3.1. VẬN HÀNH KÊNH TRONG MÙA KHÔ
3.1.1 Trường hợp nguồn nước của hệ thống đảm bảo yêu cầu dùng nước
Điều 18: Khi cống lấy nước đầu kênh cấp I và kênh vượt cấp mở cửa van để lấy nước. Lúc đó cấp I và kênh vượt cấp sẽ vận hành dẫn nước tưới đồng thời cho toàn bộ diện tích tưới mà kênh phụ trách.
Điều 19: Để tránh hiện tượng xói lở bờ kênh khi lấy nước thì cống lấy nước đầu kênh cấp I phải mở cân bằng dòng chảy đối với cống có 2 cửa van (mở đồng thời 2 cửa lấy nước) tránh hiện tượng chảy lệch, mở cửa van phải từ từ và lên đều.
Điều 20: Đơn vị quản lý vận hành kênh phải quan sát, theo dõi tình hình dòng chảy sau cống lấy nước trong suốt quá trình lấy nước, tối thiểu mỗi ngày 02 lần.
Điều 21: Ghi chép sự biến đổi mực nước trên kênh cấp I và kênh vượt cấp tại vị trí sau cống lấy nước đầu kênh. Nếu thấy hiện tượng bất thường thì phải báo cho đơn vị vận hành cống biết, để có biện pháp xử lý tạm thời để lấy nước.
Điều 22: Đơn vị quản lý vận hành kênh phải quan sát theo dõi và ghi chép mực nước trên kênh cấp I tại vị trí đầu kênh cấp 2 đảm bảo mực nước yêu cầu theo thiết kế.
Điều 23: Mở cửa van cống lấy nước đầu kênh cấp 2 theo thứ tự từ hạ lưu về thượng lưu. Mở cống có diện tích tưới từ lớn đến nhỏ để lấy nước.
Điều 24: Các cống điều tiết trên kênh cấp I và kênh vượt cấp kể cả các xi phông dẫn nước có nhiệm vụ điều tiết phải mở hết cửa van để dẫn nước.
Điều 25: Khi dừng cấp nước thì các cống lấy nước đầu kênh cấp 2 và cống lấy nước được đóng lại. Thứ tự đóng từ thượng lưu về hạ lưu. Ưu tiên đóng các cống lấy nước trước, tiếp đến đóng các cống đầu kênh cấp 1 có diện tích tưới từ nhỏ đến lớn.
Điều 26: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng năm, đơn vị quản lý vận hành kênh có thể duy trì mực nước tối thiểu bằng mực nước thấp nhất trong kênh (MN min) để hạn chế sạt lở mái kênh và bờ kênh.
3.1.2 Trường hợp nguồn nước của hệ thống không đảm bảo yêu cầu dùng nước Điều 27: Do điều kiện nguồn nước cấp vào kênh cấp I và kênh vượt cấp không đảm bảo yêu cầu dùng nước. Vì vậy cống lấy nước đầu kênh cấp I và kênh vượt cấp mở cửa van tối đa để lấy nước. Kênh cấp I và kênh vượt cấp sẽ vận hành dẫn nước tưới luân phiên cho khu tưới.
Điều 28: Để tránh hiện tượng xói lở bờ kênh khi lấy nước thì cống lấy nước đầu kênh cấp I và kênh vượt cấp phải mở cân dòng chảy đối với cống có 2 cửa van (mở đồng thời 2 cửa lấy nước) tránh hiện tượng chảy lệch. Mở cửa van phải từ từ và lên đều.
Điều 29: Đơn vị quản lý vận hành kênh cấp I và kênh vượt cấp phải theo dõi quan
sát tình hình dòng chảy sau cống lấy nước trong suốt quá trình lấy nước, tối thiểu mỗi ngày 3 lần.
Điều 30: Ghi chép sự biến đổi mực nước trên kênh cấp I và kênh vượt cấp tại vị trí sau cống lấy nước. Nếu thấy hiện tượng bất thường thì phải báo cáo cho đơn vị vận hành cống biết để có biện pháp xử lý tạm thời để lấy nước.
