4.4. Kết quả điều trị phẫu thuật
4.4.5. Đánh giá kết quả sau mổ trên 1 năm
Chúng tôi tiến hành khám lại cho 46 bn (51,1%) với thời gian khám lại trung bình là 30,43±1,28 tháng thu được kết quả sau:
4.4.5.1. Đánh giá sự cải thiện mức độ đau theo VAS
So sánh mức độ đau lưng và đau chân theo thang điểm VAS tại thời điểm xa sau mổ so với thời điểm trước mổ thấy có sự cải thiện rõ rệt về mức độ ổn định, thang điểm VAS trung bình trước mổ đối với lưng là 6,48±1,28 (3-9) giảm xuống còn 1,70±1,05 (1-4) và VAS chân trung bình là 5,87±1,61 (2-9) giảm xuống còn 1,46±0,96 (1-4). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê.
Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài như El-Soufy [103] (VAS lưng xa sau mổ 1,21±0,35, VAS chân xa sau mổ 0,91±0,27) cho kết quả cải thiện tương đối giống chúng tôi còn một số tác giả khác như Parker[108] (VAS lưng xa sau mổ 4,3±2,9, VAS chân xa sau mổ 3,8±3,4) và Poh[100] (VAS lưng xa sau mổ 2,4, VAS chân xa sau mổ 2,3) thì cho kết quả kém hơn.
So sánh mức độ đau theo VAS tại thời điểm sau mổ 12 tháng và thời gian khám lại xa sau mổ chúng tôi nhận thấy mức độ đau bắt đầu có xu hướng tăng dần lên. Mối liên quan này không có ý nghĩa thống kê. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự tăng mức độ đau trên bn vì ngoài nguyên nhân TĐS gây biểu hiện
đau thì những nguyên nhân khác cũng làm phát sinh đau trên bn như: sau mổ khối cơ lưng và vùng mở cung sau cột sống xơ dính, thói quen vận động cột sống không tốt làm căng cơ gây biểu hiện đau và đặc biệt là nguyên nhân thoái hóa đĩa đệm liền kề làm cho có sự xung đột của đĩa đệm với hệ thống dây chằng giàu thần kinh gây ra hiện tượng đau lưng và đau lan chân tăng dần. Chính vì vậy, điều chỉnh thói quen sinh hoạt tốt cho cột sống, tập thể dục thường xuyên giúp tăng độ vững chắc khối cơ lưng hai bên, giảm xơ dính vùng mổ, khám và điều trị các bệnh cột sống kèm theo định kỳ sẽ giúp cho bn ổn định lâu hơn và hiệu quả hơn.
4.4.5.2. Đánh giá sự hồi phục mức giảm chức năng cột sống
Mức độ giảm chức năng cột sống sau mổ trung bình trên 30 tháng trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ còn 13,17±7,94% (4-41%), đã cải thiện đáng kể so với mức độ giảm chức năng cột sống trung bình trước mổ là 53,50±13,65 (23-84%). Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê. El-Soufy [103] (ODI xa sau mổ 10,8±2,7) cho kết quả hồi phục tương tự như chúng tôi trong khi Parker [108] (ODI xa sau mổ 19,5±11,3) cho kết quả hồi phục kém hơn nhiều.
Mức độ cải thiện mất chức năng cột sống sau mổ tại thời điểm khám lại so với trước mổ chúng tôi thấy: tất cả bn đều hồi phục tốt, 100% bn mức 2-3 trước mổ về mức 1, 100% mức 4 về mức 1-2, 2 bn mức 5 về mức 2-3. Không có bn nào tăng mức độ giảm chức năng cột sống sau mổ. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p<0,05
So sánh mức độ cải thiện giảm chức năng cột sống ở thời điểm sau mổ 12 tháng và sau mổ trung bình trên 30 tháng chúng tôi nhận thấy: tại thời điểm này mức độ giảm chức năng cột sống đã ổn định không có thay đổi nhiều về mức độ ảnh hưởng chức năng cột sống, bn đã thích nghi dần và trở lại cuộc sống lao động tương đối bình thường. Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê. Điều này cho thấy, khi cột sống đã ổn định, chức năng cột sống ít bị
ảnh hưởng thì việc chăm sóc cột sống bằng cách lao động bê vác đúng tư thế, luyện tập thường xuyên và thăm khám định kỳ sẽ giúp cho chức năng cột sống được đảm bảo và tránh gây các tổn thương khác.
4.4.5.3. Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật theo JOA
Tiến hành khám lại 46 bn tại thời điểm sau mổ trung bình 30 tháng, chúng tôi thu được kết quả sau: điểm JOA trung bình lúc khám lại là 23,48±4,11 (10-27) với tỷ lệ hồi phục trung bình là 68,53±16,24 (20,83- 88,24). Nghiên cứu của các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự chúng tôi về mức điểm JOA trung bình xa sau mổ.
JOA trước mổ JOA xa sau mổ
Sakaura [107] 13,4 24,5
Sakaura [102] 1 tầng trượt 14,2±4,0 22,5±3,7
2 tầng trượt 12,8±4,2 20,4±6,2
Dựa trên phân loại tỷ lệ hồi phục theo JOA chúng tôi thu được kết quả sau: 47,8% rất tốt, 37% tốt, 13% trung bình và 2,2% xấu.
So sánh kết quả sau mổ tại thời điểm khám lại so với thời điểm 12 tháng sau mổ chúng tôi nhận thấy: 5 bn có kết quả kém hơn so với thời điểm 12 tháng đặc biệt là những bn có can xương sau 12 tháng kém hoặc có tổn thương thoái hóa đĩa đệm các đốt sống liền kề kèm theo. Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê.
Theo chúng tôi, thoái hóa cột sống là quá trình diễn biến không ngừng và tăng lên theo thời gian, mặc dù tầng can thiệp phẫu thuật tốt nhưng sự thoái hóa các đốt sống liền kề, mức độ can xương sau phẫu thuật và đặc biệt là việc xơ dính của tầng phẫu thuật tăng dần theo thời gian làm ảnh hưởng đến tình trạng lâm sàng của người bệnh. Cần thăm khám và điều trị định kỳ các tổn thương phối hợp giúp cho cột sống dần ổn định, hạn chế những tổn thương phát sinh ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
4.4.5.4. Đánh giá kết quả sau mổ 30 tháng và các yếu tố ảnh hưởng
Chúng tôi đánh giá chung kết quả sau mổ 30 tháng thu được kết quả sau:
34 bn (73,9%) kết quả tốt, 9 bn (19,5%) kết quả khá, 2 bn (4,4%) kết quả trung bình và 1 bn (2,2%) kết quả kém. Thực tế tại thời điểm 30 tháng so với thời điểm 12 tháng có 5 bn than phiền có đau lưng nhiều hơn hoặc có ảnh hưởng đến vận động cột sống nhưng không rõ ràng mà nguyên nhân có thể do quá trình thoái hóa của đĩa đệm hay các đốt sống liền kề tiến triển gây biểu hiện đau tăng dần
Bảng 3.46 cho thấy: 100% bn ODI mức độ 2 có kết quả phẫu thuật tốt, 100% bn ODI mức độ 3 cho kết quả tốt (89,3%) và khá (10,7%). Bn ODI mức độ 5 vẫn cho kết quả trung bình và kém do di chứng kéo dài.
Qua đánh giá cả 3 thời điểm khám kiểm tra sau mổ 6 tháng, 12 tháng và 30 tháng chúng tôi nhận thấy kết quả chung khám lại bị ảnh hưởng rõ rệt của mức độ hạn chế chức năng cột sống. Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.