CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
2.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
2.2.1. Hoàn thiện những quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
NHNN có vai trò điều tiết hệ thống tiền tệ, do đó nó bao gồm vai trò đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Theo quy định hiện hành, NHNN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ101. Với cách tổ chức hiện nay, Chính phủ là cơ quan quyết định chính sách (cả về mục tiêu lẫn chỉ tiêu hoạt động) cũng như can thiệp vào quá trình triển khai thực thi chính sách tiền tệ. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của NHNN, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Vì vậy, NHNN cần được nâng cao tính độc
99 Theo Luật Các TCTD 2010 quy định: NHNN xem xét, đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nguy cơ mất khả năng chi trả;
b) Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán;
c) Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
d) Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
đ) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.
100 Xem Điều 152, Điều 155 Luật Các TCTD 2010.
101 Xem Điều 1 Luật NHNN 1997.
lập của mình để hoạt động hiệu quả hơn. Cần thiết trao cho NHNN đủ thẩm quyền để lựa chọn các công cụ điều hành một cách linh hoạt và phù hợp nhất nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra, tức NHNN có trách nhiệm hoàn thành chỉ tiêu trên cơ sở được trao đủ thẩm quyền cần thiết để có thể toàn quyền lựa chọn những công cụ điều hành chính sách tiền tệ phù hợp nhất. Chỉ tiêu chính sách tiền tệ do Chính phủ hoặc Quốc hội quyết định sau khi thảo luận, thỏa thuận với NHNN. Khi NHNN hoạt động hiệu quả, tính an toàn của hệ thống các TCTD cao hơn, quyền lợi của NGT cũng được đảm bảo chắc chắn hơn.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng
- Thứ nhất, NGT có quyền được biết những thông tin về tiền gửi của mình, giúp họ theo dõi, kiểm tra tiền gửi của mình. Như vậy, bên cạnh việc thông báo lãi suất theo định kỳ của TCTD, Luật Các TCTD cần quy định thêm nghĩa vụ thông báo công khai cách tính lãi suất của TCTD cho khách hàng biết, đặc biệt là đối với những khoản tiền gửi được tính theo lãi suất linh hoạt hoặc lãi suất tự điều chỉnh tăng. Các thông tin về cách tính lãi suất phải được đưa lên trang website của các TCTD.
- Thứ hai, để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD, cũng như việc lợi dụng các hình thức khuyến mại để nâng lãi suất huy động theo ý chí của TCTD, dẫn đến những biến động bất ổn trên thị trường tiền tệ. Nhà nước cần phải có những quy định và cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, đặc biệt là hình thức khuyến mại. Do đó, Luật Các TCTD cần ghi nhận việc điều chỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại của các TCTD sẽ được điều chỉnh riêng và được Chính phủ quy định cụ thể.
Sửa đổi, bổ sung Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm
Thứ nhất, nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, đó là bên cạnh tiền gửi tiết kiệm của cá nhân nhằm mục đích tiết kiệm và an toàn thì các tổ chức có tiền gửi nhàn rỗi cũng gửi vào TCTD với mục đích này. Vì vậy, Quy chế cần ghi nhận chủ thể gửi tiền tiết kiệm bao gồm cả tổ chức.
Thứ hai, trong quá trình huy động vốn, vấn đề các nhân viên NH muốn khách hàng gửi tiền nên đôi khi cố tình không minh bạch thông tin dẫn đến nhiều
khách hàng đã có sự nhầm lẫn trong giao dịch. Vì vậy, để tránh sự nhầm lẫn này, bên cạnh các quy định hiện hành về công bố công khai lãi suất, công khai nội dung khuyến mại (đối với hình thức huy động vốn có khuyến mại), Quy chế cần quy định TCTD cần thể hiện rõ nội dung về lãi suất, về quyền rút vốn trước hạn đối với những trường hợp có sự thay đổi khác hơn so với quy định chung mà có khả năng gây ngộ nhận cho khách hàng. Chẳng hạn, trong trường hợp NGT không được rút vốn trước hạn thì trong giấy chứng nhận tiền gửi phải ghi rõ “không được rút vốn trước hạn” hoặc “rút vốn trước hạn sẽ tính lãi suất không kỳ hạn”102. Điều này cũng khắc phục được vấn đề tranh chấp liên quan đến việc có thỏa thuận về rút trước hạn giữa tổ chức nhận tiền gửi và NGT. Bởi, khi đó đã xác định rõ tiền gửi nào được rút vốn trước hạn, tiền gửi nào không được rút vốn trước hạn.