Điều 31: Các cửa van cống điều tiết trên kênh kể cả xi phông dẫn nước có nhiệm vụ điều tiết được đóng lại để điều chỉnh mực nước và lưu lượng cho các cống lấy nước phía thượng lưu cống điều tiết thứ tự đóng từ hạ lưu về thượng lưu.
Điều 32: Tùy theo mức độ cấp nước của cống lấy nước đầu kênh cấp I và kênh vượt cấp mà các cửa van điều tiết trên kênh cấp I và kênh vượt cấp đóng hoàn toàn hoặc đóng theo độ mở a.
Điều 33: Đơn vị quản lý vận hành kênh phải quan sát, theo dõi và ghi chép mực nước tại vị trí đầu kênh cấp 2 phía thượng lưu cống điều tiết.
Điều 34: Khi mực nước đầu kênh cấp 2 phía thượng lưu cống điều tiết đảm bảo mưc nước theo yêu cầu thiết kế thì các cửa van cống lấy nước được mở hoàn toàn để lấy nước. Thứ tự mở từ cống lấy nước có diện tích tưới lớn đến cống lấy nước có diện tích nhỏ.
Điều 35: Cống chỉ được lấy nước trong từng thời đoạn theo yêu cầu tưới. Hết thời đoạn lấy nước các cống phải đóng lại. Thứ tự đóng từ cống có diện tích tưới nhỏ đến cống có diện tích tưới lớn.
Điều 36: Cống điều tiết ngay sau các cống lấy nước của đoạn kênh điều tiết được mở hoàn toàn để dẫn nước tưới cho các đoạn kế tiếp.
Điều 37: Các thao tác vận hành các cống điều tiết và cống lấy nước được vận hành lặp lại cho hết chiều dài kênh.
Điều 38: Của van cống điều tiết kể cả cửa van xi phông có nhiệm vụ điều tiết chỉ được đóng lại khi dừng cấp nước. Thứ tự đóng từ thượng lưu về hạ lưu.
Điều 39: Trong trường hợp nguồn nước của hệ thống không đảm bảo yêu cầu dùng nước thì phải chấp nhận có một số kênh có diện tích tưới nhỏ sẽ không lấy đủ lưu lượng yêu cầu.
Điều 40: Căn cứ vào điều kiện vận hành thực tế của từng đoạn kênh, đơn vị quản lý vận hành kênh có thể xác định số lượng kênh và mức độ thiếu lưu lượng của từng kênh, ghi chép, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh cho các năm dẫn nước tiếp theo.
Điều 41: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng năm, đơn vị quản lý vận hành kênh có thể duy trì mức nước tối thiểu bằng mức nước thấp nhất trong kênh (MN min) để hạn chế sạt lở bờ kênh và mái kênh.
3.2. VẬN HÀNH KÊNH TRONG MÙA MƯA
3.2.1 Trường hợp nguồn nước của hệ thống đảm bảo yêu cầu dùng nước
Điều 42: Vận hành dẫn nước trên kênh cấp I và kênh vượt cấp tương tự như vận
hành dẫn nước trong mùa khô với trường hợp nguồn nước của hệ thống đảm bảo yêu cầu dùng nước (vận hành dẫn nước tưới đồng thời).
Điều 43: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng năm, đơn vị quản lý vận hành kênh có thể duy trì mức nước tối thiểu bằng mức nước thấp nhất trong kênh (MN min) để hạn chế sạt lở bờ kênh và mái kênh.
3.2.2 Trường hợp nguồn nước của hệ thống không đảm bảo yêu cầu dùng nước Điều 44: Vận hành dẫn nước trên kênh I và kênh vượt cấp tương tự như vận hành dẫn nước trong mùa khô với trường hợp nguồn nước của hệ thống không đảm bảo yêu cầu dùng nước (vận hành dẫn nước tưới luân phiên).
