tín đồ, có người quản lý thì được công nhận; thứ hai, những nơi thờ tự được xây dựng từ 1975 đến năm 1991 nếu có đủ các yếu tố như những cơ sở thờ tự được xây dựng trước năm 1975 thì được hợp thức hóa công nhận; thứ ba, những cơ sở xây dựng từ năm 1976 đến năm 1995 sẽ xem xét sau; thứ tư, những nơi thờ tự có từ 1/1/996 trở lại đây thì không xem xét.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn 1608 – CV/UBND ngày 7/10/1998 về hợp thức hóa nơi thờ tự của tôn giáo, để chỉ đạo UBND các huyện, thị rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở thờ tự trái pháp luật. Ban hành quyết định số 22/2000/QĐ – UB ngày 22/2/2000 triển khai kế hoạch thực hiện Thông báo 225 – TB/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 11/2000/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, công tác tôn giáo của hệ thống chính trị trong giai đoạn này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác tôn giáo bước đầu được nâng lên, các chủ trương, chính sách tôn giáo được quán triệt, triển khai thực hiện. MTTQ, các đoàn thể đã tổ chức được 360 đợt tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật cho hơn 37.000 đoàn
viên, hội viên và nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có nhiều tiến bộ, đã công nhận hợp thức hóa cho 50 cơ sở thờ tự, trong đó 25 cơ sở thờ tự của Công giáo và 25 cơ sở còn lại là của Phật giáo, Tin Lành[82].
Chính quyền và ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, tiến hành giúp đỡ giáo hội, các tổ chức tôn giáo hiểu rõ chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, hướng các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, động viên quần chúng tín đồ chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân.
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn. Chính quyền các cấp đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm. Giải quyết nhu cầu chính đáng và hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, bảo đảm cho hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, đúng pháp luật. Hướng dẫn, giúp đỡ Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tổ chức lễ Phật đản và khóa An cư – Kiết hạ; củng cố, kiện toàn Ban đại diện phật giáo các huyện, thị; chấn chỉnh sinh hoạt của gia đình phật tử trên địa bàn. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm hành hương Đức Mẹ vô nhiễm Thác mơ, Giáo hạt Phước Long tổ chức lễ cầu bình an cho năm mới; Giáo xứ Phú Lương tổ chức lễ cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên và những người đã khuất; Tòa Giám mục Phú Cường (tỉnh Bình Dương) cử hành lễ Năm thánh tại Giáo hạt Bình Long…
Chính quyền các cấp đã chủ động xem xét, giải quyết vấn đề đất đai liên quan đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, cho phép xây dựng cơ sở thờ tự hợp pháp. Giải quyết nơi sinh hoạt, cầu nguyện ở các điểm, nhóm Tin lành.
Mặt khác còn cho mở 8 lớp bồi dưỡng kinh thánh cho tín đồ, chức việc, truyền đạo, chấp sự tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo của Đảng bộ còn có những hạn chế: một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ về vai
trò, vị trí tầm quan trọng của công tác tôn giáo; có nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự chú trọng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo, còn giao khoán cho Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; bộ máy làm công tác tôn giáo chưa được kiện toàn, chất lượng cán bộ chưa được chuẩn hóa (có 1 đại học, còn chủ yếu là cao đẳng, trung cấp), không có cán bộ đào tạo chuyên ngành tôn giáo học, chủ yếu là từ các cơ quan đoàn thể chuyển qua. Trong khi kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém; các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng,… điều đó cũng gây khó khăn cho việc lãnh đạo thực hiện công tác tôn giáo. Vì vậy, bước vào thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Bình Phước cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo vượt qua mọi thách thức để đạt hiệu quả cao, thực sự góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.