Thứ ba, NGT cũng cần được tạo điều kiện để biết tiền gửi của mình tại các TCTD có được bảo hiểm không, trên thực tế một bộ phận không nhỏ NGT không nắm được điều này. Vì vậy, thỏa thuận giữa NGT và TCTD cần thể hiện được nội dung này. Xuất phát từ đó, Quy chế cần bổ sung nội dung TCTD có trách nhiệm ghi nhận vào thể lệ tiền gửi các loại tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm.
Trong thời gian tới, nếu thực hiện việc việc bảo hiểm tự nguyện đối với tổ chức thì việc ghi nhận vào thể lệ gửi tiền hoặc quy chế mở tài khoản về việc xác định tiền gửi có được bảo hiểm hay không lại càng có ý nghĩa quan trọng, bởi vì lúc bấy giờ sẽ các khoản tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm càng khó xác định hơn hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là một cách tuyên truyền hữu hiệu để NGT hiểu thêm về chính sách BHTG của nhà nước ta đối với dân chúng, giúp dân chúng có nhận thức và lòng tin nhiều hơn đối với BHTG, đối với TCTD, từ đó củng cố lòng tin của họ khi gửi tiền vào TCTD.
Thứ tư, như đã phân tích trong Điểm a Mục 2.1.2.3, pháp luật hiện hành quy định tổ chức nhận tiền gửi đóng tài khoản tiền gửi khi NGT chết và thực hiện chuyển giao tiền gửi cho những người thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể trình tự, thủ tục chuyển giao. Đồng thời, thực tiễn giải quyết vấn đề chuyển giao đối với khoản tiền gửi không thể rút vốn trước hạn cho thấy một số vướng mắc. Do vậy, Quy chế cần thiết quy định rõ theo hướng cho phép những người thừa kế tiền gửi của NGT được quyền rút vốn trước hạn ngay cả trong trường hợp có thỏa thuận không được phép rút vốn trước hạn và được tính lãi suất không kỳ hạn. Điều này có ý nghĩa hạn chế những tranh chấp về thừa kế có thể phát sinh
102 Vì trên thực tế, thông thường các TCTD đều cho phép tính lãi suất có kỳ hạn đối với khoản tiền gửi rút trước hạn nếu khoản tiền này đạt kỳ hạn nhất định.
do việc chia di sản phức tạp và kéo dài cũng như khắc phục được bất cập là chủ nợ của người chết “buộc” phải khởi kiện những người thừa kế để đòi nợ vì sợ hết thời hiệu khởi kiện.
Thêm vào đó, Quy chế cần quy định trong những trường hợp bất khả kháng (như thiên tai, hỏa hoạn, ốm đau,...) NGT có thể rút vốn trước hạn đối với tiền gửi không có thỏa thuận rút trước hạn nhằm giúp họ vượt qua khó khăn này.
Thứ năm, Quy chế cần quy định tổ chức nhận tiền gửi có trách nhiệm đưa lên website của mình Thể lệ tiền gửi tiết kiệm, Quy định về mở và sử dụng tài khoản tiền gửi. Qua đó, tạo được sự công khai, minh bạch hơn về thông tin tiền gửi. NGT dễ dàng tìm hiểu và nắm được những thông tin cần thiết để lựa chọn tổ chức nhận tiền gửi, hình thức gửi tiền phù hợp với nhu cầu của mình.
Sửa đổi, bổ sung quy chế phát hành giấy tờ có giá ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước
Các loại giấy tờ có giá rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, chỉ có một số loại giấy tờ có giá được xem là tiền gửi (theo Luật Các TCTD 2010 thì bao gồm chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu) thì mới có thể được BHTG chi trả khi gửi tiền vào tổ chức có tham gia BHTG. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chỉ bảo hiểm tiền ghi danh. Chính vì vậy, khi phát hành các loại giấy tờ có giá, tổ chức phát hành cần thiết ghi rõ trên giấy tờ có giá đó là được bảo hiểm hay không được BHTG.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2001 về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21 tháng 11 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước
Thứ nhất, như đã phân tích, nội dung của hai văn bản này không có sự thống nhất trong việc quy định các trường hợp được phép đóng tài khoản của khách hàng.
