Như ta đã biết, GIS không phải chỉ đơn thuần là công cụ xây dựng bản đồ mà nó còn thực hiện rất nhiều các chức năng về thao tác và xử lý thông tin. Tuy vậy, bản đồ vẫn là sản phẩm chính của GIS cho người sử dụng cuối cùng.
GIS mang đến một công cụ mạnh mẽ và uyển chuyển cho việc hiển thị và giao diện với người sử dụng thông tin dữ liệu địa lý. Khi hiển thị thông tin, những đối tượng (hoặc các nhóm thuộc tính) có thể được trình bày với nhiều ký hiệu phong phú và được sử dụng như là phương tiện truyền đạt thông tin. Hơn thế nữa, người sử dụng có thể biến đổi hình dạng của các đối tượng không gian để hỗ trợ cho việc diễn giải thông tin (Hunter, 2001).
Dù cho GIS được sử dụng ra sao đi chăng nữa thì hình thức giao diện thị giác có ảnh hưởng quan trọng đến việc thông tin được nhận biết và diễn dải như thế nào. GIS có khả năng xây dựng bản đồ một cách đa dạng và đẹp mắt. Tuy nhiên cần thận trọng vì cách hiển thị bản đồ không phù hợp có thể gây ra sự diễn giải thông tin sai lệch.
9.2. Thông tin bản đồ
Về nguyên tắc, có 6 yếu tố đồ hoạ được sử dụng để thể hiện các hiện tượng không gian:
kích thước - mật độ - hoạ tiết – màu - hướng – hình dạng (Zerger, 2002)
Thay đổi kích thước của ký hiệu là cách thuận tiện để thể hiện sự thay đổi của thuộc tính, tuy vậy sự khác biệt kích thước không hẳn luôn luôn được người sử dụng nhận biết. VD:
đường kính ký hiệu tròn cần được tăng lên gần 3 lần để có thể đưa lại cảm giác tăng kích thước của nó lên 2 lần
Độ xám (grey scale) hoặc đậm nhạt của đơn sắc (sigle color variation) - thay đổi về mật độ được dùng khá hiệu quả để thể hiện thuộc tính mà ta cần phân cấp. Độ xám hoặc đậm nhạt đơn sắc chỉ được phân ra không quá 10 cấp để tránh việc nhầm lẫn.
Mầu sắc có thể là công cụ cực kỳ hiệu quả, tuy nhiên cũng thường là yếu tố đồ hoạ dễ bị dùng một cách sai lầm nhất. Mầu sắc khác nhau không hàm chứa mức độ hơn kém. VD: mầu đỏ, xanh, vàng có thể dùng để tượng trưng cho các mục đích sử dụng đất khác nhau, tuy nhiên là vô nghĩa nếu dùng để thể hiện các vùng có lượng mưa TB tháng cao thấp khác nhau. Mầu sắc cũng có thể dùng để diễn tả các cảm nhận thông thường, vd. đỏ ứng với “nguy hiểm”; xanh lam ứng với “nước”, nâu ứng với “đất”,…
Sự thay đổi về hình dạng thích hợp cho việc thể hiện khác nhau về chất, tuy nhiên không mang lại ấn tượng tổng quan. VD: hình vuông không tốt hơn hay lớn hơn hình tròn. Hình dạng thường được để ý đến sau cùng trong 6 yếu tố đồ hoạ đã nói.
Hoạ tiết có thể được sử dụng để phân biệt các thông tin danh nghĩa (vd các loại đất) và thích hợp khi xây dựng bản đồ đen trắng.
Các ký hiệu đường với các hướng khác nhau thích hợp để thể hiện các thông tin về chiều, hướng.
Đôi khi ta kết hợp hai hay nhiều yếu tố đồ hoạ để thể hiện đặc tính đa diện. VD: mũi tên có mầu, hướng và độ dài ngắn khác nhau thể hiện vài nội dụng khác nhau của thông tin khí tượng.
Hình 9.1: Sáu yếu tố đồ hoạ cơ bản
Có các loại bản đồ khác nhau: bản đồ đơn sắc (choropleth map); bản đồ đường đồng mức (contour map); bản đồ ký hiệu (symbol map).
GIS cũng xây dựng các dạng sản phẩm phi bản đồ khác nhau như: biểu đồ cột (bar chart), biểu đồ tròn (pie chart), biểu đồ điểm phân tán (scatter plot), biểu đồ phân bố (histogram) (Hình 9.2)
Hình 9.2: Các sản phẩm phi bản đồ của GIS
Hình 9.3: Hiển thị thông tin theo biểu tượng đơn (bên trái) và biểu tượng đa sắc (bên phải)
Trong bản đồ bên trái, toàn bộ lớp thông tin được hiển thị dưới dạng "biểu tượng đơn"
(single symbol). Điều này hữu ích khi ta cần phân biệt lớp thông tin này với lớp thông tin khác. Trong bản đồ bên phải, mỗi một đối tượng (quốc gia) được hiển thị với các mầu sắc khác nhau bởi vì người sử dụng muốn phân biệt các đối tượng khác nhau trong cùng lớp thông tin này.
Hình 9.4: Hiển thị thông tin theo sắc đậm nhạt (bên trái) và biểu tượng tròn (bên phải) Trong bản đồ bên trái, mỗi quốc gia được hiển thị với các sắc thái xanh đậm nhạt khác nhau, mầu càng đậm hơn càng thể hiện dân số lớn hơn. Trong bản đồ bên phải, mỗi một quốc gia được phân vào một trong năm nhóm dựa trên dân số của mình. Mỗi một hình tròn thể hiện dân số quốc gia tương đối với các quốc gia khác.
9.3. Một số vấn đề trong hiển thị thông tin bản đồ
Sử dụng không đúng chỗ các yếu tố đồ hoạ
Mầu nền quá mạnh so với các thông tin quan trọng được thể hiện
Quá nhiều chủ đề được thể hiện trên cùng một bản đồ
Chú thích bản đồ không thích đáng
9.4. Ưu điểm và nhược điểm trong việc xây dựng bản đồ in với GIS
9.4.1 Ưu điểm:
Sử dụng được các thư viện ký hiệu có sẵn
Có khả năng tạo lập ký hiệu riêng
Sử dụng chức năng tìm chọn để tự động hoá kiểm soát hiển thị
Sử dụng thư viện phông chữ phong phú 9.4.2. Nhược điểm:
Máy in có thể gặp khó khăn trong việc chọn mầu thích hợp với mầu hiển thị trên màn hình máy tính
Chất lượng bản in phụ thuộc vào độ phân giải của máy in
Chiều rộng đường và kích thước ký hiệu có thể bị thay đổi không thích hợp khi ta thay đổi tỷ lệ của bản in.
Bản đồ tĩnh không phù hợp với việc thể hiện sự thay đổi theo thời gian như là bản đồ hiển thị trên màn hình vi tính có trình động.
Câu hỏi chương IX.
1. Các thông tin trên bản đồ GIS.
2. Một số vấn đề trong hiển thị thông tin bản đồ.
3. Ưu nhược điểm trong việc xây dựng bản đồ in với GIS.