Điều 45: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng năm, đơn vị quản lý vận hành kênh có thể duy trì mức nước tối thiểu bằng mức nước thấp nhất trong kênh (MN min) để hạn chế sạt lở bờ kênh và mái kênh.
3.3. VẬN HÀNH CỐNG LẤY NƯỚC ĐẦU KÊNH NHÁNH
Điều 46: Vận hành cống lấy nước vào kênh nhánh hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện yêu cầu lấy nước của hệ thống kênh cấp dưới, cửa van cống lấy nước điều tiết lưu lượng theo yêu cầu tưới
Điều 47: Cống chỉ được vận hành theo đúng các chỉ tiêu thiết kế đã được phê duyệt như mực nước thiết kế trước cống, lưu lượng thiết kế qua cống.
Điều 48: Trong trường hợp phải sử dụng cống với các chỉ tiêu cao hơn thì đơn vị quản lý vận hành phải tiến hành tính toán kiểm tra, có ý kiến của cơ quan thiết kế chấp thuận và cấp có thẩm quyền ban hành quy trình chuẩn mới được cho cống làm việc theo chỉ tiêu cao hơn.
Điều 49: Đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý vận hành cống có quyền hành và trách nhiệm quản lý sử dụng cống theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành.
Điều 50: Các cá nhân và cơ quan khác không được ra lệnh hoặc tự ý đóng mở cống.
Điều 51: Trong quá trình vận hành cống nếu xảy ra sự cố, người quản lý phải tìm mọi biện pháp xử lý và báo cáo lên cấp trên trực tiếp để tìm biện pháp giải quyết.
Điều 52: Khi cống đang mở, nếu quan sát thấy một trong các yếu tố thủy lực vượt qua giới hạn thiết kế, người quản lý phải điều chỉnh độ mở cống để công trình làm việc theo đúng chỉ tiêu thiết kế.
Điều 53: Trong quá trình mở cống phải theo dõi tình hình thủy lực nước chảy qua cống để điều chỉnh độ mở cửa cống sao cho nước chảy qua cống thuận dòng, tập trung vào giữa, giảm nhẹ hai bên bờ kênh.
Điều 54: Đóng mở cửa cống phải từ từ. Đóng mở theo từng đợt mà phải được tính toán và quy định trong quá trình quản lý vận hành cống.
Điều 55: Đối với những cống có hai cửa trở lên khi mở không được phép mở một cửa mà phải mở hai cửa cùng lúc, mở lên đều tránh hiện tượng chảy lệch gây xói
lở hạ lưu. Khi đóng thao tác ngược lại, thực hiện tương tự như khi mở.
Điều 56: Khi đóng hoặc mở cống, nếu độ chênh lệch mực nước trước và sau cống nhỏ hơn 10cm thì có thể đóng mở một đợt và không cần theo nguyên tắc đối xứng (mở 1 cửa)
Điều 57: Sử dụng thiết bị đóng mở cống:
1. Tại mỗi máy đóng mở phải đánh dấu chiều quay đóng hoặc mở cống
2. Các thiết bị đóng mở cửa cống vận hành bằng điện phải có công tắc hành trình và rơle bảo vệ.
3. Các thiết bị đóng mở phải được vận hành với tốc độ lực kéo nằm trong giới hạn của nhà sản xuất chế tạo quy định.
4. Khi đóng mở cống gần đến giới hạn thì dừng lại, giảm tốc độ quay máy để khi cửa cống đến điểm dừng thì tốc độ bằng không.
5. Khi đóng mở thủ công (trường hợp mất điện) phải dùng lực đều, không được dùng lực quá lớn để đóng mở cưỡng bức. Trong quá trình đóng mở nếu thấy lực đóng mở tăng hay giảm đột ngột phải dừng lại, kiểm tra xử lý rồi mới tiếp tục đóng mở.
3.4. VẬN HÀNH CỐNG ĐIỀU TIẾT
Điều 58: Vận hành cống điều tiết ở đây phải hiểu vận hành các công trình dẫn nước có cửa van điều tiết kể cả các xi phông có nhiệm vụ điều tiết.