Đồng thời quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 64/2001/NĐ-CP không phù hợp, có thể ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của NGT. Mặt khác, hiện nay chúng ta đang khuyến khích thanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, việc dễ dàng đóng tài khoản khách hàng sẽ hạn chế việc thanh toán này. Vì vậy, không nên quy định trường hợp NH được đóng tài khoản khách hàng vì lý do số dư trong tài khoản thấp
và không sử dụng dịch vụ thanh toán trong thời gian dài. Do đó, bỏ nội dung này trong phần trong Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 64/2001/NĐ-CP. Đồng thời, luật cần quy định cụ thể vi phạm nào thì TCTD được đóng tài khoản khách hàng để tránh sự tùy tiện của các TCTD khi quy định vấn đề này. Từ đó sửa đổi Khoản 1 Điều 14 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tại NHNN và TCTD theo hướng NH được phép đóng tài khoản của khách hàng theo Điều 10 Nghị định số 64/2001/NĐ- CP.
Thứ hai, Nghị định cần bổ sung trường hợp tổ chức nhận tiền gửi đóng tài khoản NGT khi người này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, chuyển giao cho cho người giám hộ quản lý theo quy định về giám hộ.
Thứ ba, theo quy định hiện hành không có quy định về trường hợp khách hàng được phép phong tỏa tài khoản của TCTD để bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình. Vì vậy, Nghị định cần bổ sung nội dung này để tránh việc các TCTD đưa ra những quy định phong tỏa tài khoản NGT không chính đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành kèm theo Quyết định số 226/2002/QĐ- NHNN ngày 26 tháng 03 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Trong quá trình thực hiện dịch vụ chuyển tiền, việc NH “ngâm” tiền của khách hàng đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng và trong nhiều trường hợp đã gây thiệt hại đáng kể cho khách hàng. Hiện nay, pháp luật cũng có quy định về việc nếu NH gây thiệt hại cho khách hàng thì khách hàng có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Đồng thời, luật cũng xác định mức bồi thường nhưng chưa đủ mạnh nên việc vi phạm còn phổ biến. Do vậy, cần nâng cao mức bồi thường đối với hành vi này. Chẳng hạn, mức phạt chậm trả bằng 2 lần mức lãi suất quá hạn loại cho vay cao nhất tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm. Bên cạnh đó, hành vi “ngâm tiền” là một hành vi vi phạm nguyên tắc hoạt động ngân hàng, vì vậy cần có chế tài hành chính đối với hành vi này. Quy chế cần bổ sung chế tài xử phạt hành chính đối với nhân viên NH và NH có hành vi cố ý giữ lại khoản tiền của khách hàng mà không chuyển đúng thời gian quy định, trong đó nêu rõ mức xử phạt đối với hành vi trên.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng và Thông tư số
02/2001/TT-NHNN ngày 4 tháng 4 năm 2001 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2000/NĐ-CP
Thứ nhất, theo quy định hiện hành, cũng như Luật Các TCTD 2010 không quy định chế tài cụ thể đối với tổ chức nhận tiền gửi khi vi phạm nghĩa vụ tiết lộ thông tin. Hiện nay, pháp luật chỉ dừng lại ở việc khách hàng được quyền khiếu nại và khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Cần quy định cơ chế xác định thiệt hại làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định thiệt hại mà chủ thể vi phạm phải bồi thường cho NGT bị thiệt hại. Cần bổ sung những chế tài cụ thể đối với việc tiết lộ bí mật thông tin khách hàng vào Nghị định này, xác định rõ những trường hợp nào thì xử phạt hành chính, trường hợp nào phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, phân định rõ vụ việc thuộc trách nhiệm cụ thể của cơ quan nào, tạo thuận lợi cho khách hàng khi khiếu kiện, tránh sự đùn đẩy giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời cũng giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết dễ dàng hơn.
