CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
1.2. Khái quát tiền gửi
Tiền gửi là số tiền của tổ chức, cá nhân gửi tại tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác có hoạt động ngân hàng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền.(Theo Khoản 9 Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD 2004).
Với cách giải thích trên, tiền gửi theo pháp luật tín dụng ngân hàng hiện hành là khoản tiền khách hàng gửi tại các tổ chức có hoạt động ngân hàng, trong đó gồm TCTD và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng. Tiền gửi tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có kỳ hạn, không kỳ hạn hoặc hình thức khác, có thể hưởng lãi hoặc không. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hình thức khác có thể hiểu là phát hành giấy tờ có giá18, vì thế tiền mua loại giấy tờ có giá cũng được xem là một dạng tiền gửi. Tuy nhiên, (như đã trình bày trong Điểm a, Điểm b Mục 1.1.2.1), pháp luật đã quy định hình thức phát hành giấy tờ có giá là một hình thức tồn tại riêng biệt. Vì vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất cần phải khẳng định rõ hoạt động phát hành một số loại giấy tờ giá cũng là hình thức nhận tiền gửi.
Theo Luật Các TCTD năm 2010, khái niệm tiền gửi không được đặt ra một cách riêng rẽ, tiền gửi được xác định thông qua khái niệm hình thức nhận tiền gửi (như đã trình bày tại Điểm a Mục 1.1.2.1). Trong đó, bên cạnh các hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, khái niệm còn xác định nhận tiền gửi bao gồm hoạt động nhận tiền nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức “phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”19.
18 Một số văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận tiền mua giấy tờ có giá là một loại tiền gửi được trả bảo hiểm tiền gửi theo quy định pháp luật như: Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi; Nghị định số109/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi; Thông tư số 03/2006/TT- NHNN ngày 25 tháng 4 năm 2006 về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi.
19 Khoản 13 Điều 4 Luật Các TCTD 2010.
Như vậy, thông qua khái niệm huy động vốn, chúng ta nhận thấy tiền gửi có thể được hiểu như sau: Tiền gửi là số tiền của tổ chức, cá nhân gửi tại tổ chức nhận tiền gửi dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm; tiền của tổ chức, cá nhân mua một số loại giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu của các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng.
Theo khái niệm mới này, Luật không liệt kê cụ thể các tổ chức nhận tiền gửi như trước đây để tránh sự thiếu sót, phạm vi tiền gửi được đưa ra rộng hơn, phù hợp hơn. Đây cũng là phạm vi nghiên cứu mà chúng tôi hướng đến.
Thực tế có một số tổ chức khác như các tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện vẫn có hoạt động nhận tiền gửi. Theo đó, các tổ chức này có thể nhận tiền gửi tiết kiệm bưu điện, phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật20.Theo khái niệm mới này, những khoản tiền này cũng được xem là tiền gửi.
1.2.2. Các hình thức tiền gửi 1.2.2.1. Tiền gửi không kỳ hạn
Tiền gửi không kỳ hạn là loại tiền gửi mà giữa khách hàng và TCTD không tồn tại một thỏa thuận về thời hạn rút tiền. TCTD nhận tiền gửi không kỳ hạn có nhiệm vụ chi trả cho khách hàng khi khách hàng có nhu cầu rút tiền.
Tiền gửi không kỳ hạn bao gồm tiền gửi thanh toán (còn gọi là tài khoản dịch vụ hay tài khoản thanh toán, ở Mỹ gọi là tiền gửi theo yêu cầu, ở Pháp thì gọi là tiền gửi theo tài khoản séc) và tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.
- Tiền gửi thanh toán là tiền gửi được khách hàng gửi tại các TCTD để thực hiện các khoản chi trả, thanh toán.
Chủ tài khoản của loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn thông thường là các chủ thể tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh hoặc các chủ thể khác. Mục đích của khách hàng gửi tiền trong trường hợp này là để gửi giữ tiền hoặc hưởng các tiện ích từ các dịch vụ thanh toán của TCTD, chẳng hạn khách hàng được sử dụng các công cụ thanh toán để chi trả như séc, ủy nhiệm chi và các lệnh chi khác; yếu tố lãi suất chỉ là thứ yếu, có thể không được trả lãi suất hoặc được trả mức lãi suất rất thấp.
20 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTG ngày 31 tháng 10 năm 2005 về việc tổ chức, huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi kiệm bưu điện.
Một dạng tài khoản thuộc loại này đang được sử dụng phổ biến hiện nay là tài khoản tiền giao dịch chứng khoán. Đây là loại tài khoản tiền gửi thanh toán chuyên dùng của khách hàng để phục vụ cho mục đích kinh doanh chứng khoán.
Hiện nay, để thu hút khách hàng, hầu hết các NH không thu phí duy trì tài khoản loại này và khách hàng vẫn được tính lãi trên số dư tiền gửi trong tài khoản.
- Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn:
Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm, được xác nhận trên thẻ tiết kiệm, được hưởng lãi theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và được bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm mà NGT có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần báo trước vào bất kỳ ngày làm việc nào của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Đây là loại tiền gửi của các tầng lớp dân cư trong xã hội nhằm mục đích an toàn tiền gửi, tích lũy và tiết kiệm. NGT được hưởng lãi và được BHTG. Loại tiền gửi này là tiền để dành của cá nhân chứ không phải để thanh toán.
Tài khoản tiền gửi loại này không được sử dụng để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán bằng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả cho người khác, trừ trường hợp tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của người cư trú được sử dụng để chuyển khoản thanh toán tiền vay của chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó; hoặc chuyển khoản sang tài khoản khác do chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là chủ tài khoản tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó.
1.2.2.2. Tiền gửi có kỳ hạn
Bao gồm tiền gửi có kỳ hạn của cá nhân, tổ chức và tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của cá nhân.
- Tiền gửi có kỳ hạn của cá nhân, tổ chức là loại tiền gửi mà khách hàng gửi tại các TCTD trên cơ sở có sự thỏa thuận với TCTD nhận tiền gửi về thời gian rút tiền. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tổ chức nhận gửi đều cho phép khách hàng có thể rút tiền trước hạn nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định như thời gian báo trước hoặc có thỏa thuận.
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm mà NGT chỉ có thể rút tiền sau một kỳ hạn gửi tiền nhất định theo thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, NGT cũng có thể rút tiền trước hạn nếu hội đủ các điều kiện nhất
định như phải có thỏa thuận với TCTD và phải đảm bảo thời gian báo trước,...Trong trường hợp không đủ điều kiện nhưng TCTD đồng ý thì khách hàng vẫn có thể rút tiền trước hạn nhưng phải trả mức phí do TCTD quy định21.
Trên thực tế, có rất nhiều dạng của các hình thức tiền gửi dựa trên phân chia kỳ hạn, tính chất của tiện ích và cả hình thức khuyến mại như tài khoản tiền gửi kinh doanh chứng khoán, tài khoản thẻ, tiết kiệm linh hoạt,...