CHƯƠNG 3: TRÁCH NHIỆM CỦA SINH VIÊN TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
3.1. Những tác động tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tác động đến sinh viên
Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986, từ đó đất nước đã trải qua một quá trình phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Chính sách đổi mới đã tạo cơ sở cho việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư mà còn tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục, trong đó sinh viên là những đối tượng đã và đang trải qua nhiều biến đổi quan trọng. Họ không chỉ là người thụ hưởng mà còn là những người gánh vác trên vai tương lai của đất nước. Chính vì vậy chúng ta cần xem xét và đánh giá một cách chính xác và đúng mực những tác động của quá trình này lên sinh viên, từ các cơ hội học tập và việc làm, đến những thách thức mà họ phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt.
Một trong những tác động rõ rệt nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự mở rộng về cơ hội học tập và việc làm. Trước đây, trong nền kinh tế tập trung, các cơ hội nghề nghiệp chủ yếu được phân bổ theo kế hoạch và nhiều ngành nghề bị giới hạn trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp cơ bản và hành chính công. Tuy nhiên, với sự mở cửa kinh tế, nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, tài chính, marketing, truyền thông, và kinh doanh quốc tế. Điển hình là sự bùng nổ về lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam đã mở ra vô số cơ hội việc làm cho sinh viên. Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã bổ sung các chương trình đào tạo công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào chương trình học. Một số sinh viên thậm chí chưa tốt nghiệp đã có thể tìm được việc làm trong các công ty công nghệ lớn, khởi nghiệp hoặc làm việc từ xa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sự ra đời của các công ty công nghệ như VNG, Tiki hay MoMo đã thu hút nhiều sinh viên trẻ tham gia, không chỉ với vai trò nhân viên mà còn ở vị trí
19
người sáng lập và điều hành. Nền kinh tế thị trường và sự bùng nổ của thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki đã thúc đẩy nhu cầu về các kỹ năng kinh doanh trực tuyến. Nhiều sinh viên đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok để kinh doanh sản phẩm và dịch vụ như quần áo, mỹ phẩm, hay sản phẩm thủ công.
Nhiều sinh viên lựa chọn khởi nghiệp ngay từ khi còn đang học cấp ba hay chưa tốt nghiệp đại học, bởi lẽ nền kinh tế thị trường cho phép mọi người đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm và tiềm kiếm việc làm một cách đa dạng và dễ dàng hơn.
Việc đa dạng hóa các ngành nghề đã mang lại cho sinh viên những lựa chọn phong phú hơn trong việc định hướng nghề nghiệp. Không còn bị gò bó vào những lựa chọn hạn chế mà có thể tự do khám phá và lựa chọn những ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ và công nghệ cao cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia, giúp sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp.
Không chỉ vậy, việc mở cửa và hội nhập quốc tế còn mang lại những cơ hội học bổng, chương trình trao đổi sinh viên và du học ở các quốc gia tiên tiến. Điều này không chỉ giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận với các nền giáo dục hiện đại mà còn giúp họ nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn, cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm cách tối ưu hóa hoạt động và gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua đầu tư vào công nghệ hiện đại. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên tiếp cận sớm với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và Internet vạn vật (IoT). Nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, nhiều trường đại học và các trung tâm nghiên cứu đã được trang bị các phòng lab hiện đại, nơi sinh viên có thể thực hành và nghiên cứu trực tiếp. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên hợp tác với các trường đại học trong việc tổ chức các hội thảo, khóa học, và chương trình thực tập liên quan đến những công nghệ mới nhất. Điều này giúp sinh viên không chỉ
20
tiếp cận được kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội ứng dụng thực tiễn, làm quen với các xu hướng công nghệ mới ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó nâng cao kỹ năng và năng lực cạnh tranh của họ khi bước vào thị trường lao động.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng đồng thời thúc đẩy sự thay đổi không ngừng từ hệ thống giáo dục. Trước hết, phương pháp giáo dục đã dần chuyển từ cách tiếp cận truyền thống, chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức một chiều, sang các phương pháp giáo dục hiện đại hơn, chú trọng vào việc phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã bắt đầu hướng đến việc dạy học tích cực, nơi sinh viên không chỉ là người nghe thụ động mà trở thành trung tâm của quá trình học tập. Những kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề đang ngày càng được chú trọng.Với đặc điểm của nền kinh tế thị trường là thay đổi liên tục, sinh viên được rèn luyện khả năng thích ứng nhanh chóng và linh hoạt trong các tình huống khác nhau, giúp họ dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Các trường đại học đã chủ động hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức để cung cấp cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên, giúp họ có thể ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, từ đó nâng cao kinh nghiệm làm việc và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Những chương trình này không chỉ hỗ trợ sinh viên phát triển nghề nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng từ các cơ sở đào tạo. Ví dụ, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hợp tác với các tập đoàn lớn như Samsung, VinFast và Viettel để triển khai chương trình Co-op, trong đó sinh viên được tham gia thực tập từ 4 đến 6 tháng, vừa học hỏi kiến thức chuyên môn vừa trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành kỳ thực tập, nhiều sinh viên đã được nhận vào làm việc chính thức. Tương tự, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng phối hợp với ngân hàng BIDV để tổ chức các chương trình thực tập định kỳ, giúp sinh viên ngành tài chính và ngân hàng tiếp cận quy trình làm việc thực tế và rèn luyện các kỹ năng chuyên ngành cần thiết.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ tác động lên phương diện nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức xã hội và định hướng phát triển cá nhân của sinh viên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên
21
ngày càng có cơ hội tiếp cận với nhiều luồng thông tin và tư duy mới mẻ, đa dạng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Họ không chỉ nhìn nhận vấn đề từ góc độ của một công dân Việt Nam mà còn có thể hiểu biết sâu rộng hơn về các vấn đề quốc tế như kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Việc tiếp cận với những mô hình phát triển hiện đại của các quốc gia tiên tiến giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập. Các giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, sự tôn trọng gia đình và cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức từ sự du nhập của văn hóa phương Tây. Điều này đòi hỏi sinh viên cần có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững nhưng vẫn giữ được các giá trị cốt lõi của dân tộc.