Thứ hai, để tạo cơ sở pháp lý cũng như tạo điều kiện tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi NGT chưa thành niên, người thừa kế của NGT, cần ghi nhận chủ thể được cung cấp thông tin bao gồm cả người đại diện cho NGT (đối với NGT chưa thành niên) và người thừa kế của NGT (trong trường hợp NGT chết). Vì vậy, sửa đổi Thông tư số 02/2001/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP như sau: “Việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo yêu cầu của bản thân khách hàng đó hoặc người đại diện của NGT hoặc người thừa kế (trong trường hợp NGT chết) được thực hiện theo hướng dẫn của từng tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.”
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP và Thông tư số 03/TT-NHNN ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP và Nghị định số 109/2005/NĐ- CP
- Thứ nhất, về đối tượng được bảo hiểm
Chính sách bảo hiểm của Nhà nước là bảo hiểm cá nhân NGT nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ chủ yếu những đối tượng là người có thu nhập trung bình, thấp, người làm công ăn lương... Mặt khác, quy định chế độ bảo hiểm như hiện nay có ý nghĩa khuyến khích những người dân có vốn lớn, có khả năng kinh doanh nên
đầu tư vốn vào kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần giải quyết việc làm, ổn định xã hội, tạo nhiều nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước. Vì vậy pháp luật nên duy trì quy định bảo hiểm bắt buộc đối với đối tượng này.
Vấn đề bảo hiểm đối với tổ chức không cần thiết sử dụng quy định bảo vệ bắt buộc, bởi họ không là đối tượng yếu thế cần sự che chở của xã hội. Như đã trình bày, bảo hiểm đối với tiền gửi cá nhân phần đông là khoản tiết kiệm, dành dụm.
Còn đối với các tổ chức kinh doanh thì đã kinh doanh cũng nên chấp nhận rủi ro.
Đó là chưa đề cập đến các chủ thể này có khả năng nắm bắt thông tin tốt, có thể tự bảo vệ mình tốt hơn so với các chủ thể khác khi có những bất ổn trong thị trường tài chính - tiền tệ. Do đó, việc bảo hiểm cho khoản tiền gửi đối với các chủ thể này nên để các TCTD tự nguyện tham gia, điều này tùy thuộc vào sự cạnh tranh cũng như năng lực của các TCTD, bởi bên cạnh việc đóng phí bảo hiểm, TCTD còn phải duy trì tài khoản dự trữ bắt buộc tại NHNN, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của TCTD.
Tóm lại, bổ sung quy định cho phép các TCTD đóng phí BHTG đối với các khoản tiền gửi của tổ chức, việc đóng phí này là tự nguyện. Từ đó, bổ sung quy định các tổ chức gửi tiền tại các TCTD có đóng các khoản phí này sẽ được bảo hiểm đối với phần tiền gửi của mình.
- Thứ hai,về hạn mức chi trả bảo hiểm
Như đã phân tích trên, việc xác định hạn mức chi trả BHTG cần phải dựa vào nhiều yếu tố như tình hình thị trường tài chính, lạm phát, thu nhập bình quân đầu người, năng lực tài chính chính của BHTG... Phân tích cho thấy thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều biến động, lạm phát đang cao, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong 5 năm qua cũng đã tăng đáng kể. Vì vậy, việc duy trì hạn mức chi trả BHTG là 50 triệu đồng từ năm 2005 đến nay là thấp, không phù hợp.
Do đó, cần xác định lại hạn mức này cho phù hợp với tình hình hiện tại.
- Thứ ba, về loại tiền gửi được bảo hiểm
Bên cạnh việc bảo hiểm đối với Đồng Việt Nam, cần thiết phải bảo hiểm đối với ngoại tệ và vàng được gửi tại các tổ chức tham gia BHTG. Điều này một mặt đảm bảo được sự bình đẳng giữa những NGT, mặt khác, tăng cường thu hút nguồn vốn ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu giao dịch thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ. Đồng thời, đó cũng là một đòi hỏi tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế khi lượng giao dịch ngoại tệ của nước ta hiện đã phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng.
Thứ tư, tổ chức lại mô hình của BHTG